Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất là gì? Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất Tiếng Anh là gì? Cấu thành tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất? Quy định về hình phạt theo pháp luật hiện hành?
Để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, nhà nước cần phải thu hồi các diện tích đã giao cho các cá nhân, tổ chức sử dụng. Để đảm bảo quyền lợi về tài sản, cũng như đảm bảo cuộc sống của người sử dụng đất có diện tích đất bị thu hồi, nhà nước ta có chính sách bồi thường, hỗ trợ đất, hỗ trợ tài sản cho người sử dụng đất. Đây là một chính sách đúng đắn, đảm bảo công bằng, khắc phục hạn chế những tác động tiêu cực đến đời sống bình thường của người sử dụng đất.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện chính sách, có nhiều người đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình trong việc thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện sai chính sách của nhà nước, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, không đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch cũng như quyền lợi của người có diện tích đất bị thu hồi. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho bạn đọc những kiến thức pháp lý về tội phạm vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất mới nhất hiện nay:
1. Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất là gì?
Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất là tội phạm có dấu hiệu hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của nhà nước về bồi thường đất, hỗ trợ tái định cư, bồi thường về tài sản, bồi thường về sản xuất kinh doanh gây thiệt hại về tài sản cho người khác.
Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất được quy định cụ thể tại Điều 230
2. Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất Tiếng Anh là gì?
Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất Tiếng Anh là “Offences against regulations on compensation, support, and relocation upon and withdrawal by the State”.
3. Cấu thành tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất
Khách thể của tội phạm:
Tội phạm này xâm phạm đến khách thể là chính sách và các quy định của nhà nước về quản lý đất đai, xâm phạm đến sự hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, xâm phạm đến quyền, lợi ích của nhà nước, của người sử dụng đất trong việc thu hồi đất.
Tội phạm vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất còn ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào các chính sách, việc thực hiện các chính sách của nhà nước về thu hồi đất nói riêng, các chính sách quản lý kinh tế nói chung.
Đối tượng tác động của các tội phạm này là đất đai
Mặt khách quan của tội phạm:
Dấu hiệu hành vi:
– Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
– Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất là rất đa dạng và hết sức tinh vi. Biểu hiện của hành vi đó như sau:
+ Không bồi thường về đất, không hỗ trợ và tái định cư hoặc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư không đúng diện tích đất, các khoản hỗ trợ, tái định cư mà người sử dụng đất được bồi thường về đất, hỗ trợ gây thiệt hại cho người sử dụng đất có diện tích đất thu hồi hoặc gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước.
+ Bồi thường về đất không đúng loại đất có cùng mục đích sử dụng với diện tích đất thu hồi, bồi thường vượt quá diện tích đất thu hồi, hỗ trợ và tái định cư cao hơn tiêu chuẩn mà người sử dụng đất được bồi thường, hỗ trợ theo quy định gây thiệt hại về tài sản cho nhà nước hoặc người sử dụng đất;
+ Áp dụng bồi thường bằng tiền cho diện tích đất thu hồi không đúng theo giá đất được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm có quyết định thu hồi đất;
+ Áp dụng bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư cho những trường hợp thu hồi đất không đủ điều kiện được bồ thường về đất, và tài sản trên đất hoặc không được áp dụng các khoản hỗ trợ, tái định cư;
+ Áp dụng bồi thường, hỗ trợ cho khoản chi phí đầu tư vào đất còn lại cho các trường hợp không thuộc diện được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật hoặc áp dụng vượt mức đền bù với chi phí đầu tư vào đất còn lại được bồi thường.
Một số khái niệm:
Bồi thường về đất: Là việc nhà nước bồi thường, đền bù bằng đất tương ứng cho người sử dụng đất khi bị thu hồi đất nhằm đảm bảo đời sống, đảm bảo nơi ăn ở, sinh sống, an ninh, sản xuất đầu tư kinh doanh… khi diện tích đất thu hồi đảm bảo các điều kiện tại Điều 75 Luật Đất đai 2013 và các quy định khác pháp luật. Nhà nước quy định cụ thể điều kiện được bồi thường về đất, diện tích đất được bồi thường, loại đất được bồi thường tương ứng. Trong trường hợp người có diện tích đất thu hồi không có nhu cầu bồi thường bằng đất hoặc không có đất để bồi thường thì được nhà nước bồi thường bằng tiền tương ứng với giá trị diện tích đất thu hồi theo giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
Hỗ trợ và tái định cư: Ngoài việc được bồi thường về đất, người sử dụng đất còn được nhà nước hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp hoặc thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở; được nhận các khoản hỗ trợ khác (hỗ trợ tiền, công cụ lao động, các khoản tài chính ưu đãi…). Trong trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở, người sử dụng đất được Nhà nước hỗ trợ bằng việc lập và thực hiện dự án tái định cư.
Ngoài các hành vi kể trên, tội phạm này còn bao gồm các hành vi khách quan khác như:
– Chậm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và các khoản bồi thường khác làm phát sinh khoản đền bù do chậm thực hiện.
– Hoặc không khấu trừ khoản tiền tương ứng với nghĩa vụ tài chính mà người sử dụng đất phải thực hiện khi Nhà nước đền bù về đất….
– Hậu quả, thiệt hại:
Đây là tội phạm có cấu thành vật chất vì vậy hậu quả thiệt hại về tài sản là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.
Thiệt hại về tài sản có thể là thiệt hại cho ngân sách nhà nước do tăng chi phí bồi thường hay thiệt hại về tài sản của người sử dụng đất do việc phát sinh chi phí, thất thoát tài sản hay được bồi thường thấp hơn so với thực tế.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội phạm này có cấu thành lỗi là cố ý
Lỗi cố ý trực tiếp: Nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm chính sách và các quy định của nhà nước về quản lý đất đai, xâm phạm đến sự hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, xâm phạm đến quyền, lợi ích của nhà nước, của người sử dụng đất trong việc thu hồi đất, nhưng vẫn mong muốn hậu quả xảy ra
Lỗi cố ý gián tiếp: Nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm chính sách và các quy định của nhà nước về quản lý đất đai, xâm phạm đến sự hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, xâm phạm đến quyền, lợi ích của nhà nước, của người sử dụng đất trong việc thu hồi đất tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra
Động cơ, mục đích: Người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm vì động cơ, mục đích vụ lợi.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm này có dấu hiệu đặc biệt, ngoài việc đạt độ tuổi luật định, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự thì chủ thể còn phải là người có chức vụ, quyền hạn trong việc thực hiện thu hồi đất, đền bù, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự:
Người thực hiện hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất thuộc một trong những trường hợp sau:
Gây hậu quả thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên
Gây hậu quả thiệt hại về tài sản dưới 100.000.000 đồng nhưng người phạm tội đã bị xử lý kỷ luật về hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
4. Quy định về hình phạt theo pháp luật hiện hành
Khung 1: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm ( Khoản 1 Điều 230 BLHS 2015 sửa đổi 2017)
Áp dụng đối với trường hợp người lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm một trong các hành vi:
– Vi phạm quy định của pháp luật về bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư;
– Vi phạm quy định của pháp luật về bồi thường về tài sản, về sản xuất kinh doanh.
Khung 2: Phạt tù từ 03 năm đến 12 năm (Khoản 2 Điều 230 BLHS 2015 sửa đổi 2017)
Áp dụng đối với trường hợp người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
– Vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác;
– Có tổ chức;
– Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
– Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
Khung 3: Phạt tù từ 10 năm đến 20 năm (Khoản 3 Điều 230 BLHS 2015 sửa đổi 2017)
Áp dụng đối với trường hợp phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên
Hình phạt bổ sung: Ngoài hình phạt chính người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.