Tội chiếm đoạt, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là gì? Quy định về tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức? Cấu thành tội phạm mức hình phạt theo Điều 342 Bộ luật hình sự năm 2015?
Thực trạng hiện nay, con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức bị chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy diễn ra ngày càng nhiều với thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm hơn bởi những lợi ích vật chất to lớn mà việc làm này đem lại. Vậy hành vi này sẽ bị xử lý hình sự như thế nào? Bài viết tập trung làm rõ Tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là gì cũng như quy định của Bộ luật hình sự đối với tội phạm này.
Cơ sở pháp lý:
–
Mục lục bài viết
- 1 1. Tội chiếm đoạt, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là gì?
- 2 2. Quy định về tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức:
- 3 3. Cấu thành tội chiếm đoạt, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức:
- 4 4. Hình phạt tội chiếm đoạt, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức:
1. Tội chiếm đoạt, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là gì?
Tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý, xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước về con dấu, tài liệu của cơ quan, nhà nước bằng hành vi chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác.
2. Quy định về tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức:
Tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 342 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
“Điều 342. Tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức
1. Người nào chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng trở lên;
c) Thực hiện hành vi trái pháp luật;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
3. Cấu thành tội chiếm đoạt, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức:
3.1. Khách thể của tội phạm:
Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý của Nhà nước về con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
3.2. Mặt khách quan của tội phạm:
Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác.
Con dấu của cơ quan, tổ chức là phương tiện đặc biệt do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký, quản lý, được sử dụng để đóng trên văn bản, giấy tờ của cơ quan, tổ chức.
Tài liệu không thuộc bí mật nhà nước là tài liệu không chứa đựng thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của pháp luật, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Tài liệu không thuộc bí mật công tác là tài liệu không chứa đựng thông tin có nội dung quan trọng mà cơ quan, tổ chức không công bố hoặc chưa công bố.
(Phạm vi bí mật nhà nước là giới hạn thông tin quan trọng trong các lĩnh vực sau đây chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc:
1. Thông tin về chính trị:
a) Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối nội, đối ngoại;
b) Hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước;
c) Chiến lược, đề án về dân tộc, tôn giáo và công tác dân tộc, tôn giáo liên quan đến bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;
d) Thông tin có tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, kinh tế – xã hội;
2. Thông tin về quốc phòng, an ninh, cơ yếu:
a) Chiến lược, kế hoạch, phương án, hoạt động bảo vệ Tổ quốc, phòng thủ đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; chương trình, dự
án, đề án đặc biệt quan trọng;
b) Tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng cơ yếu;
c) Công trình, mục tiêu về quốc phòng, an ninh, cơ yếu; các loại vũ khí, khí tài, phương tiện quyết định khả năng phòng thủ đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo
đảm trật tự, an toàn xã hội; sản phẩm mật mã của cơ yếu;
3. Thông tin về lập hiến, lập pháp, tư pháp:
a) Hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước;
b) Thông tin về khởi tố; công tác điều tra, thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, xét xử, thi hành án hình sự;
4. Thông tin về đối ngoại:
a) Chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển quan hệ với nước ngoài, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế; tình hình, phương án, kế hoạch, hoạt động đối ngoại của cơ quan Đảng, Nhà nước;
b) Thông tin, thỏa thuận được trao đổi, ký kết giữa Việt Nam với nước ngoài, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế;
c) Thông tin bí mật do nước ngoài, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế chuyển giao theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan;
5. Thông tin về kinh tế:
a) Chiến lược, kế hoạch đầu tư và dự trữ quốc gia bảo đảm quốc phòng, an ninh; đấu thầu phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia;
b) Thông tin về tài chính, ngân sách, ngân hàng; phương án, kế hoạch thu, đổi, phát hành tiền; thiết kế mẫu, chế tạo bản in, khuôn đúc, công nghệ in, đúc tiền và giấy tờ có giá; số lượng, nơi lưu giữ kim loại quý hiếm, đá quý và vật quý hiếm khác của Nhà nước;
c) Thông tin về công nghiệp, thương mại, nông nghiệp và phát triển nông thôn;
d) Kế hoạch vận tải có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh;
đ) Thông tin về quá trình xây dựng quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; thông tin về quy hoạch hệ thống kho dự trữ quốc gia, quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng, an ninh;
6. Thông tin về tài nguyên và môi trường bao gồm tài nguyên nước, môi trường, địa chất, khoáng sản, khí tượng thủy văn, đất đai, biển, hải đảo, đo đạc và bản đồ;
7. Thông tin về khoa học và công nghệ:
a) Sáng chế, công nghệ mới phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội;
b) Thông tin về năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân liên quan đến quốc phòng, an ninh;
c) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia liên quan đến quốc phòng, an ninh;
8. Thông tin về giáo dục và đào tạo:
a) Đề thi, đáp án và thông tin liên quan đến việc tổ chức kỳ thi cấp quốc gia;
b) Thông tin về người thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu được cử đi đào tạo trong nước và ngoài nước;
9. Thông tin về văn hóa, thể thao:
a) Thông tin về di sản, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; phương pháp, bí quyết sáng tạo, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa phi vật thể;
b) Phương pháp, bí quyết tuyển chọn huấn luyện viên, vận động viên các môn thể thao thành tích cao; biện pháp, bí quyết phục hồi sức khỏe vận động viên sau tập luyện, thi đấu; đấu pháp trong thi đấu thể thao thành tích cao;
10. Lĩnh vực thông tin và truyền thông:
a) Chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển báo chí, xuất bản, in, phát hành, bưu chính, viễn thông và Internet, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng, điện tử, phát thanh và truyền hình, thông tin điện tử, thông tấn, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia để phục vụ quốc phòng, an ninh;
11. Thông tin về y tế, dân số:
a) Thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước;
b) Chủng, giống vi sinh vật mới phát hiện liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người; mẫu vật, nguồn gen, vùng nuôi trồng dược liệu quý hiếm;
c) Quy trình sản xuất dược liệu, thuốc sinh học quý hiếm;
d) Thông tin, tài liệu, số liệu điều tra về dân số;
12. Thông tin về lao động, xã hội:
a) Chiến lược, kế hoạch, đề án về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, người có công với cách mạng;
b) Tình hình phức tạp về lao động, trẻ em, tệ nạn xã hội, bình đẳng giới;
13. Thông tin về tổ chức, cán bộ:
a) Chiến lược, kế hoạch, đề án về công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội;
b) Quy trình chuẩn bị và triển khai, thực hiện công tác tổ chức, cán bộ;
c) Thông tin về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;
d) Đề thi, đáp án thi tuyển chọn lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, nâng ngạch công chức, viên chức;
14. Thông tin về thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng:
a) Chiến lược, kế hoạch, đề án về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng;
b) Thông tin về hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng;
15. Thông tin về kiểm toán nhà nước:
a) Chiến lược, kế hoạch, đề án về kiểm toán nhà nước;
b) Thông tin kiểm toán về tài chính công, tài sản công).
Chiếm đoạt con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức đang do người khác quản lý thành của mình bằng bất cứ thủ đoạn nào (cướp, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt…).
Mua bán con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là hành vi mua và bán, mua để bán, bán hoặc trao đổi con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức lấy lợi ích vật chất nào đó.
Tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là hành vi cố ý làm mất giá trị sử dụng của con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức mà không thể khôi phục lại được.
3.3. Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.
3.4. Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm là người đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.
4. Hình phạt tội chiếm đoạt, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức:
Khung hình phạt tại khoản 1
Người phạm tội bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Khung hình phạt tại khoản 2
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
– Có tổ chức: Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
– Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng trở lên;
– Thực hiện hành vi trái pháp luật: Đây là trường hợp chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức nhằm mục đích thực hiện hành vi trái pháp luật khác.
– Tái phạm nguy hiểm. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
+ Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
+ Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
Hình phạt bổ sung tại khoản
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm