Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là gì? Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tiếng Anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự? Dấu hiệu pháp lý của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự? Hình phạt? Vụ án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự?
Hợp đồng vay tài sản có thể nói là loại hợp đồng phổ biến trong giao dịch dân sự. Theo đó, đối với hợp đồng vay tài sản, các bên có thể tự do thỏa thuận mức lãi suất nhưng không vượt quá mức do pháp luật dân sự quy định. Trường hợp cho vay lãi nặng sẽ bị xử lý hình sự. Bài viết tìm hiểu về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và quy định của Bộ luật hình sự về tội phạm này.
Cơ sở pháp lý:
–
Mục lục bài viết
- 1 1. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là gì?
- 2 2. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tiếng Anh là gì?
- 3 3. Quy định của Bộ luật hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
- 4 4. Dấu hiệu pháp lý của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
- 5 5. Hình phạt
- 6 6. Vụ án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là gì?
Lãi hay còn gọi là lãi vay hay tiền lãi là phí trả cho một khoản vay tài sản cho chủ sở hữu như một hình thức bồi thường cho việc sử dụng của tài sản. Khi ký kết hợp đồng vay tài sản, các bên thường có điều khoản thỏa thuận về lãi suất. Khi các bên không thỏa thuận thì lãi suất sẽ được tính theo quy định của pháp luật dân sự. Chính vì những lợi ích vật chất khổng lồ mà tiền lãi mang lại nên bên cho vay thường cố gắng đẩy mức lãi suất lên cao, thậm chí là gấp nhiều lần mức lãi suất quy định (còn gọi là cho vay lãi nặng). Hành vi này dẫn đến bên vay rơi vào thế khó và làm cho nhà nước khó khăn hơn trong việc quản lý giao dịch này của các bên. Vì vậy, Bộ luật hình sự đã quy định hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là tội phạm.
Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý, xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước về việc cho vay trong giao dịch dân sự.
2. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tiếng Anh là gì?
Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự trong tiếng Anh là “Usury in civil transactions”.
3. Quy định của Bộ luật hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
“Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
4. Dấu hiệu pháp lý của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
4.1. Khách thể của tội phạm
Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý của Nhà nước về việc cho vay trong giao dịch dân sự.
4.2. Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự 2015.
Trong đó, giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 quy định về lãi suất như sau:
“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.
Như vậy, trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự là cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên, hay 8,4%/tháng trở lên.
Tuy nhiên, tội phạm này có dấu hiệu hậu quả là dấu hiệu bắt buộc. Theo đó, trong giao dịch dân sự, hành vi cho vay với lãi suất 100%/năm trở lên hay 8,4%/tháng trở lên chỉ cấu thành tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nếu thuộc một trong hai trường hợp:
– Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên
– Thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự hoặc đã bị kết án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Bị coi là đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự mà còn vi phạm, nếu trước đó đã bị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn thực hiện hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
4.3. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.
4.4. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.
5. Hình phạt
Khung hình phạt tại khoản 1:
Người phạm tội bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Khung hình phạt tại khoản 2:
Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên thì bị phat tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm
Khung hình phạt tại khoản 3:
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
6. Vụ án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào lúc 18 giờ ngày 08/5/2018 anh Lưu Thanh H, sinh năm 1977. ĐKTT: số 140/20A Nguyễn Văn Cừ, phường An Hòa, quận Ninh Kiều đến Công an phường An Hòa tố giác Ngô Doãn Th có hành vi hành hung đánh anh H và đòi nợ cho vay lãi suất cao. Anh H khai nhận: Vào ngày 15/01/2018 anh H có thỏa thuận viết biên nhận vay tiền từ Nguyễn Anh T số tiền 14.000.000 đồng, mỗi ngày đóng tiền lãi là 280.000 đồng (tương đương 60%/tháng), tiền gốc cho vay giữ nguyên khi nào anh H có khả năng trả số tiền vay gốc một lần thì hợp đồng cho vay chấm dứt. Đến khoảng tháng 03/2018, anh H không có khả năng đóng tiền lãi nên lánh mặt, đến ngày 08/5/2018 Th gặp anh H tại đầu hẻm 140 Nguyễn Văn Cừ, phường An Hòa thì yêu cầu trả tiền và có hành vi dùng chân đạp vào người anh H.
Quá trình tiếp nhận xác minh tố giác tội phạm, Cơ quan điều tra tiến hành mời các đối tượng làm việc, Ngô Doãn Th thừa nhận có thu tiền góp của anh H cho Nguyễn Anh T. Ngoài ra, Ngô Doãn Th khai nhận khoảng thời gian từ tháng 12/2017 đến nay, Th trực tiếp làm thuê và đi thu tiền góp cho Nguyễn Chí T, T trả tiền công hàng tháng là 4.000.000 đồng và cho ăn, ở tại nhà T, địa chỉ: Quán cà phê H, đường số 24 K, phường A, quận N. Quá trình làm việc Th tự nguyện giao nộp các tài liệu liên quan đến việc cho vay gồm: 51 biên nhận vay tiền và 01 điện thoại hiệu Samsung màu trắng.
Kết quả kiểm tra thu giữ từ Th 51 biên nhận vay tiền mà tên T trực tiếp cho 44 người vay chủ yếu ở các quận N; B; C và huyện P.
Quá trình mở rộng điều tra, tiến hành mời Nguyễn Chí T làm việc. T thừa nhận đã cho nhiều người vay tiền khoảng thời gian từ tháng 6/2015 đến khi bị phát hiện. Khoảng tháng 9/2017, Ngô Doãn Th đi thu tiền vay, hàng tháng T trả lương cho Th 4.000.000 đồng và lo ăn ở. Hình thức T cho vay là: Người có nhu cầu vay tiền sẽ trực tiếp gặp T hoặc gọi điện thoại để thỏa thuận số tiền vay, cung cấp giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu. T là người quyết định việc cho vay và quy định lãi suất cho vay từng trường hợp cụ thể. Người vay đồng ý sẽ gặp T để T giao tiền hoặc T đưa cho Th giao và yêu cầu người vay viết biên nhận theo mẫu đã soạn sẵn nội dung. Theo đó, biên nhận chỉ thể hiện họ tên người vay, địa chỉ, số tiền vay, thời điểm vay và ký tên, không thể hiện lãi suất vay trong biên nhận.
Cơ quan điều tra tiến hành rà soát thông tin trên 51 biên nhận do Ngô Doãn Th giao nộp thể hiện có 44 người vay với tổng số tiền là 361.000.000 đồng. Các biên nhận thể hiện thời gian vay từ năm 2017 đến 2018. Trong 44 người vay thì có 43 người do T trực tiếp cho vay. Trong đó, có 17 trường hợp thông tin trên biên nhận không rõ hoặc người vay không có mặt ở địa P nên không mời làm việc được. Cơ quan điều tra tiến hành làm việc với 26 người vay và xác định trong số 26 người vay thì có 10 người vay tiền của Nguyễn Chí T với lãi suất từ 30% đến 60%/tháng (tương đương 01% – 02%/ngày hoặc 360% – 720%/năm). 16 người còn lại vay của T với lãi suất dưới 8,34%/tháng phù hợp lãi suất pháp luật cho phép nên không đề cập xử lý.
Có thể thấy trong vụ án, Nguyễn Chí T đã có hành vi cho vay với lãi suất 30% đến 60%/tháng (~360%-720%/năm), vượt quá 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự 2015 đồng thời thu lợi bất chính 32.457.250 đồng nên đã cấu thành tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều 201 Bộ luật hình sự 2015.