Tội đua xe trái phép là gì? Tội đua xe trái phép tiếng Anh là gì? Quy định của Bộ luật Hình sự của tội đua xe trái phép?
Hiện nay, lực lượng công an liên tục bắt giữ rất nhiều đối tượng đua xe trái phép, các hành vi này thường được thực hiện ở những khu vực rất đặc thù như đường cao tốc, ở phố đi bộ,… Hành vi đua xe trái phép gây ra rất nhiều hậu quả cho xã hội. Để ngăn chặn, răng đe những hành vi đó, Bộ Luật Hình sự đã quy định về Tội đua xe trái phép. bài viết dưới dây, Luật Dương Gia sẽ giới thiệu những thông tin cần biết về Tội đua xe trái phép theo quy định của
1. Tội đua xe trái phép là gì?
Tội đua xe trái phép là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong bộ luật hình sự, do người năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi quy định thực hiện đua xe trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ gây thiệt hại cho người khác.
2. Tội đua xe trái phép tiếng Anh là gì?
Tội đua xe trái phép tiếng Anh là “Illegal street racing”.
3. Quy định của Bộ luật Hình sự của tội đua xe trái phép
Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội đua xe trái phép như sau:
“Điều 266. Tội đua xe trái phép
1. Người nào đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc Điều 265 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
e) Tham gia cá cược;
g) Chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;
h) Tại nơi tập trung đông dân cư;
i) Tháo dỡ thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;
k) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
Khách thể của tội phạm:
Tội đua xe trái phép xâm phạm trật tự, an toàn công cộng, tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác ở những nơi công cộng
Mặt khách quan của tội phạm:
Hành vi phạm tội: đó là hành vi trực tiếp điều khiển các phương tiện đua xe trái phép trên các đường giao thông cộng cộng. Cần lưu ý rằng, hành vi đua xe được coi là hành vi phạm tội khi hành vi đó không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; còn việc đua xe được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì không bị coi là tội phạm.
Các phương tiện đua xe trái phép là các phương tiện giao thông đường bộ có gắn động cơ như ô tô, xe máy,… Đây là những phương tiện mà khi được sử dụng vào các cuộc đua xe bất hợp pháp chứa đựng khả năng gây ra những hậu quả nguy hại cho cộng đồng, trật tự công cộng, tính mạng, sức khỏe và tài sản của con người. Còn trường hợp mà các chủ thể sử dụng phương tiện dùng vào việc đua xe là xe thô sơ như xe đạp, xe xích lô thì không bị coi là hành vi phạm tội này; còn nếu hành vi đua xe thô sơ trái phép gây hậu quả nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác.
Hành vi điều khiển xe tham gia cuộc đua xe được coi là hành vi quan trọng nhất. Tội phạm hoàn thành từ khi người phạm tội bắt đầu điều khiển xe tham gia cuộc đua. Người điều khiển xe tham gia cuộc đua mới là người thực hiện hành vi đua xe, còn người ngồi sau xe đua sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đua xe trái phép vì họ không trực tiếp điều khiển xe tham gia đua xe.
Khi một người đã chuẩn bị phương tiện và những điều kiện cần thiết đang trên đường đến điểm tập trung đua xe bị phát hiện và bị bắt giữ, khi đó vẫn chưa cấu thành tội đua xe trái phép, vì hành vi đua xe vẫn chưa được người đó thực hiện.
Pháp luật không quy định về việc có ý định đua xe từ trước hay không, chỉ cần có hành vi tham gia đua xe thì sẽ cấu thành tội đua xe trái pháp luật, dù đó có thể là hành vi bất chợt xuất hiện của người tham gia chứ không phải là có dự tính từ trước.
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội đua xe trái phép. Khi hành vi đua xe chưa gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản của người khác thì hành vi đua xe trái phép chưa cấu thành tội đua xe trái phép. Trong trường hợp hành vi đua xe trái phép của người đua xe mà không gây thiệt hại gì về người hoặc tài sản thì hành vi đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.
Hậu quả theo quy định tại Điều 266 chính là gây hậu quả làm ảnh hưởng đến tính mạng của người khác (Làm chết người); Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng trở lên.
Đối với thiệt hại về sức khỏe của người khác hoặc tài sản của người khác cần phải có chứng nhận của cơ quan y tế hoặc giám định tỷ lệ thương tật
Bên cạnh đó, là chủ thể thực hiện hành vi đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi đua đua xe hoặc tổ chức đua xe trái pháp luật hoặc đã bị kết án về tội này mà chưa được xóa án tích mà còn vi phạm được hiểu là đặc điểm xấu về nhân thân người phạm tội. Hành vi đua xe của người phạm tội không gây ra hậu quả như trường hợp trên nhưng trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi đua xe trái phép hoặc đã từng bị kết án về tội đua xe trái phép mà chưa được xóa án tích. Việc sử dụng đặc điểm xấu về nhân thân là điều kiện để xác định tội phạm như vậy, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội đua xe trái pháp luật người có năng lực trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự. Theo đó, chủ thể của tội phạm là người có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi. Còn về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, thì Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định như sau:
“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”
Từ quy định trên, thì người từ đủ 14 tuổi trở lên chịu trách nhiệm hình sự theo quy định từ khoản 4 của điều luật.
Người từ đủ 16 tuổi trở lên chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1, 2, 3 của điều luật này.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Người phạm tội đua xe trái phép thực hiện hành vi phạm tội của mình là do cố ý. Với lỗi cố ý trực tiếp, thì người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi đua xe trái phép, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Còn với lỗi gián tiếp, thì chủ thể thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Hình phạt:
– Hình phạt cơ bản tại Khoản 1 Điều 266 đó chính là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm
– Hình phạt tăng nặng tại Khoản 2 Điều 266 chính là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 10 năm
– Hình phạt tăng nặng tại Khoản 3 Điều 266 chính là bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm
– Hình phạt tăng nặng tại Khoản 4 Điều 266 chính là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm
– Hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng
Tình tiết tăng nặng:
Tại khoản 2 Điều 266 quy định về các tình tiết tăng nặng như sau:
– Làm chết người;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
– Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn: người bị nạn chính là nạn nhân của tai nạn do những người đua xe gây ra.
– Tham gia cá cược: người phạm tội đua xe trái phép có hành vi tham gia các cược bằng tiền, hiện vật hoặc các lợi ích khác dựa vào kết quả do cuộc đua xe trái phép.
– Chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;
– Tại nơi tập trung đông dân cư là trường hợp đua xe trái phép ở những đường phố có mật độ người tham gia giao thông cao, ở khu vực có nhiều người sinh sinh, ở trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn,….
– Tháo dỡ thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua như việc tháo phanh hãm hoặc các thiết bị an toàn khác,..
– Tái phạm nguy hiểm
Khoản 3 Điều 266 quy định về các tình tiết tăng nặng như sau:
– Làm chết 02 người;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Khoản 3 Điều 266 quy định về các tình tiết tăng nặng như sau:
– Làm chết 03 người trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
– Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.