Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật là gì? Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật trong Tiếng anh là gì? Quy định của Bộ luật Hình sự về tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật?
Khi xã hội phát triển, trình độ khoa học kỹ thuật được nâng cao, nhiều “tài sản” được đưa vào sản xuất, mua bán, trao đổi hơn, trong đó có các công cụ, thiết bị, phần mềm. Thực tế thì hành vi trên đều sẽ được coi là hợp pháp nếu nó được sử dụng mục đích tốt, nhưng việc sử dụng với mục đích trái phán luật sẽ được coi là vi phạm pháp luật và được Bộ luật hình sự quy định là tội phạm.
1. Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật là gì?
– Công cụ là phương tiện để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ riêng.
– Thiết bị ở đây được hiểu chủ yếu là các thiết bị điện tử, là các thiết bị chứa linh kiện bán dẫn và các mạch điện tử.
– Phần mềm được hiểu là một tập hợp các câu lệnh hoặc chỉ thị được viết bằng 1 hoặc nhiều ngôn ngữ lập trình theo một trật tự xác định nhằm tạo ra một nhiệm vụ hay chức năng năng hoặc giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó.
– Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định thực hiện cố ý hành vi sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm có tính năng tấn công mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để sử dụng vào mục đích trái pháp luật.
2. Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật trong Tiếng anh là gì?
Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật trong Tiếng anh là “Manufacturing, trading, exchanging, giving instruments, equipment, software serving illegal purposes”.
3. Quy định của Bộ luật Hình sự về tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật?
Điều 285
“1. Người nào sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm có tính năng tấn công mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để sử dụng vào mục đích trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Dấu hiệu khách thể của tội phạm:
Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội, cụ thể là trật tử quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng máy tính, mạng viễn thông, đồng thời xâm phạm trực tiếp đến lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Đối tượng của tội phạm phải là công cụ, thiết bị, phần mềm có tính năng tấn công mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử, tức là các công cụ, thiết bị, phần mềm đó có thể được sử dụng để xâm nhập bất hợp pháp vào mạng máy tính để thực hiện mục đích nghe lén thông tin, làm giả thông tin, cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị điện tử và đặc biệt là chiếm đoạt tài sản qua mạng. Ví dụ như các chíp điện tử, tai nghe, máy quay trộm, các phần mềm vi rút, phần mềm gián điệp, phần mềm nghe lén,.. Thực tế, có nhiều thiệt bị chuyên dùng và có thể được sử dụng để tấn công mạng máy tính ví dụ như máy tính, tuy nhiên, việc người phạm tội lựa chọn làm gì và mục đích gì sẽ quyết định người đó có phạm tội này hay không.
Dấu hiệu khách quan của tội phạm.
Hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm tại Điều 285 là: sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm có tính năng tấn công mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.
Trong đó, sản xuất là hành vi tạo ra các công cụ, thiết bị, phần mềm với số lượng lớn; mua bán là hành vi cho hoặc nhận công cụ, thiết bị, phần mềm để trả hoặc nhận một lợi ích vật chất, chủ yếu là tiền; trao đổi là hành vi cho và nhận để đổi lại một lợi ích tương đương; tặng cho là hành vi trao cho người khác công cụ, thiết bị, phần mềm mà không nhận lại một lợi ích vật chất nào. Thường thì người phạm tội sẽ thực hiện hàng loạt các hành vi từ sản xuất đến mua bán, hoặc tặng cho, trao đổi, tuy nhiên chỉ cần thực hiện một trong các hành vi là người phạm tội đã có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.
Mạng máy tính là tập hợp nhiều máy tính kết nối với nhau, có thể chia sẻ dữ liệu cho nhau.
Mạng viễn thông là tập hợp thiết bị viễn thông được liên kết với nhau bằng đường truyền dẫn để cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông (Luật Viễn thông năm 2009).
Phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự.
Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.
Dấu hiệu chủ quan của tội phạm:
Lỗi của người phạm tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật là lỗi cố ý.
Mục đích là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm, đó là việc thực hiện các hành vi với mục đích trái pháp luật, mục đích này có thể là cản trở hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản,..
Dấu hiệu chủ thể của tội phạm.
Người thực hiện hành vi phạm tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật là người có năng lực trách nhiệm hình sự, đủ tuổi theo quy định của pháp luật và thường là người có năng lực, trình độ chuyên môn.
Hình phạt áp dụng:
– Khung hình phạt cơ bản: bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
– Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất: bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, khi có một trong các dấu hiệu tăng nặng sau:
+ Phạm tội 02 lần trở lên:
+ Có tính chất chuyên nghiệp: Là cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án, đồng thời người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
+ Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng: là số tiền thu được từ việc thực hiện hành vi và thực hiện mục đích trái pháp luật.
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng: Thiệt hại này xảy ra do người thực hiện hành vi gây ra cho cá nhân, tổ chức ,cơ quan.
+ Tái phạm nguy hiểm: Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm: Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý và đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
– Khung hình phạt tăng nặng thứ hai: bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm, khi có tình tiết tặng sau:
+ Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
+ Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.
– Khung hình phạt bổ sung: bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Thực tế, việc sản xuất ra các công cụ, thiết bị, phần mềm đang là xu hướng của phát triển của các doanh nghiệp, các quốc gia cũng đang muốn đầu tư cho ngành này, tuy nhiên do tính chất hiện đại, tiếp cận công nghệ khiến cho các thiết bị này được sử dụng vào các mục đích không chính đáng hay nói đúng hơn là mục đích trái pháp luật- thường là vụ lợi cá nhân.
Việc phát hiện và xử lý loại tội phạm này rất khó khăn bởi lẽ các hành vi cũng như mục đích của tội phạm này có lẽ về tính chất sẽ có sự nhầm lẫn với cấu thành tội phạm khác, ví dụ như tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử hay Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác, cũng như việc chứng minh hành vi phạm tội của người phạm tội cực kỳ chuyên nghiệp. Do đó, cho đến nay, nước ta chưa có một vụ án nào bị khởi tố đối với hành vi này.