Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là gì? Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng tiếng Anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng? Dấu hiệu pháp lý của Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng? Phòng vệ chính đáng hay vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng? Phân biệt tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và tội giết người trong trại thái tinh thần bị kích động mạnh?
Mọi người đều có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ và không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật. Khi một người có hành vi tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội giết người. Tuy nhiên, pháp luật thể hiện sự nhân đạo trong việc quy định tội giết người trong một số trường hợp mà người phạm tội có những hạn chế nhất định. Bài viết tập trung tìm hiểu về Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được quy định trong Bộ luật hình sự.
Cơ sở pháp lý:
–
Mục lục bài viết
- 1 1. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là gì?
- 2 2. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng tiếng Anh là gì?
- 3 3. Quy định của Bộ luật hình sự về Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
- 4 4. Dấu hiệu pháp lý của Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
- 5 5. Phòng vệ chính đáng hay vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng?
- 6 6. Phân biệt tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và tội giết người trong trại thái tinh thần bị kích động mạnh
1. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là gì?
Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm thực hiện với lỗi cố ý xâm hại đến quyền sống của con người bằng hành vi tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
2. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng tiếng Anh là gì?
Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng trong tiếng Anh là “Voluntary manslaughter due to the use of unjustified force in self-defense or while capturing a criminal”.
3. Quy định của Bộ luật hình sự về Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Điều 126
“Điều 126. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm”.
4. Dấu hiệu pháp lý của Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
4.1. Khách thể của tội phạm
Tội phạm xâm phạm quyền được tôn trọng và bảo vệ về tính mạng của con người.
4.2. Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thể hiện ở hành vi tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Vì vậy, để xác định hành vi đó thuộc tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì phải xác định được người phạm tội có quyền phòng vệ chính đáng và trong quá trình thực hiện quyền phòng vệ chính đáng đã thực hiện hành vi quá mức cần thiết, dẫn đến gây cái chết cho người có hành vi xâm hại. Theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Bộ luật hình sự 2015 thì các điều kiện để xác định một người có hành vi giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như sau:
– Nạn nhân đã có hành vi xâm hại quyền hoặc lợi ích chính đáng của người phạm tội, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, hành vi đó nguy hiểm đáng kể cho xã hội.
– Hành vi của nạn nhân đang gây thiệt hại hoặc đang đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho quyền hoặc lợi ích chính đáng của người phạm tội, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức.
A và B xảy ra mâu thuẫn trong công việc dẫn đến xô xát thì được anh Chu Văn H1, anh Đỗ Văn Q can ngăn. Sau đó A cầm hai con dao chém C thì C bỏ chạy. A tiếp tục xông vào chém B, B dùng nón bảo hiểm đỡ và nhặt được con dao bằng kim loại hiệu Zhong Wa cán dao dài 13cm x 2,5cm, lưỡi dao dài 20cm x 10cm ở kệ bồn chém lại một nhát trúng vào cổ của T1. Hậu quả A tử vong.
– Hành vi chống trả của người phạm tội đã gây thiệt hại cho chính người có hành vi xâm hại.
– Trong quá trình thực hiện quyền phòng vệ chính đáng, người phạm tội đã chống trả một cách quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại, gây ra cái chết cho người có hành vi xâm hại.
Bùi Văn A bị nhóm của Bùi Văn B gồm Bùi Văn B, Bùi Văn C và Bùi Văn D vô cớ dùng chân tay không và đá tấn công liên tiếp vào người mặc dù Bùi Văn A đã lùi ra sát phía bờ rào của quán nhưng vẫn bị Bùi Văn B và Bùi Văn C, Bùi Văn D tấn công dùng tay chân đấm đá Bùi Văn A, Bùi Văn A đã dùng dao nhọn, lưỡi dao bằng kim loại dài 10,2 cm khua để cảnh cáo- báo hiệu nhóm của B là mình có dao nhưng nhóm của B vẫn tiếp tục tấn công A, A dùng dao đâm 01 nhát trúng vào bụng của Bùi Văn B làm Bùi Văn B bị thương, chảy nhiều máu sau đó bị chết do mất máu cấp
4.3. Mặt chủ quan của tội phạm
Cả hai tội đều được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi, thấy trước được hậu quả chết người, mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả chết người xảy ra.
4.4. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là người đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.
5. Phòng vệ chính đáng hay vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng?
Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Còn vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Rõ ràng quá mức cần thiết ở đây được hiểu là hành vi vi phạm pháp luật của nạn nhân phải có tính chất mà mức độ nguy hiểm đáng kể cho xã hội.
Mức độ đáng kể này là tuỳ thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm (quan hệ xã hội cần bảo vệ). Quan hệ xã hội cần bảo vệ càng quan trọng bao nhiêu thì tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm của nạn nhân càng nghiêm trọng bấy nhiêu.
Ví dụ: Một người trèo tường để đột nhập vào nơi cất giữ tài liệu tối mật về an ninh quốc phòng được canh phòng cẩn thận, thì tính chất nghiêm trọng hơn nhiều so với người trèo tường vào một gia đình nông dân để trộm cấp tài sản.
Ngoài ra, mức độ đáng kể của hành vi xâm phạm còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân (người có hành vi xâm phạm). Ví dụ: Hành vi dùng súng để uy hiếp hành khách trên Tầu hoả của một tên cướp nguy hiểm hơn nhiều hành vi lén lút thò tay vào túi người khác để lấy trộm tiền.
Nếu tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi là không đáng kể thì hành vi chống trả không được coi là phòng vệ chính đáng. Ví dụ: A chỉ tát B một cái, B đã rút dao đâm chết A hoặc A chỉ thò tay vào túi của B để trộm cắp, B đã túm cổ áo A đấm túi bụi cho đến chết, thì hành vi của B trong cả hai trường hợp này đều không được coi là hành vi phòng vệ chính đáng.
6. Phân biệt tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và tội giết người trong trại thái tinh thần bị kích động mạnh
Thứ nhất, về trạng thái kích động: Trạng thái tinh thần bị kích động là biểu hiện đặc trưng của phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động. Tuy nhiên, đối với trường hợp phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì người phạm tội có thể có hoặc không trong trạng thái tinh thần bị kích động.