Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông là gì? Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông trong Tiếng anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự hiện hành về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông?
Mạng máy tính, mạng thông tin vừa là phương tiện thực hiện tội phạm vừa là nơi tồn tại các thông tin do người phạm tội thực hiện, điển hình là tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Thực tế cho thấy, tội phạm này diễn ra ngày càng nhiều, xâm hại trực tiếp đến nhiều mối quan hệ được Luật hình sự bảo vệ.
Cơ sở pháp lý:
Thông tư liên tịch 10/2012/TTLT- BQP-BTP-BTT&TT-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông.
1. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông là gì?
Mạng máy tính là tập hợp nhiều máy tính kết nối với nhau, có thể chia sẻ dữ liệu cho nhau.
Mạng viễn thông là tập hợp thiết bị viễn thông được liên kết với nhau bằng đường truyền dẫn để cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông (Luật Viễn thông năm 2009)
Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có nặng lực trách nhiệm hình sự thực hiện thông qua hành vi cố ý đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, nhằm mục đích nhất định.
2. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông trong Tiếng anh là gì?
Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông trong Tiếng anh là “Illegal provision or use of information on computer networks or telecommunications networks”.
3. Quy định của Bộ luật hình sự hiện hành về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông?
Điều 288 Bộ luật hình sự quy định:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của Cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;
b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;
c) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;
g) Dẫn đến biểu tình.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
3.1. Dấu hiệu khách thể của tội phạm.
Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính nhà nước, an toàn công cộng, trật tự công cộng, cụ thể là xâm phạm hoạt động bình thường của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet; xâm phạm đến quyền sở hữu, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
3.2. Dấu hiệu khách quan của tội phạm.
Hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm là:
– Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điều 117( Tội sử dụng trái phép tài sản), 155 (Tội làm nhục người khác), 156 (Tội vu khống) và 326 (tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy) của Bộ luật này;
– Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
+ Mua bán là hành vi trao đổi nhằm thu tiền hoặc lợi ích vật chất hoặc nhận tiền hoặc lợi ích vật chất; trao đổi là việc một bên đưa một nguồn thông tin và bên kia cũng đưa lại thông tin riêng của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tặng cho là việc đưa cho người khác một nguồn thông tin mà không thu lại bất kỳ lợi ích gì; sửa chữa, thay đổi là việc tác động làm sai lệch thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
+ Thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân là những thông tin thuộc sở hữu của cơ quan, tổ chức, cá nhân được pháp luật bảo vệ.
– Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
3.3. Dấu hiệu chủ quan của tội phạm.
Người thực hiện hành vi phạm tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông thực hiện với lỗi cố ý.
Mục đích phạm tội: thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của Cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
3.3. Dấu hiệu chủ thể.
Người thực hiện tội phạm là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi theo quy định của pháp luật.
3.4. Hình phạt áp dụng.
– Khung hình phạt cơ bản: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
– Khung hình phạt tăng nặng: bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, khi có các tình tiết tăng nặng sau:
+ Có tổ chức: Là trường hợp có từ hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm và đòi hỏi phải có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Khi đã xác định được trường hợp cụ thể đó là phạm tội có tổ chức, thì phải áp dụng tình tiết tăng nặng này đối với tất cả những người cùng thực hiện tội phạm (người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức). Mức độ tăng nặng phụ thuộc vào quy mô tổ chức, vai trò của từng người trong việc tham gia vụ án.
+ Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông: được hiểu là người phạm tội đã sử dụng quyền quản lý, vận hành, khai thác và duy trì hoạt động ổn định hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet của mình để thực hiện hành vi phạm tội.
c) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên: Là số tiền thu được nhờ thực hiện hành vi khách quan.
d) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên: Thiệt hại do thực hiện hành vi khách quan.
đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát.
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam: Cần lưu ý, trường hợp xác định hậu quả phi vật chất có thể dựa vào cách đánh giá về ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội… Trong các trường hợp này phải tùy vào từng điều kiện cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
g) Dẫn đến biểu tình.
Khung hình phạt bổ sung: bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Xác định người bị hại: Trong quá trình điều tra vụ án hình sự về các tội trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp để xác minh, lấy lời khai người bị hại theo quy định của pháp luật, Trường hợp vì lý do khách quan, không thể xác định được người bị hại (do người bị hại sống ở nước ngoài; không xác định được người bị hại cụ thể hoặc không xác định được họ tên và địa chỉ thật của người bị hại do người phạm tội và người bị hại không tiếp xúc trực tiếp với nhau mà chỉ thông qua mạng Internet, mạng viễn thông; người bị hại không hợp tác vì không muốn lộ danh tính, số tiền thiệt hại không nhiều…), nhưng, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, có cơ sở xác định bị can, bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội thì việc không xác định được người bị hại hoặc xác định không đủ số người bị hại không làm ảnh hưởng đến việc xác định bản chất vụ án và việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử là có căn cứ pháp luật.
Trước tình dịch bệnh Covid 19 đang diễn ra ngày càng phức tạp, sự quan tâm của nhiều người đến tình hình dịch bệnh khiến một số cá nhân thực hiện hành vi đưa các thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19, gây dư luận xấu, thực tế hành vi của họ có thể đã cấu thành tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288, tuy nhiên việc xử lý rất khó khăn và hầu như là chưa cá nhân nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.