Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội và được quy định trong Bộ luật hình sự. Mỗi một hành vi được coi là tội phạm có cấu thành cơ bản bao gồm các yếu tố là mặt khách quan, mặt chủ quan, chủ thể, và khách thể. Trong đó, mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện mà chúng ta dễ nhận biết nhất
Mục lục bài viết
1. Mặt khách quan của tội phạm là gì?
Các nhà lý luận Luật hình sự trước kia quan niệm mặt khách quan là yếu tố vật chất của tội phạm. Vì thế, họ đồng nhất hành vi khách quan là mặt khách quan của tội phạm. Theo họ, yếu tố vật chất của tội phạm là một hành vi tích cực hay tiêu cực nhưng không cần thiết là hành vi ấy phải gây hậu quả.
Lý luận Luật hình sự Việt nam hiện hành xem hành vi khách quan của tội phạm là sự thống nhất giữa các yếu tố khách quan và chủ quan (nghĩa rộng) hay là những biểu hiện của con người ra thế giới khách quan qua những hình thức cụ thể nhằm đạt những mục đích đã định trước (nghĩa hẹp).
Hành vi khách quan của tội phạm là yếu tố quan trọng nhất của mặt khách quan của tội phạm, không có hành vi thì tất cả những yếu tố khác như hậu quả, phương tiện, công cụ, phương pháp phạm tội…không có ý nghĩa gì cả. Ngoài ra, những biểu hiện của mặt chủ quan như lỗi, mục đích, động cơ phạm tội cũng luôn gắn liền với hành vi khách quan cụ thể. Những biểu hiện của con người ra ngoài thế giới khách quan về thực tế nó được ý thức kiểm soát và ý chí điều khiển. Chính vì thế, chỉ khi có hành vi nguy hiểm được thực hiện thì vấn đề lỗi mới được đặt ra.
Tuy nhiên, một hành vi có thể có lỗi hoặc không có lỗi. Biểu hiện ra bên ngoài của con người sẽ không được xem là hành vi khách quan (với tư cách là một biểu hiện của mặt khách quan) nếu nó không được ý thức kiểm soát hoặc không phải là hoạt động ý chí. Ví dụ, phản xạ không điều kiện, phản ứng trong tình trạng xúc động quá mạnh, những biểu hiện trong tình trạng bộ não mất khả năng nhận thức, điều khiển…
Trường hợp biểu hiện gây thiệt hại do bị cưỡng bức là một biểu hiện không phải là hành vi khách quan. Dù rằng về mặt thực tế, biểu hiện của con người đã dẫn đến gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ nhưng đó không phải là hành vi phạm tội vì nó không phải là kết quả của hoạt động ý chí của chính họ mà là kết quả của sự tác động bên ngoài. Chẳng hạn, hành vi không cứu giúp người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (trong quy định tại Điều 102 Bộ luật hình sự), dù có đủ mọi điều kiện nhưng bị giữ chặt bởi một người khác không thể thoát ra, hoặc bị một người dùng sức mạnh nắm tay “điểm chỉ” vào một tờ đơn tố cáo sai sự thật. Hai hành vi nói trên đều không phải là hành vi khách quan của tội phạm theo quy định của Luật hình sự hiện hành.
Như vậy, mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan. Những dấu hiệu thuộc về khách quan của tội phạm gồm những hành vi nguy hiểm cho xã hội : tính trái pháp luật của hành vi, hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ của tội phạm còn có các dâu hiệu khác nhau như: phương tiện, công cụ tội phạm, phương pháp thủ đoạn, thời gian, địa điểm, thực hiện phạm tội.
2. Mặt khách quan của tội phạm trong tiếng Anh là gì?
– Mặt khách quan của tội phạm trong tiếng Anh là The front side of the crime
– Định nghĩa về mặt khách quan trong tiếng anh được hiểu là:
The objective side of crime is the manifestation of crime that takes place or exists outside the objective world. Objective signs of crime include acts that are dangerous to society: illegal behavior, dangerous consequences for society, criminal relationships also have different effects such as : means, tools of crime, method of tricks, time, place, crime execution.
– Một số từ vựng tiếng anh tiêu biểu liên quan trong cùng lĩnh vực tội phạm như:
a wanted fugitive | Tên tội phạm bị truy nã | əˈwɑːntɪdˈfjuːdʒətɪv |
abduction | Tội bắt cóc | æbˈdʌkʃn |
kidnapping | ||
accomplice | Kẻ đồng lõa, tòng phạm | əˈkɑːmplɪs |
adultery | Tội ngoại tình | əˈdʌltəri |
animal cruelty | Ngược đãi động vật | ˈænɪmlˈkruːəlti |
arson | tội phóng hỏa | ˈɑːrsn |
arsonist | tội phạm phóng hỏa | ˈɑːrsənɪst |
assault | Tội hành hung | əˈsɔːlt |
attempted murder | Tội danh mưu sát | əˈtemptɪdˈmɜːrdər |
bag-snatching | Tội giật túi xách | bæɡˈsnætʃɪŋ |
blackmail | Tống tiền | ˈblækmeɪl |
breaking and entering | Tội đột nhập trái phép | ˈbreɪkɪŋ əndˈentərɪŋ |
bribery | Đưa hối lộ | ˈbraɪbəri |
brokering prostitution | Môi giới mại dâm | ˈbroʊkərɪŋˌprɑːstɪˈtuːʃn |
burglar | Trộm đồ trong nhà người khác | ˈbɜːrɡlər |
child abuse | Ngược đãi trẻ em | tʃaɪld əˈbjuːzər |
child molestation | Tội dâm ô với trẻ em | tʃaɪldˌmoʊleˈsteɪʃn |
con artist | Kẻ lừa đảo chuyên nghiệp | kɑːnˈɑːrtɪst |
corruption | Tội tham nhũng | kəˈrʌpʃn |
crime | Tội ác | kraɪm |
3. Phân tích mặt khách quan của tội phạm:
3.1. Đặc điểm của mặt khách quan của tội phạm:
Mặt khách quan của tội phạm có 03 đặc điểm sau:
Một là, hành vi khách quan của tội phạm phải có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội. Đây là đặc điểm cơ bản của dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm. Nó giúp phân biệt giữa hành vi phạm tội với các hành vi khác. Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi khách quan thể hiện ở chỗ hành vi gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho các quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ. Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội phụ thuộc vào tính chất của quan hệ xã hội mà hành vi đó xâm hại (đã nghiên cứu nội dung này ở bài Tội phạm).
Hai là, hành vi khách quan của tội phạm là hoạt động có ý thức và ý chí. Hành vi được thực hiện chỉ được coi là hành vi khách quan của tội phạm khi nó được biểu hiện trong sự thống nhất với ý thức và ý chí. Không có sự kiểm soát của ý thức và ý chí thì hành vi không được coi là hành vi khách quan của tội phạm.
Ba là, hành vi khách quan của tội phạm là hành vi trái pháp luật hình sự. Hành vi khách quan của bất cứ tội phạm nào cũng đều được quy định trong Luật hình sự. Do vậy, đã gọi là hành vi phạm tội thì bắt buộc hành vi đó phải trái pháp luật hình sự, nghĩa là hành vi đó được Luật hình sự quy định.
3.2. Các dạng biểu hiện của hành vi khách quan:
Hành vi khách quan có thể được biểu hiện thông qua hành động hoặc không hành động.
– Hành động phạm tội là hình thức của hành vi phạm tội làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động gây thiệt hại cho khách thể của nó bằng cách thực hiện một việc mà pháp luật hình sự cấm. Ví dụ, giết người bằng cách bóp cổ, dùng súng bắn, dao đâm…, trộm xe đạp bằng cách dùng tay bẻ khoá, dẫn đi…
+ Hành động phạm tội có thể chỉ là một hành vi đơn giản diễn ra trong một thời gian ngắn. Ví dụ, dùng tay đấm một đấm gây thương tích, lái xe giật dây chuyền vàng trên cổ người khác…
+ Hành động phạm tội có thể tổng hợp nhiều hành vi khác nhau, lặp đi lặp lại trong một thời gian dài. Chẳng hạn, hành vi phạm tội tham ô được tiến hành bằng cách thủ quỹ mỗi ngày lấy trong ngân quỹ một số tiền nhất định, sau nhiều năm mới bị phát hiện.
+ Hành động phạm tội có thể dùng trực tiếp bằng các bộ phận của cơ thể người phạm tội. Ví dụ, dùng vũ lực bằng tay hoặc thực hiện hành vi giao cấu bằng dương vật.
+ Hành động phạm tội cũng có thể thông qua các phương tiện, công cụ. Chẳng hạn, dùng chất nổ để phá huỷ công trình, phương tiện thông tin liên lạc.
+ Hành động phạm tội có thể thông qua việc làm bằng tay chân… hoặc cũng có thể thực hiện thông qua lời nói. Ví dụ, tố cáo sai sự thật, tuyên truyền chống phá cách mạng bằng lời nói.
– Không hành động phạm tội là hình thức của hành vi phạm tội làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động, gây thiệt hại cho khách thể của nó bằng việc chủ thể không thực hiện một việc mà pháp luật yêu cầu hoặc làm không đến mức yêu cầu dù có đủ khả năng và điều kiện để thực hiện.
Tính trái pháp luật hình sự trong không hành động phạm tội thể hiện ở chỗ chủ thể đã không thực hiện những nghĩa vụ pháp lý (dù có đủ khả năng và điều kiện thực hiện). Các nghĩa vụ pháp lý đó phát sinh từ một số căn cứ sau:
+ Do luật định. Luật quy định trong những trường hợp cụ thể đó, chủ thể phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định cần thiết đối với xã hội. Ví dụ, nghĩa vụ phải cứu giúp người trong trường hợp nguy hiểm đến tính mạng, nghĩa vụ tố giác tội phạm…
+ Do quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ, hành vi không chấp hành bản án của Toà án, hành vi không thi hành nghĩa vụ quân sự…
+ Do nghề nghiệp. Đây là nghĩa vụ của chủ thể phát sinh khi làm một nghề nhất định. Chẳng hạn, bác sĩ có nghĩa vụ bảo vệ tính mạng, sức khoẻ cho bệnh nhân, nhân viên bảo vệ phải bảo vệ tài sản của cơ quan…
+ Do hợp đồng. Ví dụ, hợp đồng giữ tài sản làm phát sinh nghĩa vụ phải trông giữ tài sản
+ Do xử sự trước đó của chủ thể. Ví dụ, hành vi gây ra tai nạn giao thông buộc chủ thể phải có trách nhiệm cấp cứu người bị thương.
Tất cả các nghĩa vụ phát sinh đều dựa trên cơ sở quy định của pháp luật (có thể quy định trong luật hoặc các văn bản dưới luật quy định về nghề nghiệp cụ thể). Pháp luật không quy định thì không hành động không thể xem là hành vi phạm tội. Do đó, hai điều kiện cần và đủ buộc một người phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không hành động phạm tội là:
+ Người đó phải có nghĩa vụ hành động (theo quy định của pháp luật);
+ Người đó có đủ khả năng và điều kiện thực hiện nghĩa vụ này.
Trong tất cả các tội phạm, có tội phạm chỉ thực hiện được bằng hành động phạm tội. Ví dụ, tội cố ý gây thương tích, tội hiếp dâm …Có tội phạm chỉ thực hiện bằng không hành động phạm tội. Chẳng hạn, tội cố ý không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tội không tố giác tội phạm. Cũng có tội phạm vừa thực hiện được bằng không hành động và cả hành động. Ví dụ, tội huỷ hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (không hành động là trường hợp người có trách nhiệm bảo vệ tài sản nhưng đã không ngăn cản tài sản đang bị huỷ hoại khi có khả năng, điều kiện làm điều đó).
Tóm lại, mặt khách quan của tội phạm có thể được hiểu là tất cả những xử sự của con người được biểu hiện ra thế giới khách quan dưới những hình thức nhất định, gây thiệt hại hoặc đe doạ gây ra thiệt hại cho các quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ.