Tội cưỡng đoạt tài sản (Extortion) là gì? Tội cưỡng đoạt tài sản tiếng Anh là gì? Quy định về tội cưỡng đoạt tài sản theo Bộ luật hình sự 2015? Dấu hiệu pháp lý của tội cưỡng đoạt tài sản? Phân biệt tội cướp tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản?
Hiện nay, tình hình tội phạm xâm phạm sở hữu đang ngày một gia tăng, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản của cá nhân, tổ chức. Một trong số đó là tội phạm cưỡng đoạt tài sản. Tội phạm này có thể nói đa dạng về hình thức và có tính chất, mức độ nguy hiểm tương đối cao, thể hiện ý thức coi thường pháp luật của người phạm tội. Chính vì vậy mà việc nghiên cứu, tìm hiểu về tội cưỡng đoạt tài sản trở nên quan trọng. Bài viết giúp bạn có những thông tin cơ bản liên quan đến quy định về tội cưỡng đoạt tài sản.
Cơ sở pháp lý:
–
Mục lục bài viết
1. Tội cưỡng đoạt tài sản là gì?
Tội cưỡng đoạt tài sản là một tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản người khác bằng các hành vi đe dọa sẽ dung vũ lực hoặc thủ đoạn uy hiếp tinh thần của chủ sở hữu, người quản lý tài sản hoặc người khác có liên quan nhằm chiếm đoạt tài sản.
2. Tội cưỡng đoạt tài sản tiếng Anh là gì?
Tội cưỡng đoạt tài sản tiếng Anh là “Extortion”.
3. Quy định về tội cưỡng đoạt tài sản theo Bộ luật hình sự 2015
Tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
“Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
4. Dấu hiệu pháp lý của tội cưỡng đoạt tài sản
4.1. Khách thể của tội phạm
Tội cưỡng đoạt tài sản xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của người khác. Trong một số trường hợp, tội cưỡng đoạt tài sản còn có thể xâm phạm đến quyền được tôn trọng và bảo vệ về tính mạng, sức khỏe của con người.
4.2. Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội cưỡng đoạt tài sản được thể hiện qua hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
– Nếu dùng vũ lực là dùng sức mạnh vật chất để tác động thì đe dọa sẽ dùng vũ lực là hành vi (lời nói hoặc hành động) làm cho người bị đe dọa sợ nếu không giao tài sản cho người phạm tội thì sẽ bị đánh đập tra khảo, bị đau đớn về thể xác.
– Hành vi khác uy hiếp tinh thần là hành vi sử dụng mọi thủ đoạn đe dọa hoặc gây thiệt hại danh dự, nhân phẩm, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp khác của chủ sở hữu, người quản lý tài sản, người khác nếu không thực hiện yêu cầu của người phạm tội.
Ví dụ: dọa sẽ tố cáo với chồng về việc vợ ngoại tình, dọa sẽ tố cáo việc phạm tội hoặc việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của người có tài sản hoặc người có tránh nhiệm về tài sản,…
Thông thường người phạm tội dùng những thủ đoạn như:
– Đe dọa sẽ hủy hoại tài sản nếu người có trách nhiệm về tài sản không giao tài sản cho người phạm tội. Ví dụ: dọa sẽ đốt nhà, đốt xe; dọa sẽ đập phá nhà, đập phá xe hoặc những tài sản khác…
– Đe dọa sẽ tố cáo hành vi sai phạm hoặc những bí mật đời tư của người có trách nhiệm về tài sản mà họ không muốn cho ai biết. Ví dụ: A biết B có ngoại tình với chị H, nên A viết thư yêu cầu B phải giao cho y một số tiền, nếu không y sẽ nói cho vợ của B biết về việc ngoại tình của B.
– Giả danh là cán bộ, công chức nhà nước, công an, hải quan, thuế vụ,… để kiểm tra, bắt giữ, khám xét người có tài sản và buộc họ phải giao nộp tiền hoặc tài sản.
Ví dụ: Bùi Huy A Vũ Văn B và Hoàng Văn H đã giả danh Cảnh sát giao thông để chặn xe tải do anh Đinh Văn C lái, buộc anh C phải nộp một số tiền nếu không sẽ đưa xe về trụ sở. Vì anh C chở hàng tươi sống nếu để chúng đưa xe về trụ sở thì sẽ hỏng hết hàng nên anh C đã giáo cho bọn chúng một số tiền.
4.3. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội cưỡng đoạt tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, tức là người phạm tội nhận thức được hành vi đe dọa dung vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả xảy ra nhưng vẫn mong muốn thực hiện.
4.4. Chủ thể
Chủ thể của tội cưỡng đoạt tài sản là chủ thể thường, từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự
Giải thích một số tình tiết định khung tăng nặng của tội cưỡng đoạt tài sản:
– “Có tổ chức”: Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
– “Có tính chất chuyên nghiệp”: Việc áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
+ Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích;
+ Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
Ví dụ: A là một người không nghề nghiệp, chuyên sống bằng nguồn thu thập từ việc phạm tội. Trong một thời gian, A liên tiếp thực hiện năm vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ năm trăm ngàn đồng trở lên). Trong trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng tình tiết định khung hình phạt “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
– Tái phạm nguy hiểm: Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
+ Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
+ Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
– “Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh”: Lợi dụng thiên tai là lợi dụng hiệu ứng của một tai biến tự nhiên (bão lụt, động đất,…) có thể ảnh hưởng tới môi trường và dẫn tới những thiệt hại về tài chính, môi trường và con người trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực dân cư nhất định để thực hiện hành vi phạm tội. Còn lợi dụng dịch bệnh là lợi dụng tình trạng xuất hiện bệnh truyền nhiễm với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định để phạm tội.
5. Phân biệt tội cướp tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản
Trên thực tế, việc các cơ quan tiến hành tố tụng có sự nhầm lẫn trong việc áp dụng tội nào cho phù hợp. Bởi lẽ cả tội cướp tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản, người phạm tội đều có hành vi đe dọa dung vũ lực đối với nạn nhân. Vậy đe dọa dùng vũ lực chiếm đoạt tài sản, trường hợp nào thì cấu thành tội cướp, còn trường hợp nào chỉ cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản?
Trước hết, cần khẳng định cả hai tội này đều có giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. Tuy nhiên, đối với tội cướp tài sản chỉ phạm tội chưa đạt trong trường hợp người phạm tội đã có hành vi khác làm cho người bị hại lâm vào tình trạng không thể tấn công được nhằm chiếm đoạt tài sản. Còn trường hợp dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc thì không có trường hợp phạm tội chưa đạt mà mọi trường hợp đều là tội phạm đã hoàn thành.
Nếu hành vi của tội cướp tài sản là đe dọa dung vũ lực ngay tức khắc thì đối với tội cưỡng đoạt tài sản, người phạm tội chỉ có hành vi đe dọa dùng vũ lực chứ không có ý định nếu người bị hại không giao tài sản thì dùng vũ lực. Đây là vấn đề khó xác định, vì trên thực tế, khi đã đe dọa dùng vũ lực mà người bị hại không giao tài sản mà vụ án bị phát hiện, thì hầu hết người phạm tội đều khai là chỉ dọa cho sợ để lấy tài sản, nếu người bị hại không giao tài sản thì cũng không dùng vũ lực.
Trong trường hợp dù hành vi đe dọa không quyết liệt nhưng cũng làm cho người bị hại lâm vào tình trạng không thể chống cự dẫn đến quá sợ phải giao tài sản cho người phạm tội thì phải định tội là cướp tài sản. Chính vì thế, để phân biệt trường hợp nào là đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, còn trường hợp thì chỉ dọa mà không đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, thì phải căn cứ vào không gian, thời gian xảy ra vụ án.
Ví dụ: Trong đêm tối, trên đoạn đường vắng vẻ A đã ra chặn xe của mẹ con chị B để chiếm đoạt tài sản, nhưng ngay lúc đó có tổ tuần tra đi qua nên A bị bắt. Trường hợp này dù A không dùng vũ lực cũng không de dọa dùng vũ lực ngay tức khắc thì cũng phải coi hành vi của A là hành vi cướp tài sản vì trong trong đêm tối, lại ở nơi vắng vẻ, nên mẹ con chị H đã lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Tuy nhiên, nếu A lại gặp phải chị B là trinh sát chuyên bắt cướp thì lại là tội cưỡng đoạt tài sản ở giai đoạn phạm tội chưa đạt, vì chị H không bị lâm vào tình trạng không thể chống cự được.
Như vậy, dấu hiệu quan trọng nhất dể phân biệt hai tội này là người bị hại có lâm vào tình trạng không thể chống cự được không. Dấu hiệu này hoàn toàn tùy thuộc vào tình hình thực tế để đánh giá.