Một quốc gia luôn tồn tại một hệ thống chính trị từ Trung ương xuống địa phương. Đây chính là công cụ, là bộ máy để Đảng và Nhà nước thực hiện quyền đại diện của mình, từ đó ban hành các chính sách, cương lĩnh phù hợp với tình hình thực tế. Vậy, hệ thống chính trị là gì? Vai trò của Đảng trong hệ thống chính trị?
Mục lục bài viết
1. Hệ thống chính trị là gì?
Hệ thống chính trị là liên minh các thiết chế chính trị, chính trị-xã hội được thành lập, hoạt động trong mối liên hệ chặt chẽ mà vai trò lãnh đạo thuộc về đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nhằm thực hiện triệt để quyền lực nhân dân, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. – – Các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị của nước ta gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Ngoài ra, trong hệ thống chính trị của nước ta còn có các tổ chức chính trị-xã hội hợp pháp khác của nhân dân được thành lập, hoạt động trên cơ sở liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nền tảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện và đảm bảo đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân.
Hệ thống chính trị được dịch sang tiếng Anh như sau: Political system
2. Đặc trưng của hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay:
Một là, các tổ chức hệ thống chính trị ở nước ta đều lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động.
Hai là, hệ thống chính trị ở nước ta đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng là một tổ chức trong hệ thống chính trị nhưng có vai trò lãnh đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị. Đây là đặc trưng cơ bản của hệ thống chính trị ở nước ta.
Ba là, hệ thống chính trị ở nước ta được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên tắc này được tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta thực hiện.
Bốn là, hệ thống chính trị bảo đảm sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân và tính nhân dân, tính dân tộc rộng rãi.
Vai trò của Đảng trong hệ thống chính trị
Thứ nhất, Đảng Cộng Sản Việt Nam là lực lượng xã hội tiên tiến nhất được vũ trang bằng những quan điểm khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ đó, Đảng Cộng Sản Việt Nam có thể vạch ra chiến lược, chính sách phát triển xã hội phù hợp với quy luật, có sức thuyết phục, động viên lớn đồng thời có khả năng biến các chiến lược, các chủ trương, chính sách của mình thành hiện thực.
Thứ hai, bằng thực tiễn đấu tranh kiên cường của mình, Đảng Cộng Sản Việt Nam chiếm được lòng tin của đại đa số quần chúng nhân dân. Chính lòng tin này đã làm cho vai trò lãnh đạo của Đảng không mang dấu ấn của sự áp đặt đối với quần chúng.
Thứ ba, là một chính đảng kiên trì đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng, chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ, thực dân mới, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã tạo được uy tín quốc tế lớn cũng như tình đoàn kết và sự giúp đỡ từ phía phong trào cộng sản vvà công nhân quốc tế. Điều này cũng có tác dụng lớn đối với việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với hệ thống chính trị trong nước.
Thứ tư, Đảng đảm bảo sự ổn định của hệ thống chính trị
Đảng còn có vai trò tiên phong, điều đó được thể hiện ở lý luận tiên phong và hoạt động tiên phong. Nhân dân cần Đảng lãnh đạo với tư cách là lãnh tụ chính trị, là người dẫn đường bởi Đảng được trang bị những lý luận tiên phong. Trong đó, chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng. Lý luận đó trước hết và chủ yếu là đem lại những căn cứ khoa học cho việc đề ra và thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Những bộ phận của Đảng trong hệ thống chính trị luôn làm việc, hoạt động theo đường lối
- Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo của mình thông qua những phương thức chủ yếu sau:
Thứ nhất, Đảng đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối, chiến lược, những quan điểm, chủ trương phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời Đảng là người lãnh đạo và tổ chức thực hiện Cương lĩnh, đường lối mà mình vạch ra.
Thứ hai, Đảng lãnh đạo xã hội chủ yếu thông qua Nhà nước và các đoàn thể quần chúng. Đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng được Nhà nước tiếp nhận, thể chế hoá cụ thể bằng pháp luật và những chủ trương, chính sách, kế hoạch, chương trình cụ thể.
Vì vậy, Đảng luôn quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước và bộ máy của Nhà nước, đồng thời kiểm tra việc Nhà nước thực hiện các Nghị quyết của Đảng.
Thứ ba, Đảng lãnh đạo xã hội thông qua hệ thống tổ chức Đảng các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Đảng lãnh đạo công tác cán bộ bằng việc xác định đường lối, chính sách cán bộ, lựa chọn, bố trí, giới thiệu cán bộ có đủ tiêu chuẩn vào các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và các đoàn thể quần chúng và các tổ chức chính trị – xã hội.
Nhìn chung , phương thức lãnh đạo của Đảng là đề ra cương lĩnh, chiến lược, đường lối lớn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là những quan điểm, những nguyên tắc, những tư tưởng chỉ đạo để Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị vận dụng sáng tạo phù hợp với chức năng của từng tổ chức…Tuy nhiên, khác với Nhà nước, Đảng là một tổ chức chính trị, phương pháp lãnh đạo của Đảng không phải là phương pháp hành chính hay cưỡng chế. Phương pháp lãnh đạo của Đảng là bằng thuyết phục, bằng công tác tư tưởng, công tác tổ chức, bằng vai trò gương mẫu của đảng viên và tổ chức đảng, bằng phát huy vai trò làm chủ của quần chúng. Đảng không bao biện, làm thay, lạm quyền, nhưng cũng không buông lỏng sự lãnh đạo của mình. Đảng không quyết những vấn đề thuộc chức năng của Nhà nước và các tổ chức khác. Đảng tôn trọng tính độc lập của các tổ chức đó.
3. Mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước trong hệ thống chính trị:
Trong hệ thống chính trị nước ta, Nhà nước Việt Nam là trụ cột, là công cụ tổ chức thực hiện ý chí và quyền lực của nhân dân, thay mặt nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân quản lý toàn bộ hoạt động của đời sống xã hội. Đó chính là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Mặt khác, Nhà nước chịu sự lãnh đạo và thực hiện đường lối chính trị của Đảng. Nhưng trước hết phải khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là một tất yếu khách quan phù hợp với quy luật của chủ nghĩa xã hội, được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước thực hiện và đảm bảo đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân.
Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước thể hiện qua một số phương diện sau:
+ Đảng đề ra đường lối chính sách để Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật, làm cơ sở pháp lí cho tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước và quản lí xã hội.
+ Đảng lãnh đạo xã hội thông qua Nhà nước bằng hệ thống pháp luật do Nhà nước ban hành.
+ Đảng luôn lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để giới thiệu với Nhà nước bố trí sắp xếp vào các vị trí, chức vụ trong bộ máy Nhà nước. Ở nước ta, trong bộ máy Nhà nước các vị trí quan trọng đều do đảng viên của Đảng cộng sản nắm vị trí lãnh đạo.
+ Bên cạnh sự hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước luôn luôn có các tổ chức của Đảng cộng sản hoạt động song song để lãnh đạo việc tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước một cách thường xuyên.
- Nhà nước thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành hiến pháp, pháp luật và chính sách làm công cụ quản lý nhà nước đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời Nhà nước kiểm nghiệm tính đúng đắn, sự phù hợp của những đường lối, chính sách của Đảng. Thông qua sự thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước tổ chức và đảm bảo việc thực hiện pháp luật ấy trong đời sống xã hội.
- Nhà nước đảm bảo, bảo vệ cho Đảng cộng sản tổ chức, hoạt động và phát triển, phát huy vai trò lãnh đạo của mình. Đảm bảo nguồn tài chính, vật chất cần thiết không chỉ cho sự hoạt động của Nhà nước mà còn cho cả hệ thống chính trị, trong đó có Đảng Cộng Sản Việt Nam.
- Ngoài ra Nhà nước còn thực hiện việc thanh tra giám sát việc tuân theo pháp luật của các đảng viên và các tổ chức đảng, kiểm soát sự hoạt động của Đảng trong khuôn khổ của hiến pháp và pháp luật.
Như vậy sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với Nhà nước là rất lớn, nhưng sự lãnh đạo này là sự lãnh đạo chính trị, tức là vạch ra đường lối, chính sách để Nhà nước thể chế hoá thành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật ấy, chứ Đảng không làm thay vai trò của Nhà nước. Sự hoạt động của Nhà nước trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp là nhằm thực hiện đường lối, chính sách của Đảng trong thực tế cuộc sống, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
4. Mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận tổ quốc trong hệ thống chính trị:
Mặt trận tổ quốc là một bộ phận quan trọng không thể thiếu cấu thành cấu thành hệ thống chính trị. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Điều 9 Hiến pháp 1992 ghi nhận: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tằng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức nhà nước. Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên hoạt động có hiệu quả.” Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo.
Trải qua các thời kỳ cách mạng với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, Mặt trận đã không ngừng lớn mạnh, đã có những đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc và cùng với Đảng, Nhà nước hợp thành những trụ cột cơ bản trong hệ thống chính trị nước ta.
Trong mối quan hệ giữa Đảng và Mặt trận thì điểm đáng chú ý nhất là Đảng vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo. Là một tổ chức thành viên trong Mặt trận, Đảng tham gia Mặt trận bình đẳng, có nghĩa vụ như các thành viên khác, đồng thời Đảng vừa là người lãnh đạo Mặt trận. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận không phải là sự áp đặt mà là đòi hỏi khách quan từ thực tiễn lịch sử đấu tranh cách mạng, từ tổ chức và hoạt động của mặt trận. Đây là một tất yếu, xét cả về phương diện thực tiễn lịch sử lẫn phương diện pháp lý.