Hiến pháp là một văn bản có sứ mệnh xác lập chế độ mới thay thế chế độ cũ và coi nó như là một bản khế ước xã hội của nhân dân. Về bản chất, Hiến pháp vừa là văn bản pháp lý của Nhà nước, vừa là bản khế ước mang tính ý chí chung của xã hội. Vậy khế ước xã hội được hiểu như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Khế ước xã hội là gì?
Khế ước xã hội của Jean Jacques Rousseau ra đời năm 1762, được đánh giá là một trong những tác phẩm kinh điển của thời đại Khai sáng. Tuy nhiên, khi mới xuất bản thì tác phẩm này đã bị chính quyền xếp vào danh mục các tác phẩm nguy hiểm và tác giả của nó phải chịu kiếp sống lưu vong. Tuy vậy những tư tưởng của tác phẩm đã tạo ra sự chuyển biến lớn lao trong xã hội Pháp bấy giờ, đặc biệt tác phẩm này đã trở thành tư tưởng dẫn đường cho cuộc Đại Cách mạng Pháp 1789.
“Khế ước xã hội” là tên gọi vắn tắt của bản luận văn lớn của Jean Jacques Rousseau có tên “Bàn về khế ước xã hội hay là các nguyên tắc của quyền chính trị” (Du contral social – ou principes du droit politique).
Mở đầu luận văn Rousseau viết “Con người ta sinh ra tự do nhưng đâu đâu cũng sống trong xiềng xích” Rousseau cho rằng sức mạnh tạo ra những kẻ nô lệ đầu tiên và sự hèn nhát sẽ làm cho người ta nô lệ suốt đời.
Vậy tại sao chúng ta lại cần đến khế ước xã hội? Xuất phát điểm cho rằng, trong trạng thái tự nhiên tất cả đều bình đẳng và hài hòa nhưng con người đã thoát ra khỏi trạng thái tự nhiên như các động vật khác để trở thành con người trong xã hội dân sự. Nhưng vì tất cả chúng ta đều bình đẳng như nhau, vậy thì ai sẽ là người đứng ra tổ chức, quản lý xã hội? Chính tại đây Rousseau cho rằng các thành viên trong xã hội cần phải kí kết với nhau một bản khế ước. Trong đó, mỗi thành viên khi khép mình vào tập thể, dùng sức mạnh tập thể, vẫn được tự do đầy đủ như trước, vẫn chỉ tuân theo bản thân mình.
Rousseau lập luận rằng, mỗi thành viên từ bỏ quyền riêng của mình để gộp vào quyền chung. Vì ai cũng thế cả cho nên sẽ không ai muốn cho người khác bị thiệt thòi trong khi tham gia khế ước xã hội.
Tuy nhiên, Rousseau cũng biết rằng mỗi cá nhân có thể có ý chí riêng không giống hoặc trái với ý chí chung (phổ quát) nên sẽ có những người chỉ muốn hưởng quyền lợi mà không muốn thực hiện nghĩa vụ, nếu tình trạng bất công đó cứ phát triển mãi thì sẽ dẫn tới sự suy đồi của của cơ thể chính trị. Chính vì vậy, Rousseau cho rằng muốn cho khế ước xã hội thành công thì phải bao hàm các điều kiện ràng buộc đối với các cá nhân.
Vậy việc tham gia khế ước xã hội, phải chịu các ràng buộc thì các cá nhân có bị thiệt thòi không? Rousseau bảo rằng chúng ta hãy so sánh những điều được mất từ hai trạng thái. Từ trạng thái tự nhiên chuyển sang trạng thái dân sự con người đã có một bước tiến lớn lao khi chính thức tách khỏi thế giới động vật mông muội để tiến lên thế giới của những con người văn minh. Với khế ước xã hội, con người mất đi tự do thiên nhiên và quyền được làm những điều mình muốn làm với sức lực nhỏ nhoi của mình. Nhưng con người thu lại quyền tự do dân sự và quyền sở hữu những cái mà anh ta có. Trong trạng thái dân sự, con người còn có quyền tự do tinh thần khiến cho anh ta trở thành chủ nhân thực sự của chính mình, vì rằng làm theo kích thích của dục vọng là nô lệ và tuân theo quy tắc do mình tự đặt ra là tự do.
Từ những luận điểm trên của tác phẩm “Khế ước xã hội” thì có thể hiểu khế ước xã hội là kết quả của một sự thỏa thuận thống nhất giữa những con người với nhau như một hợp đồng xã hội với mục đích ngăn chặn tác hại có thể nảy sinh trong mối quan hệ giữa người với nhau.
Khế ước xã hội tiếng Anh là “social contract”.
2. Nguồn gốc của Hiến pháp:
Thuật ngữ Hiến pháp có gốc la tinh là “Constitution” có nghĩa là xác định, quy định. Nhà nước La mã cổ đại dùng thuật ngữ này để gọi các văn bản quy định của Nhà nước. Nhưng với ý nghĩa là một đạo luật cơ bản, có giá trị giới hạn quyền lực nhà nước thì Hiến pháp đã thực sự ra đời trong xã hội tư sản, trong cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản, nhân dân lao động chống lại giai cấp phong kiến đang suy tàn từ thế kỷ 13, 14 đến thế kỷ 18, 19.
Ở Trung Quốc cổ đại, thuật ngữ Hiến pháp được dùng với nghĩa là pháp lệnh (kỷ cương, phép nước). Trong sách cổ Trung Quốc, chữ “Hiến pháp” dùng để chỉ một loại chế độ nói chung như “thưởng thiện, phạt gian, quốc chí hiến pháp”, nghĩa là khen thưởng điều thiện, phạt điều gian là pháp lệnh của nhà nước.
Trong xã hội phong kiến của một số quốc gia, nhất là ở phương Tây cũng tồn tại một số văn bản pháp luật kiểu hiến pháp, thường được gọi là “hiến chương”, thể hiện sự thỏa hiệp giữa các vương triều chuyên chế với một số lãnh địa, lãnh chúa, thừa nhận một số quyền của một số lãnh địa, thành thị… nhưng bản thân từ “Hiến pháp” thì không sử dụng.
Đến thời kỳ cách mạng tư sản, giai cấp tư sản đã lật đổ chế độ chuyên chế, giành được quyền lực chính trị và dùng Hiến pháp để ghi nhận cách thức tổ chức chế độ mới, quy định cơ chế giám sát đối với việc thực thi quyền lực, thiết lập một hệ thống cơ quan đại diện quyền lực nhân dân để hạn chế quyền lực của Vua. Bởi vì dưới chế độ phong kiến, Vua là “thiên tử” có quyền quyết định tất cả, trong chế độ này vẫn tồn tại một hệ thống pháp luật nhưng nó chỉ quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của các thần dân, mà không hề có quy định trách nhiệm của nhà vua. Phải nói rằng giai cấp thống trị trước chủ nghĩa tư bản không bị ràng buộc bởi bất cứ một quy định nào của pháp luật, cho nên giai cấp thông trị không quan tâm đến việc cải cách hệ thống pháp luật để đi đến chỗ hạn chế quyền lực của chính bản thân nó. Do vậy, tư tưởng có một đạo luật đứng trên các đạo luật khác lại hạn chế quyền lực của mình là không phù hợp với hệ thống chuyên chế của giai cấp thống trị phong kiến.
Tuy nhiên, Hiến pháp được hiểu theo nghĩa như ngày nay, xuất hiện trong thời kỳ cách mạng dân chủ tư sản. Văn bản có tính chất Hiến pháp đầu tiên ra đời trong cách mạng tư sản Anh (1640 – 1654) với tên “Hình thức cai quản nhà nước Anh, Xcốtlen, Ai-len và những địa phận thuộc chúng”. Tiếp đó là bản Hiến pháp của nhà nước Mỹ, sau khi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được thành lập năm 1787, có thể coi đây là bản hiến pháp đầu tiên trong lịch sử được hiểu theo nghĩa phổ biến như ngày nay. Tiếp sau đó là các bản Hiếp pháp của Ba Lan (1791), Hiến pháp Pháp (1791) trong thời kỳ cách mạng tư sản; Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức (1949), Hiến pháp Nhật Bản (1946)… Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên (1946) của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay.
3. Vì sao nói Hiến pháp là một khế ước xã hội?
Hiến pháp được xem là một khế ước xã hội bởi những lý do sau:
Thứ nhất, chúng ta có hơn 90 triệu người, 54 dân tộc, nhiều tôn giáo và thành phần xã hội khác nhau. Chúng ta rất chung, mà cũng rất riêng. Lợi ích của chúng ta cũng có nhiều điểm rất chung và có những điểm rất riêng. Chỉ một bản khế ước xã hội với sự tham gia xây dựng và thỏa thuận của tất cả mọi người và giữa tất cả mọi người, cái chung và cái riêng của tất cả chúng ta mới được cân nhắc đủ thận trọng, đủ cân bằng. Chỉ có như vậy, chúng ta mới củng cố được khối đại đoàn kết của mình và có được sự phát triển bền vững, hài hòa. Không có Hiến pháp tốt một cách chung chung, chỉ có Hiến pháp tốt theo nghĩa được tuyệt đại đa số người Việt chúng ta chấp nhận.
Thứ hai, với tư cách là một bản khế ước xã hội, Hiến pháp mới có thể tạo cho tất cả mọi người một vị thế bình đẳng – bình đẳng với nhau và bình đẳng với Nhà nước. Tất cả chúng ta đều có những quyền và nghĩa vụ như nhau. Nhà nước được chúng ta phân chia quyền lực chỉ ở mức độ và trong phạm vi cần thiết để phụng sự cho công chúng. Nhà nước được chúng ta phân chia cho quyền lực và phải chịu trách nhiệm trước chúng ta, chứ không phải Nhà nước ban phát quyền cho chúng ta và chúng ta phải phục vụ Nhà nước. Đây cũng là lý do tại sao Hiến pháp thường quy định cụ thể hơn chế tài đối với các cơ quan Nhà nước hơn là các công dân.
Về mặt kỹ thuật, nói Hiến pháp là một khế ước xã hội, thì không có nghĩa là cả xã hội phải tham gia soạn thảo văn bản này. Việc soạn thảo Hiến pháp vẫn phải do giới tinh hoa của dân tộc đảm nhận. Vấn đề là những người này phải thể hiện bản hiến văn như một khế ước xã hội, và người dân phải được tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến và phê chuẩn bản hiến văn đó.
Thứ ba, Hiến pháp của mỗi quốc gia khi được ban hành đều thể hiện rõ vai trò sau đây:
– Hiến pháp là hợp pháp hóa ở mức cao nhất cơ sở tồn tại của một chế độ xã hội, chế độ nhà nước, một trật tự các quan hệ xã hội. Hiến pháp nào cũng vậy, dù đó là Hiến pháp tốt hay xấu, dân chủ hay phi dân chủ, đều có vai trò bảo đảm tính hợp pháp cao nhất cho chế độ xã hội và chế độ nhà nước, xác định địa vị pháp lý chung nhất của cá nhân, tập thể.
– Hiến pháp có vai trò ổn định hóa các quan hệ xã hội. Bản thân Hiến pháp là văn bản có tính ổn định cao, do vậy khả năng của nó trong việc bảo đảm sự ổn định của các quan hệ xã hội, các thiết chế chính tri và Nhà nước cũng như các định chế xã hội và sự an toàn pháp lý cho cá nhân, cho xã hội là rất lớn.