Khoa học công nghệ là gì? Các hoạt động của khoa học công nghệ? Phân tích về hoạt động khoa học công nghệ hiện nay? Vai trò của khoa học công nghệ trong cuộc sống hiện nay? Chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ?
Trong gia đoạn hiện nay, chúng ta cần phải nhận thức rằng, khoa học công nghệ là một trong những lĩnh vực quan trọng hàng đầu trong nền kinh tế thị trường và trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Không những thế, khoa học công nghệ còn là kết quả, minh chứng hiện thân của một đất nước phát triển, của một đất nước công nghệ hiện đại. Chính bởi vai trò to lớn mà khoa học công nghệ mang lại nên Nhà nước cần có những chủ trương, ban hành nhiều chính sách phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của đất nước để phát triển khoa học công nghệ và để xây dựng cũng như phát triển đội ngũ trí thức cả về số lượng và chất lượng. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu về chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ.
Luật sư
1. Khoa học công nghệ là gì?
Khoa học công nghệ là một trong những cách gọi tắt của cụm từ “khoa học và công nghệ”, trong đó ta có thể hiểu:
– Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy.
– Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm.
Ngoài ra, theo Luật Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2013 cũng đưa ra định nghĩa về hoạt động khoa học và công nghệ có nội dung như sau:
“Hoạt động khoa học và công nghệ là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ.”
Hay ta có thể hiểu đơn giản thì khoa học công nghệ chính là toàn bộ các hoạt động đảm bảo có hệ thống và sáng tạo hỗ trợ phát triển các kho tàng kiến thức chung của nhân loại. Trong đó có thể là kiến thức về con người, về đời sống – xã hội, tự nhiên…. từ đó giúp hình thành nên các ứng dụng mới hiện đại và phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
2. Các hoạt động của khoa học công nghệ:
Ngày nay, hoạt động khoa học và công nghệ được hiểu là một hoạt động mang tính chất chuyên biệt nhằm mục đích tìm kiếm, phát hiện, lí giải về các hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy cũng như các hoạt động ứng dụng các tri thức vào phục vụ sản xuất và đời sống của con người.
Hay ta có thể hiểu cơ bản như sau, hoạt động khoa học và công nghệ là một hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực đời sống xã hội.
Theo Điều 3 Luật Khoa học công nghệ 2013 quy định về những hoạt động thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ bao gồm những nội dung cơ bản sau đây:
– Hoạt động nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn.
– Hoạt động phát triển công nghệ là hoạt động sử dụng kết quả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, thông qua việc triển khai thực nghiệm và sản xuất thử nghiệm để hoàn thiện công nghệ hiện có, tạo ra công nghệ mới.
– Hoạt động triển khai thực nghiệm là hoạt động ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm công nghệ mới ở dạng mẫu.
– Hoạt động sản xuất thử nghiệm là hoạt động ứng dụng kết quả triển khai thực nghiệm để sản xuất thử nhằm hoàn thiện công nghệ mới, sản phẩm mới trước khi đưa vào sản xuất và đời sống.
– Hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ là hoạt động phục vụ, hỗ trợ kỹ thuật cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, an toàn bức xạ, hạt nhân và năng lượng nguyên tử; dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội.
3. Phân tích về hoạt động khoa học công nghệ hiện nay:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 của Luật Khoa học và Công nghệ quy định nội dung sau đây:
“Hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ.”
Theo quy định của pháp luật về hoạt động khoa học công nghệ ta có thể hiểu hoạt động khoa học công nghệ như sau:
Thứ nhất, nghiên cứu khoa học:
Nghiên cứu khoa học là việc các chủ thể khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật các hiện tượng, sự vật, các quy luật tự nhiên thông qua đó đưa ra các giải pháp ứng dụng các sáng kiến vào đời sống xã hội thực tiễn.
Phương pháp nghiên cứu khoa học bao gồm hai phương pháp cơ bản đó là:
– Thứ nhất: nghiên cứu cơ bản: Nghiên cứu cơ bản là hoạt động nghiên cứu nhằm khám phá bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy.
– Thứ hai: nghiên cứu ứng dụng: Nghiên cứu ứng dụng là hoạt động nghiên cứu vận dụng kết quả nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra công nghệ mới, đổi mới công nghệ phục vụ lợi ích của con người và xã hội.
Thứ hai, phát triển công nghệ:
Phát triển công nghệ là việc sáng tạo và hoàn thiện những công nghệ mới, sản phẩm mới. Phát triển công nghệ thường được phát triển theo hai hình thức phổ biến đó là triển khai thực nghiệm và sản xuất thử nghiệm. Trong đó:
– Thứ nhất: Triển khai thực nghiệm là hoạt động ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm công nghệ mới ở dạng mẫu.
– Thứ hai: Sản xuất thử nghiệm là hoạt động ứng dụng kết quả triển khai thực nghiệm để sản xuất thử nhằm hoàn thiện công nghệ mới, sản phẩm mới trước khi đưa vào sản xuất và đời sống.
Thứ ba, dịch vụ khoa học và công nghệ:
Dịch vụ khoa học công nghệ là hoạt động đưa nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn, các hoạt động chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, ứng dụng trí thức khoa học và công nghệ và kinh nghiệm thực tiễn.
4. Vai trò của khoa học công nghệ trong cuộc sống hiện nay:
Ngày nay, khoa học công nghệ đang giữ vai trò quan trọng trong đời sống con người và có những tác động to lớn đối với xã hội và nền kinh tế nước ta. Ta có thể nêu ra một số vai trò cụ thể sau đây:
– Khoa học công nghệ giúp con người tạo ra các công cụ sản xuất, phương pháp sản xuất mới, từ đó nâng cao năng suất lao động của con người, mở rộng sản xuất, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế nước ta.
– Khoa học công nghệ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các quốc gia từ nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu sang nền kinh tế công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
– Khoa học công nghệ làm tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa và thúc đẩy sự phát triển kinh tế thị trường.
– Khoa học công nghệ là công cụ mạnh có vai trò cốt yếu trong việc phát triển con người.
– khoa học và công nghệ là phương tiện quan trọng để con người khám phá, chinh phục và cải tạo giới tự nhiên.
Khi con người biết vận dụng khoa học và công nghệ để khắc phục những hạn chế của mình nhằm mục đích khám phá, chinh phục và cải tạo tự nhiên. Việc vận dụng khoa học sẽ giúp con người phát hiện ra bản chất, tính quy luật của các hiện tượng, sự vật, quá trình từ đó dự báo về sự vận động, phát triển của chúng để định hướng cho hoạt động của mình trong tương lai.
– Ngoài ra, ta nhận thấy một vai trò vô cùng quan trọng khác đó là: Khoa học và công nghệ là biện pháp căn bản để nâng cao năng suất lao động, phát triển sản xuất
Việc phát minh ra công cụ sản xuất từ thô sơ đến máy móc và cao hơn nữa là các dây chuyền sản xuất tự động đã tạo ra những bước nhảy vọt về năng suất lao động. Nhờ vào các ứng dụng khoa học và công nghệ trong tổ chức lao động sản xuất đã giải phóng sức lao động của con người, tạo ra sự đổi mới căn bản của lực lượng sản xuất, đưa người lao động lên vị trí làm chủ quá trình sản xuất xã hội và giúp con người ngày càng phát triển.
5. Chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ:
Nhà nước thực hiện các chính sách sau đây nhằm bảo đảm phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu:
1. Ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học và công nghệ; áp dụng đồng bộ cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi nhằm phát huy vai trò then chốt và động lực của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân;
2. Phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ; gắn nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề hình thành và phát triển kinh tế tri thức;
3. Đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến và hiện đại, nghiên cứu làm chủ và tạo ra công nghệ mới nhằm đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ và năng lực cạnh tranh của sản phẩm;
4. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật, chú trọng lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm quốc gia; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để phát triển, đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực khoa học và công nghệ;
5. Tạo điều kiện phát triển thị trường khoa học và công nghệ;
6. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ;
7. Khuyến khích, tạo điều kiện để hội khoa học và kỹ thuật, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội và hoạt động khoa học và công nghệ;
8. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ; nâng cao vị thế quốc gia về khoa học và công nghệ trong khu vực và thế giới.