Xét nghiệm là gì? Các loại xét nghiệm y tế thường gặp nhất?

Trong sự phát triển của y học thì sự xuất hiện của xét nghiệm đúng là một báu vật tuyệt vời nó giúp cho các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh một cách chính xác hơn. Vậy xét nghiệm cụ thể là gì và hiện nay có những loại xét nghiệm nào được được sử dụng phổ biến?

1. Xét nghiệm là gì?

Trong y học thì xét nghiệm là một hoạt động được diễn ra với mục đích điều tra, phân tích được thực hiện trong các thí nghiệm đạt chuẩn của bệnh viện và do các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao tiến hành xét nghiệm; các mẫu dùng để xét nghiệm rất là đa dạng như: Mẫu máu, mẫu nước tiểu, mẫu dịch tiết,… Kết quả xét nghiệm thu được chính là cơ sở để bác sĩ đưa ra các chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân.

Nói theo một cách dễ hiểu hơn thì Xét nghiệm là một công cụ hoặc thủ tục y tế được sử dụng trong quá trình thăm khám, điều trị hay theo dõi bệnh tật. Với bác sĩ, xét nghiệm là công cụ hỗ trợ đắc lực, đặc biệt là trong các bệnh có ít triệu chứng cơ năng hoặc triệu chứng không rõ ràng, không đặc hiệu hoặc trong sàng lọc cộng đồng.

Với sự phát triển của y học hiện đại, rất nhiều loại xét nghiệm đã được nghiên cứu và sử dụng cho những mục tiêu cụ thể về chẩn đoán và theo dõi bệnh. Mỗi loại xét nghiệm đưa ra kết quả khác nhau, có độ nhạy và độ đặc hiệu khác nhau.

Trong tiếng anh Xét nghiệm có tên gọi là Test.

2. Ý nghĩa của việc xét nghiệm:

Kết quả của xét nghiệm rất cụ thể, rõ ràng và có độ chính xác cao. Kết quả xét nghiệm phản ánh tình trạng bệnh của bệnh nhân một cách khách quan. Theo thống kê, có khoảng 70% quyết định y khoa tại Việt Nam được đưa ra dựa trên kết quả của xét nghiệm y khoa.

Kết quả xét nghiệm được dùng để theo dõi sự tiến triển của quá trình phát triển bệnh trong cơ thể người bệnh. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra những thay đổi, điều chỉnh phương pháp điều trị, tối ưu thời gian khám – chữa bệnh.

Các kết quả của việc xét nghiệm giúp hạn chế được các sai sót trong quá trình chữa bệnh, hỗ trợ phòng bệnh hiệu quả hơn nhờ vào các công nghệ tiên tiến. Với sự phát triển của y học chúng ta hiện nay có rất nhiều phương pháp xét nghiệm khác nhau. Trong đó, những xét nghiệm phổ biến nhất là xét nghiệm dịch thể như xét nghiệm máu, nước tiểu, dịch…

3. Các loại xét nghiệm y tế thường gặp:

Xét nghiệm y tê là một nghiệp vụ của ngành y học, được sử dụng bằng các thiết bị, máy móc thiết đại để phân tích các mẫu bệnh phẩm nhằm phát hiện, cung cấp các thông tin về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Các mẫu bệnh phẩm thường là mẫu máu, nước tiểu, dịch, mô tế bào… Để có thể đưa ra những chuẩn đoán bệnh chính xác nhất thì xét nghiệm là một phần không thể thiếu. Vậy hiện nay xét nghiệm bao gồm các loại xét nghiệm nào:

3.1. Xét nghiệm máu:

Đây là loại xét nghiệm phổ biến nhất và được sử dụng nhiều lần trong lĩnh vực y tế. Ta có thể dễ dàng nhận thấy mỗi một bệnh nhân khi đi khám bệnh đều sẽ tiến hành xét nghiệm máu, với xét nghiệm máu sẽ giúp cho người bệnh biết được nhóm máu của mình là nhóm máu gì, đồng thời phát hiện kịp thời những căn bệnh về rối loạn máu và nhiều loại bệnh khác. Ngoài ra, xét nghiệm máu còn đo được tỷ lệ các chất trong thành phần máu ví dụ như cholesterol, glucose, ure máu… Từ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán các bệnh lý gan thận, tim mạch, bệnh về máu…Trong khám bệnh thì xét nghiệm máu thường bao gồm:

Xét nghiệm huyết học: gồm:

Xét nghiệm công thức máu: xét nghiệm kiểm tra các thành phần máu cơ bản như bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu,… Từ đó bác sĩ có thể đánh giá người bệnh có bị thiếu máu, tăng bạch cầu bất thường do nhiễm trùng hay các bất thường về thành phần máu khác.

Xét nghiệm nhóm máu: Xét nghiệm xác định nhóm máu là rất cần thiết, là thông tin y tế gắn liền với người bệnh nhằm chủ động trong trường hợp cấp cứu, bệnh nhân sẽ được truyền máu nhanh chóng.

Xét nghiệm sinh hóa máu: Xét nghiệm sinh hóa máu cũng thực hiện trên mẫu máu thông thường, song sẽ định lượng các chỉ số sinh hóa thể hiện chức năng quan trọng của các cơ quan hoặc bệnh lý thường gặp. Cụ thể như sau:

– Xét nghiệm mỡ máu: Xét nghiệm định lượng các chỉ số mỡ máu như cholesterol toàn phần, LDL – Cholesterol, HDL – Cholesterol, Triglyceride.

– Xét nghiệm Acid uric trong máu: Đánh giá nguy cơ mắc bệnh Gout.

– Xét nghiệm chức năng gan qua các chỉ số men gan như ALT, AST, GGT, xét nghiệm định lượng Bilirubin.

– Xét nghiệm chức năng thận qua các chỉ số như Ure, Creatinin trong máu,…

– Xét nghiệm sắt, canxi, điện giải đồ,…

– Xét nghiệm miễn dịch: viêm gan B, viêm gan C.

– Xét nghiệm nội tiết, hormon như TSH, FT3, T3,…

– Xét nghiệm sinh học phân tử: HBV-DNA,…

3.2. Xét nghiệm nước tiểu:

Bên cạnh xét nghiệm máu thì xét nghiệm nước tiểu cũng là một trong những loại xét nghiệm thường được thực hiện trong khám chữa bệnh. Như tên gọi thì loại xét nghiệm này sẽ tiến hành hành xét nghiệm dựa trên mẫu nước tiểu của người bệnh. Các chỉ số định lượng trong nước tiểu giúp đánh giá chức năng và tình trạng hoạt động của các cơ quan như gan, tụy, thận, cơ quan bài tiết,… để có thể phát hiện ra những căn bệnh như: Nhiễm trùng đường tiết niệu, đái tháo đường, bệnh thận…

3.3. Xét nghiệm sinh thiết:

Loại xét nghiệm này được thực hiện bằng cách lấy mẫu từ các mô để quan sát và phân tích bằng kính hiển vi. Mục đích của xét nghiệm này nhằm tìm kiếm các tế bào bất thường trong các mô của người bệnh để chẩn đoán các căn bệnh có liên quan đến mô. Việc sinh thiết có thể thực hiện với nhiều bộ phận trong cơ thể nếu kết hợp với những phương pháp y khoa khác.

3.4. Xét nghiệm dịch tiết:

Đây là loại xét nghiệm được tiến hành dựa trên các mẫu dịch nhầy, chất lỏng tại các bộ phận như dịch não tủy, chất hoạt dịch… Các chất dịch ở những bộ phận khác nhau sẽ giúp kiểm tra những bệnh lý có liên quan đến các bộ phận đó.

3.5. Xét nghiệm dịch tễ:

Mục đích của xét nghiệm dịch tễ nhằm kiểm tra khả năng dương tính của người bệnh với các bệnh truyền nhiễm. Ví dụ điển hình như xét nghiệm dương tính hoặc dương tính với Covid – 19 một căn bệnh truyền nhiễm đang gây náo loạn địa cầu trong vài năm trở lại đây.

4. Quy trình xét nghiệm: 

Xét nghiệm là cả một quá trình đòi hỏi người xét nghiệm phải có trình độ chuyên môn cao cùng với các trang thiết bị hiện đại để đưa ra những kết quả thật chính xác làm cơ sở cho việc chẩn đoán của các bác sĩ tránh tình trạng chẩn đoán sai gây ra những tác hại cho tính mạng và sức khỏe của bệnh nhân. Về cơ bản thì quá trình xét nghiệm thông thường được tiến hành theo ba bước như sau:

Bước 1: Lấy mẫu xét nghiệm

Để có thể tiến hành xét nghiệm, bước đầu tiên trong quy trình chính xét nghiệm chính là lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên tùy theo loại xét nghiệm bệnh nhân muốn làm mà mẫu xét nghiệm sẽ có sự khác nhau.

Ví dụ: Đối với xét nghiệm máu thì các bác sĩ sẽ tiến hành lấy máu bệnh nhân bằng cách dùng các mũi tiêm tác động vào phần mạch máu của bệnh nhân để lấy mẫu máu làm cơ sở cho việc xét nghiệm.  Còn nếu bạn muốn xét nghiệm ADN  thì mẫu xét nghiệm sẽ đa dạng hơn. Đó có thể là tóc, móng tay, máu, bàn chải đánh răng,…

Có một điều bạn cần biết khi lấy mẫu xét  nghiệm. Đó là đối với mỗi loại mẫu xét nghiệm khác nhau thì cách thức lấy mẫu cũng khác nhau. Có những mẫu xét nghiệm có thể lấy rất đơn giản và nhanh chóng. Ví dụ như tóc, nước tiểu,… Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những mẫu xét nghiệm có quy trình thu thập phức tạp hơn. Ví dụ như máu, mô tế bào,…

Bước 2: Tiến hành phân tích mẫu 

Sau khi thu thập mẫu xét nghiệm xong, bước tiếp theo trong quy trình xét nghiệm là phân tích mẫu. Việc phân tích mẫu xét nghiệm sẽ thuộc về trách nghiệm của các bác sĩ chuyên môn có trình độ. Quá trình phân tích cần được tiến hành trong các phòng điều kiện đạt chuẩn nhất. Ví dụ như phòng thí nghiệm, phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn,…

Việc tiến hành phân tích mẫu sẽ khác nhau đối với những mẫu xét nghiệm khác nhau. Khi loại xét nghiệm càng phức tạp thì việc tiến hành phân tích mẫu cũng khó khăn hơn. Một trong những loại mẫu khó phân tích ta có thể kể đến là nước ối, tinh trùng. Ngoài ra bàn chải đánh răng, mô tế bào cố định trên Paraffin,… cũng là những mẫu rất khó phân tích.

Bước 3: Thu thập kết quả xét nghiệm 

Sau khi đã tiến hành phân tích mẫu xét nghiệm của người bệnh tại bước này các bác sĩ sẽ tiến hành thu thập các thông tin, dữ liệu có được từ việc phân tích mẫu của người bệnh. Tùy vào mỗi loại xét nghiệm, mục đích xét nghiệm mà các chỉ số cần phân tích sự khác nhau. Các chỉ số này sẽ thuộc vào hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất, chỉ số có thể thấp hơn hoặc vượt quá điều kiện chỉ số tiêu chuẩn. Trường hợp thứ hai, chỉ số sẽ nằm trong khoảng điều kiện chỉ số tiêu chuẩn.

Khi bác sĩ đã phân tích đủ các chỉ số cần thiết thì nhìn vào bảng phân tích, kết quả xét nghiệm sẽ được đưa ra. Kết quả xét nghiệm sẽ trở thành căn cứ chính để bác sĩ đưa ra kết luận về sức khỏe hay vấn đề mà bệnh nhân muốn biết rõ.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )