Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát (Văn lớp 6)

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát - Văn lớp 6? Thơ lục bát là gì? Niêm, luật, vần của thể thơ lục bát? Các biến thể của thơ lục bát? Một số bài thơ lục bát hay, ý nghĩa?

Thơ lục bát là một thể thơ vô cùng quen thuộc trong các tác phẩm văn học cũng như trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Trong chương trình Ngữ Văn 6, các em học sinh sẽ được tìm hiểu về thơ lục bát và phải thực hiện bài tập “Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát”. Để giúp các em học tốt kiến thức này, qua bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp một số mẫu bài viết để bạn đọc có thể tham khảo.

1. Thơ lục bát là gì?

Thơ lục bát là một trong những thể thơ độc đáo của văn học Việt Nam. Theo tiếng Hán, Lục = 6 (sau âm tiết một câu), Bát = 8 (8 âm tiết một câu). Đúng như tên gọi, một cặp câu thơ cơ bản gồm một câu 6 âm tiết và 1 câu 8 âm tiết, phối vần với nhau. Một bài thơ lục bát gồm nhiều câu tạo thành không hạn chế số câu. Đây là thể thơ được dùng chủ yếu trong ca dao, dân ca, và rất thông dụng trong văn chương.

Có thể nói, thơ lục bát là niềm tự hào của dân tộc Việt. Và càng tự hào hơn nữa khi bản sắc văn hóa dân tộc Việt đã được nhân loại biết đến, khẳng định và tôn vinh. Để đạt được những chiến công vang dội đó, chúng ta đã luôn nỗ lực cống hiến, không ngừng tìm kiếm, lựa chọn, sàng lọc, kế thừa, phát huy, sáng tạo đổi mới tạo cho lục bát sự tinh luyện, thù biệt. “Nếu như người Anh, người Ý tự hào vì có thơ Sonne, người Nhật có thơ Haikư, người Trung Quốc có Đường thi…, thì chúng ta cũng có quyền tự hào vì có thơ lục bát. Đó là một trong những thể thơ đã có tự ngàn năm, tồn tại và phát triển thông qua lời ăn, tiếng nói của ông bà ta xưa truyền lại cho con cháu, qua tục ngữ, ca dao và qua làn điệu dân ca ở khắp mọi miền đất nước. Có thể nói: ở đâu có lục bát là ở đó có văn hóa Việt Nam”.

Ví dụ:

“Người đi theo gió đuổi mây

Tôi buồn nhặt nhạnh tháng ngày lãng quên

Em theo hú bóng kim tiền

Bần thần tôi ngẫm triền miên thói đời.”

2. Niêm, luật, vần của thể thơ lục bát:

Các tiếng mang thanh huyền và thanh ngang được gọi là thanh bằng; mang thanh sắc, hỏi, ngã, nặng được gọi là thanh trắc. Quy tắc cơ bản của cặp câu lục bát là các tiếng thứ 2, 6, 8 mang thanh bằng, tiếng thứ 4 mang thanh trắc, còn lại có thể tùy ý. Đuôi câu lục vần với tiếng thứ sáu của câu bát, đuôi câu bát vần với đuôi câu lục sau. Nếu tiếng thứ sáu của câu bát là thanh ngang (dương bình) thì tiếng thứ 8 phải là thanh huyền (âm bình) và ngược lại.

Vần của thơ lục bát cũng giống như vần trong thơ nói chung, bao gồm hai loại là vần chính (giống nhau phụ âm cuối, khác phụ âm đầu) và vần thông (âm na ná nhau).

Ví dụ câu 3241- 3244 trong truyện Kiều:

Ngẫm hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

3. Các biến thể của thơ lục bát:

Biến thể lục bát rất đa dạng, có thể chia làm ba loại là sai khác về số âm tiết, về niêm luật và về vần hoặc tổ hợp của 2, ba loại trên.

Ví dụ sai khác số âm tiết: Câu thơ của Hồ chủ tịch thừa một tiếng ở câu bát.

Trẻ em như búp trên cành,

Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan.

Ví dụ về sai khác niêm luật: Câu ca dao có âm tiết thứ 2 và thứ 4 sai luật bằng-trắc

Lươn ngắn lại chê trạch dài,

Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm.

Ví dụ về sai khác phối vần: Hình thức phối vần ở đuôi câu sáu và giữa câu 8 khá phổ biến.

Con vua thì được làm vua

Con sãi ở chùa, thì quét lá đa.

4. Một số bài thơ lục bát hay, ý nghĩa:

1. Anh đi anh nhớ quê nhà,

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.

Nhớ ai dãi nắng dầm sương,

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.

2. Nhà em cách một quả đồi,

Cách ba ngọn núi, cách đôi cánh rừng.

Nhà em xa cách quá chừng,

Em van anh đấy anh đừng thương em.

3. Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Bầu ơi ! thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

4. Đôi khi lỡ hẹn một giờ
Lần sau muốn gặp phải chờ trăm năm.

5. Anh em nào phải người xa

Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân

Yêu nhau như thể tay chân

Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy.

5. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát – Văn lớp 6:

5.1. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát – Mẫu 1:

Dân tộc Việt Nam có rất nhiều phẩm chất tốt đẹp, điều đó đã được thể hiện qua bài ca dao sau:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Bài ca dao đã mượn hình ảnh hoa sen để ẩn dụ cho phẩm chất của con người. Mở đầu là một câu hỏi tu từ “Trong đầm gì đẹp bằng sen?” như một lời khẳng định rằng trong đầm có nhiều loài hoa rực rỡ, nhưng không có bất cứ loài hoa nào có thể sánh được với hoa sen. Hai câu ca dao tiếp theo vẽ nên vẻ đẹp rất đỗi bình dị mà thanh cao của chúng: lá xanh, bông trắng, nhị vàng. Cách sử dụng điệp ngữ “nhị vàng”, “bông trắng” và “lá xanh” nhằm gợi ra hình ảnh tả thực những cánh hoa xếp tầng tầng lớp lớp tạo nên những bông hoa. Câu thơ cuối cùng “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, hoa sen vốn sinh trưởng trong môi trường đầm lầm – một nơi có rất nhiều bùn. Mà đặc tính của bùn là có mùi hôi tanh, rất khó chịu. Mặc dù sống trong môi trường như vậy, nhưng hoa sen vẫn có mùi thơm ngát dịu dàng. Cũng giống như con người Việt Nam có lối sống giản dị, mộc mạc. Nhưng họ lại có phẩm chất tốt đẹp, cao quý. Sống trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn giữ được tâm hồn thanh cao. Chỉ một bài ca dao ngắn gọn nhưng đã thể hiện được những vẻ đẹp của con người Việt Nam.

5.2. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát – Mẫu 2:

Ca dao Việt Nam có rất nhiều câu ca ngợi công lao to lớn của những đấng sinh thành. Một trong số đó là bài ca dao:

“Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi”

Trước hết, bài ca dao sử dụng hình ảnh so sánh “công cha” với “núi ngất trời”; “nghĩa mẹ” với “nước ở ngoài biển Đông”. Cách so sánh lấy cái trừu tượng của tình phụ tử, mẫu tử để so sánh với cái mênh mông, vĩnh hằng, vô hạn của trời đất, thiên nhiên. Công cha so với núi ngất trời là khẳng định sự lớn lao, nghĩa mẹ so với nước biển Đông là để khẳng định chiều sâu, chiều rộng và sự dạt dào. Còn nhắc tới “cù lao chín chữ” là nhắc đến công lao của cha mẹ nuôi con vất vả nhiều bề. Chín chữ cù lao gồm có sinh (đẻ), cúc (nâng đỡ), phủ (vuốt ve), súc (cho bú, cho ăn), trưởng (nuôi cho lớn), dục (dạy dỗ), cố (trông nom), phục (theo dõi tính tình mà uốn nắn), phúc (che chở). Bởi vậy mà đứa con cần phải ghi nhớ công ơn trời bể đó, cũng như sống có trách nhiệm hơn. Bài ca dao giúp mỗi người hiểu hơn về công ơn của cha mẹ.

5.3. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát – Mẫu 3:

Ông cha thường nói:

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người

Tác giả dân gian đã khéo léo mượn hình ảnh cột nhà với hai bộ phận là gỗ và nước sơn, để nói về phẩm chất con người. Ông cha ta nhấn mạnh, một cây cột đúng nghĩa thì chất lượng gỗ quan trọng hơn lớp sơn bên ngoài. Từ đó ẩn dụ rằng làm người thì phẩm chất, tính cách, tài năng bên trong quan trọng hơn vẻ đẹp phù phiếm của ngoại hình bên ngoài. Ý kiến ấy được tác giả khẳng định qua hình ảnh so sánh ở câu thơ thứ hai. Từ so sánh “còn hơn” đã thể hiện sự đánh giá cao tuyệt đối của người xưa về giá trị nội tại của con người. Từ đó, ông cha khuyên răn chúng ta nên xây dựng phẩm chất tốt, trau dồi và rèn luyện trí tuệ, kĩ năng thay vì chỉ đề cao vẻ đẹp ngoại hình bên ngoài. Cho đến nay, bài học ấy vẫn còn vẹn nguyên giá trị.

5.4. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát – Mẫu 4:

Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”

Bài thơ trên được viết với thể thơ lục bát với mô tip Ai ơi quen thuộc, đã nhanh chóng đi vào tiềm thức của người nghe. Bài thơ bắt đầu bằng cụm từ Ai ơi, đã tạo nên một hiệu ứng, lôi kéo sự tập trung lắng nghe của người khác về nội dung tiếp đó của bài thơ. Tuy không có từ như, nhưng câu thơ thứ hai đã tự chia thành hai vế tương xứng, đặt lên bàn cân với vị thế tương đương nhau. Mỗi hạt cơm dẻo thơm, ngọt bùi, lại ứng với những giọt đắng cay vất vả của người nông dân. Để làm nên lúa gạo, họ phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, vất vả quanh năm suốt tháng. Chính vì thế, chúng ta phải biết quý trọng, nâng niu lúa gạo, không được phung phí. Bài học ý nghĩa ấy chính là nội dung chính mà tác giả dân gian muốn truyền tải qua bài ca dao Ai ơi bưng bát cơm đầy.

5.5. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát – Mẫu 5:

“Nước non lận đận một mình,
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay.
Ai làm cho bể kia đầy,
Cho ao kia cạn, cho gầy cò con?”

Bài thơ trên là những lời than thân của người nông dân tội nghiệp lam lũ trong xã hội xưa. Họ được ví như những con cò trắng, với cuộc đời lận đận, bấp bênh, cơ cực. Chẳng ngày nào mà họ được ngơi nghỉ, bình yên hưởng thụ cả. Thân cò mảnh mai, yếu ớt, nhưng lại làm những việc nặng nhọc, vất vả. Như người nông dân ốm yếu, thiếu thốn lại ngày ngày nai lưng ra làm việc, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Thật đáng thương đắng cay làm sao. Biết là đau khổ, vất vả, khốn khó như vậy, nhưng những người nông dân ấy cũng không biết phải làm sao. Bởi với thân phận thấp cổ bé họng như vậy thì làm sao có thể chống lại những kẻ xấu xa, độc ác, tham lam vô độ ngoài kia chứ. Đến cả chỉ đích danh những kẻ đó, họ còn không thể, chỉ dám dùng đại từ phiếm chỉ “ai” để gọi mà thôi. Hình ảnh “cò con” ở cuối bài thơ, càng khiến người đọc thêm ám ảnh, về số phận tội nghiệp của những thế hệ mai sau. Bài thơ với nhịp điệu nhịp nhàng của một lời ru, với nhiều điệp từ gợi lên cảm thức yêu thương, xót xa cho thân phận tội nghiệp của người nông dân. Hình ảnh “con cò” xuyên suốt cả bài thơ in sâu vào tâm trí người đọc về nỗi thương cảm với những số phận bất hạnh, tội nghiệp ấy.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )