Việc thừa kế trong trường hợp vợ chồng đang xin ly hôn. Chia thừa kế theo di chúc.
Việc thừa kế trong trường hợp vợ chồng đang xin ly hôn. Chia thừa kế theo di chúc.
Tóm tắt câu hỏi:
Anh Cường và chị Hà kết hôn năm 1989, có 2 con gái là Ngọc sinh năm 1990 (đi làm tại một công ty nước ngoài) và Hạnh sinh nắm 1996. Năm 2008, Cường đi tu nghiệp sinh ở Nhật Bản và chung sống như vợ chồng với Chi, hai người đã có một con chung là Hiệp sinh năm 2010. Tháng 11/2013 Cường về nước và yêu cầu Hà ly hôn, Chị Hà đồng ý, Tòa án đã thụ lý đơn. Ngày 8/1/2014, Cường bị nhồi máu cơ tim, trước khi chết Cường di chúc để lại cho Chi, Hiệp, Ngọc mỗi người một phần đều nhau. Chi đến đòi tài sản thừa kế của anh Cường nhưng gia đình anh Cường không đồng ý. Vì vậy Chi đã làm đơn kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Biết rằng: – Cường và Chi cùng kinh doanh và có khối tài sản chung là 4 tỷ đồng. – Tài sản chung của Cường và Hà là 880 triệu đồng. – Tháng 8/2013, Cường được hưởng di sản thừa kế từ ông nội 300tr, chị Hà giữ, khi về nước Cường đã đòi lại khoản tiền đó từ vợ. Chia tài sản kiểu gì ạ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thứ nhất, Về phần di sản thừa kế.
Di sản anh Cường để lại có thể xác định như sau:
+ Tài sản kinh doanh cùng chị chi trị giá 4 tỷ đồng: Phải xác định rõ phần tài sản anh Cường được nhận khi góp vốn kinh doanh chung. Trong phạm vi tài sản anh Cường được hưởng sẽ là phần di sản thừa kế anh Cường để lại cho những người thừa kế.
+ Tài sản chung cùng với chị Hà 880 triệu đồng:
Căn cứ Điều 66 Luật hôn nhân gia đình 2014. Giaỉ quyết tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp một bên chết:
Xem thêm: Người đã chết có được hưởng di sản thừa kế không?
"1. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.
2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.
3. Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.
4. Tài sản của vợ chồng trong kinh doanh được giải quyết theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác."
Theo đó, Phân chia tài sản chung của anh Cường và chị Hà trong khối tài sản chung 880 triệu đồng như sau: anh Cường và chị Hà mỗi người được hưởng 440 triệu đồng. Phần di sản để lại thừa kế là phần tài sản của anh Cường sau khi chia tài sản chung.
+ 300 triệu anh Cường được thừa kế riêng của ông nội anh Cường
Căn cứ Điều 43 Luật hôn nhân gia đình 2014. Tài sản riêng của vợ, chồng
"1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này."
Trường hợp anh Cường được thừa kế riêng từ ông nội, nếu sau khi nhận di sản thừa kế nếu hai vợ chồng anh Cường, chị Hà không có thỏa thuận về việc hợp nhất khối tài sản này thành tài sản chung thì tài sản này vẫn là tài sản riêng của anh Cường.
Vậy khối tài sản của Anh Cường cần phải được xác định rõ phần tài sản của anh trong khối tài sản chung và tài sản thừa kế riêng.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 19006568
Thứ hai, Những người có quyền thừa kế
Xem thêm: Chia di sản thừa kế khi người thừa kế chưa đủ 18 tuổi
Theo nguyên tắc, khi người chết có để lại di chúc tài sản sẽ được định đoạt như trong di chúc.
Tuy nhiên, Căn cứ Điều 644 Bộ luật dân sự 2015. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”
Theo quy định của luật, Vợ và con chưa đủ tuổi thành niên nếu không có tên trong di chúc cũng vẫn nhận được mỗi người hai phần ba của một suất thừa kế nếu chia theo pháp luật.
Theo đó, Anh Cường và Chị Hà đã nộp đơn lên tòa án yêu cầu xin ly hôn và đã được tòa thụ lý đơn.
Căn cứ Điều 655 Bộ luật dân sự 2015. Việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung; vợ, chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác
“1. Trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
2. Trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
3. Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.”
Việc ly hôn của anh Cường và chị Hà đã được Tòa án thụ lý nhưng chưa có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án nên chị Hà vẫn được hưởng thừa kế di sản của nhau theo quy định của pháp luật.
Và Căn cứ Điều 20 Bộ luật dân sự 2015. Người thành niên
“1. Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.
Xem thêm: Quy định về người đứng tên di sản thờ cúng
2. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này.”
Căn cứ quy định của luật, Người thành niên là người từ đủ 18 tuổi.
Hạnh là con gái của anh Cường, Hạnh sinh năm 1996, nhưng bạn không nêu rõ Hạnh sinh ngày tháng năm nào để xác định Hạnh có đủ 18 tuổi thời điểm mở thừa kế hay chưa:
+ Trường hợp tại thời điểm mở thừa kế Hạnh chưa đủ 18 tuổi, Hạnh vẫn nhận được hai phần ba suất của một người thừa kế nếu chia theo pháp luật.
+ Trường hợp tại thời điểm mở thừa kế Hạnh đã đủ 18 tuổi và có khả năng lao động, Hạnh không được chia thừa kế theo diện người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc nữa.
Nếu anh Cường còn bố, mẹ thì bố mẹ cũng được hưởng hai phần ba suất thừa kế của một người thừa kế theo pháp luật.
Vậy người được hưởng di sản gồm: Chi, Hiệp, Ngọc mỗi người được một phần thừa kế đều nhau và Chị Hà vẫn là vợ hợp pháp của anh Cường, Hạnh nếu thời điểm mở thừa kế chưa đủ 18 tuổi sẽ được nhận số tài sản bằng hai phần suất của một người thừa kế nếu chia theo pháp luật.
Tuy nhiên, Khi chia thừa kế cần lưu ý các trường hợp sau:
– Trước khi chia thừa kế theo di chúc phải xem xét di chúc có hợp pháp hay không. Di chúc được công nhận khi là di chúc hợp pháp, di chúc hợp pháp khi đáp ứng điều kiện tại Điều 630 Bộ luật dân sự 2015. Trường hợp di chúc không hợp pháp hoặc tại thời điểm mở thừa kế không còn di chúc (Điều 642 Bộ luật dân sự 2015) thì di sản thừa kế sẽ không chia theo di chúc mà chia theo pháp luật.
– Nếu di chúc hợp pháp sẽ chia theo di chúc. Tuy nhiên, Di chúc được lập định đoạt đến đâu sẽ chia thừa kế tới đó, bạn không nói rõ anh Cường lập di chúc định đoạt những tài sản nào cho những người thừa kế theo di chúc. Trường hợp di chúc chỉ định đoạt một phần tài sản thì những phần tài sản còn lại không được nhắc đến trong di chúc sẽ được chia theo pháp luật (Điểm a Khoản 2 Điều 650 Bộ luật dân sự 2015).