Tự do kinh tế là gì? Những nội dung về tự do kinh tế và liên hệ thực tiễn

Lãi suất quỹ liên bang là gì? Tầm quan trọng của lãi suất quỹ liên bang? Phương pháp tính chỉ số tự do kinh tế?

Thị trường hiện nay các nước đang xây dựng theo cơ chế tự do kinh tế, vì tự do kinh tế cũng là một trong những nội dung của quyền cơ bản của mỗi con người chúng ta, Đối với xã hội tự do về kinh tế sẽ thúc đẩy quyền và giá trị kinh tế tốt hơn, bên cạnh đó cũng đảm bảo lưu thông hàng hóa, Vậy cụ thể Tự do kinh tế là gì? Những nội dung về tự do kinh tế và liên hệ thực tiễn.

1. Tự do kinh tế là gì? 

Tự do kinh tế hay còn gọi là kinh tế thị trường tự do trong tiếng Anh gọi là Free market economy.

Hiện nay ta có thể thấy một nền kinh tế thị trường tự do là nền kinh tế trong đó không phải nhà nước mà là các lực lượng thị trường chi phối các quá trình kinh tế.

Trên thực tế thì tự do kinh tế là quyền cơ bản của mỗi con người để kiểm soát sức lao động và tài sản của chính mình. Trong một xã hội tự do về kinh tế, các cá nhân tự do làm việc, sản xuất, tiêu dùng và đầu tư theo cách mà họ muốn. Trong các xã hội tự do về kinh tế, các chính phủ cho phép lao động, vốn và hàng hóa tự do lưu thông, mà không có sự chèn ép hay giới hạn tự do ngoại trừ những giới hạn tối thiểu cần thiết để họ bảo vệ và duy trì sự tự do đó.

2. Những nội dung về tự do kinh tế và liên hệ thực tiễn:

- Chính thị trường hay đúng hơn là các qui luật vốn có của thị trường quyết định xã hội nên sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai?

- Nền kinh tế thị trường tự do bị chi phối bởi một bàn tay vô hình, hướng người ta đi đến các quyết định về các vấn đề kinh tế cơ bản mà không cần đến sự can thiệp của nhà nước.

- Cách thức thị trường phân phối hàng hóa hay thu nhập cho các cá nhân trong xã hội liên quan trực tiếp đến sự vận hành của thị trường các yếu tố sản xuất.

Hoạt động của thị trường yếu tố sản xuất, về cơ bản, quyết định quá trình phân phối thu nhập. Trên cơ sở này, thị trường quyết định phần hàng hóa hay dịch vụ mà mỗi người được hưởng trong tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ mà xã hội tạo ra

Ví dụ: Trong các xã hội thị trường, những người có tài năng lao động đặc biệt (sở hữu một yếu tố sản xuất đặc biệt khan hiếm) như các ca sĩ hay cầu thủ bóng đá nổi tiếng thường có thu nhập rất cao. Trong khi đó, những người chỉ có khả năng làm các công việc giản đơn như lau nhà, bốc vác thường phải nhận những mức lương thấp.

Sự chi phối của kinh tế thị trường tự do đến vấn đề cơ bản của nền kinh tế

"Sản xuất cái gì?"

Việc "sản xuất cái gì" được hình thành như kết quả tương tác của nhiều người sản xuất và tiêu dùng trên thị trường, chứ không phải do mệnh lệnh của nhà nước hay một cá nhân nào đó trong xã hội.

Xét một cách trực tiếp, trong nền kinh tế thị trường, các chủ doanh nghiệp vẫn là những người ra quyết định xem những hàng hóa nào cần được sản xuất.

Nhưng khi họ sản xuất ra những chiếc ô tô, hay xe máy thì không phải vì họ nhận thấy đó là những hàng hóa mà ai đó trong xã hội đang cần và họ có trách nhiệm phải cung cấp hay phục vụ.

Những người này sản xuất ô tô hay xe máy vì chúng là phương tiện có khả năng mang lại cho họ lợi nhuận. Những chiếc ô tô hay xe máy được sản xuất ra vì chúng có thể bán được trên thị trường và đem lại sự giàu có cho những người sản xuất. Khi có nhiều người hỏi mua xe máy, và giá cả của nó trên thị trường tăng lên, người sản xuất sẽ có xu hướng gia tăng sản lượng xe máy.

Ngược lại, khi nhu cầu của thị trường về xe máy thu hẹp, giá cả xe máy giảm xuống, số lượng xe máy sẽ được sản xuất ít đi. Khi thị trường không còn cần đến một hàng hóa nào đó (hoặc không bán được, hoặc chỉ bán được với mức giá rất thấp khiến người sản xuất phải thua lỗ trong dài hạn), nó sẽ phải bị đưa ra khỏi danh mục các hàng hóa được lựa chọn của những người sản xuất.

"Sản xuất như thế nào?"

Trong hệ thống kinh tế thị trường tự do, thị trường cũng là yếu tố quyết định người ta phải "sản xuất như thế nào".

Khi theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, với áp lực cạnh tranh trên thị trường, những người sản xuất luôn phải cân nhắc để có thể lựa chọn được các cách thức sản xuất phù hợp, cho phép họ tối thiểu hóa chi phí. Sự lên xuống của giá cả các yếu tố sản xuất luôn tác động đến sự lựa chọn này.

"Sản xuất cho ai?"

Nói một cách đơn giản, thị trường luôn dành các hàng hóa cho những người có tiền, có khả năng trả tiền.

Chúng ta có thể coi là bất công khi người ta sản xuất ra những chiếc ô tô đắt tiền không phải cho tôi hay bạn, những người chỉ có mức thu nhập "khiêm tốn", mà là cho những người giàu có. Nhưng kinh tế thị trường tự do là như vậy.

Trong nền kinh tế này, một số người nào đó có thể có được phần nhiều hơn trong "chiếc bánh" mà xã hội làm ra, trong khi những người khác lại chỉ có thể nhận được những phần ít ỏi.

Liên hệ thực tiễn

Trên thực tế, không tồn tại những nền kinh tế thị trường hoàn toàn tự do.

Ngay ở Hongkong, nơi thường được xem là có nền kinh tế thị trường tự do nhất trên thế giới, nhà nước vẫn không hoàn toàn để mặc cho thị trường tự do xử lí mọi vấn đề kinh tế.

Nhà nước vẫn can thiệp vào việc cung cấp các loại hàng hoá công cộng như bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng đường xá hay phát triển hệ thống y tế công cộng cũng như nhiều lĩnh vực khác.

Năm 2003, khi dịch SARS (Severe Acute Respiratory Syndrome - Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) bùng phát ở vùng lãnh thổ này, nhà nước chứ không phải thị trường đã có những biện pháp quyết liệt để có thể nhanh chóng khống chế và dập tắt nạn dịch này.

3. Phương pháp tính chỉ số tự do kinh tế:

Nhóm 1: Nền pháp quyền (Rule of Law)

Quyền tư hữu (Property Rights)

Quyền tư hữu đánh giá mức độ tự do mà khung pháp lý của một quốc gia cho phép các cá nhân tư hữu tài sản, được đảm bảo bởi những quy định rõ ràng và được chính phủ thực thi một cách hiệu quả.

Điểm số quyền tư hữu được tính bằng số trung bình cộng (không đặt trọng số) của 5 yếu tố phụ, gồm:

+ Quyền tư hữu tài sản vật lý;

+ Quyền sở hữu trí tuệ;

+  Mức độ bảo vệ nhà đầu tư;

+ Nguy cơ bị tước đoạt tài sản;

+  Chất lượng quản lý đất đai.

Hiệu quả tư pháp (Judicial Effectiveness)

Để bảo vệ các quyền của công dân khỏi những hành vi bất hợp pháp của người khác cần thiết phải có những khung pháp lý hiệu quả. Hiệu quả tư pháp đòi hỏi các hệ thống tư pháp phải có tính hiệu quả và công bằng để đảm bảo luật pháp được tôn trọng một cách tuyệt đối.

Điểm số hiệu quả tư pháp được tính bằng số trung bình cộng (không đặt trọng số) của 3 yếu tố phụ, gồm:

+ Mức độ độc lập của bộ máy tư pháp;

+ Chất lượng của quá trình tư pháp;

+ Khả năng có được các quyết định tư pháp thuận lợi.

Chính phủ liêm chính (Government Integrity)

Tham nhũng làm xói mòn tự do kinh tế bởi nó mang sự ép buộc và bất ổn vào các mối quan hệ kinh tế. Mối quan tâm lớn nhất ở đây chính là sự tham nhũng mang tính hệ thống của các cơ quan chính phủ làm ảnh hưởng đến việc ra quyết định thông qua tham ô, hối lộ, mua chuộc, tống tiền, gia đình trị, sự thân hữu, nâng đỡ.

Điểm số chính phủ liêm chính được tính bằng số trung bình cộng (không đặt trọng số) của 6 yếu tố phụ, gồm:

+ Sự tín nhiệm của công chúng đối với các chính trị gia;

+ Thanh toán các khoản không theo quy tắc và hối lộ;

+ Sự minh bạch khi hoạch định chính sách của chính phủ;

+ Không tham nhũng;

+ Nhận thức về tham nhũng;

+ Tính minh bạch trong hoạt động chính phủ và trong công vụ.

Nhóm 2: Quy mô chính phủ (Government Size)

Gánh nặng thuế (Tax Burden)

Gánh nặng thuế phản ánh mức thuế suất biên trên thu nhập cá nhân lẫn doanh nghiệp, và mức thuế chung (bao gồm các loại thuế gián thu và trực thu được áp bởi các cấp chính quyền) dưới dạng tỷ lệ phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Điểm số gánh nặng thuế được tính dựa trên 3 yếu tố phụ, gồm:

+  Thuế suất biên cao nhất của cá nhân

+ Thuế suất biên cao nhất của doanh nghiệp

+ Tỷ lệ phần trăm gánh nặng thuế trên GDP.

Như vậy thông qua đó ta thấy được tự do kinh tế thực chất là như thế nào, và trên thực tế ra sao để có thể dễ dàng áp dụng trên thị trường.
    5 / 5 ( 1 bình chọn )