Trường mầm non chưa có giấy phép đã hoạt động xử phạt như thế nào? Xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Trường mầm non chưa có giấy phép đã hoạt động xử phạt như thế nào? Xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Tóm tắt câu hỏi:
Hiện nay tại địa phương em đang quản lý có 01 cơ sở mầm non chưa được cấp phép đang hoạt động và nhận trẻ từ tháng 9/2016 đến nay được 70 trẻ đang theo học. Hiệu trưởng phụ trách khu vực đã nhắc nhở nhiều lần nhưng cơ sở chưa hoàn thiện đề án xin thành lập cơ sở vì cơ sở tổ chức theo mô hình liên kết với người nước ngoài. Vậy cho em hỏi thẩm quyền xử phạt của UBND phường ở mức độ nào? Hồ sơ hướng dẫn cơ sở này như thế nào? Và cấp nào sẽ cấp phép thành lập cho cơ sở này? Em mong nhận được câu trả lời của luật sư sớm nhất, em xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Căn cứ pháp lý:
Nghị định 138/2013/NĐ- CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Nghị định 73/2012/NĐ- CP quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Thứ nhất, Thẩm quyền xử phạt của Uỷ ban nhân dân Phường.
Căn cứ Điều 27 Nghị định 138/2013/NĐ- CP quy định về Thẩm quyền lập biên bản đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục
“1. Người có thẩm quyền lập biên bản quy định tại Điều này có quyền lập biên bản hành chính về những vi phạm hành chính thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao theo mẫu quy định và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản.
2. Những người sau đây có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính:
a) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này khi đang thi hành công vụ;
b) Công chức khi đang thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục.”
Và Điều 28 Nghị định 138/2013/ NĐ- CP. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:
“1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến mức tối đa là 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm quy định tại Chương II Nghị định này;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điểm b Khoản này.
Theo quy định của luật Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Phường có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II Nghị định 138/2013/ NĐ- CP. Liên quan đến vấn đề cấp phép hoạt động và tự ý tuyển sinh chương trình giáo dục có yếu tố nước ngoài mà chưa được cấp phép có các mức phạt cụ thể như sau:
– Phạt tiền đối với hành vi tự ý thành lập cơ sở giáo dục mầm non mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Khoản 3 Điều 5 Nghị định 138/2013/NĐ- CP).
– Phạt tiền đối với hành vi tổ chức hoạt động giáo dục mầm non khi chưa được phép hoạt động từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (Khoản 4 Điều 6 Nghị định 138/2013/NĐ- CP).
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thông báo tuyển sinh chương trình giáo dục có yếu tố nước ngoài khi chưa được cấp phép thực hiện chương trình đó trên lãnh thổ Việt Nam (Khoản 2 Điều 8 Nghị định 138/2013/NĐ- CP).
Như vậy, Chủ tịch ủy ban nhân dân Phường có quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở này bằng hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tối đa 5.000.000 đối với mỗi hành vi vi phạm.
Thứ hai, Về hồ sơ thành lập cơ sở giáo dục mầm non có yếu tố nước ngoài
Quy trình thành lập và hoạt động, để trường mầm non đi vào hoạt động cần phải thực hiện 3 bước sau:
Bước 1: Cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Căn cứ Điều 35 Nghị định 73/2012/NĐ-CP. Quy trình, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư
“1. Quy trình, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư gửi bản sao Giấy chứng nhận đầu tư đến:
c) Sở Giáo dục và Đào tạo đối với dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và phân hiệu của những cơ sở này; trường trung cấp chuyên nghiệp và phân hiệu của những cơ sở này”.
Quy trình, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư. Thủ tục cấp giấy giấy chứng nhận đầu tư cụ thể như sau:
1. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đầu tư:
a) Có dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
b) Có Đề án tiền khả thi thành lập cơ sở giáo dục theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 33 Nghị định 73/2012/NĐ-CP;
c) Có quỹ đất tại địa phương để giao hoặc cho nhà đầu tư thuê hoặc thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất sẵn có phù hợp với quy định (Điều 29 Nghị đinh 73/2012/NĐ- CP);
d) Có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư (Điều 28 Nghị định 73/2012/NĐ- CP).
2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư
a) Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư;
b) Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của nhà đầu tư: Nhà đầu tư là tổ chức cần nộp bản sao có chứng thực quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc các giấy tờ tương đương khác. Nhà đầu tư là cá nhân cần nộp bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân, lý lịch cá nhân; nhà đầu tư là cá nhân người nước ngoài nộp bổ sung lý lịch tư pháp;
c) Hồ sơ đăng ký kinh doanh tương ứng với mỗi loại hình tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan;
d) Giải trình kinh tế – kỹ thuật bao gồm các nội dung chủ yếu: Mục tiêu, quy mô, địa điểm đầu tư; vốn đầu tư; tiến độ thực hiện dự án; nhu cầu sử dụng đất hoặc thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất sẵn có phù hợp với quy định tại Khoản 6 Điều 29 Nghị định 73/2012/NĐ-CP; giải pháp về công nghệ và môi trường; kiến nghị ưu đãi đầu tư (nếu có);
đ) Đề án tiền khả thi thành lập cơ sở giáo dục, bao gồm các nội dung sau:
Loại cơ sở giáo dục đề nghị thành lập; sự cần thiết thành lập cơ sở giáo dục; sự phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
Tên gọi của cơ sở giáo dục; mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục; kế hoạch xây dựng, phát triển và quy mô đào tạo của cơ sở giáo dục trong từng giai đoạn; dự kiến cơ cấu bộ máy tổ chức, quản lý, điều hành; Dự kiến về văn bằng, chứng chỉ; cơ sở vật chất, thiết bị; chương trình giáo dục; đội ngũ nhà giáo phù hợp với quy định tại các Điều 23, Điều 29, Điều 30, Điều 31 của Nghị định 73/2012/NĐ-CP.
e) Văn bản chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư theo mức quy định.
Văn bản xác nhận do cơ quan nước ngoài cấp cho nhà đầu tư phải được hợp pháp hóa lãnh sự tại Bộ Ngoại giao Việt Nam hoặc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
3. Thẩm tra điều kiện về giáo dục, dạy nghề để cấp Giấy chứng nhận đầu tư
a) Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm tra dự án đầu tư thành lập trường đại học, trường cao đẳng và phân hiệu của những cơ sở này;
b) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm tra dự án đầu tư thành lập trường cao đẳng nghề và phân hiệu của những cơ sở này;
c) Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm tra dự án đầu tư thành lập cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và phân hiệu của những cơ sở này; trường trung cấp chuyên nghiệp và phân hiệu của những cơ sở này; cơ sở giáo dục mầm non; cơ sở giáo dục phổ thông;
d) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm tra dự án đầu tư thành lập trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề và phân hiệu của những cơ sở này.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 19006568
Bước 2 Quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục;
1. Sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư cơ sở giáo dục mầm non mới có thể tiến hành thủ tục xin cấp phép thành lập.
2. Cơ sở giáo dục mầm non phải đáp ứng các điều kiện về cho phép thành lập quy định tại Điều 36 Nghị định 73/2012/NĐ- CP
3. Hồ sơ đề nghị cho phép thành lập
3.1. Đối với cơ sở giáo dục theo quy định về thủ tục tại Khoản 1 Điều 26 của Nghị định 73/2012/NĐ- CP, hồ sơ gồm:
"a) Văn bản đề nghị cho phép thành lập cơ sở giáo dục;
b) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đầu tư;
c) Đề án chi tiết thành lập cơ sở giáo dục, trong đó xác định rõ:
Tên gọi của cơ sở giáo dục; mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục; phạm vi hoạt động giáo dục; văn bằng, chứng chỉ sẽ cấp; dự kiến cơ cấu bộ máy tổ chức, quản lý, điều hành;
Dự kiến cụ thể kế hoạch xây dựng, phát triển và quy mô đào tạo của cơ sở giáo dục trong từng giai đoạn, trong đó làm rõ khả năng đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị; chương trình giáo dục; đội ngũ nhà giáo phù hợp với quy định tại các Điều 29, 30, 31 của Nghị định 73/2012/NĐ- CP.
d) Văn bản chấp thuận giao đất hoặc cho thuê đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp phải xây dựng cơ sở vật chất (trong đó xác định rõ địa chỉ, diện tích, mốc giới của khu đất) và thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất sẵn có phù hợp với quy định tại Khoản 6 Điều 29 của Nghị định 73/2012/NĐ- CP và các giấy tờ pháp lý liên quan;
đ) Dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, gồm phần thuyết minh và thiết kế chi tiết cơ sở giáo dục đối với trường hợp phải xây dựng cơ sở vật chất;
e) Văn bản chứng minh năng lực tài chính theo mức quy định tại Điều 28 của Nghị định 73/2012/NĐ- CP .
3.2. Đối với cơ sở giáo dục cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên Chính phủ thành lập cơ sở giáo dục , hồ sơ gồm:
a) Đáp ứng đầy đủ các tài liệu như quy định ở trên;
b) Ngoài ra cần có Văn bản chấp thuận việc thành lập cơ sở giáo dục tại địa phương và chấp thuận về nguyên tắc sẽ giao hoặc cho thuê đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ sở giáo dục dự kiến thành lập hoặc thỏa thuận về nguyên tắc thuê đất hoặc cơ sở vật chất sẵn có phù hợp với quy định tại Khoản 6 Điều 29 của Nghị định 73/2012/NĐ- CP ;"
Bước 3: Cấp Giấy phép hoạt động giáo dục.
1. Cơ sở giáo dục và phân hiệu của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chỉ được hoạt động giáo dục sau khi được cấp Giấy phép hoạt động giáo dục.
2. Thời hạn đăng ký hoạt động giáo dục: Trong thời hạn tối đa là hai năm (đủ 24 tháng), kể từ ngày có Quyết định cho phép thành lập, cơ sở giáo dục mầm non phải hoàn tất công tác chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục.
3. Bố cáo thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài
Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Giấy phép hoạt động giáo dục, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài phải đăng bố cáo trong 05 số báo liên tiếp của ít nhất 01 tờ báo trung ương và 01 tờ báo địa phương
Thứ ba, Cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập:
1. Thẩm quyền cấp phép đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư
2. Thẩm quyền cho phé thành lập : Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên Chính phủ đề nghị cho phép thành lập.
3. Thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục:
– Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cho phép hoạt động giáo dục đối với: Cơ sở giáo dục mầm non;
– Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nơi cơ sở giáo dục và phân hiệu của cơ sở giáo dục hoạt động cho phép hoạt động giáo dục đối với: Cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên Chính phủ đề nghị cho phép thành lập.