Trái phiếu Outright là gì? Quy định giao dịch outright trái phiếu?

Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ở nước ta ngày càng nhiều. Nhà nước đã và đang đưa ra những quy định cụ thể để điều chỉnh hoạt động, trong số đó là những quy định về trái phiếu. Vậy trái phiếu Outright là gì? Quy định giao dịch outright trái phiếu như thế nào? 

1. Các quy định chung về trái phiếu:

Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp hoặc chính phủ với người nắm giữ. Trong số các loại chứng khoán, trái phiếu là loại xác nhận nghĩa vụ nợ của đơn vị phát hành (doanh nghiệp hoặc chính phủ) với người nắm giữ trái phiếu (người cho vay) với một khoản tiền trong một thời gian xác định.

– Trái phiếu là chứng khoán nợ, vì vậy khi công ty bị giải thể hoặc phá sản, người nắm giữ trái phiếu được ưu tiên thanh toán trước cổ đông nắm giữ cổ phiếu. Khác với người nắm giữ cổ phiếu, trái chủ (người nắm giữ trái phiếu) không có quyền tham gia vào hoạt động của công ty.

– Có nhiều loại trái phiếu khác nhau, được phân loại tuỳ theo đơn vị phát hành (trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ), lợi tức (lãi suất cố định, lãi suất thả nổi, lãi suất bằng 0), mức độ đảm bảo thanh toán, hình thức và tính chất trái phiếu…

– Hiện nay, trái phiếu thường được phân loại dựa trên nhiều đặc điểm khác nhau, phổ biến là cách phân loại theo chủ thể phát hành, bao gồm: 

+ Trái phiếu ngân hàng: Các tổ chức tài chính, ngân hàng phát hành trái phiếu nhằm tăng thêm vốn để hoạt động.

+ Trái phiếu chính phủ: Chính phủ phát hành trái phiếu để đáp ứng được nhu cầu chi tiêu. Ngoài ra còn có mục đích để huy động số tiền nhàn rỗi của dân, tổ chức kinh tế – xã hội. Trái phiếu của Chính phủ được xem là có uy tín và ít rủi ro nhất trên thị trường.

+ Trái phiếu doanh nghiệp: Đây là các trái phiếu được các doanh nghiệp, công ty phát hành ra để tăng vốn hoạt động cho doanh nghiệp. Trái phiếu của doanh nghiệp có rất nhiều loại và vô cùng đa dạng.

– Trái phiếu có các chức năng chính trọng việc gia tăng lợi ích cho công ty, đó  là: Giá trị danh nghĩa – giá mà trái phiếu được bán lần đầu tiên trên thị trường; Lãi suất trả cho chủ sở hữu trái phiếu – điều này thường được cố định;  Ngày mua lại – khi giá trị danh nghĩa của trái phiếu phải được hoàn trả cho người nắm giữ trái phiếu

Như vậy, có thể thấy, về bản chất, trái phiếu là một loại phương tiện để các doanh nghiệp tiến hành phát hành nhằm huy động vốn. Theo đó, bên phát hành trái phiếu sẽ nhận nguồn vốn huy động (vay vốn) từ bên mua trái phiếu. Đây là hoạt động diễn ra phổ biến trên thị trường doanh nghiệp tại nước ta hiện nay.

2. Khái niệm trái phiếu Outright:

– Trái phiếu Outright là là một thuật ngữ được các nhà đầu tư dùng để gọi các trái phiếu được giao dịch theo phương thức giao dịch outright. Outright là thuật ngữ rất quen thuộc và được sử dụng phổ biến trong thị trường chứng khoán để nhằm biểu hiện một loại trái phiếu có mặt trong thị trường chứng khoán. 

– Giao dịch outright trái phiếu thực chất là giao dịch mua bán thông thường. Theo đó, bên bán (bên phát hành trái phiếu) sẽ tiến hành chuyển giao quyền sở hữu trái phiếu chính phủ cho một bên khác và không kèm theo cam kết mua lại trái phiếu chính phủ.

– Giao dịch trái phiếu Outright diễn ra hết sức đơn giản. Như đã phân tích ở trên, nó cũng giống như mọi giao dịch mua bán thông thường khác. Tuy nhiên, bản chất của giao dịch trái phiếu Outright chính là sự chuyển giao quyền sở hữu trái phiếu từ bên phát hành sang bên mua khác.

3. Quy định giao dịch outright trái phiếu:

Như đã phân tích ở trên, giao dịch Outright trái phiếu là hình thức giao dịch được áp dụng cho trái phiếu chính phủ. Tại loại hình giao dịch này, bên bán sẽ thực hiện chuyển giao quyền sở hữu trái phiếu chính phủ và không kèm theo cam kết mua lại cho một bên khác. Đây là loại hình giao dịch diễn ra hết sức phổ biến tại nước ta hiện nay. Vì vậy, về bản chất, giao dịch này có những đặc điểm nhất định. Nhà nước đã đưa ra những quy định cụ thể về giao dịch Outright trái phiếu. Cụ thể như sau: 

– Thứ nhất, về thời gian giao dịch:

Về nguyên tắc, thời gian giao dich outright trái phiếu được chia làm 2 phiên, đó là phiên sáng và phiên chiều. Phiên sáng sẽ bắt đầu từ 9h00 đến 11h30; Phiên chiều sẽ bắt đầu từ 13h – 14h15. Giao dịch Outright diễn ra từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, trừ các ngày nghỉ theo quy định của Bộ luật Lao động và những ngày nghỉ theo quy định của cơ quan quản lý.

– Thứ hai, về loại hình trái phiếu được giao dịch trên thị trường:

Phương thức giao dịch được thực hiện cho trái phiếu chính phủ có kỳ hạn danh nghĩa trên 1 năm sẽ thực hiện theo giao dịch outright và do kho bạc nhà nước phát hành. Bên cạnh đó, còn có một số sản phẩm sau cũng được giao dịch theo phương thức này, đó là:

+ Tín phiếu kho bạc do kho bạc nhà nước phát hành có kỳ hạn danh nghĩa không vượt quá 52 tuần;

+ Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;

+ Trái phiếu Chính quyền địa phương

– Thứ ba, về mệnh giá niêm yết, đơn vị yết giá và đơn vị giao dịch:

+ Mệnh giá giao dịch của Outright trái phiếu thường là 100.000 đồng;

+ Đơn vị yết giá trong Outright trái phiếu là 01 đồng;

+ Đơn vị giao dịch trong Outright trái phiếu là 1 trái phiếu hoặc 1 tín phiếu;

+ Trái phiếu Outright, Nhà nước không đưa ra quy định về biên độ giao động giá. Biên độ giao động giá sẽ thay đổi linh hoạt theo thị trường chứng khoán chung.  

– Thứ tư, về loại hình giao dịch, phương thức giao dịch: 

+ Về loại hình giao dịch: Có 2 loại hình giao dịch do Sở giao dịch chứng khoán tổ chức, đó là giao dịch mua bán thông thường và giao dịch mua bán lại.  Giao dịch mua bán thông thường chính là giao dịch Outright, nó là giao dịch trái phiếu chính phủ trong đó một bên bán và chuyển giao quyền sở hữu trái phiếu chính phủ cho một bên khác và không kèm theo cam kết mua lại trái phiếu. Còn giao dịch mua bán lại là giao dịch trái phiếu chính phủ, trong đó một bên bán và chuyển giao quyền sở hữu trái phiếu chính phủ cho một bên khác, đồng thời cam kết sẽ mua lại và nhận lại quyền sở hữu trái phiếu chính phủ đó sau một khoảng thời gian xác định với một mức giá xác định. 

+ Về phương thức giao dịch: Sở giao dịch chứng khoán tổ chức 2 phương thức giao dịch thỏa thuận cụ thể, đó là giao dịch thỏa thuận điện tử và giao dịch thỏa thuận thông thường. Giao dịch thỏa thuận điện tử là hình thức giao dịch trong đó các lệnh giao dịch được chào với cam kết chắc chắn và thực hiện ngay khi có đối tác lựa chọn mà không cần có sự xác nhận lại; Giao dịch thỏa thuận thông thường là hình thức giao dịch trong đó các bên tự thỏa thuận với nhau bằng công cụ gửi tin nhắn trên hệ thống giao dịch hoặc bằng các phương tiện liên lạc ngoài hệ thống về các điều kiện giao dịch và báo cáo kết quả vào hệ thống giao dịch để xác lập giao dịch.

– Thứ năm, về lệnh giao dịch:

Theo quy định của pháp luật, lệnh giao dịch có những khác biệt, biến đổi linh hoạt đối với từng loại giao dịch. Cụ thể như sau: 

+ Đối với giao dịch trái phiếu Outright (hay còn gọi là trái phiếu thông thường): Với thỏa thuận thông thường, các bên giao dịch thực hiện theo nguyên tắc bên bán nhập lệnh giao dịch vào hệ thống và bên mua xác nhận lệnh giao dịch thỏa thuận. Đối với thỏa thuận điện tử, Nhà nước đưa ra lệnh thỏa thuận điện tử toàn thị trường (là các lệnh chào mua, chào bán với cam kết chắc chắn và có hiệu lực trong ngày được chào công khai trên hệ thống); 

+ Đối với lệnh thỏa thuận điện tử tùy chọn, bao gồm 02 loại lệnh, đó là lệnh yêu cầu chào giá và lệnh báo cáo giao dịch. Theo đó, lệnh yêu cầu chào giá có tính chất quảng cáo được sử dụng khi nhà đầu tư chưa xác định được đối tác trong giao dịch. Lệnh yêu cầu chào giá có thể gửi đến một; một nhóm thành viên hoặc toàn thị trường. Cùng với đó, lệnh chào mua, chào bán sẽ phải thực hiện với cam kết chắc chắn được sử dụng để chào đối ứng với lệnh yêu cầu chào giá. Đối với lệnh báo cáo giao dịch, thì khi nhập giao dịch vào hệ thống trong trường hợp giao dịch đã được các bên thỏa thuận xong về các điều kiện trong giao dịch thì nhà đầu tư có thể sử dụng lệnh báo cáo như này.

Nhà nước đã đưa ra những quy định hết sức cụ thể và rõ ràng về trái phiếu Outright và quy định về Outright trái phiếu. Những quy định này nhằm điều chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu và mua trái phiếu doanh nghiệp. Việc các cá nhân, tổ chức tuân thủ thực hiện các quy định trên giúp hoạt động thương mại ở nước ta đạt được những thành công nhất định, quyền và lợi ích kinh tế giữa các bên cũng được bảo đảm. 

    5 / 5 ( 1 bình chọn )