Trắc nghiệm phân tích trong kiểm toán tài chính là gì? Phương pháp

Trắc nghiệm phân tích trong kiểm toán tài chính là gì? Phương pháp trắc nghiệm phân tích trong kiểm toán tài chính?

Trắc nghiệm phân tích là một trong các hình thức cụ thể hóa các thử nghiệm trong kiểm toán tài chính, nó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng và bước không thể thiết trong quy trình thiết kế chương trình kiểm toán. Thực tế, đây là một phần kiến thức khá nhỏ khi nghiên cứu về kiểm toán tài chính, điều này dẫn đến việc tiếp cận là rất khó, mặc dù nó quan trọng nhưng để diễn giải là điều không dễ dàng.

1. Trắc nghiệm phân tích trong kiểm toán tài chính là gì?

Kiểm toán tài chính là xác minh và bày tỏ ý kiến về các bảng khai tài chính của các đơn vị do các kiểm toán viên chuyên nghiệp tiến hành trên cơ sở luật định.

Kiểm toán tài chính áp dụng 2 thử nghiệm:

- Thử nghiệm cơ bản là phương pháp rà soát lại các thông tin biểu hiện bằng tiền được phản ánh trên các bảng tổng hợp trên cơ sở sử dụng cả phương pháp kiểm toán chứng từ và ngoài chứng từ.

- Thử nghiệm tuân thủ là phương pháp dựa vào kết quả của kiểm soát nội bộ khi kiểm soát nội bộ tồn tại và có hiệu lực.

Các thử nghiệm được cụ thể hóa bởi các trắc nghiệm: Trắc nghiệm công việc, trắc nghiệm phân tích và trắc nghiệm trực tiếp số dư.

Trắc nghiệm phân tích là cách thức xem xét các mối quan hệ kinh tế và xu hướng biến động của các chỉ tiêu kinh tế thông qua việc kết hợp giữa đối chiếu trực tiếp, đối chiếu lôgic và cân đối.

2. Phương pháp trắc nghiệm phân tích trong kiểm toán tài chính:

Mục đích của phương pháp trắc nghiệm phân tích trong kiểm toán tài chính là để đánh giá tính hợp lý chung của các số dư tài khoản đang được kiểm toán. Từ đó, quyết định mở rộng hay thu hẹp các trắc nghiệm trực tiếp số dư. (Trắc nghiệm trực tiếp số dư là cách thức và trình tự rà soát độ tin cậy của các số dư, số phát sinh của các khoản mục trong các bản khai tài chính thông qua việc kết hợp các phương pháp kiểm toán như kiểm toán cân đối, đối chiếu, kiểm kê và điều tra..-Trắc nghiệm này nhằm vào mục đích thu thập các bằng chứng để đưa ra kết luận về tính trung thực hợp lý của thông tin trên báo cáo tài chính).

Trắc nghiệm phân tích được áp dụng trong cả 3 giai đoạn của công tác kiểm toán:

-  Trong giai đoạn chuẩn bị: Ở giai đoạn này, kiểm toán viên cần thu thập các thông tin về khách hàng, tìm hiểu và đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ  của khách thể kiểm toán để xây dựng kế hoạch cụ thể và chương trình kiểm toán cho từng phần hành, đồng thời chuẩn bị các phương tiện cùng lực lượng giúp việc (nếu cần) cho việc triển khai kế hoạch và chương trình kiểm toán đã xây dựng. Phương pháp trắc nghiệm phân tích ở giải đoạn này nhằm  giúp việc xác định các yếu tố, khoản mục, nghiệp vụ có ảnh hưởng tới quá trình kiểm toán và rủi ro kiểm toán tương ứng.

-  Trong giai đoạn thực hiện kiểm toán: Thực chất, đây là quá trình sử dụng các trắc nghiệm vào việc xác minh các thông tin hình thành và phản ánh trên Bảng khai tài chính. Trình tự kết hợp giữa các trắc nghiệm này trước hết tuỳ thuộc vào kết quả đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ . Việc kết hợp các trắc nghiệm sẽ hình thành thử nghiệm trong kiểm toán tài chính và thường được thực hiện theo hai hướng tương ứng với hai loại thử nghiệm: thử nghiệm cơ bản và thử nghiệm tuân thủ (thử nghiệm kiểm soát). Có thể nói, đây là giai đoạn thực hiện phương pháp phân tích trọng tâm nhất,  giúp kiểm toán viên thu thập các bằng chứng thông qua việc xem xét các xu hướng biến động và xác định phạm vi thực hiện qua kiểm tra chi tiết số dư.

- Trong giai đoạn kết thúc kiểm toán: Kết quả các trắc nghiệm trên phải được xem xét trong quan hệ hợp lý chung và kiểm nghiệm trong quan hệ với các sự việc bất thường, những nghiệp vụ phát sinh sau ngày lập Bảng khai tài chính. Chỉ trên cơ sở đó kiểm toán viên mới tổng hợp và đưa ra kết luận cuối cùng về báo cáo tài chính trên báo cáo kiểm toán. Tùy theo từng hợp đồng kiểm toán, kiểm toán viên có lập thư quản lý ở giai đoạn này và hoàn tất hồ sơ kiểm toán. Phương pháp trắc nghiệm phân tích ở giai đoạn này được sử dụng để soát xét các thông tin kế toán và đánh giá tính hợp lý chung của bản khai tài chính.

Thông thường việc thực hiện các trắc nghiệm phân tích phải trải qua những giai đoạn sau: Xây dựng một mô hình trên cơ sở kết hợp các biến tài chính và hoạt động; Sau đó phải xem xét tính độc lập và tin cậy của các dữ liệu tài chính và nghiệp vụ; Từ đó xác định chênh lệch giữa kết quả ước tính được từ mô hình và giá trị khách thể cung cấp, tìm hiểu nguyên nhân, đánh giá những phát hiện được.

Khi thực hiện các trắc nghiệm phân tích, chủ yếu kiểm toán viên thực hiện phân tích ước tính và phải xây dựng mô hình phân tích.

* Về phân tích ước tính: Các ước tính xây dựng từ nhiều nguồn khác nhau: các chỉ tiêu so sánh được giữa các kỳ; các mục tiêu dự tính; mối quan hệ giữa các chỉ tiêu tài chính trong kỳ kế toán; các chỉ tiêu, thông tin tương tự của các ngành liên quan đến đơn vị được kiểm toán.

Kết quả của việc áp dụng công thức hay mô hình tương quan giữa các biến số ở trên sẽ cung cấp cho kiểm toán viên giá trị ước tính (còn gọi là kết quả ước tính) độc lập với số liệu của đơn vị. Đó có thể là số dư một tài khoản, số phát sinh của một chỉ tiêu thu, chi hoặc một tỷ suất có liên quan đến chỉ tiêu tài chính hay chỉ tiêu hoạt động (phi tài chính). Kiểm toán viên sẽ so sánh giá trị ước tính (kết quả tính toán từ áp dụng mô hình phân tích) với số liệu trình bày trên các báo cáo của đơn vị, số dự toán, kế hoạch của đơn vị hoặc so với số liệu bình quân chung của ngành để phát hiện những chênh lệch, những điểm bất hợp lý, từ đó nhận định những chỉ tiêu, khoản mục có biến động bất thường hoặc có khả năng có sai sót trọng yếu.

* Cụ thể hơn về hoạt động xây dựng mô hình phân tích như sau:

Mỗi một khoản mục, chỉ tiêu thu, chi ngân sách có đặc trưng riêng về bản chất, nguồn phát sinh, các yếu tố ảnh hưởng, do vậy nó thường có một mô hình ước tính riêng. Thậm chí trong một chỉ tiêu có nhiều chỉ tiêu chi tiết thì mỗi chỉ tiêu chi tiết đó cũng có một mô hình ước tính phù hợp, vì vậy, trước khi xây dựng mô hình ước tính chúng ta cần phải xác định là xây dựng mô hình ước tính cho khoản mục, chỉ tiêu nào để có thể xây dựng được mô hình ước tính phù hợp với mục tiêu đặt ra. Trong bước này kiểm toán viên sẽ thực hiện 2 công việc sau:

Công việc 1: Xác định khoản mục, chỉ tiêu cần kiểm tra.

- Xác định khoản mục, chỉ tiêu cần kiểm tra:

Kiểm toán viên căn cứ vào kết luận sơ bộ về rủi ro kiểm toán và nội dung trọng yếu kiểm toán ở giai đoạn lập kế hoạch để xác định các chỉ tiêu cần kiểm tra. Việc xác định khoản mục, chỉ tiêu đơn lẻ hay của một nhóm khoản mục, chỉ tiêu để áp dụng thủ tục phân tích chi tiết tuỳ thuộc vào mục đích và phạm vi kiểm tra của kiểm toán viên.

- Phân tách số dư khoản mục, chỉ tiêu cần kiểm tra:

Để tăng hiệu quả và đảm bảo tính chính xác cũng như độ tin cậy hợp lý cho kết quả phân tích, sau khi xác định được khoản mục, chỉ tiêu cần kiểm tra, kiểm toán viên chia nhỏ nó theo một số tiêu thức nhất định để áp dụng so sánh các giá trị ước tính khác nhau.

Tùy theo độ lớn về giá trị và tính chất của khoản mục, chỉ tiêu kiểm toán viên sẽ chia nhỏ, phân tách số dư của khoản mục, chỉ tiêu được kiểm tra thành từ 2 đến 12 tiểu số dư để thực hiện phân tích. Ví dụ, khi áp dụng thủ tục phân tích đối với chỉ tiêu “Các khoản thu về nhà đất” thì kiểm toán viên có thể phân tách chỉ tiêu này 2 tiểu khoản mục: thu từ thuế và thu khác về nhà đất hoặc chia thành 5 tiểu khoản mục: thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế chuyển quyền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thu tiền sử dụng đất và thu bán nhà thuộc sở hữu nhà nước.

Công việc 2: Xây dựng mô hình phân tích.

Để phát triển một mô hình phân tích, kiểm toán viên xác định các biến số tài chính hoặc hoạt động (phi tài chính) và mối quan hệ giữa chúng. Kiểm toán viên căn cứ vào mục đích cụ thể của việc áp dụng thủ tục phân tích và nguồn thông tin về các dữ liệu để lựa chọn những biến cụ thể để xây dựng mô hình phân tích. Với mỗi mô hình cần xác định rõ việc phát triển mô hình là để kiểm tra số dư khoản mục, chỉ tiêu năm được kiểm toán hay để dự đoán thay đổi so với số dư khoản mục, chỉ tiêu năm trước. Đối với kiểm toán Quyết toán ngân sách nhà nước, việc dự đoán thay đổi so với năm trước sẽ có hiệu lực khi số dư năm trước đã được kiểm toán, vì thế, kiểm toán viên có thể loại khỏi mô hình những biến độc lập không đổi so với năm trước.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )