Thủ tục chuyển trường THPT, THCS cùng tỉnh và khác tỉnh

Chuyển trường xảy ra do bố mẹ chuyển nơi sinh sống dẫn tới các con phải đi theo. Tuy nhiên, khi làm thủ tục để chuyển trường thì học sinh và người làm hồ sơ cần lưu ý về những điều kiện và thủ tục đối với trường chuyển đến là cùng tỉnh hay khác tỉnh.

1. Trường trung học cơ sở, trung học phổ thông là gì?

Cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm những cơ sở giáo dục sau:

– Trường tiểu học;

– Trường trung học cơ sở;

– Trường trung học phổ thông;

– Trường phổ thông có nhiều cấp học.

1.1. Trường trung học cơ sở:

Trường trung học cơ sở là một trong những cơ sở giáo dục nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân. Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông, bao gồm có hai loại đó chính là giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Trung học cơ sở là một trong những cấp học nằm trong cấp giáo dục phổ thông.

Giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong 04 năm học, bắt đầu từ lớp sáu và kết thúc khi học hết lớp 09. Điều kiện bắt buộc để học sinh bắt đầu bước vào học tại trường trung học cơ sở đó là học sinh đó phải phải hoàn thành xong chương trình tiểu học. Độ tuổi của học sinh bắt đầu bước vào lớp 06 là 11 tuổi và được tính theo năm. Mục tiêu của giáo dục trung học cơ sở là:

– Nhằm củng cố thêm và phát triển hơn kết quả của giáo dục tiểu học;

– Bảo đảm cho học sinh trung học cơ sở có đầy đủ học vấn phổ thông nền tảng, có hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục theo học trung học phổ thông hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp.

1.2. Trường trung học phổ thông:

Cũng giống như trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông là một trong những cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân và là một trong những cấp học nằm trong cấp giáo dục phổ thông.

Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 03 năm học, từ lớp 10 đến hết lớp 12. Để vào được lớp 10 thì điều kiện tiên quyết phải có đó là học sinh phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Tuổi của học sinh vào lớp 10 là 15 tuổi và được tính theo năm. Mục tiêu của giáo dục phổ thông là:

– Trang bị mọi kiến thức công dân;

– Bảo đảm cho học sinh trung học phổ thông củng cố thêm, phát triển hơn kết quả của giáo dục trung học cơ sở, hoàn thiện đầy đủ học vấn phổ thông và có hiểu biết thông thường về kỹ thuật, hướng nghiệp;

– Có đủ điều kiện phát huy năng lực của cá nhân từ đó đưa ra lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục theo học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1.3. Chương trình giáo dục phổ thông:

Như đã phân tích ở trên, trung học cơ sở và trung học phổ thông đều nằm trong cấp giáo dục phổ thông, vì thế hai cấp học này cũng phải đảm bảo các yêu cầu mà Luật Giáo dục quy định, cụ thể như sau:

– Thể hiện đúng mục tiêu giáo dục phổ thông;

– Quy định yêu cầu về tất cả những phẩm chất và năng lực của học sinh phải đạt được sau mỗi cấp học, nội dung giáo dục bắt buộc cho tất cả học sinh trong cả nước;

– Quy định về phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục của tất cả các môn học ở mỗi lớp, mỗi cấp học đối với giáo dục phổ thông;

– Thống nhất cả nước và tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với từng điều kiện cụ thể của mỗi địa phương và cơ sở giáo dục phổ thông;

– Được lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân và thực nghiệm trước khi ban hành; được công bố công khai sau khi ban hành.

– Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập nhằm mục đích thẩm định chương trình giáo dục phổ thông. Hội đồng bao gồm có:

+ Nhà giáo;

+ Cán bộ quản lý giáo dục

+ Nhà khoa học đã có những kinh nghiệm, uy tín về lĩnh vực giáo dục

+ Đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan

– Hội đồng phải có ít nhất 1/3 thành viên là nhà giáo hiện đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.

– Hội đồng và thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng mà mình thẩm định.

– Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông;

– Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải ban hành chương trình giáo dục phổ thông khi đã được Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông thẩm định

– Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình đối với giáo dục phổ thông

– Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm quy định về mục tiêu, đối tượng, quy mô, thời gian thực nghiệm đối với một số nội dung, phương pháp giáo dục mới trong cơ sở giáo dục phổ thông; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên trong Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông.

2. Điều kiện đối tượng chuyển trường trung học phổ thông, trung học cơ sở:

Khi chuyển trường trung học phổ thông, trung học cơ sở thì các bậc phụ huynh cùng các em học sinh cần lưu ý phải có một trong những điều kiện sau:

– Học sinh chuyển nơi ở theo cha, mẹ hoặc người giám hộ.

– Học sinh có hoàn cảnh vô cùng khó khăn về gia đình (ví dụ như khó khăn về kinh tế) hoặc có những lý do phải thực sự chính đáng để chuyển trường.

– Đối với học sinh đang theo học tại trường trung học bình thường sang trường trung học chuyên biệt: điều kiện theo quy chế riêng của trường chuyển đến.

– Đối với học sinh đang theo học tại trường trung học phổ thông tư thục mà chuyển sang trường trung học phổ thông công lập:

+ Chuyển nơi cư trú theo cha mẹ hoặc người giám hộ đến vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn nhưng ở địa phương đó không có trường trung học phổ thông tư thục thì Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nơi học sinh chuyển đến xem xét, quyết định cho học sinh chuyển đến vào học tại trường trung học phổ thông công lập

+ Trường hợp học sinh đang theo học tại trường trung học phổ thông tư thục thuộc trường học có thi tuyển đầu vào mà phải chuyển nơi ở theo cha, mẹ hoặc người giám hộ, mà ở địa phương đó không có trường trung học phổ thông tư thục có chất lượng ngang nhau so với trường cũ thì Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nơi học sinh chuyển đến xem xét, quyết định đối với việc cho học sinh chuyển vào học trường trung học phổ thông công lập.

3. Hồ sơ chuyển trường trung học phổ thông, trung học cơ sở cùng tỉnh và khác tỉnh: 

Hồ sơ chuyển trường trung học cơ sở, trung học phổ thông cùng tỉnh bao gồm các giấy tờ sau:

– Đơn xin chuyển trường và trong đơn phải có sự đồng ý và chữ ký của cha, mẹ hoặc người giám hộ

– Học bạ (nộp bản chính);

– Giấy chứng nhận trúng tuyển vào lớp 10 nếu trong trường hợp chuyển trường trung học phổ thông;

– Giấy giới thiệu chuyển trường do Hiệu trưởng trường đang theo học cấp (đối với trường hợp chuyển cùng tỉnh)

– Giấy giới thiệu chuyển trường do Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (cấp trung học cơ sở); Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (cấp trung học phổ thông) nơi học sinh đang theo học cấp (đối với trường hợp chuyển khác tỉnh)

4. Thủ tục chuyển trường trung học phổ thông, trung học cơ sở cùng tỉnh và khác tỉnh:

4.1. Thủ tục chuyển trường trung học cơ sở:

– Trường hợp chuyển cùng tỉnh:

+ Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ thì phụ huynh học sinh nộp bộ hồ sơ tới Hiệu trưởng nhà trường nơi đến.

+ Sau khi Hiệu trưởng nhà trường nơi đến tiếp nhận hồ sơ thì sẽ xem xét, giải quyết theo quy định của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

– Trường hợp chuyển khác tỉnh:

+ Phụ huynh học sinh nộp hồ sơ tới Phòng Giáo dục và Đào tạo nơi đến

+ Sau khi phòng giáo dục và Đào tạo nơi đến tiếp nhận hồ sơ thì sẽ giới thiệu về trường theo nơi cư trú, kèm theo hồ sơ đã được kiểm tra.

4.2. Thủ tục chuyển trường trung học phổ thông:

– Trường hợp chuyển cùng tỉnh:

+ Phụ huynh học sinh nộp hồ sơ tới Hiệu trưởng nhà trường nơi học sinh chuyển đến

+ Sau khi Hiệu trưởng nhà trường nơi đến tiếp nhận hồ sơ thì sẽ xem xét, giải quyết theo quy định của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

– Trường hợp chuyển khác tỉnh:

+ Phụ huynh học sinh nộp hồ sơ tới Sở Giáo dục và Đào tạo nơi học sinh chuyển đến

+ Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo nơi đến tiếp nhận hồ sơ thì sẽ kiểm tra hồ sơ và giới thiệu về trường.

5. Thời gian chuyển trường:

Khi làm thủ tục chuyển trường cho con em mình thì các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý về mặt thời gian chuyển trường. Theo quy định của pháp luật về chuyển trường thì thời gian chuyển trường phải tuân thủ như sau:

– Việc chuyển trường được bắt đầu khi kết thúc học kỳ I của năm học;

– Việc chuyển trường được bắt đầu trong thời gian nghỉ hè trước khi khai giảng năm học mới

– Trường hợp ngoại lệ về thời gian thì sẽ do Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (cấp trung học cơ sở), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (cấp trung học phổ thông) nơi học sinh chuyển đến xem xét, quyết định.

Trên đây là toàn bộ các điều kiện, hồ sơ cần có để làm thủ tục chuyển trường trung học cơ sở, trung học phổ thông cho các học sinh chuyển trường. Các phụ huynh của học sinh chuyển trường cần lưu ý tìm hiểu kỹ trước khi làm hồ sơ chuyển trường cho các con, tránh trường hợp bị trả hồ sơ hoặc phải bổ sung hồ sơ dẫn đến mất thêm thời gian trong quá trình làm thủ tục.

Căn cứ pháp lý: 

– Luật giáo dục 2019;

– Quyết định số 51/2002/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và đào tạo về việc ban hành quy định chuyển trường và tiếp nhận học sinh học tại các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông;

– Thông tư 50/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung quy định chuyển trường và tiếp nhận học sinh học tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 51/2002/QĐ-BGDĐT ngày 25 tháng 12 năm 2002 của Bộ Giáo dục và đào tạo;

– Nghị định 84/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )