Thị phần là gì? Vai trò và cách xác định thị phần tăng trưởng?

Thị phần là gì? Vai trò và cách xác định thị phần tăng trưởng? Cách xác định thị phần tăng trưởng? Làm thế nào để gia tăng thị phần?

Trong hoạt động kinh doanh việc xác định thị phần là điều rất quan trọng. Xác định đúng thị phần tăng trưởng sẽ giúp doanh nghiệp có những hướng đi đúng đắn trong việc cải thiện lợi nhuận.

Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568

1. Thị phần là gì?

Thị phần là một phần sản lượng tiêu thụ mà một doanh nghiệp nào đó đã chiếm lĩnh được trong một thị trường nhất định. Số liệu về tỷ trọng thị trường dùng để đo lường mức độ tập trung hóa của người bán trong một thị trường.

Công thức tính thị phần doanh nghiệp:

Thị phần = Tổng doanh số bán hàng của doanh nghiệp / Tổng doanh số của thị trường.

Hoặc:

Thị phần = Tổng số sản phẩm bán ra của doanh nghiệp / Tổng sản phẩm tiêu thụ của thị trường.

Ngoài ra thị phần tương đối còn được xoay quanh 2 công thức:

Thị phần tương đối = Tổng doanh số thu được của doanh nghiệp / Tổng doanh số của đối thủ cạnh tranh thu được trong thị trường.

Hoặc

Thị phần tương đối = Tổng sản phẩm bán ra của doanh nghiệp / Tổng sản phẩm bán ra của đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

Nếu như ví dụ về thị phần tương đối lớn hơn 1, có nghĩa là doanh nghiệp đang có lợi thế cạnh tranh dẫn đầu thị phần tốt hơn đối thủ. Thị phần tương đối nhỏ hơn 1, thì đối thủ cạnh tranh đang có lợi thế cạnh tranh hơn so với doanh nghiệp của bạn. Còn khi thị phần tương đối bằng 1, điều này được hiểu lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp bằng lợi thế cạnh tranh của đối thủ trên thị trường.

Thị phần hay tỷ trọng trong thị trường (tiếng Anh là Market share) là phần thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp đó đang chiếm lĩnh.

Thị phần thể hiện rõ các sản phẩm, dịch vụ tiêu thụ của doanh nghiệp so với tổng sản phẩm tiêu thụ trên toàn thị trường. Để có thể chiếm lĩnh thị phần cao trước các đối thủ của mình, doanh nghiệp, công ty thường thực hiện các chiến lược marketing, kinh doanh cho riêng mình như: chính sách giá phù hợp, tung ra những chương trình khuyến mại, event…. Ngoài ra sau khi chiếm lĩnh thị phần lớn các doanh nghiệp cũng cần có cũng chiến lược bảo vệ thị phần.

2. Vai trò của thị phần tăng trưởng:

Định nghĩa thị trường hiện nay đã có nhiều thay đổi nhưng định nghĩa thị phần là gì hiếm khi được cập nhật và thực tế là nhiều thị trường đang mờ đi do sự đổi mới. Cơ sở cạnh tranh hiện tại là so sánh từng danh mục, phân khúc chứ không phải so sánh về thương hiệu.

Thị phần là phần thị trường tiêu thụ sản phẩm mà doanh nghiệp chiếm lĩnh hay phần sản phẩm tiêu thụ của riêng doanh nghiệp so với tổng sản phẩm tiêu thụ trên thị trường. Định nghĩa Thị phần khá lạc hậu này tạo ra những phản ứng hại nhiều hơn lợi, so với thị phần tăng trưởng. Thị phần có xu hướng tạo ra một thế giới quan tĩnh, nơi những người có thị phần cao thường quá tự tin, trong khi những doanh nghiệp có thị phần thấp lại dễ tuyệt vọng khi ra quyết định.

Còn tỷ lệ tăng trưởng tạo ra sự tò mò bởi nó thể hiện tốc độ phát triển thị phần của doanh nghiệp trong mỗi phân khúc thị trường. Các nhà quản lý, lãnh đạo cấp cao có thể thường xuyên đặt câu hỏi: “Tại sao phân khúc này phát triển quá nhanh và tôi nên làm gì với nó?”

Quan trọng hơn, thị phần tăng trưởng là cơ sở thúc đẩy phân bổ nguồn lực và phần thưởng lớn hơn theo cấp số nhân. Dữ liệu cho thấy rằng các thương hiệu có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn thị phần tồn tại trên tất cả các thương hiệu thuộc mọi quy mô, với vị trí đặc biệt dành cho thương hiệu từ 100 triệu đô la đến doanh thu 1 tỷ đô la.

Thị phần là một trong những yếu tố quan trọng, tác động đến việc tăng quy mô cho hoạt động của doanh nghiệp và cải thiện lợi nhuận. Dù doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ nào cũng cần phải biết được vị trí của mình đang ở đâu, có những điểm yếu gì, điểm mạnh gì so với các đối thủ, thị trường mang đến những cơ hội và thách thức gì… Để từ đó doanh nghiệp đưa ra được những chiến lược kinh doanh đúng đắn. Bởi vậy thị phần có vai trò rất quan trọng trong hoạt động doanh nghiệp:

  • Thị phần là một dấu hiệu của khả năng cạnh tranh tương đối của các sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp. Khi tổng thị trường cho một sản phẩm hoặc dịch vụ tăng lên, một doanh nghiệp duy trì được thị phần của mình sẽ tăng doanh thu ở mức độ và tốc độ tương tự như tổng thị trường. Một doanh nghiệp đang phát triển thị phần sẽ tăng doanh thu nhanh hơn các đối thủ cạnh tranh.
  • Việc xác định thị phần giúp các chủ doanh nghiệp có thể nhìn ra tốc độ phát triển của doanh nghiệp trong từng phân khúc của thị trường. Từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh đúng đắn.
  • Thị phần là cơ sở dữ liệu giúp doanh nghiệp có thể bổ sung nguồn lực và tăng động lực phát triển lên nhiều lần.
  • Thị phần tăng có thể cho phép một công ty đạt được quy mô hoạt động lớn hơn và cải thiện khả năng sinh lời.

3. Cách xác định thị phần tăng trưởng:

Thị trường luôn có sự thay đổi và đấy là lý do những người làm chủ doanh nghiệp cần xác định thị phần của doanh nghiệp, đặc biệt là thị phần tăng trưởng. Để đánh giá đúng thị phần tăng trưởng của doanh nghiệp, các nhà quản lý chiến lược thường sử dụng Ma trận Boston (ma trận BCG). Trong đó, trục tung là sự tăng trưởng doanh số, sản lượng và trục hoành là thị phần.

Loại ma trận này được chia ra làm 4 ô: ô Dấu hỏi, ô ngôi sao 5 cánh, ô Bò sữa và ô Chó mực. Trong đó:

– Ô Dấu hỏi: Là những sản phẩm mới vào thị trường. Nhóm này khi mới vào thị trường thường có tiềm năng phát triển mạnh tuy nhiên thị phần sở hữu còn khiêm tốn, chưa có chỗ đứng trên thị trường cho nên nhóm này chỉ là một dấu chấm hỏi. Với nhóm này, doanh nghiệp cần có kế hoạch marketing thử trong thời gian ngắn, tích cực theo dõi thị trường và phân tích sản phẩm để đưa ra quyết định tiếp tục phát triển nó hay không. Từ đó hoạch định nhóm phù hợp nhất cho sản phẩm như đưa sản phẩm vào nhóm Ngôi sao để được đẩy mạnh marketing hay cho vào nhóm Chó mực để loại bỏ.

– Ô ngôi sao: Đây là nhóm sản phẩm đang được thị trường chào đón, đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả cao nhất, tăng tốc chiếm lĩnh thị trường và mang về lợi nhuận, doanh nghiệp cần đẩy mạnh tăng trưởng nhóm này bằng cách tập trung nguồn lực marketing một cách tối đa, tập trung vào việc quảng cáo hiệu quả.

– Ô bò sữa: Đây là nhóm sản phẩm khó có thể tăng trưởng thêm trên thị trường, nhưng thị phần vẫn còn và nó vẫn mang lại nguồn doanh thu đáng kể cho doanh nghiệp. Do vậy doanh nghiệp chỉ cần cung cấp nguồn lực vừa phải để duy trì và hạn chế việc giảm thị phần.

– Ô chó mực: Đây là nhóm sản phẩm không có khả năng phát triển, không mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, thị phần không có. Với nhóm này, doanh nghiệp không nên tiếp tục đầu tư tài chính và nguồn lực mà nên loại bỏ càng sớm càng tốt để tránh các phí tổn không cần thiết như tồn kho, bảo quản, quản lý, kiểm kê, đối soát… gây ảnh hưởng đến tiền đầu tư chi tiêu của doanh nghiệp.

Với cách phân chia theo ma trận BCG, doanh nghiệp có thể thuận lợi quan sát được tình trạng phát triển cũng như thực trạng của các dòng sản phẩm tung ra trên thị trường từ đó đi đến các quyết định về việc thực hiện chiến lược, định hướng phát triển.

4. Làm thế nào để gia tăng thị phần?

Thị phần luôn là mục tiêu phấn đấu của hầu hết doanh nghiệp khi tung ra thị trường một dòng sản phẩm hay dịch vụ. Việc tăng thị phần có thể giúp doanh nghiệp tăng quy mô cho hoạt động của mình và cải thiện lợi nhuận. Ngược lại khi thị phần giảm sẽ là dấu hiệu biểu thị cho việc sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đó đang bị hạ thấp trên thị trường, chưa đáp ưng nhu cầu khách hàng, dẫn đến việc không mang lại lợi nhuận cho công ty. Đấy chính là lý do hầu hết các doanh nghiệp đều muốn gia tăng thị phần bằng mọi cách khác nhau. Dưới đây là các cách giúp gia tăng thị phần trong hoạt động doanh nghiệp:

– Cải thiện hoặc đổi mới sản phẩm/ dịch vụ: Cải thiện chất lượng của sản phẩm hoặc tạo ra sản phẩm/dịch vụ mới ưu việt hơn các đối thủ khác chính là cách hữu hiệu để thu được nhiều thị phần. Đây chính là yếu tố thuộc về mặt sáng tạo. Tuy nhiên, cách này tốn kém nhiều chi phí và có thể tiềm ẩn không ít rủi ro. Để hạn chế thấp nhất các rủi ro, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về thị trường, các đối thủ cạnh tranh trước khi bắt tay vào thực hiện việc cải thiện hoặc đổi mới sản phẩm.

– Phát triển phân khúc thị trường mới: Việc tiếp cận và phát triển một thị trường mới sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội gia tăng thị phần. Tuy nhiên, trước khi thực hiện cách này doanh nghiệp cần có sự nghiên cứu một cách kỹ lưỡng về thị trường sẽ mở rộng để đưa ra chiến lược kinh doanh và marketing phù hợp nhất cho sản phẩm.

– Đa dạng các hình thức tiếp thị: Trong hoạt động của doanh nghiệp khi thị phần gia tăng sẽ kéo theo các hoạt động mở rộng kênh phân phối, phương pháp quảng bá, truyền thông. Cho nên việc đa dạng hóa các hình thức tiếp thị, quảng bá là điều quan trọng. Doanh nghiệp có thể lựa chọn các kênh phân phối như bán hàng online, siêu thị, đại lý… và có thể mở rộng thêm các hình thức tiếp thị khác như quảng cáo trên báo chí, truyền hình, mạng xã hội…

– Cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng: Mối quan hệ với khách hàng là một trong những yếu tố hỗ trợ sự gia tăng thị phần cho doanh nghiệp. Việc đưa ra các chiến lược chăm sóc khách hàng phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp ngăn chặn khách hàng hiện tại chuyển sang các đối thủ cạnh tranh. Khi tạo được sự hài lòng của khách hàng họ sẽ có những chia sẻ tích cực về sản phẩm cho bạn bè, người thân… và những người này sau đó sẽ trở thành khách hàng mới của doanh nghiệp.

– Mua lại đối thủ cạnh tranh: Cách này có thể giúp doanh nghiệp gia tăng thị phần khi có được cơ sở khách hàng hiện tại của công ty mới mua, đồng thời làm giảm số lượng đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, cách này tốn kém nhiều chi phí và cần có sự tính toán phù hợp.

Kết luận: Thị phần là một trong những yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp cần xác định để hiểu rõ vị thế sản phẩm của mình trên thị trường. Doanh nghiệp nào chiếm được thị phần lớn sẽ có lợi thế thống trị thị trường. Vì chiến lược chiếm thị phần, nhiều công ty sẵn sàng chi khoản phí lớn và hy sinh các lợi ích khác. Tuy nhiên, việc chiếm được thị phần lớn cũng đem lại cho công ty vô số lợi ích nhất định, từ đó hoạch định các chiến lược phát triển lâu dài hơn.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )