Soạn bài chị em Thúy Kiều - Nguyễn Du (SGK Ngữ Văn 9 Tập 1)

Truyện Kiều là một trong những tác phẩm đỉnh cao của tác giả Nguyễn Du. Vậy nó đỉnh cao như thể nào, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu, soạn bài và trả lời một số câu hỏi 

Lời giải chi tiết:

1.1. Kết cấu:

- Bốn câu thơ đầu: giới thiệu và khái quát về thân thế hai chị em Thuý Kiều;

- Bốn câu thơ tiếp theo: Miêu tả vẻ đẹp của nhân vật Thuý Vân;

- Mười hai câu thơ tiếp theo: Miêu tả vẻ đẹp của nhân vật Thuý Kiều.

- Bốn câu thơ cuối: Đánh giá và nhận xét tổng quát chung về cuộc sống, đức hạnh của hai chị em. 

1.2. Trình tự miêu tả các nhân vật có liên quan mật thiết tới kết cấu của bài thơ như sau:

- Bốn câu đầu là cái nhìn đánh giá khái quát vẻ đẹp chung và riêng của từng nhân vật. Sau đó mới dần rẽ hướng phân tích, miêu tả chi tiết, sâu sắc về từng nhân vật cụ thể (Thúy Vân và Thúy Kiều)

- Bốn câu tiếp theo là sự phác họa đậm nét hơn về vẻ đẹp Thúy Vân từ khuôn mặt, đôi mày, mái tóc, làn da,... tất cả đều tổng hợp hài hòa trong một người con gái này tạo nên một hương sắc tuyệt vời, cho thấy vẻ đẹp đầy đặn, phúc hậu.

- Mười hai câu tiếp theo là sự miêu tả vẻ đẹp của Thúy Kiều bằng những hình ảnh vô cùng gợi tả, sống động từ khuôn mặt, mái tóc, làn da,...khiến cả những vẻ đẹp yêu kiều nhất của tự nhiên như cây liễu, bông hoa cũng chẳng thể bì được mà luôn mang trong mình sự e thẹn, ngại ngùng xấu hổ khi đứng trước vẻ đẹp của nàng Kiều. Có thể nói vẻ đẹp của Kiều là một vẻ đẹp tuyệt bích, ngàn năm có một, không một từ ngữ nào, một tạo vật thiên nhiên nào có thể lột tả, sánh kịp. 

-> Trong trình tự miêu tả của đoạn trích trên, bức chân dung của Thúy Vân được lựa chọn để miêu tả trước có liên quan mật thiết tới kết cấu của bài thơ. Bức chân dung miêu tả Thúy Vân được miêu tả trước nhưng chỉ với bốn câu thơ ngắn còn bức chân dung của Thúy Kiều được miêu tả sau nhưng có tới mười hai câu thơ. Sự sắp xếp mang đầy dụng ý này có tác dụng để bức chân dung của Thúy Vân làm nền để có thể nổi bật, nhấn mạnh, khẳng định lên vẻ đẹp Thúy Kiều. Thúy vân càng xinh đẹp, tuyệt sắc bao nhiêu thì vẻ đẹp của Thúy Kiều lại càng mặn mà sắc sảo hơn bấy nhiêu. Mười hai câu tiếp theo đã khẳng định, khắc họa vẻ đẹp Thúy Kiều không chỉ ở nhan sắc mà còn là vẻ đẹp của cái tài, cái tình làm say đắm lòng người. Có thể nói đây là vẻ đẹp hoàn mỹ, toàn diện.

- Bốn câu cuối là sự khái quát cuộc sống phong lưu, nề nếp, đức hạnh của chị em Thúy Kiều.

=> Đây là một kết cấu, trình tự có dụng ý nghệ thuật, liên kết với nhau tạo nên sự chặt chẽ, hợp lí, đồng thời đã góp phần to lớn trong việc làm nổi bật vẻ đẹp chung và riêng của hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân. 

2. Những hình tượng nghệ thuật mang tính ước lệ khi gợi tả vẻ đẹp của Thúy Vân?

Lời giải chi tiết:

- Về vẻ đẹp nhan sắc cũng như tính cách của Thuý Vân được miêu tả thông qua các hình ảnh ước lệ (trăng, cười, ngọc, mây, tuyết) trong bốn câu thơ:

Vân xem trang trọng khác vời,

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.

Hoa cười, ngọc thốt, đoan trang,

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.

Vẻ đẹp của Thuý Vân là một vẻ đẹp quý phái hơn người. Nó gợi tả trong hình ảnh ước lệ của ánh trăng - một vẻ đẹp tròn đầy, nở nang, trong sáng, thuần khiết pha lẫn sự sang trọng, sáng ngời. Không chỉ có vẻ đẹp đó mà trong tính cách của người con gái này còn toát lên vẻ đoan trang, trung thực, phúc hậu… về tính cách khiến hoa nhìn cũng phải cười, ngọc sáng cũng phải thốt lên vì vẻ vẻ đó. Những vẻ đẹp được coi là tuyệt bích của thiên nhiên khi so sánh với Thúy vân vẫn phải lép vế, thua kém muôn phần: “Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”. Hình ảnh chân dung, tính cách ấy đồng thời còn có tác dụng gợi tả số phận của Thúy Vân sẽ trải qua một cuộc đời bình lặng, yên ổn.

3. Khi gợi tả nhan sắc Thúy Kiều, tác giả cũng sử dụng hình tượng nghệ thuật mang tính ước lệ, theo em, có những điểm nào giống và khác so với tả Thúy Vân?

Lời giải chi tiết:

3.1. Điểm giống:

-Để đặc tả vẻ đẹp của Thúy Kiều, tác giả cũng sử dụng hình mang tính ước lệ tượng trưng: thu thủy, xuân sơn.

- Bức họa chân dung của Thúy Kiều cũng là bức chân dung mang tính cách, số phận: vẻ đẹp của Thúy Kiều làm cho thiên nhiên, tạo hóa phải hờn thẹn, ghét ghen, đố kị => Đây là dự cảm một số phận éo le, đau khổ, truân chuyên.

3.2.  Điểm khác:

- Nguyễn Du đã có dụng ý rõ ràng khi sử dụng thủ pháp nghệ thuật đòn bẩy, miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân trước từ đó nhằm làm nổi bật hơn nữa về bức chân dung vẻ đẹp của  Thúy Kiều.

- Nguyễn Du chỉ sử dụng bốn câu thơ để gợi tả vẻ đẹp của Thúy Vân, trong khi đó sử dụng tới mười hai câu thơ để lột tả, miêu tả vẻ đẹp của nàng Kiều.

- Vẻ đẹp của Thúy Vân phần lớn là vẻ đẹp ở bên ngoài, còn vẻ đẹp của Thúy Kiều là vẻ đẹp hoàn hảo từ cả nhan sắc, tài năng, đến tâm hồn.

4. Bên cạnh vẻ đẹp về hình thức, tác giả còn nhấn mạnh những vẻ đẹp nào ở Thúy Kiều?

Lời giải chi tiết:

- Bên cạnh vẻ đẹp hình thức, nhan sắc Nguyễn Du còn nhấn mạnh vẻ đẹp tài năng, tâm hồn của Kiều. Ở Kiều hội tụ đầy đủ tất cả tài năng theo quan niệm của tư tưởng phong kiến: cầm – kì – thi – hoạ.

- Trong đó, Nguyễn Du đặc biệt nhấn mạnh tài đánh đàn của Kiều (Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương) và gợi tả về tính cách đa sầu, đa cảm của nàng  Kiều qua khúc nhạc mà Thúy Kiều tự sáng tác một thiên “bạc mệnh”.

Cũng như khi miêu tả Thuý Vân, những nét riêng về tài và sắc của Thuý Kiều còn gợi ra những dự cảm về số phận, Tuy nhiên khác với Thúy Vân là dự cảm về một cuộc đời hạnh phúc, viên mãn thì những dự cảm về Kiều lại là một cuộc đời, số phận nghiệt ngã, éo le của số phận (theo quan niệm “tài mệnh tương đố” của tư tưởng trung đại). Cho nên mới nói sắc đẹp của Thuý Kiều “Hoa ghen đua thắm, liễu hờn kém xanh” đến tạo vật còn phải ghen ghét huống chi con người. Chính vì sự ghen ghét này đã ngấm ngầm dự báo được những sóng gió cuộc đời sẽ đến với Kiều trong tương lại.

5. Người ta thường nói: sắc đẹp của Thúy Vân "Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da", còn sắc đẹp của Thúy Kiều "Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh" là sự dự báo số phận của hai người. Theo em có đúng không? Tại sao lại như vậy?

Lời giải chi tiết:

Theo em dự báo này là đúng bởi lẽ : 

-  Với ngôn từ miêu tả Thúy Vân là vẻ đẹp hiền lành, phúc hậu nàng sẽ có cuộc đời bình yên, suôn sẻ. Khi tả nàng, Nguyễn Du rất tinh tế khi dùng chữ "nhường", "thua" trước vẻ đẹp của làn da, mái tóc của Thúy Vân

- Còn với Thúy Kiều, ngôn ngữ Nguyễn Du miêu tả "sắc sảo mặn mà", với sắc đẹp đó hoa phải "ghen", liễu phải "hờn", vẻ đẹp của nàng Kiều còn nhỉnh hơn cả thiên nhiên tạo vật vài phần. Mà xưa nay những tranh giành đấu đá, khổ đau cũng phần lớn do ghen ghét đố kị mà ra. Bởi vậy một người hoàn hảo đến như vậy chắc chắn sẽ bị người khác hãm hại bởi vì ganh ghét, đố kị. Từ đó, dự báo cho một cuộc sống đầy trắc trở, số phận éo le, bất hạnh.

6. Trong hai bức chân dung Thúy Vân và Thúy Kiều, em thấy bức chân dung nào nổi bật hơn, vì sao?

Lời giải chi tiết:

Trong hai bức chân dung Thuý Vân và Thuý Kiều, bức chân dung Thuý Kiều nổi bật hơn. Điều này phù hợp với dụng ý nghệ thuật của tác giả khi sáng tạo Truyện Kiều cũng như cảm nhận của độc giả nói chung và bản thân em nói riêng về truyện Kiều: toàn bộ Truyện Kiều tập trung xoay quanh câu chuyện về cuộc đời đầy đau khổ của nàng Kiều. Nó được thể ở sự khác biệt nhau khá lớn về số lượng câu thơ dành cho việc miêu tả hai nhân vật (4/12). Vẻ đẹp của Thuý Vân phần lớn chỉ được gợi tả về nhan sắc, tính tình còn vẻ đẹp của Thuý Kiều được gợi tả toàn vẹn cả về nhan sắc, tài trí, và tâm hồn. Mặt khác vẻ đẹp toàn vẹn về tài, sắc, tâm hồn cũng là vẻ đẹp chuẩn mực mà ông cha ta chân quý và luôn luôn hướng tới. 

    5 / 5 ( 1 bình chọn )