Skip to content
1900.6568

Trụ sở chính: Số 89, phố Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội

  • DMCA.com Protection Status
Home

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Về Luật Dương Gia
    • Luật sư điều hành
    • Tác giả trên Website
    • Tuyển dụng
  • Tư vấn pháp luật
  • Đặt lịch hẹn
  • Đặt câu hỏi
  • Dịch vụ Luật sư
  • Văn bản pháp luật
  • Tư vấn tâm lý
  • Blog Luật
Home

Đóng thanh tìm kiếm
  • Trang chủ
  • Đặt câu hỏi
  • Đặt lịch hẹn
  • Gửi báo giá
  • Bài viết
    liên quan
Trang chủ » Văn bản pháp luật » Quyết định 893/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Văn bản pháp luật

Quyết định 893/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • 07/04/202107/04/2021
  • bởi Công ty Luật Dương Gia
  • Công ty Luật Dương Gia
    07/04/2021
    Văn bản pháp luật
    0

    Số hiệu: 893/QĐ-TTg

    Loại văn bản: Quyết định

    Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ

    Người ký: Trương Hòa Bình

    Ngày ban hành: 25/06/2020

    Tình trạng: Đã biết

    Nội dung chi tiết, file tải về (download) và hướng dẫn tra cứu chi tiết văn bản: Quyết định 893/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành

    THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
    ——-

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
    —————

    Số: 893/QĐ-TTg

    Hà Nội, ngày 25 tháng 6 năm 2020

     

    QUYẾT ĐỊNH

    PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRONG CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

    THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

    Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;

    Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;

    Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;

    Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

    Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;

    Căn cứ Luật An ninh mạng ngày 12 tháng 6 năm 2018;

    Căn cứ Luật Bảo vệ bí mật nhà nước ngày 15 tháng 11 năm 2018;

    Căn cứ Luật An toàn thông tin mạng ngày 19 tháng 11 năm 2015;

    Căn cứ Luật Cơ yếu ngày 26 tháng 11 năm 2011;

    Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

    Căn cứ Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

    Căn cứ Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước;

    Căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 và Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 30c/NQ-CP;

    Căn cứ Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025;

    Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

    QUYẾT ĐỊNH:

    Điều 1. Phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung sau:

    I. QUAN ĐIỂM

    1. Xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước phải phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

    2. Bảo đảm thống nhất về quản lý cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế; thông tin cơ bản về cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan nhà nước được quản lý tập trung, thống nhất trong cơ sở dữ liệu; cơ quan nhà nước các cấp được cấp quyền khai thác để phục vụ công tác quản lý cán bộ.

    3. Kế thừa kết quả đã triển khai của các cơ quan nhà nước (cơ sở dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin), thông qua các giải pháp chuẩn hóa, chuyển đổi, tích hợp để tạo lập, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác; tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào quản lý vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.

    4. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức phải phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử; ngoài việc phục vụ công tác thống kê, báo cáo, hoạch định chính sách, còn phải gắn với công tác quản lý điều hành, giảm thiểu các quy trình, thủ tục liên quan đến công tác cán bộ như: kê khai, bổ sung sơ yếu lý lịch và tài sản, thu nhập, thẩm tra, xác minh… góp phần đổi mới quan trọng công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới.

    5. Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức phải được từng cán bộ, công chức, viên chức cũng như lãnh đạo các cơ quan nhà nước quan tâm, chung tay xây dựng và cập nhật thường xuyên, liên tục, được quản lý theo quy định, liên thông trong toàn hệ thống chính trị. Việc phân công, phân cấp khi thực hiện quản lý, khai thác, duy trì, sử dụng phải tuân theo quy định thống nhất từ trung ương đến địa phương.

    II. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI

    1. Mục tiêu chung

    a) Thực hiện việc xây dựng, quản lý, cập nhật dữ liệu thường xuyên, tổ chức khai thác, sử dụng và lưu trữ cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước theo hướng hiện đại, là một trong những cấu phần quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.

    b) Đảm bảo kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu với cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương; cơ sở dữ liệu quốc gia ở các lĩnh vực khác, góp phần vào quá trình xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử; thực hiện minh bạch hóa công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, góp phần xây dựng một nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.

    2. Mục tiêu cụ thể

    – Năm 2020

    Hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, triển khai và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Trong đó, tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật quy định về quản lý cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế (danh mục thông tin, biểu mẫu kê khai hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, lưu trữ điện tử; hệ thống các chuẩn thông tin, chỉ dẫn kỹ thuật, chuẩn kết nối, chia sẻ và bảo mật dữ liệu liên quan để phục vụ việc chuẩn hóa, chuyển đổi, cập nhật và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức).

    – Năm 2021

    + Hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước tại Bộ Nội vụ; các phần mềm ứng dụng, hệ thống kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu; các giải pháp kỹ thuật mật mã để bảo mật dữ liệu lưu trữ và dữ liệu trao đổi thuộc phạm vi bí mật nhà nước;

    + Thực hiện chuyển đổi, chuẩn hóa và cập nhật bổ sung dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế vào cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của bộ, ngành và địa phương; tích hợp về cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức tập trung tại Bộ Nội vụ.

    – Năm 2022 và các năm tiếp theo

    + Đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức vào quản lý và khai thác sử dụng. Gắn việc khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với công tác quản lý nhà nước, công tác chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính liên quan đến công tác quản lý cán bộ của các cơ quan nhà nước.

    Đến năm 2023 sử dụng sơ yếu lý lịch điện tử thay thế sơ yếu lý lịch giấy, giảm thiểu việc kê khai hồ sơ, sơ yếu lý lịch cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện quy trình tuyển dụng, nâng ngạch, chuyển ngạch, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, đề bạt, bổ nhiệm…. Từng bước số hóa thông tin dữ liệu để thay thế hồ sơ giấy truyền thống; thực hiện việc cấp biên chế công chức, số người làm việc và hợp đồng lao động trong các cơ quan nhà nước qua Hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu.

    + Kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cổng dịch vụ công, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương để thu thập, tích hợp, tổng hợp, phân tích dữ liệu, dự báo hỗ trợ trong việc ban hành chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác cán bộ, nguồn nhân lực theo thời gian thực.

    3. Đối tượng, phạm vi của Đề án

    a) Đối tượng

    – Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước các cấp được điều chỉnh trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019;

    – Cán bộ, công chức đang công tác được điều động, luân chuyển giữ các chức danh chủ chốt trong các hội và tổ chức phi chính phủ;

    – Người được ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ;

    Những đối tượng nêu trên sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức.

    b) Phạm vi

    Hệ thống cơ quan nhà nước các cấp từ trung ương đến địa phương, bao gồm:

    – Các Bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng), cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập;

    – Tòa án nhân dân các cấp, Viện kiểm sát nhân dân các cấp;

    – Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội;

    – Kiểm toán Nhà nước;

    – Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; cơ quan của Hội đồng nhân dân; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;

    – Các đơn vị sự nghiệp công lập ở trung ương và địa phương.

    III. YÊU CẦU NGHIỆP VỤ, KỸ THUẬT

    1. Yêu cầu về thiết kế hệ thống và cơ chế hoạt động

    a) Yêu cầu

    – Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức viên chức trong các cơ quan nhà nước là hệ thống thông tin được thu thập, tích hợp, chia sẻ dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế phục vụ tổng hợp, phân tích dữ liệu nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan nhà nước các cấp;

    – Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước được thiết kế theo kiến trúc thống nhất, phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; kế thừa nguồn dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu sẵn có;

    – Bảo đảm tính bảo mật, an toàn thông tin trên cơ sở: cung cấp giải pháp xác thực người dùng ở mức độ cao; mã hóa và ký số với các giao dịch dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy biên chế, giữa hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đặt tại Bộ Nội vụ với cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu;

    – Thông tin, dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế của cơ quan nhà nước được chuẩn hóa, chuyển đổi đồng bộ, được đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật tối đa trước khi tích hợp về cơ sở dữ liệu quốc gia đặt tại Bộ Nội vụ.

    b) Mô hình thiết kế hệ thống

    Mô hình hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước là mô hình phi tập trung, được tổ chức như sau:

    – Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước lưu trữ tại Bộ Nội vụ do Bộ Nội vụ xây dựng, quản lý vận hành gồm các trường thông tin cơ bản nhất về cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế, phục vụ công tác quản lý vĩ mô; định danh cán bộ, công chức, viên chức nhà nước các cấp trên môi trường mạng điện tử. Các trường thông tin này được tích hợp, đồng bộ từ cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước về Bộ Nội vụ thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia và các giải pháp kỹ thuật liên quan, trong đó có giải pháp chia sẻ, đồng bộ với các cơ sở dữ liệu khác như: cơ sở dữ liệu về tổ chức, bộ máy và biên chế, cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội, cơ sở dữ liệu dân cư,…

    – Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức thành phần của từng bộ, ngành và địa phương do các bộ, ngành và địa phương đó xây dựng, quản lý, vận hành, lưu trữ đầy đủ các trường thông tin chi tiết hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức và thông tin tổ chức bộ máy, biên chế; có các chức năng, nghiệp vụ phù hợp với sự phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức, theo đặc thù riêng của từng bộ, ngành và địa phương.

    c) Cơ chế hoạt động

    – Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đặt tại Bộ Nội vụ được hình thành (qua tích hợp, đồng bộ) từ các nguồn dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; các cơ quan: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước; dữ liệu được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội Việt Nam…;

    – Sử dụng hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng để kết nối, giao tiếp, trao đổi dữ liệu, đồng thời sử dụng giải pháp an toàn bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ để đảm bảo tuyệt đối an toàn bảo mật thông tin dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức;

    – Bộ Nội vụ xây dựng và ban hành các quy định về chuẩn thông tin, quy định kỹ thuật về dữ liệu, quy định về trao đổi và bảo mật thống nhất chung, làm cơ sở để các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

    2. Yêu cầu về chức năng của hệ thống

    a) Bộ Nội vụ xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia đảm bảo các tính năng chia sẻ, liên thông với các phần mềm, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và phần mềm nhập dữ liệu theo chuẩn chung để các bộ, ngành, địa phương chưa có phần mềm nhập các trường dữ liệu theo quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia tại Bộ Nội vụ;

    b) Tại các cơ quan nhà nước, căn cứ văn bản quy định danh mục chuẩn thông tin, tiêu chuẩn kỹ thuật về phần mềm, cơ sở dữ liệu do Bộ Nội vụ ban hành, thực hiện việc xây dựng, nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm, cơ sở dữ liệu đảm bảo yêu cầu kết nối, liên thông, tích hợp dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức về cơ sở dữ liệu quốc gia tại Bộ Nội vụ. Bảo đảm sự thống nhất trong công tác triển khai;

    c) Yêu cầu phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước có các chức năng cơ bản sau:

    – Quản lý danh mục bảng mã sử dụng thống nhất để đảm bảo yêu cầu tích hợp, đồng bộ dữ liệu từ các cơ quan nhà nước;

    – Tích hợp, chia sẻ dữ liệu thông qua phần mềm giao tiếp trung gian (APIs): Tiếp nhận dữ liệu từ các hệ thống cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương; tích hợp với cơ sở dữ liệu về tổ chức bộ máy, biên chế của Ban Tổ chức Trung ương; chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu khác như Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội…;

    – Cung cấp các ứng dụng trực tuyến như định danh, xác thực cán bộ, công chức, viên chức thi nâng ngạch/thăng hạng; đào tạo, bồi dưỡng; điều động, biệt phái, chuyển công tác; quy hoạch, bổ nhiệm; nâng lương sớm…;

    – Lập báo cáo/thống kê/dự báo: Phân tích, tổng hợp dữ liệu, trích xuất các báo cáo thống kê chất lượng, số lượng theo các yêu cầu quản lý, dự báo phục vụ xây dựng các chính sách vĩ mô;

    – Quản lý, giám sát hoạt động hệ thống: lịch đồng bộ hai chiều, hệ thống theo dõi xử lý lỗi, nhật ký đồng bộ, v.v…

    d) Chức năng phần mềm nhập dữ liệu theo chuẩn chung

    Phần mềm được cài đặt tại Bộ Nội vụ. Hỗ trợ các bộ, ngành và địa phương chưa có phần mềm/cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức sử dụng (cung cấp tài khoản, không gian dữ liệu riêng) phục vụ cập nhập dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức và đồng bộ dữ liệu về cơ sở dữ liệu quốc gia.

    Phần mềm gồm các tính năng cơ bản: Nhập mới dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức (các trường thông tin bắt buộc theo quy định); kết xuất dữ liệu từ cơ sở dữ liệu của cơ quan, đơn vị theo định dạng quy định (XML/CSV …); kiểm tra, kiểm duyệt và đồng bộ dữ liệu, v.v…

    đ) Yêu cầu chức năng phần mềm, cơ sở dữ liệu thành phần của từng bộ, ngành và địa phương

    Đồng bộ danh mục, các trường thông tin theo quy định kỹ thuật dữ liệu do Bộ Nội vụ ban hành; các tiêu chuẩn kỹ thuật về kết nối chia sẻ dữ liệu do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành để đảm bảo việc kết nối, liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước đặt tại Bộ Nội vụ. Phần mềm, cơ sở dữ liệu đảm bảo việc kết nối được với các hệ thống thông tin khác của bộ, ngành và địa phương.

    IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

    1. Hoàn thiện thể chế để tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, triển khai và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước

    a) Xây dựng, ban hành văn bản quy định về mẫu phiếu thông tin đầu vào sơ yếu lý lịch cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả mẫu phiếu điện tử) thống nhất trong toàn hệ thống chính trị thay thế mẫu 2C-BNV/2008 của Bộ Nội vụ và mẫu 2C/TCTW-98 của Ban Tổ chức Trung ương.

    Cơ quan chủ trì: Bộ Nội vụ.

    Thời gian hoàn thành: Tháng 10 năm 2020.

    b) Xây dựng văn bản quy định danh mục chuẩn thông tin và quy định kỹ thuật chia sẻ, tích hợp dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức (thay thế Quyết định số 4223/QĐ-BNV ngày 30 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ); Quy định về an toàn bảo mật thông tin đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.

    Cơ quan chủ trì: Bộ Nội vụ.

    Thời gian hoàn thành: Tháng 11 năm 2020.

    c) Sửa đổi quy định trong danh mục tài liệu mật đối với ngành Nội vụ (theo Thông tư số 36/2012/TT-BCA ngày 18 tháng 6 năm 2012 của Bộ Công an quy định danh mục bí mật nhà nước độ Mật của ngành Nội vụ) đảm bảo việc liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức.

    Cơ quan chủ trì: Bộ Nội vụ.

    Thời gian hoàn thành: Tháng 9 năm 2020.

    d) Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 11/2012/TT-BNV ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Bộ Nội vụ quy định về chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ công chức.

    Cơ quan chủ trì: Bộ Nội vụ.

    Thời gian hoàn thành: Tháng 10 năm 2020.

    đ) Xây dựng văn bản quy định về định danh cán bộ, công chức, viên chức; sơ yếu lý lịch điện tử, lưu trữ điện tử đối với hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức; thẻ công chức điện tử.

    Cơ quan chủ trì: Bộ Nội vụ.

    Thời gian hoàn thành: Năm 2021.

    e) Tổ chức rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định, thủ tục về quản lý, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thi đua, khen thưởng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm khai thác hiệu quả dữ liệu từ cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức. Tuân thủ nguyên tắc: thông tin cán bộ, công chức, viên chức phải được cập nhật thường xuyên và ngay khi có sự biến động; không yêu cầu kê khai thông tin lý lịch cán bộ, công chức, viên chức đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.

    Cơ quan chủ trì: Bộ Nội vụ/các bộ, ngành, địa phương.

    Thời gian hoàn thành: Năm 2021.

    2. Xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước

    a) Xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ Nội vụ.

    Cơ quan chủ trì: Bộ Nội vụ.

    Thời gian hoàn thành: Năm 2021.

    b) Xây dựng phần mềm nhập dữ liệu theo chuẩn chung để tích hợp, chuyển đổi, đồng bộ dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức từ các bộ, ngành, địa phương về cơ sở dữ liệu quốc gia tại Bộ Nội vụ.

    Cơ quan chủ trì: Bộ Nội vụ.

    Thời gian hoàn thành: Năm 2021.

    c) Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu, đủ điều kiện, tiêu chuẩn đảm bảo vận hành ổn định và an toàn, an ninh, bảo mật hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ Nội vụ.

    Cơ quan chủ trì: Bộ Nội vụ.

    Thời gian hoàn thành: Năm 2021.

    3. Tổ chức chuyển đổi, chuẩn hóa, tạo lập dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức; tích hợp về cơ sở dữ liệu quốc gia tại Bộ Nội vụ.

    a) Thử nghiệm kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu của một số bộ, ngành, địa phương với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.

    Cơ quan chủ trì: Bộ Nội vụ.

    Thời gian hoàn thành: Quý IV năm 2020.

    b) Tổ chức hướng dẫn chuẩn hóa, chuyển đổi, tạo lập và tích hợp cơ sở dữ liệu của các bộ ngành, địa phương về cơ sở dữ liệu quốc gia tại Bộ Nội vụ.

    Cơ quan chủ trì: Bộ Nội vụ.

    Thời gian hoàn thành: Năm 2021.

    c) Xây dựng, nâng cấp, chỉnh sửa hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành và địa phương trên cơ sở hướng dẫn chung của Bộ Nội vụ đảm bảo việc kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.

    Cơ quan chủ trì: Bộ, ngành và địa phương.

    Thời gian hoàn thành: Năm 2021.

    d) Thực hiện việc chuyển đổi, chuẩn hóa, tạo lập dữ liệu; tích hợp về cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; thường xuyên cập nhật, đồng bộ về cơ sở dữ liệu quốc gia ngay khi có sự thay đổi về thông tin cán bộ, công chức, viên chức.

    Cơ quan chủ trì: Bộ, ngành và địa phương.

    Thời gian hoàn thành: Năm 2021.

    đ) Thực hiện các giải pháp an ninh, an toàn bảo mật thông tin cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình chuyển đổi, liên thông, tích hợp, đồng bộ dữ liệu.

    Cơ quan chủ trì: Ban Cơ yếu Chính phủ.

    Thời gian hoàn thành: Năm 2021.

    e) Tổ chức tích hợp cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành và địa phương về cơ sở dữ liệu quốc gia tại Bộ Nội vụ.

    Cơ quan chủ trì: Bộ Nội vụ.

    Thời gian hoàn thành: Năm 2021.

    4. Xây dựng Kế hoạch và tổ chức kết nối cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương với các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác do bộ, ngành, địa phương xây dựng, đảm bảo việc liên thông, chia sẻ dữ liệu.

    Cơ quan chủ trì: Các bộ, ngành và địa phương.

    Thời gian hoàn thành: Năm 2022.

    5. Tổ chức tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phục vụ quản lý, khai thác, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức

    Cơ quan chủ trì: Bộ Nội vụ.

    Thời gian hoàn thành: Năm 2022.

    6. Quản lý, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức

    a) Xây dựng và ban hành Quy chế quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước

    Cơ quan chủ trì: Bộ Nội vụ.

    Thời gian thực hiện: Năm 2022.

    b) Tổ chức quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, gắn với công tác cải cách hành chính liên quan đến công tác quản lý cán bộ của các cơ quan nhà nước.

    Cơ quan chủ trì: Bộ Nội vụ.

    Thời gian thực hiện: Năm 2022 trở đi.

    c) Quản lý, vận hành, duy trì cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của từng bộ, ngành, địa phương; thường xuyên cập nhật dữ liệu, đồng bộ về cơ sở dữ liệu quốc gia.

    Cơ quan chủ trì: Các bộ, ngành và địa phương.

    Thời gian thực hiện: Năm 2022 trở đi.

    V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

    1. Kinh phí thực hiện Đề án được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có), trong đó:

    a) Đối với nhiệm vụ, Đề án xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước tại Bộ Nội vụ; tổ chức chuyển đổi, chuẩn hóa, tạo lập dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo, tập huấn; quản lý, vận hành hệ thống tại Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan trung ương sử dụng nguồn ngân sách trung ương;

    b) Đối với các nhiệm vụ, Đề án xây dựng, nâng cấp, chỉnh sửa hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu cán bộ công chức, viên chức của các địa phương; tổ chức chuyển đổi, chuẩn hóa, tạo lập dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức; quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu của các địa phương sử dụng ngân sách địa phương.

    2. Hình thức thực hiện: Thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin theo quy định hiện hành của nhà nước.

    VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

    1. Trách nhiệm của Bộ Nội vụ

    a) Chủ trì rà soát, sửa đổi, bổ sung, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về việc xây dựng, triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước; các quy chuẩn, quy định kỹ thuật liên quan đến việc kết nối, chia sẻ dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.

    b) Chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương thống nhất các tiêu chí thông tin quản lý (đầu vào, đầu ra), mẫu sơ yếu lý lịch của cán bộ, công chức, viên chức điện tử áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống chính trị; thống nhất các giải pháp liên thông, chia sẻ, tích hợp thông tin dữ liệu của các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị – xã hội do Ban Tổ chức Trung ương làm đầu mối với các cơ quan nhà nước do Bộ Nội vụ làm đầu mối.

    c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp sửa đổi quy định về danh mục tài liệu mật đối với ngành Nội vụ (theo Thông tư số 36/2012/TT-BCA ngày 18 tháng 6 năm 2012 của Bộ Công an quy định danh mục bí mật nhà nước độ Mật của ngành Nội vụ) đảm bảo việc chia sẻ, liên thông, tích hợp dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức.

    d) Chủ trì sửa đổi hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi và hướng dẫn việc sửa đổi các quy định, thủ tục liên quan đến thẩm định và giao biên chế hàng năm gắn với việc cập nhật cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, các quy định về quản lý, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thi đua, khen thưởng, luân chuyển, bổ nhiệm, cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm khai thác hiệu quả dữ liệu từ cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức; sửa đổi, bổ sung tiêu chí thành phần liên quan đến việc xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức vào bộ chỉ số PAR Index của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

    đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đơn vị liên quan trong việc xây dựng quy trình chuẩn hóa, chuyển đổi, tích hợp dữ liệu, thu thập, cập nhật, khai thác, chia sẻ, kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan với cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức.

    e) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các bộ, ngành và địa phương trong việc tổ chức triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức viên chức, bao gồm: Rà soát, sửa đổi các quy định, thủ tục như đã nêu tại điểm e khoản 1 Mục IV và điểm d Điều này; chuyển đổi, chuẩn hóa, tích hợp cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước về cơ sở dữ liệu tập trung tại Bộ Nội vụ.

    g) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong việc đào tạo, tập huấn, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước tại Bộ Nội vụ.

    h) Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án; định kỳ hàng quý tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai Đề án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện Đề án; tổ chức sơ kết, tổng kết Đề án.

    2. Trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ

    Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ trong việc kết nối, liên thông Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Cổng dịch vụ công quốc gia với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và xác thực định danh cán bộ, công chức, viên chức sử dụng các hệ thống cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử trong các cơ quan nhà nước.

    3. Trách nhiệm đối với các cơ quan: Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước

    Chủ trì việc cập nhật dữ liệu của các đơn vị thuộc, trực thuộc; kết nối, tích hợp dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức do cơ quan quản lý đến cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ quản lý.

    4. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông

    a) Phối hợp với Bộ Nội vụ trong việc kết nối, khai thác sử dụng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước.

    b) Phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin phục vụ cho xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước.

    c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức triển khai công tác giám sát, ứng cứu khẩn cấp, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước.

    5. Trách nhiệm của Bộ Công an

    Chủ trì bảo đảm an ninh mạng đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước theo quy định tại Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn.

    6. Trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ

    Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện công tác bảo mật, xác thực và an toàn thông tin tuyệt đối cho toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước; triển khai các giải pháp kỹ thuật mật mã để bảo mật dữ liệu lưu trữ và dữ liệu trao đổi thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

    7. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

    Bố trí kinh phí thường xuyên thực hiện Đề án cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, cơ quan trung ương trình cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn Luật.

    8. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (trừ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng)

    a) Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án.

    b) Chủ trì tổ chức triển khai xây dựng, nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm (theo quy chuẩn kỹ thuật Bộ Nội vụ ban hành); cập nhật, quản lý, khai thác, vận hành cơ sở dữ liệu của cơ quan đơn vị; phối hợp với Bộ Nội vụ thực hiện việc chuyển đổi, chuẩn hóa, liên thông, tích hợp dữ liệu về cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đặt tại Bộ Nội vụ. Thường xuyên cập nhật, đồng bộ dữ liệu khi có sự thay đổi thông tin.

    c) Chủ trì rà soát, sửa đổi các quy định, thủ tục như đã nêu tại điểm e khoản 1 Mục IV và điểm d Điều này tại bộ, cơ quan mình theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ; hàng quý báo cáo Bộ Nội vụ về tình hình triển khai Đề án, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

    d) Kết nối, liên thông với các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác của cơ quan đơn vị phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo cơ quan, đơn vị.

    đ) Phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện công tác bảo mật, xác thực và an toàn thông tin cho dữ liệu của cơ quan, đơn vị mình.

    9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

    a) Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án.

    b) Phân công đầu mối chủ trì; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tại địa phương phối hợp với cơ quan chủ trì xây dựng, nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm (theo quy chuẩn kỹ thuật Bộ Nội vụ ban hành); cập nhật, quản lý, khai thác, vận hành cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức tại địa phương.

    c) Chủ trì rà soát, sửa đổi các quy định, thủ tục như đã nêu tại điểm e khoản 1 Mục IV và điểm d Điều này tại địa phương mình theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ; hàng quý báo cáo Bộ Nội vụ về tình hình triển khai Đề án, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

    d) Xây dựng phương án khai thác, cập nhật, chia sẻ, sử dụng và tổ chức hệ thống thông tin phù hợp, an toàn bảo mật dữ liệu đảm bảo tích hợp được với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước.

    đ) Phối hợp với Bộ Nội vụ thực hiện việc chuyển đổi, chuẩn hóa, cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của địa phương, tích hợp đồng bộ về cơ sở dữ liệu quốc gia đặt tại Bộ Nội vụ. Thường xuyên cập nhật, đồng bộ dữ liệu khi có sự thay đổi thông tin.

    e) Phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện công tác bảo mật, xác thực và an toàn thông tin cho dữ liệu của cơ quan, đơn vị mình.

    g) Thực hiện kết nối, liên thông với các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác của địa phương phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo địa phương.

    h) Bố trí kinh phí triển khai thực hiện và hoạt động của cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan đơn vị tại địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.

    Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

    Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cá nhân, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

     


    Nơi nhận:
    – Ban Bí thư Trung ương Đảng;
    – Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    – Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
    –
    UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
    – Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
    – Văn phòng Tổng Bí thư;
    – Văn phòng Chủ tịch nước;
    – Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
    – Văn phòng Quốc hội;
    – Tòa án nhân dân tối cao;
    – Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
    – Kiểm toán Nhà nước;
    – Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
    – Ủy ban Trung ương Mặt
    trận Tổ quốc Việt Nam;
    – Cơ quan
    trung ương của các đoàn thể;
    – VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ
    Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
    – Lưu: VT, KSTT (2).

    KT. THỦ TƯỚNG
    PHÓ THỦ TƯỚNG

    Trương Hòa Bình

     

    Bài viết được thực hiện bởi Công ty Luật Dương Gia

    Chức vụ: Chủ sở hữu Website

    Lĩnh vực tư vấn: Luật sư tư vấn, tranh tụng

    Trình độ đào tạo: Công ty Luật TNHH

    Số năm kinh nghiệm thực tế: 06 năm

    Tổng số bài viết: 45.093 bài viết

    Gọi luật sư ngay
    Tư vấn luật qua Email
    Báo giá trọn gói vụ việc
    Đặt lịch hẹn luật sư
    Đặt câu hỏi tại đây
    5 / 5 ( 1 bình chọn )

    Công ty Luật TNHH Dương Gia – DG LAW FIRM

    Luật sư tư vấn pháp luật miễn phí 24/7

    1900.6568

    Đặt hẹn luật sư, yêu cầu dịch vụ tại Hà Nội

    024.73.000.111

    Đặt hẹn luật sư, yêu cầu dịch vụ tại TPHCM

    028.73.079.979

    Đặt hẹn luật sư, yêu cầu dịch vụ tại Đà Nẵng

    0236.7300.899

    Website chính thức của Luật Dương Gia

    https://luatduonggia.vn

    Bài viết mới nhất

    Mẫu giấy xác nhận thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp mới nhất

    Giấy xác nhận thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp là gì? Mục đích của giấy xác nhận thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp? Mẫu thông báo thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp 2021? Hướng dẫn viết thông báo thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp?

    Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ

    Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ là gì? Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ trong Tiếng anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ?

    Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ

    Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ là gì? Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ trong Tiếng anh là gì? Quy định của Bộ luật Hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ?

    Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

    Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là gì? Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự trong Tiếng anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự?

    Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia

    Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia là gì? Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia trong Tiếng anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia?

    Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược theo Bộ luật hình sự

    Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược là gì? Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược tiếng Anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược? Dấu hiệu pháp lý? Hình phạt?

    Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ

    Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ là gì? Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ tiếng Anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ? Dấu hiệu pháp lý? Hình phạt?

    Cấu thành và hình phạt đối với tội làm nhục, hành hung đồng đội

    Tội làm nhục đồng đội, hành hung đồng đội là gì? Tội làm nhục, hành hung đồng đội tiếng Anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về Tội làm nhục, hành hung đồng đội? Dấu hiệu pháp lý? Hình phạt?

    Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác

    Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác là gì Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác trong Tiếng anh là gì? Cấu thành tội phạm của tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác? Hình phạt áp dụng đối với tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác? Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác qua các Bộ luật hình sự?

    Quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt

    Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là gì? Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt trong Tiếng anh là gì? Quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt?

    Quy định về trình tự đề nghị, xem xét và quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù

    Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là gì? Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù trong Tiếng anh là gì? Trình tự đề nghị, xem xét và quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù?

    Điều kiện, các trường hợp và thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù

    Hoãn chấp hành hình phạt tù là gì? Hoãn chấp hành hình phạt tù trong Tiếng anh là gì? Điều kiện và các trường hợp, thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù? Thẩm quyền ra quyết định hoãn và thủ tục hoãn chấp hành hình phạt tù?

    Điều kiện và thủ tục áp dụng tha tù trước thời hạn có điều kiện

    Tha tù trước thời hạn có điều kiện là gì? Tha tù trước thời hạn có điều kiện trong Tiếng anh là gì? Điều kiện áp dụng tha tù trước thời hạn có điều kiện? Thủ tục áp dụng tha tù trước thời hạn có điều kiện?

    Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật

    Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật là gì? Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật trong Tiếng anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật?

    Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân

    Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân là gì? Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân trong Tiếng anh là gì? Quy định của bộ luật hình sự về tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu dân ý?

    Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân

    Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân là gì? Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân trong Tiếng anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân?

    Cấu thành và mức hình phạt đối với Tội làm nhục người khác

    Tội làm nhục người khác là gì? Tội làm nhục người khác trong Tiếng anh là gì? Cấu thành tội làm nhục người khác? Mức hình phạt đối với tội làm nhục người khác?

    Quy định về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người

    Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là gì? Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người trong Tiếng anh là gì? Quy định về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người?

    Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi theo Bộ luật hình sự

    Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi là gì? Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi  trong Tiếng anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi?

    Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi? Xử lý hành vi đánh tráo trẻ em?

    Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi là gì? Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi trong Tiếng anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về tội đánh tráo người dưới 01 tuổi? Xử lý hành vi đánh tráo trẻ em?

    Xem thêm

    Tìm kiếm tin tức
    Dịch vụ nổi bật
    dich-vu-thanh-lap-cong-ty-nhanh-thanh-lap-doanh-nghiep-uy-tin Dịch vụ đăng ký kinh doanh, thành lập công ty, thành lập doanh nghiệp uy tín
    dich-vu-dang-ky-su-dung-ma-ma-vach-gs1-cho-san-pham-hang-hoa Dịch vụ đăng ký sử dụng mã số mã vạch GS1 cho sản phẩm hàng hoá
    Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đăng ký logo công ty, thương hiệu độc quyền
    dich-vu-dang-ky-bao-ho-ban-quyen-tac-gia-tac-pham-nhanh-va-uy-tin Dịch vụ đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả, tác phẩm nhanh và uy tín

    Hỗ trợ 24/7: 1900.6568

    Đặt câu hỏi trực tuyến

    Đặt lịch hẹn luật sư

    Văn phòng Hà Nội:

    Địa chỉ trụ sở chính:  Số 89, phố Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội

    Điện thoại: 1900.6568

    Email: dichvu@luatduonggia.vn

    Văn phòng Đà Nẵng:

    Địa chỉ:  454/18 đường Nguyễn Tri Phương, phường Hoà Thuận Tây, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng

    Điện thoại: 1900.6568

    Email: danang@luatduonggia.vn

    Văn phòng TPHCM:

    Địa chỉ: 248/7 Nguyễn Văn Khối (Đường Cây Trâm cũ), phường 9, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh

    Điện thoại: 1900.6568

    Email: luatsu@luatduonggia.vn

    Bản quyền thuộc về Luật Dương Gia | Nghiêm cấm tái bản khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản!
    Scroll to top
    • Gọi ngay
    • Chỉ đường
      • HÀ NỘI
      • ĐÀ NẴNG
      • TP.HCM
    • Đặt câu hỏi
    • Tin liên quan
    • VĂN PHÒNG HÀ NỘI
      • 1900.6568
      • dichvu@luatduonggia.vn
      • Chỉ đường
      • Đặt lịch hẹn luật sư
      • Gửi yêu cầu báo giá
    • VĂN PHÒNG ĐÀ NẴNG
      • 1900.6568
      • dichvu@luatduonggia.vn
      • Chỉ đường
      • Đặt lịch hẹn luật sư
      • Gửi yêu cầu báo giá
    • VĂN PHÒNG TPHCM
      • 1900.6568
      • dichvu@luatduonggia.vn
      • Chỉ đường
      • Đặt lịch hẹn luật sư
      • Gửi yêu cầu báo giá
    Tin liên quan
    Tin liên quan