Quyền đặt ống dẫn nước bên bất động sản liền kề. Sử dụng hạn chế bất động sản liền kề cho mục đích sinh hoạt.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin cho em hỏi .nhà hàng xóm nhà em đặt đồng hồ nước và toàn bộ hệ thống đường nước sang đất nhà em(20cm) và được sự đồng ý của chủ nhà cũ trước khi em mua, nhưng do mâu thuẫn tranh chấp cổng, ngõ nên em không muốn cho nhờ đường ống nước và đồng hồ nước sang nhà em nữa. Vậy em nên làm gì? Em đã bảo nhà họ là không cho nhờ nũa nhưng họ cố tình để như vậy và bảo là được sự đồng ý của chủ nhà cũ nên cứ để như vậy. Coi như đất nhà họ. Em mong nhận được tư vấn của luật sư. Chân thành cảm ơn !
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Điều 171 Luật đất dai 2013 và Điều 245 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Quyền đối với bất động sản liền kề như sau:
“Điều 171. Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề
1. Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề bao gồm quyền về lối đi; cấp, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác; cấp khí ga; đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý trên thửa đất liền kề.
2. Việc xác lập quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự và phải thực hiện đăng ký theo quy định tại Điều 95 của Luật này.”
“Điều 245. Quyền đối với bất động sản liền kề
Quyền đối với bất động sản liền kề là quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là bất động sản hưởng quyền).”
Xem thêm: Thủ tục chuyển đổi đất trồng cây lâu năm thành đất ở mới nhất 2021
Như vậy, dù không phải là chủ sở hữu bất động sản liền kề nhưng chủ sơ hữu bất động sản vẫn có quyền sử dụng một phần diện tích bất động sản liền kề để đảm bảo việc sử dụng bất động sản một cách hợp lý, hiệu quả. Việc sử dụng bất động sản liền kề để thực hiện cấp, thoát nước được quy định tại Điều 252 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
“Điều 252. Quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề
Trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy.
Người sử dụng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp, thoát nước không phải bồi thường thiệt hại.”
Đồng thời, việc sử dụng bất động sản liền kề cũng phải đảm bảo các nguyên tắc được quy định tại Điều 248 Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 248. Nguyên tắc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề
Việc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề theo thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
1. Bảo đảm nhu cầu hợp lý của việc khai thác bất động sản hưởng quyền phù hợp với mục đích sử dụng của cả bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền.
Xem thêm: Đất thổ cư có phải đất ở không? Phân biệt giữa đất ở và đất nông nghiệp?
2. Không được lạm dụng quyền đối với bất động sản chịu hưởng quyền.
3. Không được thực hiện hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền trở nên khó khăn.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Từ những phân tích và quy định của pháp luật nêu trên, có hai trường hợp có thể xảy ra:
+ Trường hợp thứ nhất: vì lý do vị trí tự nhiên của thửa đất, gia đình hàng xóm buộc phải xây dựng hệ thống đường nước trên phần đất thuộc quyền sử dụng của bạn và đây cũng là cách bố trí hợp lý, hiệu quả nhất thì hàng xóm của bạn có quyền tiếp tục sử dụng đường nước đó và đương nhiên quyền sử dụng phần đất đó của bạn bị hạn chế.
+ Trường hợp thứ hai: việc sử dụng đường nước đi trên đất của gia đình bạn xuất phát từ thỏa thuận với chủ cũ của thửa đất những trên thực tế thì gia đình hàng xóm hoàn toàn có thể xây dựng, lắp đặt hệ thống đường nước khác thì bạn có quyền không cho gia đình hàng xóm tiếp tục sử dụng đường nước ra vào được xây dựng trên phần đất của gia đình mình. Bởi nguyên tắc của việc sử dụng bất động sản là thỏa thuận và đảm bảo quyền lợi của hai bên, thỏa thuận giữa gia đình hàng xóm và chủ cũ của thửa đất chỉ có giá trị rằng buộc giữa hai bên và không đương nhiên có giá trị với bạn.
Căn cứ vào những phân tích nên trên và tình huống cụ thể mà bạn có thể xác định cách giải quyết phù hợp cho vụ việc của mình.
Xem thêm: Xác định diện tích đất ở, đất vườn, đất ao khi làm thủ tục cấp Sổ đỏ