Phát triển không bền vững là gì? So sánh với phát triển bền vững

Về phát triển không bền vững? So sánh giữa phát triển không bền vững và phát triển bền vững?

Các quốc gia trên thế giới đều hướng tới mục tiêu phát triển đất nước, phát triển kinh tế, xã hội, con người,... Tuy nhiên, việc phát triển dù ở quốc gia nào cũng đều gắn liền với bảo vệ môi trường. Việc môi trường và phát triển hiện nay gắn liền với nhau và được thể hiện dưới hai góc độ là phát triển bền vững và phát triển không bền vững.

1. Về phát triển không bền vững

Phát triển là một quá trình bao gồm nhiều thành tố khác nhau : kinh tế, kỹ thuật, xã hội, chính trị, văn hóa và không gian. Mỗi thành tố ấy lại là một quá trình tiến hóa nhằm biến một xã hội nông nghiệp - "phụ thuộc” vào thiên nhiên thành một xã hội công nghiệp hiện đại - "ít phụ thuộc" vào thiên nhiên. Ở phần lớn các khu vực trên thế giới, thực tế đã ngày càng chứng tỏ phát triển là sự tiến hành đồng thời những cuộc tiến hóa trên 4 bình diện : kinh tế, không gian, xã hội chính trị và văn hóa: Phát triển = Công nghiệp hóa + Thành thị hóa + Quốc tế hóa + Phương tây hóa.

Phát triển được hiểu là một cách đơn giản nhất là sự thay đổi liên tục theo chiều hướng tốt lên của một sự vật hay hiện tượng.

Phát triển là quy luật chung của mọi thời đại, của các quốc gi là mục tiêu trung tâm của các chính phủ và cũng là trách nhiệm chính trị của các quốc gia. Phát triển là một đòi hỏi cấp thiết của nhân loại, thế nhưng chính trong quá trình phát triển đang nảy sinh nhiều thách thức mà trước hết là vấn đề môi trường. Sự gia tăng tiêu dùng các nguyên liệu, nhiên liệu thiếu sự kiểm soát đang hủy hoại Trái Đất, đe dọa sự tồn tại của loài người.

Nếu phát triển chỉ là tăng GDP hằng năm lên x% và xây dựng một xã hội tiêu thụ, tách hệ thống kinh tế khỏi hệ thống xã hội nhân văn và hệ nuôi dưỡng sự sống sẽ không thể giải quyết được nghèo đói cũng như hàng loạt các vấn đề suy thoái môi trường nảy sinh. Bản chất của mô hình phát triển không bền vững là phát triển không quan tâm đến môi trường, kích thích tiêu thụ quá mức và khai thác tài nguyên quá mức. Cốt lõi của mô hình phát triển không bền vững là trục sản xuất tiêu thụ. Sản xuất thật nhiều, tiêu thụ thật nhiều để có tăng trưởng kinh tế thật nhanh. Sự không quan tâm của cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng đến môi trường đã làm tăng cường suy thoái, nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên. Từ đó sẽ dẫn đến các xung đột môi trường giữa các nhóm quyền lợi. Điều tất yếu sẽ xảy ra là sự xói mòn các giá trị văn hóa và xã hội do các xung đột này gây ra.

Xói mòn văn hóa - xã hội làm mất đi các rào chắn về mặt văn hóa và đạo đức đối với sự tích lũy vốn, tiến bộ khoa học - công nghệ và cơ cấu quyền lực, từ đó lại thúc đẩy một bước mới của gia tăng sản xuất để tăng cường thu nhập và tăng trưởng nhằm thỏa mãn nhiều hơn cái "muốn" của người giàu hơn là cái "cần" của người nghèo. Bước thúc đẩy này tạo ra một vòng xoáy luẩn quẩn ngày càng gia tăng tốc độ

Xã hội loài người hiện nay đang bị cuốn hút vào một vòng luẩn quẩn, trong đó suy thoái môi trường tiếp tay cho xói mòn văn hóa - xã hội. Sự vận hành vòng xoáy sẽ nhanh chóng đưa quá trình phát triển đạt đến ngưỡng chịu tải của hệ sinh thái, tiếp đến à các thảm họa sinh thái sẽ xảy ra, dẫn đến đại khủng hoảng của xã hội với những đặc trưng cơ bản là : cạn kiệt tài nguyên, nạn đói, dịch bệnh, ô nhiễm và sự cố môi trường, chiến tranh và xung đột môi trường.

Biểu hiện rõ nét của phát triển không bền vững đó chính là khi con người chỉ tập trung phát triển cho sản xuất, từ hoạt động sản xuất này có thể dẫn đến tiêu thụ, từ tiêu thụ dẫn đến xả thải ô nhiễm môi trường từ đó dẫn đến xung đột môi trường; hoặc hoạt động sản xuất này trực tiếp dẫn đến xả thải ô nhiễm môi trường rồi theo hướng đi như trên; từ hoạt động sản xuất dẫn đến cạn kiệt tài nguyên rồi cũng dẫn đến xung đột môi trường. Từ đó, có thể thấy chỉ tập trung cho sản xuất thì dù trực tiếp hay gián tiếp cũng sẽ dẫn đến xung đột môi trường và từ xung đột môi trường dẫn đến suy thoái văn hóa, xã hội.

2. So sánh giữa phát triển không bền vững và phát triển bền vững:

Khi nói đến phát triển bền vững và phát triển không bền vững, thì chúng ta thường nhắc tới kinh tế- môi trường- xã hội, là ba trụ cột chính trong các quan hệ này.

Kinh tế là tổng thể các yếu tố sản xuất, các mối quan hệ trong quá trình sản xuất và tái sản xuất xã hội trong một khoảng thời gian. Phát triển kinh tế là sự tăng trưởng thể hiện bằng sự thay đổi định lượng về cấu trúc của nền sản xuất và việc làm, thể hiện qua các chỉ số cụ thể như sự tăng lên của tỷ lệ khu vực công nghiệp và dịch vụ trong tổng sản phẩm quốc gia, tổng lực lượng lao động quốc gia, tương ứng là sự giảm đi của tỷ lệ khu vực nông nghiệp. Khi kinh tế tăng trưởng thì tích lũy xã hội và sự thịnh vượng vật chất trong xã hội sẽ tăng lên, đáp ứng điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng đời sống con người. Nếu nền kinh tế quốc gia không phát triển thì chắc chắn sẽ không có cơ sở vật chất để đáp ứng các chế độ phúc lợi xã hội hay bảo vệ môi trường. Dù trong phát triển bền vững và phát triển không bền vững thì con người ta luôn chú trọng đến vấn đề phát triển kinh tế này.

Môi trường là tổng thể thế giới tự nhiên mà con người đang sinh sống. Môi trường cho con sống con người bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Môi trường đóng vai trò là nguồn cung cấp tài nguyên cho sự tồn tại và phát triển của con người, đồng thời là nơi chứa đựng những gì con người thải ra, mọi sự thay đổi, biến động dù lớn hay nhỏ trong môi trường đều có thể gây đe dọa tới sự tồn vong của loài người. Phát triển bền vững đòi hỏi sự phát triển kinh tế không được sử dụng tác tài nguyên môi trường tới mức làm cho môi trường thực hiện một cách không đúng vai trò của mình. Yếu tố môi trường, mà cụ thể là bảo vệ môi trường, đóng vai trò kiềm chế đối với mong muốn phát triển kinh tế bằng mọi giá. Tuy nhiên, phát triển không bền vững lại không như vậy, trong hoạt động phát triển này, không hề chú trọng tới việc bảo vệ môi trường, khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không chú trọng đến việc làm sạch, cải tạo môi trường,...

Thứ ba, là vấn đề xã hội. Xã hội là một hình thái tổ chức lấy mối quan hệ của con người và sự tác động lẫn nhau giữa người với người làm nền tảng. Phát triển bền vững yếu tố xã hội là sự bảo đảm công bằng xã hội, ngăn ngừa nạn đối, bảo đảm mọi người đều có lương thực, được giáo dục, được chăm sóc sức khỏe và đều được hưởng phúc lợi xã hội. Yếu tố xã hội đóng góp vào phát triển kinh tế ở góc độ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng thời đòi hỏi sự phân phối nguồn nhân lực từ phát triển kinh tế để đạt được các giá trị xã hội mà phát triển bền vững theo đuổi. Tuy nhiên, trong phát triển không bền vững lại không coi như vậy, việc xuất hiện nghèo đói trong xã hội trong phát triển không bền vững có nguyên nhân là do tăng trưởng kinh tế chưa đầy đủ, hoặc do sự từ đầu tư chưa đủ mức mà không phải xuất phát từ nguyên nhân thể chế, chính sách của nhà nước.

Hay việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa có nguy cơ dẫn đến người dân làm lao động trong nông nghiệp, lâm nghiệp,... bị mất việc; trong phát triển bền vững sẽ chú trọng đến sự chuyển đổi nghề nghiệp dần dần cho các đối tượng này, hoặc lựa chọn phát triển những ngành nghề mà họ đang làm dựa trên những tài nguyên có sẵn. Còn trong phát triển bền vững thì lại quan niệm khi nông nghiệp, lâm nghiệm bị mất đi do công nghiệp hóa thì đương nhiên công nghiệp sẽ tạo ra nghề nghiệp cho các cá nhân lao động này.

Trong phát triển bền vững yêu cầu có sự quan tâm, theo đuổi cả ba yếu tố: phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị xã hội. Mối quan hệ giữa ba yếu tố này là quan hệ cân bằng hoặc kiềm chế lẫn nhau. Hiện nay, phát triển kinh tế là trọng tâm, bảo vệ môi trường là yếu tố kiềm chế đối với phát triển kinh tế; sự phát triển xã hội song hành với sự phát triển kinh tế nhưng phải nằm trong phạm vi có thể đáp ứng của phát triển kinh tế. Một quốc gia chấp nhận hy sinh tăng trưởng kinh tế cao để tăng cường bảo vệ môi trường và đầu tư cho phúc lợi xã hội, qua đó đảm bảo sự phát triển lâu dài và ổn định, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Còn phát triển không bền vững lại không như vậy, chỉ lấy phát triển kinh tế là trọng tâm và phát triển kinh tế là mục tiêu duy nhất, không coi trọng yếu tố xã hội và con người. Do đó, kết quả của sự phát triển không bền vững đó chính là sự mất cân bằng giữa các yếu tố trong xã hội. Phát triển lấy tăng trưởng kinh tế làm trọng tâm, không quan tâm đến môi trường đang đẩy xã hội loài người vào vòng xoáy của sự luẩn quẩn, trong đó việc tăng trưởng kinh tế - suy thoái tài nguyên môi trường - xói mòn văn hoá xã hội - tăng trưởng kinh tế sẽ nhanh chóng tiến đến giai đoạn khủng hoảng của xã hội loài người. Phát triển bền vững không loại trừ tăng trưởng kinh tế mà đòi hỏi phúc lợi kinh tế phải cân bằng với các phúc lợi sinh thái và phúc lợi nhân văn.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )