Phật giáo vào Đông Nam Á khá sớm. Nó thâm nhập vào từng quốc gia trong những thời gian không như nhau, bằng những con đường khác nhau và ảnh hưởng của nó cũng không đều nhau. Người ta dự đoán Phật giáo vào Đông Nam Á khoảng thế kỷ I II đầu công nguyên. Vậy Phật giáo được du nhập vào Đông Nam Á từ những quốc gia nào?
Mục lục bài viết
1. Phật giáo được du nhập vào khu vực Đông Nam Á từ những quốc gia nào?
A. Ấn Độ.
B. Trung Quốc.
C. Ấn Độ và Trung Quốc.
D. các nước A-rập.
Lời giải:
Đáp án đúng là: C
2. Phật giáo truyền bá vào Đông Nam Á như thế nào?
Phật giáo ra đời tại Ấn Độ vào thế kỷ thứ VI Trước công nguyên. Đến thế kỷ III Trước công nguyên, nhờ sự ủng hộ của hoàng đế Ashoka, các đoàn truyền giáo được cử đến các nước lân cận để truyền bá giáo lý nhà Phật, như: vùng Tây Bắc của Shravasti (Uttar Pradesh), Pataliputra (Patna ngày nay) ở Ấn Độ; Taxila (Pakistan ngày nay); Sri Lanka (Ceylon); khu vực Trung Á; Trung Hoa; Myanmar; Thái Lan,..Con đường truyền đạo của các phái đoàn này theo hai hướng, dọc theo các con đường thương mại quan trọng của thế giới cổ đại.
Bên cạnh phái đoàn truyền bá do các tăng đoàn cử sang mà ngay nay chúng ta biết được qua các di vật khảo cổ Phật giáo tại các nước như Myanmar và Thái Lan, Phật giáo còn thâm nhập vào xã hội Đông nam Á qua con đường giao thương. Trên các thương thuyền từ Ấn Độ có sự đồng hành của các tăng sĩ để cầu nguyện và cúng dường Tam bảo. Chính những tăng sĩ này đã lập nên trung tâm Phật giáo tại Luy Lâu, miền bắc Việt Nam ngày nay.
Cần lưu ý, từ thế kỷ thứ III Trước công nguyên đến thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên, Phật giáo được truyền qua Đông Nam Á theo đường biển có cả truyền thừa Theravada và Mahayana. Các hiện vật Phật giảo theo phong cách Amaravati được phát hiện ở Phù Nam và Đồng Dương đã củng cố thêm sự có mặt của dòng truyền thừa Mahayana, bên cạnh dòng truyền thừa Theravada ở Đông Nam Á ngay từ buổi ban đầu Phật giáo du nhập. Trên nền tảng của Phật giáo Đông Nam Á trong thiên niên kỷ thứ 1 Sau công nguyên, Phật giáo tại Thái Lan và Việt Nam đã phát triển theo những con đường riêng.
Tại Việt Nam, con đường phát triển Phật giáo gặp phải những tác động lớn của lịch sử. Cũng được truyền theo con đường phía nam như các quốc gia Đông Nam Á khác nhưng Phật giáo vào Việt Nam trong thiên niên kỷ đầu sau công nguyên lại theo dòng truyền thừa Mahayana. Phật giáo Phù Nam ở phía nam bán đảo Đông Dương cùng lụi tàn với vương quốc Phù Nam vào thế kỷ VII. Còn ở miền Trung Việt Nam, vương quốc Champa cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Ân Độ. Bà La Môn chiếm ưu thể trong đời sống chính trị và tinh thần ở đây. Phật giáo Mahayana vẫn tồn tại song song với Bà La Môn nhưng giữ vai trò thứ yếu. Thời kì đỉnh cao của Phật giáo tại Champa gắn với vương triều Indrapura vào cuối thế kỷ thứ IX. Nhà vua Indravarman II của Champa đã cho xây dựng Đồng Dương thành một trung tâm Phật giáo Mahayana lớn ở Đông Nam Á. Sự kiện này là hệ quả của làn sóng truyền bá Mahayana sang Đông Nam Á khi vương triều Pala tại Magadha và Bengala được thành lập ở Ấn Độ vào thế kỷ VIII đến thế kỷ XII.
Hàng loạt công trình Phật giáo Đại thừa đã ra đời ở Đông Nam Á trong giai đoạn này như điện thờ Phật, Bồ tát Padmapani và Vajrapani ở bán đảo Malay vào năm 775; điện thờ Phật Bà Tara ở Java vào năm 778… và tiêu biểu nhất là ngôi đền Borobudur ở miền trung Java, Indonesia được xây dựng từ nửa cuối thế kỷ VIII đến thế kỷ thứ IX. Tuy nhiên, Phật giáo Mahayana tại Champa có thể chỉ chiếm ưu thế đến năm 914. Đây là niên đại của tấm bia kí cuối cùng được phát hiện có nhắc đến Phật giáo ở Champa. Một số tượng đồng và bảo vật Phật giáo Champa vẫn tiếp tục xuất hiện vào thế kỷ X và XI cho thấy sự tồn tại dù hết sức khiêm tốn của Phật giáo Mahayana bên cạnh Bà La Môn.
3. Phật giáo đã trở thành tư tưởng chính thống của nhiều quốc gia và là quốc giáo ở một số nước Đông Nam Á:
Nói đến tôn giáo là nói đến hệ tư tưởng được biểu hiện trong giáo lý. Một tôn giáo muốn tồn tại và phát triển phải hội tụ 3 yếu tố: Người sáng lập – giáo lý – và tăng lữ tín đồ. Giáo lý là một phương tiện, một công cụ rất quan trọng để truyền bá tư tưởng tôn giáo. Cần chú ý rằng: Giáo lý của Phật giáo cũng như của các tôn giáo khác hoàn toàn không phải là chân lý (không phải là khoa học) nhưng nó là đôí tượng nghiên cứu của khoa học.
Phật giáo sở dĩ vào Đông Nam Á cắm rễ sâu chắc trong xã hội, lại có ảnh hưởng to lớn vào đời sống tinh thần của người dân trong vùng bởi nó đã phải bản địa hoá, đã biết hoà đồng với các tín ngưỡng dân gian bản địa, đã biết dung nạp các yếu tố của các tôn giáo ngoại lai khác. Nói cách khác, Phật giáo vào từng nước Đông Nam á đã bị khúc xạ bởi các ý thức hệ ở các quốc gia đó.
Phật giáo vào Đông Nam Á đã được dân gian hoá, bản địa hoá rất mạnh, rất sâu. Có thể nói, những học thuyết có tính chất tư biện, các tín điều khô khan, các suy tư huyền bí đã phần nào bị rơi rụng, giản lược đi để hoà quyện vào nó các tín ngưỡng dân gian bản địa chất phác và đơn giản. Một trong những đặc điểm nổi bật của Phật giáo ở Đông Nam Á là tính chất đơn giản tượng trưng của nghi lễ. Khác với nghi lễ trong chùa chiền Bắc tông thường linh thiêng, ồn ào, trọng tâm của người xuất gia đến chùa chiền ở Nam tông là sự hoà quyện giữa Đạo và Đời, sự nỗ lực của con người không phải là lễ bái mà là toạ thiền, suy tư về nguyên lý của Phật.
4. Bài tập tự luyện:
Câu 1. Giai đoạn hình thành và bước đầu phát triển của văn minh Đông Nam Á tồn tại trong khoảng thời gian nào?
A. Từ thiên niên kỉ II TCN đến những thế kỉ đầu Công nguyên.
B. Từ những thế kỉ trước và đầu Công nguyên đến thế kỉ VII.
C. Từ thế kỉ VII đến thế kỉ XV.
D. Từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX.
Đáp án đúng là: B
Giai đoạn hình thành và bước đầu phát triển của văn minh Đông Nam Á bắt đầu từ những thế kỉ trước và đầu Công nguyên cho đến thế kỉ VII. Đây là thời kì gắn với sự phát triển của các quốc gia đầu tiên như Văn Lang – Âu Lạc, Phù Nam, các quốc gia ở hạ lưu sông Chao Phray-a,… (SGK – Trang 86)
Câu 2. Tín ngưỡng nào sau đây không phải là tín ngưỡng bản địa của người Đông Nam Á?
A. Tín ngưỡng thờ Phật.
B. Tín ngưỡng phồn thực.
C. Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên.
D. Tín ngưỡng thờ cúng người đã mất.
Đáp án đúng là: A
Trước khi chịu ảnh hưởng của các nền văn hóa lớn từ bên ngoài, ở Đông Nam Á đã tồn tại các hình thức tín ngưỡng bản địa phong phú, đa dạng. Về cơ bản, tín ngưỡng Đông Nam Á bao gồm ba nhóm chính: tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, tín ngưỡng phồn thực và tín ngưỡng thờ cúng người đã mất. (SGK – Trang 87)
Câu 3. Hồi giáo được truyền bá vào Đông Nam Á thông qua con đường nào?
A. Hoạt động xâm lược của đế quốc A-rập.
B. Hoạt động thương mại của thương nhân Ấn Độ.
C. Hoạt động truyền bá của các giáo sĩ phương Tây.
D. Hoạt động truyền bá của các nhà sư Ấn Độ.
Đáp án đúng là: B
Hồi giáo được truyền bá vào Đông Nam Á thông qua hoạt động thương mại của các thương nhân Ấn Độ vào khoảng thế kỉ XIII. Hồi giáo phát triển hưng thịnh ở Đông Nam Á với sự ra đời của các quốc gia Hồi giáo: Ma-lắc-ca, A-chê, Giô-hô vào các thế kỉ XV – XVII. (SGK – Trang 87)
Câu 4. Đầu thế kỉ XVI, Công giáo được truyền bá vào Phi-líp-pin thông qua các linh mục người nước nào?
A. Bồ Đào Nha.
B. Anh.
C. Tây Ban Nha.
D. Hà Lan.
Đáp án đúng là: C
Đầu thế kỉ XVI, Công giáo được truyền bá vào Phi-líp-pin thông qua các linh mục người Tây Ban Nha. Cùng với quá trình các nước phương Tây mở rộng xâm lược Đông Nam Á, Công giáo tiếp tục được truyền bá đến nhiều nước khác trong khu vực. (SGK – Trang 88)
Câu 5. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng tình hình tôn giáo ở Đông Nam Á thời kì cổ – trung đại?
A. Tôn giáo ảnh hưởng lớn tới đời sống tinh thần của cư dân.
B. Là khu vực đa tôn giáo, du nhập nhiều tôn giáo lớn trên thế giới.
C. Các tôn giáo cùng tồn tại và phát triển một cách hòa hợp.
D. Các tôn giáo luôn đối lập và xung đột gay gắt với nhau.
Đáp án đúng là: D
Đông Nam Á là khu vực đa tôn giáo, có sự du nhập của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới như Phật giáo, Hin-đu giáo, Hồi giáo, Công giáo,… Các tôn giáo này có ảnh hưởng lớn trong đời sống tinh thần của cư dân từng quốc gia trong khu vực.
Nhìn chung, thời kì cổ – trung đại, các tôn giáo ở khu vực Đông Nam Á cùng tồn tại và phát triển một cách hòa hợp. (SGK – Trang 87, 88)
THAM KHẢO THÊM: