Pháp trị là gì? Đức trị và Pháp trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh?

Pháp trị là gì? Đức trị là gì? So sánh Thuyết Đức trị và Thuyết Pháp trị? Đức trị và Pháp trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh?

Trong việc xây dựng đường lối phát triển đất nước, tư tưởng Hồ Chí Minh như kim chỉ nam của Đảng ta.  Tư tưởng Hồ Chí Minh Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền là sự kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc và những kinh nghiệm xây dựng, quản lý nhà nước của ông cha ta, là kết quả của sự trải nghiệm, nghiên cứu, khảo sát nhiều cuộc cách mạng trên thế giới. Đồng thời, Người đã vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về nhà nước kiểu mới vào điều kiện nước ta. Một trong những điểm đặc sắc nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền là ở chỗ Người đã kết hợp nhuần nhuyễn và thành công mối quan hệ giữa “đức trị” và “pháp trị”.

1. Pháp trị là gì?

Đây là học thuyết chủ trương dùng pháp luật cai trị xã hội, trị quốc an dân. Pháp trị là sáng tạo của người Trung Hoa. Nhà tư tưởng của pháp trị được cho là Hàn Phi (281 – 233 TCN). Pháp trị là việc vua (hoặc giới cầm quyền) có quyền ban hành pháp luật để cai trị (hay nói bằng ngôn từ hiện đại là để quản lý). Mặc dù pháp luật được tuân thủ tuyệt đối, nhưng ban hành pháp luật như thế nào lại là quyền độc đoán của vua (hoặc của giới cầm quyền).

Trường phái Pháp gia có một số nhà tư tưởng lớn như: Quản Trọng Thận Đáo, Thân Bất Hại, Thương Ưởng… với mong muốn giải quyết nhà nước phong kiến phân tán bằng vũ lực để lập nên nhà nước phong kiến quân chủ chuyên chế, thay thế “vương đạo” của Khổng Mạnh bằng “bá đạo”. Trong tư tưởng của Pháp gia nổi lên đại biểu xuất sắc là Hàn Phi Tử (281 TCN – 233 TCN).

Nội dung cơ bản của pháp trị:

Một là, pháp luật do vua đặt ra

Hai là, nội dung chính pháp là thưởng và phạt

Ba là, nguyên tắc của pháp trị là kịp thời, dễ hiểu, dễ thi hành, công bằng và bênh vực kẻ yếu, được thực thi như nhau đối với tất cả mọi người, mọi tầng lớp dưới vua.

Theo Hàn Phi, pháp nghĩa là lệnh “ cấm ”, là điều kẻ thống trị đòi hỏi một chiều và kẻ bị trị không có quyền ngược lại. Ai đúng thì thưởng, trái lệnh thì phải phạt. Thưởng và phạt giúp cho kẻ thống trị kiểm soát, nô dịch nhân dân. Đề pháp trở thành một công cụ hữu hiệu thì người thi hành phải công bằng. Hàn Phi khẳng định “ Phàm người rơi lệ, không đành lòng gia hình cho kẻ khác là nhân: nhung buộc không thể không gia hình cho kẻ khác là Pháp ”. Hàn Phi cho rằng nội dung của Pháp là thưởng và phạt: ai cũng thích thưởng và sợ chịu phạt. Khi đã áp dụng luật lệ thì sẽ tránh được điều tệ hại bởi thưởng phạt là phán xét khách quan, thưởng hay phạt đều được định sẵn bằng luật lệ minh bạch, không bị ảnh hưởng bởi tình cảm chủ quan. Pháp được so như cái dây, cái thước hay trật tự trong những tiêu chuẩn để đo hành vi con người.

Trên cơ sở kế thừa tư tưởng pháp quyền phương Tây, kết hợp vận dụng và phát triển lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, “Pháp trị” trong tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với Nhà nước pháp quyền có ý nghĩa là pháp luật cai trị, nghĩa là không ai có thể đứng trên pháp luật, kể cả nhà nước.

Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, một Nhà nước pháp quyền có hiệu lực mạnh là nhà nước được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Người cho rằng, việc nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật thể hiện tính dân chủ, tiến bộ và là sự tồn tại phổ biến của xã hội hiện đại.

Năm 1919, trong Yêu sách của nhân dân An Nam do Hồ Chí Minh đại diện gửi tới Hội nghị Véc-xây có 8 điều thì 4 điều yêu cầu về vấn đề pháp quyền. Trên báo L’Humanité, ngày 2/8/1919, Người viết: “Báo L’Humanité ngày 18/6 mới đây đã đăng văn bản thỉnh cầu của những người An Nam gửi Hội nghị hòa bình đòi ân xá cho tất cả các tù chính trị người bản xứ, đòi cải cách pháp chế ở Đông Dương bằng ban hành những bảo đảm cho người bản xứ cũng như cho người Âu, đòi tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội, tự do dạy học, đòi thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ pháp luật”

Như vậy, việc xây dựng nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật là tư tưởng rất đặc sắc của Hồ Chí Minh, được hình thành từ rất sớm, phản ánh nội dung cốt lõi của Nhà nước dân chủ mới và là nguyên tắc xuyên suốt trong hoạt động quản lý nhà nước của Người.

2. Đức trị là gì?

Đức trị là học thuyết chính trị có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa tinh thần của người phương Đông, chiếm địa vị thống trị tư tưởng trong suốt thời kỳ lịch sử ở Trung Quốc và nhiều nước Đông Á, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Singapore…để từ đó hình thành nên không gian “Văn hóa Khổng giáo” của Đông phương.

Đức trị là học thuyết của người quân tử – mẫu người mà các nhà đức trị đề cao, kỳ vọng vào khả năng gánh vác sứ mệnh thời đại của họ. Theo quan niệm của đức trị, quân tử phải hội đủ các điều kiện là: đạt Đức và đạt Đạo. Đạo của người quân tử là tu thân – tề gia – trị quốc – bình thiên hạ; Đức của người quân tử là Nhân –Trí – Dũng. Nhân là lòng yêu thương con người, Trí là hiểu người và Dũng được hiểu là sức mạnh hay lòng can đảm. Trong đó, Nhân được xem là phạm trù xuất phát điểm, hạt nhân cốt lõi của học thuyết đức trị – cái “cốt” lý luận giúp các nhà cai trị lập lại trật tự và xây dựng một xã hội phong kiến có tôn ti, trật tự theo lý tưởng đại đồng. Đức trị cho rằng, đạo làm người, với nước phải thờ vua, trong nhà phải thờ cha. Kẻ làm tôi lấy chữ Trung làm đầu, con đối với cha lấy chứ Hiếu làm trọng. Trung – Hiếu đã trở thành nguyên tắc đạo đức cao nhất của con người trong xã hội, là cái “cương cường” của một quốc gia. Từ những quan điểm trên, các nhà đức trị cho rằng: chính trị là sự tiếp tục của đạo đức và chủ trương nâng đạo đức lên thành đường lối chính trị – gọi là đức trị.

Đức trị chủ trương dùng tư cách đạo đức của nhà cầm quyền để cảm hóa dân chúng theo phương châm “dĩ thân giáo, dĩ đức hóa Từ quan niệm đạo đức là chuẩn mực cao nhất để đánh giá sự tốt – xấu, tiến bộ hay lạc hậu của một chế độ xã hội; đức trị cũng xem đạo đức là tiêu chuẩn hàng đầu để làm chính trị. Trong học thuyết của Khổng Tử, đạo đức huyết thống (tự nhiên) và chính trị quyện làm một. Đạo đức là hình thái ý thức có chức năng điều chỉnh hành vi con người trong xã hội được nho gia xem là công cụ chủ yếu trong việc trị nước; đạo đức cũng là chính trị, chính trị chẳng qua là sự mở rộng của đạo đức mà thôi.

3. So sánh thuyết Đức trị và thuyết Pháp trị:

Trong hai học thuyết trên, thì Pháp trị dựa trên các nền tảng thực tiễn hơn, và do đó thành công hơn. Khổng tử chỉ có được một thành công ngắn ngủi ở nước Lỗ nhỏ bé, còn lại không ở đâu sử dụng học thuyết của ông. Trái lại, các nhà lãnh đạo theo thuyết Pháp trị lại rất thành công, và những nước nào áp dụng chính sách của họ đều thành cường quốc, và cuối cùng nước Tần đã thống nhất Trung quốc nhờ áp dụng chính sách này. Sau khi nhà Tần sụp đổ, thì địa vị của phái Pháp trị đi xuống, đồng thời địa vị của phái Đức trị đi lên, và trở thành một học thuyết cai trị chính thống cho các triều đại về sau.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các nhà cai trị tin tưởng vào học thuyết Đức trị, và thực hành Đức trị, vì hầu như không có nhà cai trị nào trong các triều đại sau đó cai trị như Khổng tử tưởng tượng. Đơn giản vì họ hiểu rằng, luật pháp hà khắc, bạo lực không đủ sức giúp cho chế độ cai trị duy trì sự tồn tại của nó, và nhà Tần sụp đổ nhanh chóng là một bằng chứng. Chính vì vậy họ cần một công cụ hiệu quả hơn, và chính Đức trị mang lại điều đó. Đức trị khiến sự cai trị hợp pháp trong mắt người dân, người dân thấy được một người cai trị hết lòng vì dân, và hết sức đạo đức…khiến cho họ phục tùng sự cai trị từ trong tâm hồn mình.

Về cơ bản thì Pháp trị là cai trị cứng, còn Đức trị là cai trị mềm. Một chế độ cai trị bao giờ cũng kết hợp cả hai, trong đó trọng tâm vẫn là Pháp trị, còn Đức trị chỉ dùng để hợp pháp hóa việc cai trị, khiến người dẫn dễ tuân phục, và do đó giảm bớt việc sử dụng đến các công cụ bạo lực, điều mà không phải lúc nào chế độ cai trị cũng có khả năng sử dụng; và do đó việc cai trị sẽ dễ dàng hơn, và kéo dài hơn.

4. Đức trị và Pháp trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh:

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền Việt Nam là tư tưởng thống nhất, hài hòa và biện chứng giữa “Đức trị” và “Pháp trị”. Về mặt bản chất, “Đức trị” và “Pháp trị” đều là hai mặt của một thể thống nhất, một bản thể duy nhất không tách rời. Việc đề cao “Đức trị” hay “Pháp trị” trong xây dựng Nhà nước pháp quyền cũng đều mang tính phiến diện, không đầy đủ. Vì thế, Hồ Chí Minh vừa coi trọng đạo đức và giáo dục đạo đức, nhưng cũng rất mực đề cao vai trò, sức mạnh của luật pháp. Người nhận rõ: “Luật pháp phải dựa vào đạo đức”. “Phép trị nước” của Hồ Chí Minh là kết hợp cả “Pháp trị” và “Đức trị”, trong đó “Pháp trị” nghiêm khắc, công minh và “Đức trị” bao dung, thấu tình đạt lý; chúng không loại trừ mà thống nhất, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau. Trong Quốc lệnh do Hồ Chí Minh ban hành ngày 26/1/1946 nêu rõ ràng 10 điều thưởng và 10 điều phạt, cho quân dân biết rõ những tội nên tránh, những việc nên làm.

Trong 10 điều khen thưởng có: điều 2: “Ai lập được quân công sẽ được thưởng”. điều 3: “Ai vì nước hy sinh sẽ được thưởng”. điều 5: “Ai làm việc công một cách trong sạch, ngay thẳng sẽ được thưởng”. điều 6: “Ai làm việc gì có lợi cho nước nhà, dân tộc và được dân chúng mến phục sẽ được thưởng”. điều 9: “Ai liều mình về việc công sẽ được thưởng”. Trong 10 điều hình phạt, điều 1: “Thông với giặc, phản quốc sẽ bị xử tử”, điều 6: “Để cho bộ đội hại dân sẽ bị xử tử”, điều 8: “Trộm cắp của công sẽ bị xử tử”. Có thể thấy, Người dùng “đức” để sửa chữa những thói hư tật xấu, lại thưởng, phạt phân minh, ai có công thì khen thưởng, ai có tội thì bị pháp luật trừng trị. Có vậy mới mở rộng dân chủ, ngăn chặn được cái xấu, cái ác, khuyến khích, phát huy cái tốt, cái thiện trong mỗi con người để xây dựng một xã hội trong sạch, vững mạnh.

Với Hồ Chí Minh, pháp luật không phải là để trừng trị con người mà là công cụ bảo vệ, thực hiện lợi ích của con người. Tư tưởng pháp quyền trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước thông qua đội ngũ cán bộ, công chức của Người thấm đượm tinh thần nhân văn, nhân ái, tình nghĩa đồng bào theo đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam. Vì thế, kết hợp giữa Đức trị và Pháp trị trong tổ chức nhà nước của Hồ Chí Minh có nội hàm triết lý, mang đậm tính dân tộc, dân chủ và giá trị thời đại. Sự kết hợp nhuần nhuyễn, thành công giữa “Đức trị” và “Pháp trị” Hồ Chí Minh thể hiện sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt lý luận Chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh thực tế của Việt Nam.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )