Phân chia đất được hưởng thừa kế không có di chúc. Tranh chấp đất đai phân chia thừa kế, giải quyết tranh chấp đất đai.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính thưa luật sư. Cha tôi mất thời chiến tranh nên không xác định thời gian tử. Mẹ tôi mất năm 1993 không có di chúc. Để lại 3 người con, 2 người con có giấy xác nhận và hiện còn sống. Người con còn lại không có giấy xác nhận và cũng đã mất. Tài sản để lại là miếng đất với diện tích 1360 m2. Bà B sống và canh tác trên 1 phần diện tích nói trên là 700m2 và có kê khai đất năm 1999, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích nói trên với tư cách là người đại diện. Năm 2006, người con còn lại là ông A tiến hành phân chia phần đất còn lại cho ông A va các người con của người còn lại đã mất. Sau khi tự phân chia, các bên cùng ký tên. Năm 2015 ông A định bán phần đất đã phân chia thì bà B yêu cầu ông A phải đưa 50.000.000 đồng và tiền con đường vì phần đất ông B nằm trong và có phần mồ mả gia tộc. Xét thấy việc yêu cầu của bà B là không đúng nên ông A có làm đơn nhờ giải quyết phần lối vào đất và lối vào mồ mả gia đình. Đồng thời ông A có quyền khởi kiện nhờ phân chia lại tài sản đất do cha mẹ để lại không? Xin cám ơn luật sư.
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Luật sư tư vấn:
Theo nội dung nêu trên, không trình bày rõ là các bên đã làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế, chỉ có thông tin bà B được cấp sổ phần đất 700 m2 và đứng tên đại diện. Mặt khác, thời điểm mở thừa kế là thời điểm mà người mẹ mất, tức là từ năm 1993. Đến năm 2006 ông B mới thực hiện thủ tục phân chia đất cho các người con của người đã mất. Như vậy trong khoảng thời gian 10 năm từ năm 1993 đến năm 2003 các đồng thừa kế không có tranh chấp về thừa kế và vẫn đang sử dụng chung.
Hiện tại, khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì sẽ không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết theo quy định tại Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình. Trong đó có quy định trường hợp giải quyết vụ án dân sự mà không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế như sau:
Không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế:
Thứ nhất: Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:
+ Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.
+ Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
+ Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
Thứ hai: Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo uỷ quyền… thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản.
Như vậy, hiện tại, khi xảy ra tranh chấp ông A vẫn có quyền khởi kiện nhờ phân chia lại tài sản đất do cha mẹ để lại dưới hình thức phân chia tài sản chung.