Những nội dung cơ bản của lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam

Những tư tưởng triết học chính trị, đạo đức và nhân văn trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam? Một số tư tưởng triết học Phật giáo, Nho giáo trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam? Sự đối lập giữa thế giới quan duy vật và duy tâm, triết học và tôn giáo trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam?

1. Những tư tưởng triết học chính trị, đạo đức và nhân văn trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam:

– Tư tưởng yêu nước trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam:

Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, tư tưởng yêu nước không chỉ là một tư tưởng chính trị mà còn là một tư tưởng đạo đức và nhân văn cao cả. Đồng thời, tư tưởng yêu nước của người Việt Nam còn thường được các nhà tư tưởng Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử suy tư ở chiều sâu của những triết lý và trở thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Vì vậy, đây cũng chính là một nội dung của lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam.

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là một hệ thống các quan niệm ở chiều sâu triết học về dân tộc và độc lập dân tộc; về một quốc gia độc lập ngang hàng với phương Bắc và những quan niệm về nguồn gốc, động lực của cuộc chiến tranh cứu nước và giữ nước. Những tư tưởng này trở thành những nội dung cốt lõi của lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam.

Ý thức về dân tộc và độc lập dân tộc đã từng nảy sinh rất sớm ở các cư dân người Việt thuộc giai đoạn trước khi giành được quyền độc lập dân tộc nhằm xây dựng một quốc gia có chủ quyền ngang hàng với các triều đại phong kiến phương Bắc (từ thế kỷ X). Ý thức về dân tộc và độc lập dân tộc đó dần dần được hình thành, phát triển ở tầm quan điểm và luận lý được nâng cao trong giai đoạn lịch sử mới khi dân tộc đã giành được quyền độc lập tự chủ.

Kết hợp quan niệm thiên văn và địa lý, người Việt Nam đã từng bước khẳng định sự tồn tại độc lập của mình với tộc Hán, không phụ thuộc vào tộc Hán như quan niệm của người Hán từng đưa ra làm tư tưởng cho các cuộc xâm lược xuống phía nam. Tư tưởng độc lập đó, đến thời Lý đã được Lý Thường Kiệt kế thừa và khẳng định “Sông núi nước Nam thì vua nước Nam trị vì” (“Nam quốc sơn hà Nam đế cư”).

Trên lĩnh vực nhận thức lý luận, sự bức bách của cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm buộc các nhà tư tưởng phải có sự đi sâu hơn, khái quát cao hơn, toàn diện hơn về khối cộng đồng tộc Việt. Nguyễn Trãi là người đã thực hiện được sứ mệnh này. Trong các bức thư gửi quân Minh và nhất là trong tác phẩm Đại cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi đã chứng minh rằng, cộng đồng tộc Việt có đủ các yếu tố địa lý, cương vực, phong tục, lịch sử, nhân tài nên nó đã là một cộng đồng người có bề dày lịch sử ngang hàng với cộng đồng người của phương Bắc, không phụ thuộc vào phương bắc. Nhận thức đó của Nguyễn Trãi đã nêu lên được các yếu tố cần thiết làm nên một dân tộc, đã đặt cơ sở lý luận cho sự độc lập dân tộc. Lý luận đó đã đạt tới đỉnh cao của quan niệm về dân tộc độc lập dưới thời kỳ phong kiến Việt Nam. Nó tạo nên sức mạnh cho cộng đồng người Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống quân Minh xâm lược ở đầu thế kỷ XV và cả giai đoạn lịch sử sau này. Nhưng khi thực dân Pháp xâm lược Việt nam, lý luận trên tỏ ra bất lực. Phải hơn nửa thế kỷ sau, vào những năm 20 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh mới tìm ra được lý luận cứu nước mới và Người đã làm cho khái niệm dân tộc và dân tộc độc lập có nội dung và sắc thái ngang tầm thời đại mới trên một cơ sở thế giới quan mới.

Những quan niệm về nhà nước của một quốc gia độc lập ngang hàng với phương Bắc cũng là một nội dung cơ bản của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

Ở Việt Nam trước và sau khi giành được độc lập dân tộc từ sự thống trị của các tập đoàn phong kiến phương Bắc, phạm trù dân tộc nằm trong hệ tư tưởng của giai cấp phong kiến, gắn với tính chất và địa vị cũng như với chế độ chính trị – xã hội của giai cấp phong kiến. Chế độ chính trị – xã hội đã trở thành hình thức đặc biệt quan trọng để cố kết các yếu tố cấu thành dân tộc và là điều kiện để thực hiện quyền dân tộc,

Trước khi người Hán đến, tộc Việt đã có nhà nước Văn Lang và Âu Lạc của mình. Người Hán đến, nhà nước Âu Lạc bị tiêu diệt, lãnh thổ của tộc Việt bị biến thành một bộ phận của tộc Hán. Người Việt đấu tranh chống lại sự thống trị của người Hán cũng có nghĩa là đấu tranh giành quyền tổ chức ra nhà nước riêng của mình, chế độ riêng của mình. Quyền xây dựng nhà nước riêng, chế độ riêng là mục tiêu hàng đầu của các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Xây dựng nhà nước trong lúc bấy giờ không thể không tính tới các yếu tố quốc hiệu, quốc đô, đế hiệu, niên hiệu,… Cần phải làm sao để các quốc danh, quốc hiệu đó vừa thể hiện được sự độc lập dân tộc, vừa cho thấy sự bền vững, sự phát triển và sự ngang hàng với các triều đại phương Bắc. Để thực hiện điều này, Lý Bí đã từng từ bỏ luôn các tên gọi mà họ đã áp đặt cho nước ta, như “Giao Chỉ”, “Giao Châu”, “Nam Giao”, “Lĩnh Nam” vv.. Đó là những tên gọi gắn liền với sự phụ thuộc vào phong kiến phương Bắc. Lý Bí đã đặt tên nước ta là Vạn Xuân. Sau này nhà Đinh đặt tên nước là Đại Cồ Việt, còn nhà Lý lại đặt quốc hiệu là Đại Việt… “Hiệu” của người đứng đầu quốc gia cũng được chuyển từ Vương hiệu sang Đế hiệu để chứng tỏ sự độc lập ngang hàng với Hoàng Đế phương Bắc. Kinh đô cũng được chuyển từ Cổ Loa đến Hoa Lư, rồi từ Hoa Lư đến Thăng Long để có được nơi “Trung tâm của | bờ cõi đất nước… vị trí ở giữa bốn phương, muôn vật phong phú tốt tươi… chỗ tụ họp của bốn phương” (Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn), nơi xứng đáng là kinh đô của một nước độc lập và phát triển phồn thịnh.

Lập luận về dân tộc độc lập và quốc gia có chủ quyền là một vũ khí quan trọng trong tay các lực lượng kháng chiến, song bản thân nó không đủ để làm nên chiến thắng. Muốn chiến thắng được kẻ thù đông đảo và hùng mạnh hơn mình gấp nhiều lần thì vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để động viên được sức mạnh của toàn dân, để chuyển sức mạnh của người Việt Nam từ yếu thành mạnh. Đây là những vấn đề thuộc khoa học quân sự và thuộc tầm chiến lược của cuộc kháng chiến chống giặc. Do vậy, những suy tư ở chiều sâu triết học về nguồn gốc và động lực của cuộc chiến tranh cứu nước và giữ nước cũng đã trở thành một nội dung quan trọng và cơ bản của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

Trong lịch sử tư tưởng dân tộc phải tính tới các quan điểm tích cực đối với dân. Lý Công Uẩn từng nhấn mạnh “Trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, thấy thuận tiện thì thay đổi”. Lý Phật Mã nói: “Nếu trăm họ mà no đủ thì ta lo gì thiếu thốn”. Trần Nhân Tông thì nói: “Ngày thường có thị vệ hai bên, đến khi nước nhà hoạn nạn thì chỉ có bọn gia nô đi theo thôi”. Nguyễn Trãi nói: “Chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”. Lý Thường Kiệt nói “Đạo làm chủ dân cốt ở nuôi dân” vv.. Đến thời đại Hồ Chí Minh, quan niệm về dân đã được phát triển đến một trình độ cao hơn và có cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin.

Tư tưởng trọng dân đã là cơ sở cho đường lối đề cao Nhân, Nghĩa và cho đối sách nhân hậu, cho những biện pháp nhằm hạn chế mâu thuẫn giai cấp trong xã hội.

– Quan niệm về đạo làm người trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam:

Một trong những vấn đề được các nhà tư tưởng Việt Nam trong lịch sử đặc biệt quan tâm là vấn đề về đạo làm người, bởi lẽ đây là vấn đề có liên quan mật thiết với việc xác định cơ sở tư tưởng của hành động chính trị, đạo đức và nhân sinh.

Quá trình suy tư về đạo làm người đã dẫn các nhà tư tưởng Việt Nam trong lịch sử tiếp thu tinh hoa của cả ba đạo Nho, Phật, Lão – Trang và kết hợp chúng trong một hệ tư tưởng thống nhất cho phù hợp với điều kiện lịch sử chính trị, đạo đức và cuộc sống của con người Việt Nam. Có thể nhận thấy hầu như trong các trước tác và trong lối sống của các nhà tư tưởng lớn Việt Nam thời phong kiến đều có sự thấm nhuần những tinh túy của cả ba đạo Nho,

Phật và Lão – Trang. Tùy theo các điều kiện lịch sử cụ thể mà có thể nhận thấy vai trò trội hơn của mỗi đạo trong mỗi nhà tư tưởng cũng như trong mỗi tình huống cụ thể. Trong giai đoạn lịch sử Lý – Trần, đạo Phật và đạo Lão – Trang có xu hướng phát triển và ảnh hưởng trội hơn đạo Nho. Ngược lại, trong giai đoạn lịch sử thời Lê – Nguyễn, đạo Nho lại có xu hướng được tôn vinh. Mỗi nhà tư tưởng, khi nhập thế vào đời phò vua, giúp nước thường chịu nhiều ảnh hưởng của những tư tưởng đạo Nho. Ngược lại, khi lui về ở ẩn hoặc trong thời kỳ thanh bình của đất nước lại có xu hướng tôn vinh những tư tưởng của đạo Phật và đạo Lão – Trang.

2. Một số tư tưởng triết học Phật giáo trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam:

Có thể khái quát tư tưởng triết học Phật giáo Việt Nam ở hai bộ phận cấu thành là Siêu hình học và Nhân sinh quan. Những triết lý trong bộ phận siêu hình học là lớp tư tưởng triết học ở chiều sâu, trở thành nội dung căn bản trong tư tưởng triết học của các trí thức thời Lý – Trần. Đây là những tư tưởng triết học Ấn Độ đã được Trung Hoa hóa và truyền bá vào Việt Nam, được giới trí thức đương thời đặc biệt coi trọng.

Phạm trù triết học trung tâm của Thiền tông là “Bản Thể Chân Như” hay “Thực Tướng” các pháp hoặc bản thể “Như Lai”, Theo luận giải của Thiền tông, Bản Thể Chân Như chính là nguyên lý thống nhất của thế giới. Thế giới các hiện tượng (Pháp hữu vi) luôn biến đổi không ngừng. Tất cả các hiện tượng đó chỉ là biểu hiện của Bản Thể Chân Như. Do vậy, về lý luận nhận thức, theo triết học Thiền tông cần phải vượt qua thế giới các hiện tượng để đạt tới Bản Thể Chân Như, khi đó sẽ đạt tới sự giác ngộ cứu cánh. Nhưng sự giác ngộ này không phải đạt được bằng con đường đi từ trực quan sinh động (tức là từ nhận thức các hiện tượng) đến bản chất trừu tượng mà là bằng con đường siêu việt qua các hiện tượng. Vì vậy, phạm trù “Vô trụ” trở thành phạm trù căn bản trong lý luận nhận thức của Thiền tông. Đây thực chất là phép biện chứng của Thiền học. Theo tinh thần của phép biện chứng này, thế giới được biểu hiện ra trong tính đa dạng của những khác biệt và mâu thuẫn, nhưng xét theo bản chất chúng thống nhất với nhau.

Phạm trù trung tâm trong tiết học nhân sinh Phật giáo Việt Nam là phạm trù “Từ bi”. Đây là phạm trù cơ bản trong triết học Phật giáo Đại thừa. Nội dung cơ bản của phạm trù này là tinh thần bao dung giữa con người với nhau cũng như với muôn loài vô tình và hữu tình. Bản chất triết học sâu xa của phạm trù này là phạm trù “Vô ngã” trong triết học Phật giáo cổ đại Ấn Độ. Đây cũng chính là tư tưởng triết học nhân văn của Phật giáo. Tinh thân cứu độ chúng sinh là một tinh thần thực tiễn. Tinh thần đó là hệ quả tất yếu từ sự giác ngộ từ bi.

Như vậy, với tư tưởng từ bi, triết học Phật giáo Việt Nam đã góp phần tạo dựng một cơ sở lý luận cho tư tưởng nhân ái Việt Nam; tư tưởng nhân ái này vốn đã có cơ sở hiện thực từ lịch sử cố kết cộng đồng dân tộc.

3. Một số tư tưởng triết học Nho giáo trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam:

Triết học Nho giáo bao gồm hai bộ phận cấu thành là “Hình nhi thượng học” và “Hình nhi hạ học”. Bộ phận thứ nhất có khuynh hướng đi sâu vào triết lý ở tầm siêu hình học, gắn liền với sách Trung Dung (trong Tứ thư) và những chú giải của các nhà Nho học Trung Hoa đối với bộ Chu Dịch (trong Ngũ Kinh).

Những tư tưởng triết học này có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các nhà tư tưởng lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Thời Nhậm và nhiều nhà tư tưởng khác.

Bộ phận thứ hai của Nho giáo có xu hướng đi sâu vào những luận điểm triết học về chính trị và đạo đức, nhằm xác lập ý thức hệ cai trị phong kiến theo mô hình chế độ trung ương tập quyền cao độ.

Nhiều tư tưởng tiến bộ trong các quan điểm về chính trị đạo đức của Nho giáo đã được các nhà tư tưởng Việt Nam kế thừa theo tinh thần thực tiễn của dân tộc. Đó là tư tưởng thân dân, trọng dân, coi dân là gốc của quốc gia; đó là tư tưởng nhân, nghĩa trong đời sống chính trị – xã hội; đó là mối quan hệ biện chứng song trùng giữa vua – tôi, cha • con, chồng – vợ, đó là các phạm trù đạo đức trung, hiếu, tiết, nghĩa v.v..

Trong khi kế thừa và sử dụng các tư tưởng tiến bộ đó, các nhà tư tưởng Việt Nam đã bổ sung và làm thay đổi các nội hàm một số khái niệm vốn có của Nho giáo Trung Hoa.

4. Sự đối lập giữa thế giới quan duy vật và duy tâm, triết học và tôn giáo trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam:

Sự phát triển của lịch sử tư tưởng Việt Nam luôn diễn ra trong mối quan hệ song trùng, giao thoa và tổng hợp nhưng trong sự thống nhất đó vẫn có những biểu hiện của sự đối lập và đấu tranh giữa các loại thế giới quan duy vật và duy tâm, triết học và tôn giáo. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân cơ bản là do sự phát triển của nó luôn có sự giao lưu, tiếp biến với các hệ tư tưởng được du nhập từ bên ngoài, nhưng vẫn nằm trong hệ quy chiếu của tư tưởng triết học phương Đông vùng châu Á. Vì vậy, cuộc đấu tranh giữa thế giới quan duy vật với thế giới quan duy tâm cũng như cuộc đấu tranh giữa thế giới quan triết học với thế giới quan tôn giáo và tín ngưỡng thường xuyên diễn ra dưới các hình thái biểu hiện rất đặc biệt. Cuộc đấu tranh đó không có điểm kết thúc trong suốt chiều dài lịch sử thời phong kiến cho đến khi bắt đầu có sự thâm nhập của các hệ tư tưởng triết học phương Tây thời cận đại và đặc biệt là từ khi có hệ tư tưởng triết học Mác – Lênin được truyền bá vào Việt Nam.

Có thể nhận thấy cuộc đấu tranh giữa các quan điểm triết học theo lập trường duy vật và duy tâm không được phân định rõ ràng giữa các trường phái và giữa các nhà tư tưởng, cũng không phải chỉ với việc giải quyết một vấn đề cụ thể mà trải rộng trên nhiều vấn đề nhưng có thể khẳng định những tư tưởng triết học duy tâm kết hợp với các tư tưởng tôn giáo là thế giới quan bao trùm, còn thế giới quan duy vật và chủ nghĩa vô thần chỉ thể hiện mờ nhạt và chỉ trong phạm vi giải quyết một số vấn đề cụ thể trong một hoàn cảnh cụ thể.

Trong khi chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo có một chiều sâu luận lý và có tính hệ thống cao thì các quan điểm duy vật và vô thần chỉ là những yếu tố nhận thức còn mang nặng tính chất kinh nghiệm ngẫu nhiên.

Về mặt hình thái biểu hiện, cuộc đấu tranh giữa các quan điểm duy vật và duy tâm trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam được biểu hiện trong việc giải quyết mối quan hệ giữa các phạm trù “Tâm”. “Vật”; “Linh hồn” . “Thể xác”; “Lý” – “Khí”; vv..

Cuộc đấu tranh giữa các quan điểm đó còn được thể hiện trong việc kiến giải về nguyên nhân và nguồn gốc của các sự kiện trong đời sống chính trị của đất nước và số mệnh của con người trong xã hội. Đó là những vấn đề như nguồn gốc của sự an, nguy; hưng, Vong đối với các triệu đại; vấn đề về bản tính và số mệnh của mỗi con người; vấn đề “Đạo Trời” và “Đạo Người” vv..

Thế giới quan duy tâm trong lịch sử tư tưởng Việt Nam thường gắn liền và biểu hiện dưới hình thức tôn giáo, tín ngưỡng. Điều này có nguồn gốc từ sự giao thoa và có xu hướng hợp nhất của ba đạo Nho, Phật và Lão – Trang với tín ngưỡng dân gian cổ truyền của người Việt,

Có thể thấy mỗi khái niệm được sử dụng trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam đều bao hàm trong nó sự đan xen, giao thoa của bốn chiều tư tưởng là Nho – Phật – Đạo – Tín ngưỡng dân gian mà tiêu biểu là các khái niệm Mệnh Trời, Nghiệp, Kiếp, Linh hồn, Thể xác, v.v..

Cũng chính vì vậy, cùng một thuật ngữ ở cùng một nhà tư tưởng nhất định nhưng trong nội hàm khái niệm có thể bao hàm những tư tưởng trái ngược nhau, vốn thuộc về các thế giới quan khác nhau.

Trong quá trình phát triển, các quan điểm duy tâm và tôn giáo đã tự bộc lộ những hạn chế của nó trong việc cân giải thích một cách hợp lý và phù hợp với thực tiễn các sự kiện chính trị – xã hội, đó là thời cơ cho sự bộc lộ tự phát của các quan điểm theo lập trường duy vật và vô thần.

Ở chiều sâu của tư tưởng triết học, một số nhà tư tưởng tiến bộ Việt Nam đã tìm cách giải thích các sự kiện chính trị – xã hội và nhân sinh theo xu hướng duy vật và vô thân một cách duy lý. Các nhà tư tưởng đó thường sử dụng các thuật ngữ vốn có của triết học đạo Nho, đạo Phật hay đạo Lão – Trang nhưng giải thích theo hướng duy vật và vô thần.

Thuật ngữ “Thiên Mệnh” vốn là thuật ngữ của Nho giáo nhưng được giải thích theo quan điểm duy vật và vô thần, coi “Thiên Mệnh” chính là các lực lượng tất yếu khách quan của giới tự nhiên mà không phải là lực lượng thần bí và nhân cách hóa. Vận dụng lý lẽ về sự biến đổi tất yếu khách quan được viết trong Kinh Dịch, một số nhà tư tưởng Việt Nam đã giải thích khái niệm “Thời – Thế” theo nguyên tắc duy vật và có tính biện chứng sâu sắc.

Những tư tưởng duy vật và vô thần đó thường được bộc lộ trong những giai đoạn khi nhu cầu giải phóng dân tộc và chấn hưng đất nước đang đặt ra một cách cấp bách, đòi hỏi đời sống tư tưởng và học thuật phải có những chuyển biến căn bản. Những tư tưởng đó đã trở thành lý luận của tầng lớp tiến bộ trong giới trí thức, trong giới cai trị và quần chúng nhân dân nhằm cải biến vận mệnh của đất nước. Những tư tưởng đó cũng phù hợp với những triết lý của nhân dân. Những triết lý đó được hình thành tất yếu từ thực tiễn lao động và bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc, xây dựng quốc gia độc lập tự chủ trước các thế lực ngoại xâm.

Như vậy, lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam là sự phản ánh lịch sử trên hai ngàn năm cố kết cộng đồng dân tộc để dựng nước và giữ nước. Đó cũng là lịch sử phát sinh và phát triển của tư tưởng triết học trong quá trình thường xuyên có sự giao lưu, tiếp biến đối với các hệ tư tưởng triết học lớn được du nhập từ bên ngoài mà trước hết là với các học thuyết lớn của Trung Hoa và Ấn Độ. Nho giáo và Phật giáo • với tư cách là các học thuyết lớn đã có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam. Nhiều quan niệm triết học của Nho giáo và Phật giáo đã trở thành những nội dung cơ bản của lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam thời phong kiến độc lập tự chủ. Nhiều tư tưởng triết học khác đã được các nhà tư tưởng Việt Nam tiếp thu có chọn lọc, có bổ sung với những nội hàm khái niệm mới vốn không có trong các học thuyết đó. Đây cũng là những sáng tạo tư tưởng theo tinh thần thực tiễn Việt Nam, góp phần làm sâu sắc và phong phú đời sống tinh thần và học thuật của dân tộc.

Xét theo cấu trúc tư tưởng, có thể nhận thấy chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là nội dung trung tâm của lịch sử tư tưởng Việt Nam. Nội dung căn bản của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là quan niệm về dân tộc và dân tộc độc lập; là quan điểm về một nhà nước chủ quyền độc lập ngang hàng với các quốc gia phương bắc; là nhận thức về nguồn gốc, động lực của cuộc chiến tranh cứu nước và giữ nước. Những tư tưởng đó đã được nâng lên ở tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh với sự du nhập chủ nghĩa Mác – Lênin và trên cơ sở thực tiễn của thời đại mới từ những thập kỷ đầu thế kỷ XX đến nay

    5 / 5 ( 1 bình chọn )