Nghĩa vụ trong tài chính là gì? Đặc điểm và ví dụ thực tế

Khái niệm nghĩa vụ trong tài chính? Đặc điểm của nghĩa vụ trong tài chính? Một số ví dụ về nghĩa vụ trong tài chính?

Các chủ thể trong xã hội đều có các quyền và nghĩa vụ trong các lĩnh vực mà họ tham gia. Các nghĩa vụ là các hoạt động mà các chủ thể đó bắt buộc phải thực hiện đối với xã hội và nhà nước. Và trong lĩnh vực tài chính cũng vậy, các cá nhân, tổ chức, cơ quan đều phải có những nghĩa vụ tương ứng với các quyền của họ trong lĩnh vực này.

1. Khái niệm nghĩa vụ trong tài chính:

Theo nghĩa rộng nghĩa vụ được hiểu là : “Sự xử sự mà một người phải thực hiện vì một hoặc nhiều người khác, nhưng sự thực hiện đó không được đặt dưới sự bảo đảm của Nhà nước bằng pháp luật. Pháp luật không buộc người đó phải thực hiện, họ thực hiện nghĩa vụ hoàn toàn theo lương tâm của mình để làm tròn bổn phận làm người". Ở phương diện này  nghĩa vụ được hình thành từ yếu tố tư tưởng tình cảm khát vọng .... của con người . Do đó, nghĩa vụ và việc thực hiện nghĩa vụ ở đây sẽ được điều chỉnh thông qua các quy phạm đạo đức, tâm lý, truyền thống, lối sống cộng đồng.

Trong một số trường hợp khác nghĩa vụ lại được hiểu là “bổn phận” của một người, một cá nhân trong những điều kiện bình thường nhận thức được việc mình phải làm một cách đương nhiên đối với tập thể, đối với Nhà nước đối với xã hội hay đối với người khác. Do tự nhận thức được bổn phận nên con người đã chủ động xử sự một cách thích ứng để làm tròn bổn phận của mình. Đây chính là một nội dung trong mối quan hệ biện chứng giữa cá nhân với tập thể, với xã hội và được xem như mặt tích cực của nghĩa vụ. Cụ thể đối với những cá nhân luôn nhận thức được trách nhiệm của mình đối với xã hội và luôn thực hiện tốt nghĩa vụ của mình đối với xã hội thì có tác dụng tích cực đến sự phát triển của xã hội. Ngược lại, đối với những cá nhân không nhận thức được nghĩa vụ của mình đối với xã hội thì trở thành gánh nặng cho xã hội. Nghĩa vụ trong trường hợp này thuộc phạm trù về ý thức của con người, không thể hiện ra bên ngoài nên không phải là đối tượng điều chỉnh của pháp luật .

Ngoài ra, ở một góc độ khác, nghĩa vụ còn được xem là sự phản ứng của Nhà nước trước những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp. Sự phản ứng đó được thực hiện bằng những chế tài nhất định mà người vi phạm phải gánh chịu. Cụ thể người có hành vi vi phạm đó phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định như: Lao động công ích , nộp một số tiền phạt ... Nghĩa vụ thuộc loại bắt buộc này nhằm bảo vệ trật tự kỷ cương quy tắc xã hội và cộng đồng.

Theo nghĩa hẹp nhất: nghĩa vụ được hiểu là một việc làm cụ thể của người có nghĩa vụ.

Tổng kết lại có thể hiểu đơn giản nghĩa vụ chính là những ràng buộc pháp lý mà các chủ thể trong xã hội buộc phải thực hiện một công việc nào đó theo quy định của pháp luật.

Trong hoạt động thực tiễn, tài chính luôn tồn tại, vận động, phát triển gắn liền với sự phát triển của xã hội loài người kể từ khi có vật ngang giá chung- tiền tệ, được lấy làm thước đo cho các quan hệ trao đổi hàng hóa. Tiền giúp cho lưu thông hàng hóa phát triển và giảm thiểu được khá nhiều hao phí lao động xã hội trong quá trình luân chuyển hàng hóa. Nhưng bên cạnh đó tiền cũng trở thành phương tiện trục lợi của một nhóm người, thậm chí chi phối tới cả hệ thống chính trị.

Qua mỗi giai đoạn phát triển của xã hội, tài chính ngày càng khẳng định được tầm quan trọng của nó. Tài chính được coi là một trong ba nguồn lực (nhân, tài, vật lực) không thể không tính đến, nếu mỗi khi muốn tổ chức một hoạt động nào đó. Trong nền kinh tế đã nảy sinh nhiều các quỹ đạo tiền tệ để đáp ứng cho nhu cầu hoạt động của các chủ thể, và mỗi chủ thể phải có ít nhất một loại quỹ tiền tệ để phục vụ cho hoạt động của mình. Số lượng và quy mô của các quỹ tiền tệ gắn với mỗi chủ thể có sự thay đổi không ngừng cùng với quá trình phát triển của nền kinh tế.

Nhà nước có trách nhiệm thiết lập hàng rào pháp lý cho các thể chế tài chính lựa chọn đường hướng phát triển của mình sao cho phù hợp. Và song song với đó nhà nước cũng tham gia vào thị trường tài chính.

Tài chính thể hiện là sự vận động của vốn tiền tệ diễn ra ở mọi chủ thể trong xã hội. Nó phản ánh tổng hợp các mối quan hệ kinh tế nảy sinh trong phân phối các nguồn tài chính thống qua việc tạo lập hoặc sử dụng các quỹ tiền tệ nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các chủ thể trong xã hội.

Như vậy, tổng kết lại có thể hiểu nghĩa vụ trong tài chính chính là những ràng buộc pháp lý mà các chủ thể trong xã hội buộc phải thực hiện một công việc nào đó theo quy định của pháp luật trong sự vận động của vốn tiền tệ.

2. Đặc điểm của nghĩa vụ trong tài chính:

Điểm nổi bật của nghĩa vụ trong tài chính đó chính là tính bắt buộc, một người buộc phải thực hiện những hành vi nhất định. Điều này thể hiện sự ràng buộc pháp lý giữa người có nghĩa vụ đối với người có quyền, những hành vi nhất định mà người có nghĩa vụ phải thực hiện vì lợi ích của người có quyền như nộp một khoản tiền nhất định, thực hiện công việc hoặc không thực hiện một công việc. Mục đích của việc thực hiện các hành vi đó luôn luôn hướng tới lợi ích có bên của quyền (có thể là cá nhân, tổ chức, Nhà nước).

Trong phạm vi khả năng của mình, chủ thể có nghĩa vụ phải thực hiện những hành vi nhất định vì lợi ích của người khác theo quy định của pháp luật, với điều kiện các hành vi đó không được trái pháp luật, trật tự công cộng và đạo đức xã hội.

Trong quan hệ nghĩa vụ này, thì ngược lại với bên có nghĩa vụ, bên có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ thực hiện những hành vi nhất định. Trường hợp bên có nghĩa vụ cố ý không thực hiện yêu cầu của bên có quyền, thì phải gánh chịu những hình thức trách nhiệm nhất định do pháp luật quy định. Việc buộc một chủ thể phải làm một việc gì đó thực chất là một hình thức hạn chế quyền tự do cá nhân của người có nghĩa vụ. Sự hạn chế quyền tự do cá nhân này chỉ có thể xuất phát từ ý chí tự nguyện của bên có nghĩa vụ, hoặc từ các quy định pháp luật.

3. Một số ví dụ về nghĩa vụ trong tài chính:

Có thể thấy thuế là một dạng nghĩa vụ trong tài chính điển hình. Trên góc độ của Nhà nước, thuế là công cụ để Nhà nước tập trung nguồn tài chính cho mình nhằm đáp ứng nhu cầu cho chi tiêu khi thực hiện các chức năng, nhiệm vụ. Trên góc độ người nộp thuế, thuế được coi là khoản đóng góp bắt buộc mà mỗi tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ đóng góp cho nhà nước theo Luật định để đáp ứng nhu cầu chi tiêu cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. Trên góc độ kinh tế học, thuế được xem xét như là một biện pháp đặc biệt, theo đó, Nhà nước sử dụng quyền lực của mình để chuyển một phần nguồn lực từ khu vực tư sang khu vực công nhằm thực hiện các chức năng kinh tế xã hội của Nhà nước. Thuế là một khoản đóng góp bắt buộc từ các thể nhân và pháp nhân cho Nhà nước theo mức độ và thời hạn được pháp luật quy định nhằm sử dụng cho mục đích công cộng.

Nội dung kinh tế của thuế được đặc trưng bởi các mối quan hệ tiền tệ phát sinh giữa Nhà nước với các pháp nhân và các thể nhân trong xã hội. Tính bắt buộc của thuế là thuộc tính cơ bản vốn có của thuế để phân biệt giữa thuế với các hình thức động viên tài chính khác của Ngân sách nhà nước. Chức năng cơ bản của thuế đó chính là chức năng huy động nguồn lực tài chính cho Nhà nước và chức năng điều tiết kinh tế.

Một ví dụ khác đó chính là nghĩa vụ trả nợ trong hợp đồng vay vốn. Hợp đồng vay vốn luôn ràng buộc nghĩa vụ cơ bản đối với bên vay là nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi trong thời gian vay. Nghĩa vụ này xuất phát như đối với hợp đồng vay tài sản. Bên vay có nghĩa vụ phải trả lại tài sản có giá trị tương đương với tài sản vay cho chủ thể cho vay. Đối tượng tài sản của hợp đồng vay vốn ở đây chính là tiền tệ. Các chủ thể vay vốn có nghĩa vụ thay toán đầy đủ lại số tiền mà họ được bên cho vay vay trong hợp đồng vay vốn. Song song với nghĩa vụ trả khoản tiền vay đó, thì bên đi vay còn có nghĩa vụ phải thanh toán tiền lãi của khoản vay trên cơ sở thỏa thuận trong hợp đồng vay vốn của các bên. Ngoài nghĩa vụ trả nợ gốc và trả khoản tiền vay, thì chủ thể vay vốn còn có thể phải thực hiện nghĩa vụ nộp phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại khi không thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc và trả lãi theo thỏa thuận trong hợp đồng của các bên.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )