Năm 2023 cúng ông Công ông Táo ngày nào và giờ nào đẹp?

Tết đến xuân về, vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, mọi gia đình sẽ tất bật chuẩn bị mâm cơm đến dâng lên cúng tổ tiên. Đây được coi là nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam từ lâu đời. Vậy vào năm nay - năm 2023 cúng ông Công ông Táo ngày nào và giờ nào là đẹp, mời mọi người tham khảo bài viết dưới đây:

1. Nguồn gốc của tục lệ cúng ông Công ông Táo:

Cúng ông Công ông Táo là một trong những lễ cúng quan trọng vào trước dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Nguồn gốc xuất hiện Táo quân là từ ba vị thần là Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, đến Việt Nam được chuyển hóa thành sự tích “Hai ông một bà”.

Tương truyền rằng Thị Nhi có chồng là Trọng Cao, hai người ăn ở mặn nồng, thuận hòa nhưng vấn đề con cái mãi chưa có với nhau. Vì lẽ đó, chồng là Trọng Cao hay có thái độ dằn vặt và kiếm chuyện với vợ.

Vào một ngày, hai người xảy ra xích mích, người chồng là Trọng Cao từ “chuyện bé xé ra to” đã đánh Thị Nhi và đuổi Thị Nhi đi. Người vợ bỏ nhà đi lang thang đến xứ khác, tại đây nàng gặp được Phạm Lang, từ đó hai người đem lòng thầm thương, phải lòng nhau và nên duyên vợ chồng.

Trọng Cao sau khi sự việc đó xảy ra, thấy ăn năn hối hận nên đã đi tìm kiếm vợ là Thị Nhi. Trọng Cao lên đường, sau nhiều ngày ròng rã kiếm vợ nhưng không thấy, tình hình lúc này hết gạo hết tiền, Trọng Cao trở thành kẻ ăn xin dọc đường. Vào ngày nọ, Trọng Cao ăn xin tìm đúng nhà của Thị Nhi, khi đó Phạm Lang đi vắng không có ở nhà.

Thị Nhi gặp và nhận ra đó là Trọng Cao – người chồng cũ, sau đó mời vào nhà nấu cơm thết đãi. Vào lúc đó, Phạm Lang có trở về nhà, nỗi lo sợ chồng hiện tại biết được sự tình nên đã giấu Trọng Cao dưới đống rạ sau vườn nhà.

Vào đêm đó, vì muốn lấy tro bón ruộng mà Phạm Lang đã nổi lửa đốt đống rạ sau nhà. Khi thấy lửa bùng cháy, Thị Nhi hốt hoảng đã lao vào để cứu được Trọng Cao. Phạm Lang khi ấy thấy Thị Nhi vợ mình nhảy vào đống lửa nên cũng nhảy vào theo khiến cả ba cùng chết.

Đứng trước câu chuyện đó, thấy cảm động nên Ngọc Hoàng đã phong cho làm vua bếp. Khi ấy, Phạm Lang người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp; người chồng cũ Trọng Cao là hổ Địa trông coi việc trong nhà; người vợ Thị Nhi là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.

Do đó, trong dân gian có tục cứ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày Táo quân cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Do đó, các gia đình Việt Nam thường sẽ làm mâm cơm cúng để đưa ông Công ông Táo về chầu trời.

2. Năm 2023 cúng ông Công ông Táo ngày nào và giờ nào đẹp?

Như chúng ta biết, theo truyền thống dân gian Việt Nam, vào mỗi dịp ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp (tức ngày 23/12 âm lịch) hàng năm, người dân sẽ thực hiện việc cúng bái. Vào năm 2023, cúng ông Công ông Táo rơi vào ngày thứ Bảy (ngày 14 tháng 1 năm 2023 dương lịch).

Thời gian tốt nhất nên cúng ông Công ông Táo trong năm 2023 sẽ là:

– Ngày 17 tháng Chạp, vào ngày Chủ nhật (ngày 8 tháng 1 năm 2023 dương lịch) – ngày Bính Dần, đây là ngày Hoàng đạo Kim Quỹ.

Các khung giờ đẹp người dân làm lễ cúng ông Công ông Táo đó là Tí (23h-1h); Sửu (1h-3h); Thìn (7h-9h); Tỵ (9h-11h); Mùi (13h-15h); Tuất (19h-21h).

– Ngày 18 tháng Chạp, vào ngày thứ Hai (ngày 9 tháng 1 năm 2023 dương lịch) – ngày Đinh Mão, đây là ngày Hoàng đạo.

Các khung giờ đẹp người dân làm lễ cúng ông Công ông Táo trong ngày này là Tí (23h-1h); Dần (3h-5h); Mão (5h-7h); Ngọ (11h-13h); Mùi (13h-15h); Dậu (17h-19h).

– Ngày 20 tháng Chạp, vào ngày thứ Tư (ngày 11 tháng 1 năm 2023 dương lịch) – ngày Kỷ Tỵ, đây là ngày Hoàng đạo Ngọc Đường.

Các khung giờ đẹp người dân làm lễ cúng ông Công ông Táo trong ngày này là Sửu (1h-3h); Thìn (7h-9h); Ngọ (11h-13h); Mùi (13h-15h); Tuất (19h-21h); Hợi (21h-23h).

– Ngày 23 tháng Chạp, vào ngày thứ Bảy (ngày 14 tháng 1 năm 2023 dương lịch) – ngày Nhâm Thân, đây là ngày Hoàng đạo tư mệnh.

Các khung giờ đẹp người dân làm lễ cúng ông Công ông Táo trong ngày này là Thìn (7h-9h), Tị (9h-11h). Lưu ý tốt nhất là cúng trước 12 giờ trưa. Đặc biệt khoảng giờ Thìn từ 7 giờ đến 9 giờ sáng là giờ Tốc hỷ, đây là khoảng thời gian rất thích hợp để tiến hành nghi lễ cúng tiễn ông Táo về trời.

3. Trong ngày ông Công ông Táo, gia đình cần chuẩn bị mâm cơm như thế nào?

Mỗi nơi mỗi khác, mỗi miền sẽ có những điểm khác nhau trong việc chuẩn bị mâm cúng ông Công ông Táo.

Đối với miền Nam, mâm cúng ông Công ông Táo đặc trưng thường có:

– Gà luộc hoặc gà quay;

– Xôi thường là xôi gấc;

– Thịt heo luộc;

– Giò heo;

– Củ kiệu, củ cải muối;

– Đĩa rau xào;

– Canh mọc;

– Trái cây tươi;

– Trầu cau;

– Trà và rượu.

Và mân cơm sẽ có thêm “Cò bay, ngựa chạy” là hình con cò và con ngựa được cắt và làm từ giấy để hóa sau khi làm lễ mục đích giúp ông Táo về trời nhanh hơn. Bên cạnh đó, gia chủ cũng cúng thêm ba bộ quần áo bằng giấy cho ba vị Táo. Một nét đặc trưng khác biệt của miền Nam so với miền Bắc là người dân không thực hiện các tục rút chân nhang, không hóa vàng áo mũ thờ, không mua cá chép thả trong chậu rồi thả sông.

Đối với miền Bắc, mâm cơm cúng ông Công ông Táo thường có những món đặc trưng sau:

– Gà luộc, thường được trang trí có cánh ngậm hoa hồng hoặc có tỉa hoa;

– Một đĩa thịt lợn hoặc chân giò luộc;

– Một đĩa nem rán;

– Một đĩa giò lợn;

– Một bát canh, thường là canh măng;

– Bánh chưng hoặc xôi vò;

– Một đĩa chè;

– Một quả cau, lá trầu;

– Một đĩa muối, một đĩa gạo;

– Một chai rượu nếp;

– Một đĩa hoa quả;

– Một lọ hoa đựng cành đào.

Bên cạnh đó, đặc trưng của mâm cơm miền Bắc sẽ có thêm cá chép giấy (đốt sau khi làm lễ) hoặc sống (mang thả phóng sinh) ngay sau khi cúng ông Công ông Táo.

Đối với miền Trung, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo thường có những món ăn sau:

Ở miền Trung, mâm cỗ thường là sự kết hợp mâm cơm của hai miền Nam Bắc: vẫn có những món đặc trưng như cơm, canh, gà luộc, thịt luộc, nem rán;… lại có thêm những món xôi chè mang tính đặc trưng của miền Nam.

Tuy nhiên, cái khác lạ đặc trưng của miền Trung đó là người miền Trung không cúng áo mũ vàng mã và lễ thả cá chép như miền Bắc hay “cò bay, ngựa chạy” như người miền Nam, họ thường dâng lên một con ngựa bằng giấy, có yên cương đầy đủ và đốt vàng mã để dâng lên các vị thần linh.

4. Ý nghĩa của ngày cúng ông Công ông Táo:

Ông Táo là một vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ, đồng thời giúp cho mọi nhà ngăn cản được sự xâm nhập của ma quỷ vào phần đất phần nhà của mình với mong muốn giúp đỡ giữ bình yên trong gia đình cho mọi nhà.

Đến ngày 23 tháng Chạp, Táo quân sẽ cưỡi cá chép để lên Thiên đình trình báo tất cả mọi việc làm tốt, việc làm xấu của gia chủ trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho gia chủ. Và đến đêm Giao thừa, Táo quân mới trở lại hạ giới để thực hiện việc trông coi bếp lửa cho mỗi gia đình.

Trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam, ngày lễ ông Công ông Táo là một ngày thiêng liêng ý nghĩa, công tác tất bật báo hiệu Tết đến Xuân về, lo chu đáo cho những ngày Tết nguyên đán. Người dân vào những ngày này làm mâm cơm cúng để bày tỏ tấm lòng biết ơn với các vị thần. Bên cạnh đó cũng là một năm nhìn lại, gia đình quây quần sum họp sau một năm làm việc bon chen, vất vả, có cái được cái mất.

Tết Nguyên đán nói chung và ngày lễ cúng ông Công ông Táo nói riêng là một trong những ngày lễ thiêng liêng, mang đậm nét văn hóa của người dân Việt Nam. Tục lệ này lưu truyền từ lâu đời thời cha ông và nay vẫn được các thế hệ sau tiếp nối, phát huy giữ được trọn vẹn nét văn hóa của Việt Nam.

5. Những lưu ý khác trong ngày cúng ông Công ông Táo:

Bên cạnh việc chuẩn bị những mâm cơm cúng ông Công ông Táo thì mọi người dân cũng nên lưu ý tránh những điều sau khi thực hiện lễ cúng ông Công ông Táo để có được buổi lễ cúng trang nghiêm:

– Bao Sái ban thờ, rút tỉa chân hương sau khi đã thắp hương xong, tức là vào chiều 23 hoặc ngày 24 âm lịch. Lưu ý là không nên rút tỉa chân hương trước;

– Khi rút tỉa chân hương lưu ý không được xê dịch, nhấc bát hương…. vì sẽ ảnh hưởng và động bát hương khiến bát hương mất linh khí;

– Không nên rút hết chân hương mà chỉ tỉa quanh từ ngoài vào trong;

– Cần tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc nghiêm túc, kín đáo và lịch sự trước khi đọc văn khấn, khi cúng phải thể hiện sự tôn kính của gia chủ đối với các vị quan thần;

– Khi đọc văn khấn, nên đọc rõ ràng, nghiêm túc và có sự thành tâm;

– Vào ngày 23 tháng Chạp, không cúng sau 12 giờ trưa;

– Không thả cá chép từ trên cao xuống.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )