Hiện nay có một số gia đình vẫn chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất vì thế quá trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất sẽ chưa thể đạt được. Trước khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất thì chủ đất phải làm thủ tục xin xác nhận tài sản gắn liền với đất. Vậy mẫu đơn xin xác nhận tài sản trên đất được soạn thảo như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mẫu đơn xin xác nhận tài sản trên đất:
Đơn xin xác nhận tài sản trên đất có thể được soạn thảo như sau:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
… ngày…tháng…năm….
ĐƠN XÁC NHẬN TÀI SẢN TRÊN ĐẤT
Kính gửi: UBND xã/phường…
– Căn cứ
– Căn cứ nhu cầu thực tế của …
Tôi tên là:… Sinh năm …
Số CMND/CCCD:… Cấp ngày….tháng….năm… Do…
Địa chỉ thường trú:…
Nơi ở hiện tại:…
Số điện thoại:…
Tôi xin trình bày như sau:
Tôi là chủ sở hữu thửa đất số …có diện tích … tại địa chỉ…theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày … do … Tuy nhiên vào năm…tôi có xây 1 căn nhà cấp 4 trên thửa đất đó.
Lý do xin xác nhận: đăng ký bổ sung tài sản gắn liền với đất vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất/đăng ký tài sản trên đất/…
Căn cứ theo Điều 95 Luật Đất đai 2013: Đăng ký tài sản trên đất là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu.
Nay tôi làm đơn này, xin …xác nhận cho tôi: Tài sản trên thửa đất số:diện tích… tại địa chỉ … gồm :…
Tôi xin cam đoan những điều nói trên là hoàn toàn đúng sự thật.
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Tài liệu kèm theo đơn:
– Chứng minh nhân dân/căn cước công dân;
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Người làm đơn
2. Hướng dẫn cách viết mẫu đơn xin xác nhận tài sản trên đất:
Đơn xin xác nhận tài sản trên đất được soạn thảo như sau:
– Bắt buộc phải có phần Quốc hiệu tiêu ngữ và phần này được viết trên đầu, tại giữa văn bản,được viết đậm;
– Ngày/tháng/năm làm đơn, mục này phải ghi rõ ngày tháng năm tại thời điểm người làm đơn xin xác nhận để người tiếp nhận đơn xác định được thời gian xử lý đơn;
– Tên của đơn là “ĐƠN XIN XÁC NHẬN TÀI SẢN TRÊN ĐẤT”, tên đơn được viết ngay sau mục ngày tháng năm làm đơn và được trình bày ở giữa văn bản;
– Kính gửi nơi tiếp nhận đơn. Người nộp đơn trước hết phải xác định được cơ quan có thẩm quyền để xin xác nhận tài sản trên đất. Ví dụ nơi có thẩm quyền xác nhận tài sản trên đất cho người làm đơn đó chính là Uỷ ban nhân dân xã/phường/thị trấn, thì phần kính gửi phải ghi đầy đủ tên đơn vị hành chính của cơ quan có thẩm quyền nơi có đất cần xác nhận. Ví dụ như, Kính gửi: UBND xã X, huyện Y, tỉnh Z
– Nêu rõ căn cứ, ví dụ căn cứ Luật Đất đai 2013
– Các phần tiếp theo người xin xác nhận phải ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu, địa chỉ cư trú (nơi thường trú hoặc nơi ở hiện tại), số điện thoại liên hệ của người xin xác nhận;
– Tiếp theo người xin xác nhận ghi rõ thông tin của phần đất cần xác nhận, ví dụ như người xin xác nhận phải trình bày rõ các thông tin của thửa đất như số thửa đất, thuộc tờ bản đồ số, địa chỉ của thửa đất, vị trí tiếp giáp các phía, diện tích sử dụng, thời hạn sử dụng của đất còn lại (nếu có), ngày cấp sổ đỏ….
– Nêu rõ lý do xin xác nhận tài sản trên đất hoặc tình trạng sử dụng đất nhằm mục đích làm. Ví dụ như: Để chuyển nhượng, để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…;
– Người xin xác nhận liệt kê rõ những tài sản gắn liền với đất bao gồm những công trình gì, kết cấu cơ bản của công trình bao gồm những gì,…..
– Cuối cùng là phần người viết đơn ký, ghi rõ họ tên.
3. Tài sản được hiểu như thế nào?
Tại Điều 105
– Tài sản được hiểu là là vật, giấy tờ có giá, tiền và quyền tài sản.
– Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Như vậy, có thể hiểu tài sản được hiện diện với tư cách là khách thể của quan hệ sở hữu. Tài sản chính là vật, tiền hay các giấy tờ có giá và quyền tài sản. Vật ở đây ta có thể hiểu nó chính là những đối tượng của thế giới vật chất bao hàm theo nghĩa rộng, gồm cả động vật, thực vật và các vật khác với ý nghĩa vật lí ở mọi trạng thái (như rắn, lỏng, khí), tuy nhiên nó phải hiện diện với tư cách là tài sản nằm trong sự chiếm hữu của con người, nó phải có đặc trưng giá trị và nó sẽ trở thành đối tượng của các giao dịch dân sự. Ví dụ như nếu là nước ở ngoài tự nhiên thì nó chưa thể coi là vật được mà nó còn phải trải qua các quá trình để được đóng vào chai thì mới được coi là vật.
Căn cứ theo Điều 115 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về quyền tài sản: Quyền tài sản được hiểu là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
Có thể thấy, quyền tài sản chính là quyền của các cá nhân, tổ chức được pháp luật cho phép thực hiện các hành vi đối với tài sản của chính mình và được quyền yêu cầu người khác buộc phải thực hiện một nghĩa vụ nhằm đem lại lợi ích vật chất cho mình. Đặc biệt, quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền.
Theo quy định trên, ta có thể thấy tài sản bao gồm cả bất động sản và động sản. Tại Bộ Luật Dân sự 2015 đã mở rộng phạm vi về tài sản, cụ thể đó chính là những tài sản là động sản và bất động sản có thể là tài sản hiện có hoặc cũng có thể là tài sản hình thành trong tương lai.
4. Những tài sản trên đất:
Tài sản trên đất hay còn được gọi là tài sản gắn liền với đất. Các tài sản gắn liền với đất bao gồm những tài sản sau:
– Nhà ở và công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở;
– Nhà ở riêng lẻ theo quy định của Luật Nhà ở
– Các công trình xây dựng khác;
– Cây lâu năm hoặc rừng sản xuất là rừng trồng hoặc vật khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.
Tại khoản 1 Điều 104 Luật Đất đai 2013 quy định: Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bao gồm công trình xây dựng khác, nhà ở, rừng sản xuất là rừng trồng và cây lâu năm có tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Như vậy, theo pháp luật về đất đai thì tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bao gồm có:
– Nhà ở: điều kiện để nhà ở được chứng nhận quyền sở hữu đó chính là chủ sở hữu nhà ở phải là đối tượng được sở hữu nhà ở theo quy định pháp luật và phải có những loại giấy tờ chứng minh việc mình đã tạo lập hợp pháp nên nhà ở này. Những loại giấy tờ đó bao gồm là: giấy phép xây dựng, giấy tờ về mua bán hoặc là nhận tặng cho hoặc là nhận thừa kế nhà ở đã được công chứng hoặc chứng thực, giấy xác nhận của uỷ ban nhân dân xác nhận có tài sản trên đất,…
– Các công trình xây dựng khác: để được chứng nhận chủ tài sản phải có các loại giấy tờ sau: giấy phép xây dựng, các giấy tờ chứng minh về việc mua bán hoặc thừa kế hay tặng cho công trình xây dựng đã được công chứng hoặc chứng thực, giấy xác nhận của uỷ ban nhân dân xác nhận có tài sản trên đất,…
– Rừng sản xuất là rừng trồng: chủ sở hữu được cấp giấy chứng nhận khi chủ sở hữu có vốn để trồng rừng hay tiền đã trả để được nhận chuyển nhượng rừng hoặc tiền nộp vào Nhà nước khi được giao rừng có thu tiền không có nguồn gốc từ ngân sách và phải có một trong các loại giấy tờ mà pháp luật quy định
– Cây lâu năm: chủ sở hữu có những loại giấy tờ mà pháp luật quy định, ví dụ như hợp đồng hoặc các văn bản chứng minh việc mua bán hoặc được tặng cho, thừa kế đối với cây lâu năm đã được công chứng hoặc chứng thực theo đúng quy định của pháp luật,…
Căn cứ pháp lý:
– Bộ Luật Dân sự 2015;
– Luật Đất đai 2013.