Lối sống “ngất ngưởng” đã bộc lộ điều gì về Nguyễn Công Trứ?

Có lẽ nhắc đến Nguyễn Công Trứ, người ta nhớ đến một lối sống độc đáo- lối sống"ngất ngưởng". Lối sống này được thể hiện trọn vẹn trong tác phẩm "Bài ca ngất ngưởng", được viết năm 1848, khi ông cáo quan về ở ẩn. Từ đó bộc lộ được tài năng, chí khí, bản lĩnh cá nhân của vị nhà nho chân chính này.

1. Lối sống "ngất ngưởng" là gì?

“Ngất ngưởng” hiểu theo nghĩa đơn giản chỉ một tư thế cao, không vững, lắc lư, nghiêng ngả. Rộng hơn, "ngất ngưởng" còn là thái độ sống ngang tàng, vượt thế tục của con người. Người sống "ngất ngưởng" thường khác đời và bất chấp mọi người, tự do hành xử theo đòi hỏi của cá nhân dẫn đến những thành công đáng tự hào và vượt lên trên thiên hạ. Nói cách khác, người sống ngất ngưởng phải gồm đủ hai điều kiện: khác đời và hơn đời. Nguyễn Công Trứ đã đáp ứng hai điều kiện ấy.

2. Lối sống "ngất ngưởng" của Nguyễn Công Trứ qua Bài ca ngất ngưởng:

Đây cũng chính là cảm hứng chủ đạo trong "Bài ca ngất ngưởng", lời tự thuật ngang tàng, phô trương, phá cách. Lối sống "ngất ngưởng" của Nguyễn Công Trứ nhất quán khi đang trên con đường công danh, sự nghiệp lẫn khi cáo quan về hưu.

2.1. Ngất ngưởng khi làm quan:

Trước hết, lối sống "ngất ngưởng" khi làm quan của Nguyễn Công Trứ được thể hiện rõ ở quan niệm khác đời: “Vũ trụ nội mạc phi phận sự” (Mọi việc trong trời đất chẳng có việc nào không là phận sự của ta). Có mấy ai như ông, khẳng định phận sự, trách nhiệm của bản thân trong trời đất. Đây cũng chính là tuyên ngôn của nhà thơ về chí làm trai- đã làm trai ở trong trời đất thì phải “đầu đội trời chân đạp đất”, tư tưởng này xuyên suốt trong sự nghiệp sáng tác của ông: “Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây/ Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể” hay “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông” “Khắp trời đất dọc ngang, ngang dọc/ Nợ tang bồng vay trả, trả vay”. Trong Nguyễn Công Trứ, quan niệm ấy gắn liền với ý tưởng "tu, tề, trị, bình", tức là con người sống trên đời cần phải biết đem tài năng, đức độ mình để "tu thân, tề gia, trị quốc, bình đời người". Quan niệm về chí làm trai của ông xuất phát từ Nho giáo và kế thừa tinh thần bậc tiền nhân như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm rồi Phan Bội Châu như “Sinh vi nam tử yếu hi kì/ Há để càn khôn tự chuyển di”…

Lẽ ra với tư tưởng nhập thế tích cực đó, ông phải sung sướng khi được ra làm quan, làm người cai quản, trông coi cuộc sống của nhân dân, nhưng không ông coi như khi đó ông đã “vào lồng”.

Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng

"Lồng" ở đây chính là xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Một xã hội nhiễu nhương, bất công, đầy rẫy đố kị ganh ghét. Với ông, việc làm quan ở xã hội ấy chính là mất tự do, bị chi phối và phải làm những việc mà bản thân không mong muốn, ràng buộc bởi lễ nghi, luật lệ chặt chẽ. Nó gần như ý tưởng phản kháng lại chế độ mà không ít nhà nho dám đứng lên như Nguyễn Công Trứ, thể hiện sự phá cách, ngông cuồng hiếm thấy lúc bấy giờ, chính ông cũng từng dõng dạc tuyên bố với toàn thiên hạ: “Trong triều ai ngất ngưởng như ông”. Bằng cách tự xưng “Ông Hi Văn tài bộ” - một con người tài hoa, dù chốn quan trường bon chen, tiêu cực nhưng ông vẫn không thể không làm, có lẽ bởi đó là để làm tròn đạo vua tôi, cũng là điều kiện cống hiến tài năng, đức độ để giúp nước, giúp dân. Ông đã nắm giữ “Khi thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông”, “Lúc Bình Tây, cờ đại tướng” rồi khi “về phủ doãn Thừa Thiên”. Phép liệt kê làm cho câu thơ mang niềm tự hào, ngạo nghễ của tác giả. Ông không chỉ giỏi văn chương mà còn có tài dùng binh, thao lược, nói cách khắc là văn võ song toàn, văn vẻ toàn tài, một người tài năng lỗi lạc. Điệp từ “lúc… khi…” cũng giống như những thăng trầm trong chặng đường làm quan của ông. Dễ hiểu vì tài năng cùng tư tưởng tiến bộ ấy đặt trong chốn quan trường mưu hại, đố kỵ lẫn nhau. Tất cả những chi tiết ấy càng toát lên chân dung một con người tài năng xuất chúng, trượng nghĩa, có trách nhiệm với cuộc đời, một con người có lối sống kiêu ngạo, lập dị. 

2.2. Ngất ngưởng khi cáo quan:

Với một người không ham hư danh nên khi cáo quan về quê, ông không hề tỏ ra thất vọng, buồn bã mà coi là một sự kiện trọng đại "Đô môn giải tổ chi niên". Gần 30 năm làm quan, tính cách khác người của ông vẫn không thay đổi. Ngày cáo quan về quê:

“Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng

Kìa núi nọ phau phau mây trắng

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi

Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”.

Khi nghỉ hưu, người đời thường cưỡi ngựa, còn ông lại cưỡi bò, vừa đeo đạc, vừa cao ngạo với đời. Sách vở chép rằng lúc về hưu Nguyễn Công Trứ thường cưỡi bò vàng có đeo nhạc ngựa, còn đem một mo cau buộc chỗ đuôi bò, nói là để che miệng thế gian. Về sống ở quê nhà, ông có lối sống khác đời: vãn cảnh chùa vẫn đem theo những cô gái trẻ, tay kiếm cung mà nên dạng từ bi- dạng từ bi nhưng lại sống tiên cách, không khổ hạnh như những người khác mà sống phóng túng, thảnh thơi.  Và ông cho việc làm đó là sự ngất ngưởng. Một lối sống tự do, phóng khoáng, vượt lên trên thói tục, vượt ra ngoài khuôn khổ của lễ giáo phong kiến nhưng trước sau vẫn giữ trọn đạo quân thần, luôn tự tin vào chính mình. Trong quan niệm của Nguyễn Công Trứ, sống phải có trách nhiệm với đời, phải tận lực cống hiến nhưng cũng cần biết chơi, biết hưởng thụ những niềm vui mà cuộc sống dành cho mình, khiến cuộc sống thêm vui vẻ. Với ông, khái niệm ngất ngưởng rất tiến bộ, không phải sống như Tiên, Phật cao siêu mà cũng không phải kẻ phàm tục, tầm thường; đối mặt với khen chê vẫn giữ thái độ bình thản:

“Được mất dương dương người thái thượng

Khen chê phơi phới ngọn đông phong

Khi ca, khi tửu, khi cắc. khi tùng

Không Phật, không tiên, không vướng tục”.

Ông kiêu hãnh, tự hào với lối sống ngất ngưởng của mình:

Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú

Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung.

Nguyễn Công Trứ tự xếp mình ngang hàng với những người tài năng, nhân cách lỗi lạc. Có thể thấy, dù về hưu nhưng không phải là nốt trầm trong cuộc đời. Một dáng vẻ đạo mạo, nghiêm nghị, không rơi vào vòng phàm tục. Câu kết bài thơ, Nguyễn Công Trứ nhấn mạnh thêm một lần nữa cảm hứng ngất ngưởng bằng câu: "Trong triều ai ngất ngưởng như ông?" Câu nghi vấn nhưng lại chính là câu khẳng định: trên đời này không ai độc đáo, ngạo nghễ, ngất ngưởng bằng thi sĩ Nguyễn Công Trứ. Cái nhan đề, thi đề “Bài ca ngất ngưởng” của ông Hi Văn rất độc đáo, đậm đặc chất “ngông”. Cái ngất ngưởng mà tài danh khác với cái "ngông" chán đời và lãng mạn của nhiều thi sĩ sau này, ví như Tản Đà. 

3. Lối sống “ngất ngưởng” đã bộc lộ điều gì về Nguyễn Công Trứ?

Tài năng, chí khí/Cá tính và bản lĩnh cá nhân cứng cỏi, nhân sinh quan tiến bộ hiện đại

Thứ nhất, thái độ "ngất ngưởng" phải đến từ một người có tài năng, một ông quan kinh bang tế thế (trông coi việc nước, cứu giúp người đời), cống hiến hết mình cho quốc gia, cho dân tộc. Nhìn lại tiểu sử của ông, không ai có thể phản bác tài năng này. Có thể kể đến đóng góp quan trọng của Nguyễn Công Trứ là khai hoang và giúp triều đình “an dân”, làm yên những cuộc khởi nghĩa nông dân của Phan Bá Vành ở Nam Định, của Lê Duy Phương ở Thanh Hoá, hay cuộc tiễu phạt ở Quảng Yên... Nguyễn Công Trứ hết sức chăm lo cho cuộc sống đói nghèo của nông dân; Ông tố cáo “cái hại cường hào làm cho đến nỗi con mất cha, vợ mất chồng, tính mệnh phải thiệt hại, tài sản phải sạch không” và đề nghị triều đình “trị tội rất nặng”- đó là lo cho dân. 

Lối sống "ngất ngưởng" còn bộc lộ bản lĩnh cá nhân cứng cỏi, phẩm hạnh cao đẹp của thi sĩ. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông vẫn giữ thái độ ấy, vẫn hiên ngang, công khai thể hiện cái "tôi" cá nhân, dám là chính mình. Đây là một lý tưởng sống đúng đắn, phải biết vượt ra khỏi cuộc sống tù túng, tẻ nhạt để sống một cuộc sống giàu ý nghĩa.

Kết lại, lối sống ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ được thể hiện trong Bài ca ngất ngưởng cũng chính là nhân cách là khí phách của tác giả. Quan niệm sống ấy làm chúng ta phải suy ngẫm, rút ra những bài học quý giá cho bản thân- khích lệ người đọc hãy sống mạnh mẽ, hãy sống có ích để cuộc đời mình ngày một có ý nghĩa, không chấp nhận một cuộc sống tẻ nhạt, vô nghĩa. 

    5 / 5 ( 1 bình chọn )