Lập dàn ý, đoạn văn đóng vai lão Hạc kể lại chuyện bán chó

Lão Hạc là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Văn học Việt Nam. Trong tác phẩm này, câu chuyện lão Hạc bán chó là phần hay nhất thể hiện được tình cảnh khốn cùng của lão Hạc cũng như nhân cách cao quý của nhân vật này. Dưới đây là một số mẫu đóng vai lão Hạc kể lại chuyện bán chó hay nhất.

1. Lập dàn ý đóng vai lão Hạc kể lại chuyện bán chó: 

Thứ nhất, Mở bài:

Ngôi kể thứ I (tôi) – lão Hạc kể với người thứ ba (ông giáo,…).

Có thể triển khai theo cách trực tiếp đi thẳng vào câu chuyện bán chó hoặc gián tiếp thông qua các câu chuyện khác trước (kể về tình cảm với “Cậu Vàng” – kỉ vật của con trai…).

Giới thiệu hoàn cảnh bán chó (nghèo khó, không đủ tiền nuôi,…)

Thứ hai, Thân bài:

Khi sang nhà ông giáo báo tin bán chó:

– Báo tin bán cậu Vàng đi rồi.

– Cố tỏ ra vui vẻ nhưng tôi cười như mếu, đôi mắt chực khóc.

Kể lại quá trình bán chó cho ông giáo nghe:

– Vừa khóc vừa kể trong nước mắt.

– Lừa cậu Vàng về ăn cơm rồi thằng Mục nấp trong nhà xông ra tóm gọn.

– Tự trách bản thân vì đã lừa một con chó.

Lời an ủi của ông giáo:

– Bán hay giết chó đều là ta hóa kiếp cho nó làm kiếp khác.

– Suy nghĩ về kiếp người của mình.

Thứ ba, Kết bài:

Nhắc lại sự việc bán chó. Đặc biệt là khi sự việc kết thúc.

Sự rằn vặt đau khổ, tự trách mình. Suy tính sau chuyện đó.

2. Đoạn văn đóng vai lão Hạc kể lại chuyện bán chó hay nhất: 

Sau trận ốm đúng hai tháng mười tám ngày, tôi đã tiêu hết tiền dành dụm, đã không làm được việc gì mà hoa màu lại bị bão tàn phá, không còn cách nào khác, tôi đành phải bán cậu vàng. Vừa bán xong thì tôi chạy ngay sang báo cho ông giáo:

– Tôi bán cậu Vàng, ông giáo ạ, vừa bán xong!

Ông giáo nghe có vẻ ngạc nhiên, có lẽ ông giáo nghĩ tôi sẽ không bao giờ bán đi con chó thân yêu ấy của mình, tôi coi cậu Vàng như con, nhưng mà hoàn cảnh cùng quẫn đành phải bán nó đi, bán xong tôi day dứt và ăn năn vô cùng. Vừa khóc tôi vừa kể với ông giáo:

– Ông giáo ơi! Khốn nạn thật, nó chẳng biết gì, vốn nó ngoan ngoãn và nghe lời tôi nên họ bắt dễ dàng lắm. Tôi gọi nó về ăn cơm, cu cậu ton tót chạy về ngoan ngoãn, hẵng còn đang ăn dở thì bị thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng nhảy ra túm chân cẳng nó xốc ngược lên rồi trói chặt cả bốn chân. Nhìn nó nằm co quắp tôi lấy làm thương xót lắm. Nó thì khôn lắm, biết bị bắt rồi chẳng thèm vùng vẫy, nó cứ năm im, kêu ư ử đôi mắt nhìn tôi chằm chằm, như là nó đang trách tôi, trách rằng tôi tệ bạc, nó ăn ở tốt với tôi làm bạn với tôi suốt bao ngày tháng mà giờ tôi lại nỡ tâm lừa bán nó. Ông giáo bảo tôi:

– Cụ thương nó nên cụ nghĩ thế, chứ thật ra nó chả hiểu gì đâu. Vả lại an nuôi chó rồi cũng bán hoặc thịt thôi, mà bán hay thịt cũng là ta hóa kiếp cho nó, cho nó sang kiếp khác.

Nghe ông giáo nói cũng phải, nhưng tôi mong nó được cái kiếp người sướng hơn kiếp người của tôi.

Xong chuyện con chó, ông giáo mời tôi ở lại chơi ăn khoai uống nước chè rồi hút thuốc lào lấy đó làm cái sung sướng. Nhưng tôi nào còn tâm trí để làm mấy việc đó, tôi muốn nhờ ông giáo một việc, đó là trong coi hộ con trai tôi mảnh vườn và cầm tiền bán chó của tôi lo công việc hậu sự. Năn nỉ mãi ông giáo mới nhận, lúc này tôi mới yên tâm ra về.

3. Đoạn văn đóng vai lão Hạc kể lại câu chuyện bán cậu Vàng: 

Cuộc đời tôi cùng quẫn quá rồi, một thân già cùng một con chó. Tôi coi cậu Vàng như con của mình, nhưng cái khổ của tôi khiến con chó cũng phải khổ theo. Vì không muốn ăn đến tiền của con, tôi muốn dành dụm và giữ lại mảnh vườn cho nó nên đành phải bán đi cậu Vàng, bán cậu xong tôi không kìm được nỗi chua xót đành đi tìm ông giáo trò chuyện. Gặp ông giáo tôi liền nói:

– Cậu Vàng đi rồi, ông giáo ạ!

Như hiểu ra chuyện, ông giáo hỏi tôi có phần hơi ngạc nhiên “Cụ bán nó rồi?”, tôi bảo ông giáo vừa bán xong. Ông giáo hỏi làm sao lại bắt được nó, nó cho bắt hay thế nào, tôi liền bật khóc trong dứt kể với ông giáo:

– Con chó nào có biết gì đâu, ông giáo ơi tôi khốn nạn quá, bằng tuổi này tôi lại đi lừa cả một con chó. Tôi gọi nó về ăn cơm như mọi lần, nó nghe tiếng tôi chạy về quẫy đuôi mừng vẻ mặt hớn hở. Thế nhưng nó mới xộc được mấy miếng đã bị thằng Mục nấp trong nhà tóm lấy hai chân sau dốc ngược lên, rồi thêm thằng Xiên ra, hai chúng nó trói chặt bốn chân cậu Vàng. Nó cứ nằm im kêu ư ử như đang trách móc tôi tệ bạc với nó. Nhìn ánh mắt nó tôi tưởng như nó đang bảo rằng “A! Lão tệ lắm, tôi ăn ở với lão vậy mà lão lại lừa bán tôi đi”. Ông giáo nghe xong, thấy tôi khóc liền động viên, ông giáo bảo:

– Cứ nghĩ thế chứ nó là chó không hiểu gì đâu, mình bán hay giết nó là hóa kiếp cho nó đấy.

Tôi nghe ông giáo nói cũng phải, kiếp con chó cũng khổ, hóa cho nó làm kiếp người may ra sung sướng hơn, thế nhưng kiếp tôi hay kiếp ông giáo thì cũng chả sung sướng gì.

Tôi nhìn ông giáo, cả hai cười chua chát, cầm tiền bán chó trong tay tôi quyết định nhờ cậy ông giáo chút việc còn lại lúc cuối đời. Được ông giáo đồng ý tôi đưa tiền cho ông giáo sau đó ra về.

4. Đoạn văn đóng vai lão Hạc kể lại chuyện bán chó ấn tượng nhất: 

Vừa sáng nay tôi đã bán cậu Vàng, con chó mà tôi là người bạn thân thiết, là kỉ vật của con trai. Sau nhiều suy tính, đắn đo tôi quyết định bán cậu Vàng để không tiêu phạm vào tiền dành cho con. Người ta bắt chó đi tôi cùng phải chạy ngay sang nhà ông giáo báo tin. Nhìn thấy ông giáo trong sân tôi nói to:

– Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!

Tôi báo tin cho ông giáo với đôi mắt tôi đang ầng ậng nước có thể trào ra bất cứ lúc nào. Nghe ông giáo hỏi về chuyện bắt cho tôi đành bật khóc kể lại, nghĩ đời tôi sao mà khốn khổ, khốn nạn đến thế, tôi lừa bán cả con chó. Cậu Vàng có biết gì đâu, nghe tiếng tôi gọi là quẫy đuôi tíu tít chạy về, thằng Mục nấp sẵn trong nhà, chờ lúc tôi cho nó ăn là xông ra tóm lấy hai cẳng nó dốc ngược lên, thằng Mục với thằng Xiên choắt cái đã trói chặt cả bốn chân nó. Tôi bảo ông giáo, đúng là giống nó khôn, nó bị bắt mà cứ làm im, ư ử như trách tôi, trách rằng nó ăn ở với tôi như thế mà tôi lại lừa bán nó đi, nó không ngờ tôi lại lừa cả nó. Tôi day dứt lắm, cả đời tôi chưa lừa ai mà giờ lại đi lừa con chó. Ông giáo an ủi tôi, bảo:

– Ai nuôi chó mà bán hay giết thịt, ta giết nó là hóa kiếp cho nó để làm kiếp khác.

Đành là thế nhưng chua chát thay, kiếp chó là kiếp khổ, hóa kiếp cho nó làm kiếp người nhưng đừng làm kiếp người như tôi. Ông giáo cũng than thở, kiếp người cũng khổ thì không biết làm kiếp gì cho thật sướng.

Tôi cười và ho sòng sọc thôi không nói về cậu Vàng nữa, ông giáo nói đi pha ấm chè đặc rồi ăn khoai lang luộc nhưng tôi bảo để khi khác, tôi còn có việc nhờ cậy ông giáo chút việc. Việc tôi nhờ ông giáo chính là việc nhờ ông giáo trông coi vườn tược và gửi tiền cho ông giáo lo công việc hậu sự cho tôi.

5. Đoạn văn nhập vai lão Hạc kể lại chuyện bán chó sâu sắc nhất: 

Nhà tôi chỉ có một mình tôi với một con chó là cậu Vàng, vợ tôi chết rồi, con trai thì đi bằn bặt, ở nhà lủi thủi một mình tôi chỉ biết làm bạn với con Vàng. Thế nhưng sau trận ốm dài tôi yếu đi nhiều không thể làm được việc gì mà giá cả vật chất cứ tăng lên vùn vụt, lại phải nuôi thêm một con chó nữa nên tôi quyết định bán con Vàng đi để bớt được tiền ăn hàng ngày và thêm được đồng nào hay đồng ấy. Hôm trước tôi sang nhà ông giáo tâm sự việc định bán con chó Vàng, ngay hôm sau tôi gọi người bán nó đi. Hôm ấy tôi gọi nó về nhà cho ăn, nó có biết gì đâu thấy tôi gọi thì vui mừng chạy về, nó đang ăn thì mấy thằng bắt chó xúm vào bắt nó, chỉ một lát đã cột chặt bốn chân nó. Nhìn nó bị bắt đi mà lòng tôi đau thắt lại, nó cứ nhìn tôi bằng ánh mắt oán trách như thể tôi lừa nó. Tôi kể lại chuyện này cho ông giáo nghe, ông đã an ủi tôi để tôi có thể nguôi ngoai phần nào và coi như là tôi hóa kiếp cho cậu Vàng để nó có thể có một kiếp sống sung sướng hơn.

6. Đoạn văn vào vai lão Hạc kể lại chuyện bán chó xuất sắc nhất: 

Không hiểu sao từ lúc thằng Mục với thằng Xiên bắt “cậu Vàng” đi, người tôi cứ bần thần mãi. Có cái gì day dứt trong lòng. Nhìn nhà cửa vắng vẻ, buồn quá, tôi đi qua nhà ông giáo –người bạn thân thiết chí tình và thấu hiểu tôi nhất trên cuộc đời vốn quá nhiều cay đắng tủi cực này.

Đường qua nhà không xa nhưng sao hôm nay thấy nó dài dằng dặc, có lẽ lòng tôi trĩu nặng nỗi buồn như vừa đánh mất một vật gì quý giá. Ông trời dường như cũng đồng cảm nên tỏa ánh nắng dìu dịu… Tôi đầu trần, lê từng bước chán chường, gặp ai cũng nhìn tôi với ánh mắt ái ngại. Họ nào biết đâu tim tôi đang đau nhói…

Vừa thấy ông giáo đang ngồi tư lự nhìn xa xăm hình như nghĩ về mấy quyển sách quý mà đã bán đi hôm nào, chưa kịp ngồi xuống, tôi nói ngay:

– Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!

– Cụ bán rồi?

– Bán rồi! Họ vừa bắt xong.

Tôi cố làm ra vẻ vui vẻ nhưng sao mà nước mắt cứ như tuôn ra. Trong cổ tôi dường như có cái gì đó nghèn nghẹn…Với đôi mắt hiền từ, ông giáo hỏi tôi:

– Thế nó cho bắt à?

Đến lúc này, tôi không thể che giấu được cảm xúc được nữa, tôi có cảm giác mặt mình co dúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu tôi ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của tôi mếu như con nít. Tôi hu hu khóc như một đứa trẻ…

– Khốn nạn… Ông giáo ơi! Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết!

Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này?”. Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!

Đúng là một người điềm tĩnh và rất tâm lý, ông giáo từ tốn an ủi tôi:

– Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả biết đâu! Vả lại ai nuôi chó mà chả bán hay giết thịt? Ta giết nó chính là hoá kiếp cho nó đấy, hoá kiếp để cho nó làm kiếp khác. Biết thế, nhưng tôi vẫn chua chát bảo:

– Ông giáo nói phải! Kiếp cho chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút… kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn…

Đôi mắt thoáng buồn, ông giáo bùi ngùi nhìn tôi, bảo:

– Kiếp ai cũng thế thôi, cụ ạ! Cụ tưởng tôi sung sướng hơn chăng?

– Thế thì không biết nếu kiếp người cũng khổ nốt thì ta nên làm kiếp gì cho thật sướng?

Tôi chợt bật cười và ho sòng sọc. Ông giáo nắm lấy cái vai gầy của tôi, ôn tồn bảo:

– Chẳng kiếp gì sung sướng thật, nhưng có cái này là sung sướng: “Bây giờ cụ ngồi xuống phản này chơi, tôi đi luộc mấy củ khoai lang, nấu một ấm nước chè tươi thật đặc; ông con mình ăn khoai, uống nước chè, rồi hút thuốc lào… Thế là sướng”.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )