Lao động có vai trò như thế nào trong việc thay đổi con người nguyên thủy?

Nhờ lao động, con người nguyên thủy có sự tiến bộ rất lớn. Cùng tìm hiểu cụ thể Vai trò của lao động trong việc thay đổi con người nguyên thủy nhé.

1. Giới thiệu khái quát về bầy người nguyên thủy:

Bầy người nguyên thủy là tổ chức xã hội đầu tiên của loài người. Từ khi con người xuất hiện cách đây khoảng 4 triệu năm đến lúc Người hiện đại ra đời, xã hội thị tộc xuất hiện cách đây khoảng 4 vạn năm, cụ thể:

Ở chặng đầu của quá trình hình thành loài người, có một loài vượn cổ, sống khoảng 6 triệu năm trước đây, đã có thể đứng và đi bằng hai chi sau, dùng hai chi trước để cầm nắm, ăn hoa quả, củ, lá và cả động vật nhỏ. Xương hóa thạch của chúng được tìm thấy ở Đông Phi, Tây Á và cả ở Việt Nam.

Trong quá trình phát triển, vượn cổ tiến hóa dần dần và chuyển biến thành Người tối cổ, bắt đầu từ khoảng 4 triệu năm trước đây. Di cốt Người tối cổ được tìm thấy ở Đông Phi, Gia-va (In-do-ne-xia) Bắc Kinh (Trung Quốc), Ấn Độ, ... Ở Thanh Hóa, Lạng Sơn (Việt Nam), tuy chưa tìm thấy di cốt nhưng lại phát hiện được công cụ bằng đá của Người tối cổ.

Người tối cổ hầu như đã hoàn toàn đi, đứng bằng hai chân. Đôi tay được tự do để sử dụng công cụ, kiếm thức ăn. Cơ thể của họ đã có nhiều biến đổi : tuy trấn còn thấp và bợt ra sau, u mày còn nổi cao, xương hàm nhô ra phía trước, trên người còn một lớp lông bao phủ, nhưng hộp sọ đã lớn hơn so với loài vượn cổ và đã hình thành trung tâm phát tiếng nói trong não, biết sử dụng và chế tạo công cụ. 

Tuy chưa loại bỏ hết dấu tích vượn trên cơ thể mình nhưng Người tối cổ đã là người. Đây là hình thức tiến triển nhảy vọt từ vượn thành người, là thời kỳ đầu tiên của lịch sử loài người.

Ở xã hội nguyên thủy, loài người gồm khoảng 5 đến 7 gia đình sống quây quần theo quan hệ ruột thịt với nhau trong các hang dộng, mái đá hoặc cũng có thể dựng lều bằng cành cây, da thú. Họ cùng nhau lao động, tìm kiếm thức ăn và đấu tranh chống thú dữ để tự vệ. Con người nguyên thủy có quan hệ hợp quần xã hội (khác với bầy động vật): mỗi bầy đều có người đứng đầu, có sự phân công công việc giữa nam và nữ. Mọi người đều có nghĩa vụ săn bắt, tìm kiếm thức ăn, bảo vệ lẫn nhau và trông nom con cái. Khi con người tối cổ sống thành bầy có quan hệ ruột thịt với nhau nhưng chưa có quy định của xã hội nên được gọi là bầy người nguyên thủy.

Trên đà phát triển, cách đây khoảng 4 vạn năm Người tối cổ tiến hóa thành Người tinh khôn. Người Tinh khôn sống thành từng nhóm nhỏ  gồm vài chục gia đình, có họ hàng với nhau,  gọi là thị tộc …họ đều làm chung, ăn chung, họ biết trồng trọt và chăn  nuôi, làm đồ gốm, dệt vải, làm đồ trang sức …. Hình dáng, cấu tạo cơ thể cơ bản giống người ngày nay, còn được gọi là Người hiện đại. Thể tích hộp sọ cũng lớn hơn, khoảng 1400 cm3.

2. Vai trò của lao động trong việc thay đổi con người nguyên thủy:

Thời kì nguyên thủy bắt đầu cùng với sự phát triển cũa những công cụ lao động bằng đá nên còn được gọi là thời kì đồ đá. Công cụ lao động là bằng chứng lịch sử, cơ sở để chúng ta tái hiện và hiểu được vai trò của lao động trong xã hội nguyên thủy.

2.1. Thông qua lao động, người nguyên thủy đã từng bước chinh phục tự nhiên để sinh tồn và phát triển:

Ban đầu, người nguyên thủy đã biết dùng lửa và tạo ra lửa, biết chế tác và cải tiến công cụ lao động. Đầu tiên, từ việc lấy lửa qua tự nhiên như các đám cháy để sưởi ấm, đuổi dã thú, nướng chín thức ăn, người nguyên thủy dùng đá hay các hòn cuội ghè lại với nhau tạo ra lửa. Đây là một phát minh tạo bước tiến lớn, cải thiện căn bản đời sống con người. 

Người tối cổ đã biết chế tạo các công cụ đầu tiên, đem ghè một mặt cho sắc và vừa tay cầm giống như những chiếc rìu đá hay chặt cây làm gậy hoặc dùng trực tiếp làm vũ khí, tự vệ hay tấn công các con thú, để kiếm thức ăn. Họ cũng biết sử dụng cung tên trong săn bắt động vật. Khi người nguyên thủy có cung tên, họ đã săn bắt những con vật chạy nhanh như hươu, nai, ngựa. Qua hái lượm, người nguyên thủy phát hiện những hạt ngũ cốc, những loại rau quả có thể trồng được. Họ di chuyển từ khu rừng này đến khu rừng khác để tìm kiếm thức ăn. Phụ nữ và trẻ em hái lượm các loại hạt, quả. Đàn ông đảm nhiệm những công việc nặng nhọc như săn bắt thú rừng. Nguồn thức ăn nhiều hơn, đời sống vật chất được cải thiện.

2.2. Lao động giúp cơ thể và tư duy của con người ngày càng hoàn thiện, phát triển, tạo nên bước nhảy vọt từ người tối cổ trở thành người tinh khôn:

Qua lao động, chế tạo công cụ và sử dụng công cụ, bàn tay con người khéo léo dần. Họ biết làm đồ trang sức (mài thủng vỏ ốc để xuyên dây làm vòng đeo cổ, hoặc các hạt chuỗi từ đá, đất nung…); biết vẽ trên các vách hang động mô tả cuộc sống; biết tạo ra trang phục,… Tiếp đó, con người biết dệt vải, làm đồ gốm, làm lưới đánh cá, làm nhạc cụ,...

Cơ thể cũng do đó biến đổi theo để có tư thế lao động thích hợp, dần biến đổi để trở thành Người hiện đại. Tiếng nói thuần thục hơn do nhu cầu trao đổi với nhau. Con người tự cải biến, hoàn thiên mình từng bước nhờ lao động. 

Con người luôn tìm cách cải tiến công cụ lao động để tăng năng suất, kiếm được nhiều thức ăn hơn. Như vậy, nhu cầu cải tiến công cụ đã góp phần quan trọng khích thích sự phát triển của tư duy sáng tạo ở con người.

Thông qua quá trình săn bắt, họ dần phát hiện những con vật có thể thuần dưỡng và chăn nuôi. Một số loài thú lớn dùng để làm vật cưỡi trong các cuộc săn bắt, di chuyển và chăn nuôi lấy thịt, sữa, da,...

Sự biến đổi về cơ thể và tư duy dẫn đến những chuyển biến lớn trong đời sống của người nguyên thủy về cách thức lao động, địa bàn cư trú. Hình thành quan hệ hợp đoàn, có đôi, có dàn và con đầu đàn. Người tối cổ đã có quan hệ hợp quần xã hội: có người đứng đầu, có phân công lao động giữa nam và nữ, cùng chăm sóc con cái. Địa bàn sinh sống là hang động, mái đá hoặc cũng có thể là lều dựng bằng cành cây, da thú, sống quây quần theo quan hệ ruột thịt.

3. Những dấu vết lao động của con người nguyên thủy ở Việt Nam:

Tại đất nước ta, hiện nay cũng đã phát hiện những công cụ lao động hết sức thô sơ như: đá thô sơ ở An Khê, Gia Lai cách ngày nay khoảng 800 000 năm, rìu tay và mảnh tước Núi Đọ (Thanh Hóa) khoảng 400 000 năm tuổi, mái đá tại Đồi Thông và ở Võ Nhai (Thái Nguyên) và mái đá Ngườm (Thái Nguyên) cách nay khoảng  40.000 – 23.000 năm,bàn mài và rìu mài lưỡi (Bắc Sơn) cách đây khoảng 11 000 năm, rìu đá Hạ Long, ... Sự phong phú về chế tác các công cụ lao động kể trên chứng tỏ những người sống ở nền văn hoá hậu kỳ đá cũ ở miền Bắc nước ta có được một trình độ phát triển về mặt kỹ thuật.

Các nhà khoa học khảo cổ cũng đã phát hiện được những răng hoá thạch tiêu biểu ở khu vực Bắc Bộ, chứng cớ sự hiện diện của người khôn ngoan ở giai đoạn sớm tại Nghệ An, Yên Bái và Ninh Bình ngày nay.

Dấu tích của một nền nông nghiệp sơ khai cũng xuất hiện rất sớm ở Việt Nam. Trong di chỉ văn hóa Hòa Bình (cách ngày nay khoảng 10.000 năm), các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết những hạt thóc, vỏ trấu, hạt gạo cháy, có cả bàn nghiền hạt và chày. Sau này có cả các dấu tích về trang sức như chuỗi hạt vỏ ốc xóm Thẩm (Quảng Bình) cách ngày nay 4000 năm.

Các nhà khảo cổ học suy đoán rằng con người vào thời bấy giờ đã sống với công việc săn bắn rất phát triển. Trong cuối thời đại đá cũ, ở một vùng rộng lớn thuộc Bắc bộ bấy giờ, đã có nhiều nhóm người chuyên sống bằng săn bắn hái lượm. Những nhóm người này lấy hang động làm nơi cư trú. Mái đá nhô ra ngoài trời, ven bờ các dòng sông, suối thác cũng là nơi quần cư thích hợp của những nhóm người sơ khai ấy. Có thể thấy được điều này thông qua hình khắc trong hang Đồng Nội (Hòa Bình), các dấu tích của người nguyên thủy ở Bàu Tró (Quảng Bình), Cái Bèo, Hạ Long (Quảng Ninh), Quỳnh Văn (Nghệ An). Chứng tỏ, người nguyên thủy đã chuyển sang định cư, địa bàn cư trú cũng được mở rộng.

Di tích của các nhóm người quần cư thuộc thời kỳ này được gọi là bộ lạc, các nhà khảo cổ học thường gọi với thuật ngữ văn hoá và tên vùng miền bộ lạc ấy, chẳng hạn như văn hóa Sơn Vi (Phong Châu, Phú Thọ), văn hóa Bắc Sơn (Lạng Sơn), văn hóa Hòa Bình, văn hóa Quỳnh Văn (Nghệ An),...

    5 / 5 ( 1 bình chọn )