Kiểm tra, giám sát là gì? Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng?

Kiểm tra giám sát là hoạt động hết sức quan trọng của Đảng ta. Trong bài viết dưới đây hãy cũng chúng tôi tìm hiểu câu trả lời cho những câu hỏi: Kiểm tra, giám sát là gì? Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng?

1. Kiểm tra, giám sát là gì? 

- Kiểm tra là hoạt động của các chủ thể để theo dõi, xem xét, đánh giá, xử lý, chỉ đạo khắc phục những sơ hở, yếu kém được phát hiện trong các hoạt động xã hội. Theo đó kiểm tra của Đảng là việc các tổ chức đảng xem xét, đánh giá, kết luận về ưu điểm, khuyết điểm hoặc vi phạm của cấp uỷ tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

- Giám sát được hiểu là hoạt động xem xét, đánh giá có tính bao quát để của chủ thể này đối với chủ thể khác nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đúng nhiệm vụ, chức trách. Giám sát của Đảng là việc các tổ chức đảng quan sát, theo dõi, nắm bắt, xem xét, đánh giá, kết luận hoạt động nhằm kịp thời nhắc nhở để cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên được giám sát chấp hành nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước và khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm, vi phạm (nếu có).

2. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng:

Căn cứ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XIII ngày 28 tháng 7 năm 2021 Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII đưa ra quy định số 22-QĐ/TW quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Theo đó, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được chia thành 5 cấp như sau: 

2.1. Cấp uỷ, tổ chức đảng:

Bao gồm Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát; thực hiện nhiệm vụ kiểm tra; thực hiện nhiệm vụ giám sát; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định. 

2.2. Các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy:

Các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy có trách nhiệm:

- Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đối tượng: chỉ uỷ, chi bộ, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy, trước hết là cấp dưới trực tiếp; đảng viên thuộc lĩnh vực phụ trách và các đối tượng khác do cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cùng cấp giao.

- Thực hiện nhiệm vụ giám sát đối tượng: Chi ủy, chi bộ, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cấp dưới; đảng viên thuộc lĩnh vực phụ trách, các đối tượng khác do cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cùng cấp giao.

- Chủ trì giải quyết tố cáo theo quy định của Bộ Chính trị hoặc cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cùng cấp về giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cùng cấp quản lý có nội dung liên quan đến lĩnh vực phụ trách.

- Tham gia các đoàn giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cùng cấp.

2.3. Các ban cán sự đảng, đảng đoàn:

Các ban cán sự đảng, đảng đoàn có trách nhiệm: 

- Lãnh đạo công tác kiểm tra. Các ban cán sự đảng, đảng đoàn lãnh đạo công tác kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng trong lĩnh vực được phân công, phụ trách; căn cứ quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc của tỉnh ủy, thành ủy về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy chế làm việc và tình hình thực tế để xác định nội dung, đối tượng và phương pháp lãnh đạo công tác kiểm tra. 

Các ban cán sự đảng, đảng đoàn thực hiện lãnh đạo thành viên của ban cán sự đảng, đảng đoàn; những tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền kiến nghị, đề xuất của ban cán sự đảng, đảng đoàn.

2.4. Chi bộ:

Chi bộ có nhiệm vụ: 

- Xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra, giám sát đảng viên trong chi bộ thực hiện nhiệm vụ đảng viên. Tập trung kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của chi bộ, nhiệm vụ do chi bộ phân công và quy định về trách nhiệm nêu gương, về những điều đảng viên không được làm.

- Giải quyết tố cáo và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên trong chi bộ về thực hiện nhiệm vụ chi bộ giao; về phẩm chất, đạo đức, lối sống; về thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ cấp trên giao).

2.5. Ủy ban kiểm tra các cấp:

- Bao gồm: Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Khối Doanh nghiệp Trung ương; Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương; Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương; Ủy ban kiểm tra của cấp ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy; Ủy ban kiểm tra đảng ủy cấp trên cơ sở; Ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở. 

- Có trách nhiệm: 

+ Thực hiện nhiệm vụ giám sát;

+ Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thi hành kỷ luật; 

+  Tham mưu giúp cấp ủy và thực hiện nhiệm vụ cấp ủy giao;

+ Chủ trì phối hợp với các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cùng cấp tham mưu, giúp cấp ủy thực hiện các nội dung tại Điểm 2.3, Khoản 2, Điều 4; xem xét, xử lý kỷ luật và giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng;

+ Tham gia các cuộc kiểm tra, giám sát do cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cùng cấp chủ trì. Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, báo cáo cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy yêu cầu, kiến nghị tổ chức đảng, cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thu hồi các văn bản trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đề nghị cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật;

+ Cùng các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cùng cấp tham mưu, giúp cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy kết luận các cuộc kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận kiểm tra, giám sát, quyết định của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy sau các cuộc kiểm tra, giám sát. Phối hợp với văn phòng cấp ủy giúp cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy lập và nộp lưu hồ sơ các cuộc kiểm tra, giám sát;

+ Hướng dẫn các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cùng cấp, ban cán sự đảng, đảng đoàn và cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra cấp dưới về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; chỉ đạo kiện toàn ủy ban kiểm tra, tổ chức bộ máy cơ quan ủy ban kiểm tra, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra;

+ Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tuyên truyền, phổ biến công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng;

+ Trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật.

3. Nguyên tắc trong kiểm tra, giám sát của Đảng: 

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải tuân thủ những nguyên tắc được quy định cụ thể trong quy định số 22-QĐ/TW quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, cụ thể như sau:

(1) Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Tổ chức Đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức đảng và đảng viên phải thường xuyên tự kiểm tra. 

(2) Tổ chức đảng cấp trên kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên. Tổ chức đảng, đảng viên thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo sự phân công của tổ chức đảng có thẩm quyền.

(3) Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe và giáo dục.

(4) Tuân thủ đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, thẩm quyền, phương pháp công tác theo quy định của Đảng; chủ động, kịp thời, công khai, dân chủ, khách quan, công tâm, thận trọng, chặt chẽ, chính xác, nghiêm minh.

(5) Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, không có ngoại lệ.

(6) Nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thi hành kỷ luật đảng được quy định tại Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Mọi tổ chức đảng và đảng viên phải tuân thủ nhằm bảo đảm việc thi hành kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên được thống nhất, chặt chẽ, công minh, chính xác, kịp thời.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )