Kể lại đoạn trích Chị em Thúy Kiều bằng văn xuôi - Ngữ văn 9

Đôi nét về tác giả Nguyễn Du? Giới thiệu về đoạn trích" Chị em Thuý Kiều"? Bài mẫu số 1 kể lại đoạn trích Chị em Thúy Kiều bằng văn xuôi? Bài mẫu số 2 kể lại đoạn trích Chị em Thúy Kiều bằng văn xuôi? Bài mẫu số 3 kể lại đoạn trích Chị em Thúy Kiều bằng văn xuôi?

Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc, những sáng tác của ông thể hiện thân phận khổ cực trong cuộc sống của con người, nhất là những người nhỏ bé, bất hạnh, những người phụ nữ tài hoa bạc mệnh. “Truyện Kiều” là một tác phẩm kiệt tác của ông và của nền văn học Việt Nam. Tác phẩm nói về một nhân vật có tài sắc vẹn toàn nhưng vì chữ hiếu đã hi sinh bản thân mình. Trong đoạn trích “Chị em Thuý Kiều”, Nguyễn Du đã khắc họa chân thực và sống động vẻ đẹp của hai chị em Thúy Kiều.

1. Đôi nét về tác giả Nguyễn Du:

1.1. Cuộc đời:

Nguyễn Du (1765 – 1820 ), tên tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên.

– Quê quán: làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

– Gia đình: Nguyễn Du sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và có truyền thống về văn chương.

– Cha là Nguyễn Nghiễm (1708 – 1775), đậu Nhị giáp tiến sĩ, từng giữ chức Tể tướng. Mẹ là bà Trần Thị Tần (1740 – 1778), là vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm. Anh là Nguyễn Khản, làm chức Tham tụng (ngang Thừa tướng) từ dưới thời Lê Trịnh. Với truyền thống văn hoá gia đình, tạo điều kiện cho Nguyễn Du tiếp nhận văn hóa nhiều vùng miền, dùi mài kinh sử và am hiểu vốn văn hóa văn học bác học, tạo tiền đề cho sự tổng hợp tài năng nghệ thuật.

– Thời thơ ấu và niên thiếu, Nguyễn Du sống sung túc, hào hoa tại Thăng Long trong một gia đình phong kiến quyền quý. Đây là điều kiện để ông có những hiểu biết về cuộc sống của giới quý tộc phong kiến.

– Lên 10 tuổi, Nguyễn Du mồ côi cha. Năm 13 tuổi, mẹ ông cũng qua đời. Cuộc đời Nguyễn Du gian nan, lận đận, trải qua cuộc sống chục năm phiêu bạt đã tạo điều kiện cho Nguyễn Du có một vốn sống thực tế phong phú thôi thúc ông suy ngẫm về xã hội, về thân phận con người tạo tiền đề cho việc hình thành tài năng và bản lĩnh văn chương.

– Từ 1802 – 1820 ông ra làm quan triều Nguyễn, được đi nhiều nơi, được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc, tạo điều kiện ông có hiểu biết sâu rộng, am hiểu văn hóa vùng miền, văn hóa dân tộc và văn chương Trung Quốc, giúp ông mở mang, nâng tầm khái quát về xã hội, về con người

1.2. Sự nghiệp văn học:

Các tác phẩm chính

Sáng tác bằng chữ Hán: gồm 249 bài thơ chữ Hán do Nguyễn Du viết vào các thời kỳ khác nhau. Gồm ba tập thơ:

–  Thanh Hiên thi tập (78 bài), sáng tác ở Thái Bình và Tiên Điền.

– Nam Trung tạp ngâm (40 bài), sáng tác khi làm quan ở Quảng Bình.

– Bắc Hành tạp lục (131 bài), sáng tác khi đi sứ ở Trung Quốc.

Sáng tác bằng chữ Nôm:

– Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều).

– Văn chiêu hồn (Văn tế thập loại chúng sinh).

Đặc điểm nội dung và nghệ thuật:

Về đặc điểm nội dung:

– Thể hiện tình cảm trân thành, tư tưởng nhân đạo, cảm thông sâu sắc của Nguyễn Du đối với cuộc sống của con người, nhất là những người nhỏ bé, bất hạnh, những người phụ nữ tài hoa bạc mệnh… đó là kết quả của quá trình quan sát, suy ngẫm về cuộc đời, về con người của tác giả.

– Vạch trần bản chất của chế độ phong kiến, lên án, tố cáo thế lực đen tối trong xã hội phong kiến chà đạp lên số phận con người.

Về đặc điểm nghệ thuật:

– Thành công trong nhiều thể thơ: ngũ ngôn cổ thi, ngũ ngôn luật, thất ngôn luật và ca, hành (nhạc phủ)…

– Thể thơ lục bát, song thất lục bát đạt đến đỉnh cao.

– Góp phần trau dồi ngôn ngữ văn học dân gian, làm giàu cho tiếng Việt qua việc vận dụng các điển cố, điển tích trong văn học Trung Hoa, Việt hoá nhiều ngôn ngữ Hán.

2. Giới thiệu về đoạn trích ” Chị em Thuý Kiều”:

Hoàn cảnh sáng tác

Truyện Kiều còn có tên gọi là ” Đoạn trường Tân Thanh” được Nguyễn Du sáng tác vào đầu thế kỉ XIX (khoảng 1805 – 1809). Sáng tác dựa trên cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Trung Quốc.

Thể loại: Truyện thơ Nôm, gồm 3254 câu thơ lục bát.

Vị trí đoạn trích

Đoạn trích “ Chị em Thúy Kiều” nằm ở phần đầu của tác phẩm, giới thiệu gia đình của Thuý Kiều, đã khắc họa hai bức chân dung của chị em Thúy Kiều và Thúy Vân.

Nội dung

Tác giả đã khắc hoạ vẻ đẹp và tài năng của hai chị em Thuý Kiều và Thuý Vân. Qua đó, tác giả cũng dự báo về một cuộc đời đầy trái ngang, bất hạnh của Thúy Kiều.

Nghệ thuật:

Thể hiện bút pháp miêu tả tinh tế, đặc sắc của tác giả, kết hợp với việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa…

Ngôn ngữ sử dụng rất tài tình, giàu sức biểu đạt đã góp phần làm nên thành công của đoạn trích.

3. Bài mẫu số 1 kể lại đoạn trích Chị em Thúy Kiều bằng văn xuôi:

Đề bài: Kể lại đoạn trích Chị em Thuý Kiều bằng văn xuôi.

Nhà họ Vương có hai người con gái xinh đẹp, tài năng, họ đều đang ở độ tuổi xuân. Người chị tên là Thúy Kiều mang nét đẹp sắc sảo, mặn mà. Người em tên là Thúy Vân, với nét đẹp nhân hậu, đoan trang. Hai chị em mỗi người một vẻ, mang vẻ đẹp lý tưởng, hoàn mĩ, trọn vẹn mười phân vẹn mười, tưởng như không có gì có thể đẹp hơn.

Vào dịp Tết Thanh minh, chị em Kiều rủ nhau đi chơi xuân. Ngày xuân trôi qua mau thấm thoát đã sang tháng ba. Tiết xuân ấm áp, không còn cái oi nóng của mùa hè, không còn cái se lạnh của mùa thu đông. Trên nền không gian ấy, một bức họa về những thảm cỏ non xanh tươi trở nên tuyệt đẹp. Sắc xanh của bầu trời và sắc xanh của cỏ cùng tạo nên một bức tranh xuân rực rỡ màu sắc.

Màu trắng tinh khiết của những bông hoa lê, đó là sắc trắng – sức sống của mùa xuân khiến con người như thấy được mầm sống trỗi dậy sau một giấc ngủ đông dài. Màu trắng ấy tô điểm cho bức tranh xuân thêm sự tinh khôi, trong trẻo, thiếu nó thì mùa xuân không còn thanh mát, dịu nhẹ. Sự hòa quyện giữa sắc xanh và trắng tạo bức tranh mùa xuân như được mở ra với chiều cao của bầu trời, chiều rộng của bãi cỏ xanh và được thu gần lại trên một cành hoa lê mới nở. Trước khung cảnh nên thơ ấy, lòng người hoà mình theo âm hưởng du dương của mùa xuân, sức xuân thiên nhiên như khơi dậy sức xuân lòng người.

Cùng với âm hưởng của mùa xuân, hai chị em Thúy Kiều cũng hòa cùng với dòng người đi lễ, trẩy hội. Tiết thanh minh, mọi người cùng đi tảo mộ, sửa sang phần mộ của người thân mình. Không khí đông vui, rộn ràng, náo nhiệt khi đoàn người trẩy hội đều là những “tài tử giai nhân”, nam thanh nữ tú. Ai trong tiết xuân ấm áp cũng dành thời gian để nhớ và tri ân những công lao của người đã khuất. Đó chính là một truyền thống tốt đẹp của ông cha ta từ xưa cho đến nay.

Mặt trời ngả dần về phía tây, hoàng hôn đã dần buông khắp trời. Hai chị em Thúy Kiều cùng nhau trở về nhà, với những bước đi thật chậm, thướt tha, yêu kiều như vẫn còn luyến tiếc điều gì đó trong ngày du xuân. Khung cảnh không khí ấy thật bình yên, êm ả đến nao lòng, man mác một nỗi u buồn. Thúy Kiều thấy lòng mình xôn xao, tĩnh lặng lại, cuộc du xuân này với Thuý Kiều mở lòng ra đón lấy những âm thanh trong trẻo của tình yêu, xao xuyến trong tình người…

4. Bài mẫu số 2 kể lại đoạn trích Chị em Thúy Kiều bằng văn xuôi:

Đề bài: Kể lại đoạn trích Chị em Thuý Kiều bằng văn xuôi.

Nhà viên ngoại họ Vương sinh được hai người con gái đầu lòng vô cùng xinh đẹp và tài năng. Người chị tên là Thuý Kiều còn người em tên là Thuý Vân. Cả hai chị em đều mang vóc dáng mảnh mai, thanh tú như cây hoa mai; tinh thần trắng tinh khiết như tuyết. Hai chị em Kiều mỗi người đẹp một vẻ, không ai giống ai, họ mang vẻ đẹp lí tưởng, hoàn mĩ trong chân dung và toàn vẹn trong phẩm hạnh.

Thuý Vân là một cô em mang đẹp một vẻ đẹp phúc hậu, trang trọng, hơn người. Khuôn mặt nàng đầy đặn, ngây thơ, sáng như trăng rằm; nét lông mày đậm và cong; miệng cười tươi như hoa; mái tóc đen óng ả, mượt mà hơn mây; làn da mịn màng trắng sáng hơn tuyết; giọng nói trong trẻo như ngọc rừng.

Nhưng người chị Thuý Kiều còn đẹp hơn. Nàng có cả tài lẫn sắc nổi bật hơn em Vân, nàng đẹp “sắc sảo mặn mà”. Đó là một vẻ đẹp có sức hấp dẫn, cuốn hút mạnh mẽ người khác. Nàng sở hữu đôi mắt trong biếc, xanh thẳm như làn nước mùa thu dợn sóng. Đôi lông mày nàng thanh tú càng tôn thêm nét đẹp của đôi mắt. Đôi mắt ấy chính là sự thể hiện cái sắc sảo của trí tuệ, sự mặn mà của tâm hồn. Vẻ đẹp ấy khiến hoa phải “ghen” ghét vì thua sắc thắm, liễu phải đố kị vì kém xanh, nét đẹp đó khiến bao người phải ngẩn ngơ, nghiêng nước nghiêng thành.

Thuý Kiều là một cô gái tài hội tụ đủ cả 4 khả năng: cầm, kỳ, thi, hoạ. Dù ở lĩnh vực nào thì nàng cũng xuất sắc hơn người. Nàng đã tự tay soạn thảo một bản nhạc có tên là “Bạc mệnh” nói về người có số phận bạc mệnh khiến ai nghe nấy cũng phải sầu lòng, buồn thương rơi lệ.

Gia đình viên ngoại họ Vương thuộc tầng lớp phong lưu, nền nếp. Hai cô thiếu nữ họ Vương vẫn sống một cuộc sống yên bình, phẳng lặng, khuôn phép: “Êm đềm trướng rủ, màn che – Tường đông ong bướm đi về mặc ai” dù xuân xanh đã sắp đến tuổi lấy chồng.

5. Bài mẫu số 3 kể lại đoạn trích Chị em Thúy Kiều bằng văn xuôi:

Đề bài: Kể lại đoạn trích Chị em Thuý Kiều bằng văn xuôi có sử dụng yếu tố miêu tả.

Tại một miền phụ cận Bắc Kinh có một gia đình họ Vương sinh được ba người con. có hai cô con gái đầu lòng và một cậu con trai út. Cô chị tên là Thuý Kiều, cô em tên là Thuý Vân và cậu con trai út tên là Vương Quan. Gia đình họ thuộc về tầng lớp hạng trung lưu, khá giả.

Hai cô con gái đầu lòng mỗi người một tính cách, một vẻ đẹp nhưng đều “mười phân vẹn mười”. Cốt cách của hai chị em Kiều là cốt cách thanh tao của mai, thần thái của hai chị em là thần thái trong sáng của tuyết. Người em Thúy Vân có nét đẹp quý phái, phúc hậu sang trọng hơn người: khuôn mặt đầy đặn rạng rỡ như trăng, lông mày cong và đậm nở dài như liễu; miệng cười tươi như hoa; chất giọng thanh tao như ngọc; cùng với đó là mái tóc óng ả mượt mà mây cũng không dịu bằng, tuyết cũng không mịn màng trắng da bằng làn da. Tuy vậy, nhưng cô chị Thúy Kiều lại còn đẹp sắc sảo và mặn mà hơn. Lông mày Kiều như dáng núi mùa xuân, đôi mắt nàng trong biếc, xanh thẳm như làn nước mùa thu dợn sóng. Vẻ đẹp ấy cũng khiến khóm hoa cũng phải ghen ghét vì thua nàng về sắc thắm, liễu cũng phải hờn dỗi đố kị vì kém xanh hơn nàng. Nụ cười của Thuý Kiều khiến bao người ngẩn ngơ, có khả năng làm nghiêng nước nghiêng thành. Không những vậy Kiều còn rất thông minh, vẽ tranh, làm thơ đẹp và ca ngâm dài. Dù trong lĩnh vực nào thì nàng cũng rất giỏi, ngoài ra nàng còn có nghệ thuật sáng tác theo cung bậc ngũ âm, sử dụng đàn hồ cầm rất khéo léo, không ai có thể theo kịp nàng. Nàng đã tự tay sáng tác một bản nhạc có tên là Bạc Mệnh – một bản nhạc rất hay, mỗi khi cất tiếng hát ai nghe cũng cảm thấy thấm thía ruột gan, ảo não cả cõi lòng, buồn thương mà rơi lệ.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )