Hủy kết hôn trái pháp luật như thế nào? Phân chia di sản thừa kế khi chồng chưa ly hôn mà kết hôn với vợ mới.
Hủy kết hôn trái pháp luật như thế nào? Phân chia di sản thừa kế khi chồng chưa ly hôn mà kết hôn với vợ mới.
Tóm tắt câu hỏi:
dì và dượng của tôi kết hôn trước giải phóng, sau giải phóng cũng không đăng ký kết hôn, đến năm 1996 dì, dượng tự thôi nhau, không ra Tòa xin ly hôn, sau đó dì tôi có chồng khác và năm 1997 dượng tôi có vợ khác (dượng và người vợ sau có đăng ký kết hôn), năm 2014, dượng tôi mất để lại một căn nhà gắn liền với đất, nhà và đất này do dượng và người vợ sau tạo lập, cho tôi hỏi khi chia thừa kế thì dì của tôi có được hưởng không??
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986
Luật hôn nhân gia đình năm 2014
Xem thêm: Luật sư tư vấn thủ tục sang tên trên sổ đỏ khi có di chúc
2. Nội dung tư vấn:
Căn cứ quy định tại điểm a, khoản 3, Nghị quyết 35/2000/QH thì nếu dì và dượng của bạn chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn trước ngày ngày 03 tháng 01 năm 1987, tức là ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực thì pháp luật vẫn thừa nhận hôn nhân thực tế của hai người, khuyến khích họ đăng ký kết hôn, nếu họ không đăng ký kết hôn thì khi ly hôn sẽ giải quyết theo Luật Hôn nhân và Gia đình như đối với các trường hợp là vợ chồng hợp pháp.
Như vậy, đồng nghĩa với việc cuộc hôn nhân thứ hai của dượng bạn với người vợ sau là kết hôn trái pháp luật. Dì của bạn có quyền yêu cầu tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật này. Và hậu quả pháp lý của việc kết hôn trái pháp luật được quy định tại Điều 12, Luật hôn nhân gia đình năm 2014 như sau:
“Điều 12. Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật
1. Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.
2. Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.
3. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật này.”
Như vậy, nếu dượng bạn để lại di chúc, thì di sản thừa kế sẽ được chia theo di chúc. Nếu không có di chúc thì di sản của dượng bạn để lại sẽ được chia theo pháp luật như sau:
Nếu di sản mà dượng bạn để lại là tài sản được hình thành trong thời gian sống với người vợ mới, do hai nguời tạo dựng lên thì quan hệ tài sản giữa dượng của bạn với người vợ mới sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 16, Luật hôn nhân gia đình năm 2014, căn cứ vào mức đồ đóng góp của dượng và nguời vợ mới để phân chia tài sản. Sau đó, phần tài sản của dượng bạn sẽ được chia cho dì của bạn một phần (vì dì của bạn là vợ hợp pháp của dượng bạn, tài sản dượng bạn có trong quá trình hôn nhân). Việc chia này căn cứ theo Khoản 2, Điều 59,Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
– Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
– Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
– Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
Xem thêm: Đòi lại đất được thừa kế nhưng không chia cách đây hơn 30 năm được không?
– Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Sau đó phần còn lại sẽchia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 676, Bộ luật dân sự năm 2005 ( bao gồm dì của bạn và những người con của dượng bạn) như sau:
“Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật thừa kế qua tổng đài: 1900.6568
Nếu di sản thừa kế mà dượng bạn để lại là tài sản riêng của dượng bạn, thì phần tài sản của dượng bạn sẽ được chia cho dì của bạn theo nguyên tắc quy định tại Khoản 2, Điều 59,Luật hôn nhân gia đình năm 2014 , sau đó phần còn chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 676, Bộ luật dân sự năm 2005 ( bao gồm dì của bạn và những người con của dượng bạn) và người vợ mới của dượng bạn không có quyền được nhận di sản thừa kế.