Sự khác nhau giữa hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai

Đặc điểm của hợp đồng tương lại? Ưu nhược điểm của hợp đồng tương lai? Sự khác nhau giữa hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai?

Hợp đồng tương lai là loại chứng khoán phái sinh, được các nhà đầu tư sử dụng rộng rãi trong trên các thị trường đầu tư. Khi có cái nhìn tổng quan về hợp đồng tương lai, các nhà đầu tư sẽ nắm bắt được các cơ hội đầu tư trên thị trường phái sinh để từ đó lập cho mình chiến lược đầu tư phù hợp. Bài viết này sẽ cung cấp cho người đọc những thông tin cơ bản và toàn diện về hợp đồng tương lại.

1. Đặc điểm của hợp đồng tương lai:

Nắm rõ về hợp đồng tương lai giúp nhà đầu tư có nhiều lợi thế khi tham gia vào thị trường chứng khoán phái sinh tốt hơn.

- Tính chuẩn hóa:

Hợp đồng tương lai là một công cụ được niêm yết và giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán phái sinh. Vì vậy, đặc điểm hợp đồng tương lai là các điều khoản của hợp đồng đều được chuẩn hóa.

Cụ thể, một hợp đồng tương lai sẽ phải tuân thủ theo các quy định cụ thể được quy định bởi sở giao dịch nơi niêm yết hợp đồng tương lai, như: loại và chất lượng tài sản cơ sở, quy mô của hợp đồng (số lượng tài sản cơ sở giao dịch tương ứng với một hợp đồng), cách thức giao – nhận cũng như thanh toán giữa hai bên khi hợp đồng đáo hạn…

- Bù trừ và ký quỹ:

Hợp đồng tương lai yêu cầu các bên tham gia thực hiện ký quỹ để:

  • Đảm bảo việc thanh toán mang tính bắt buộc.
  • Thanh toán và bù trừ theo giá thực tế hằng ngày và sẽ thông báo lỗ lãi vào tài khoản ký quỹ của nhà đầu tư theo giá thực tế và gọi ký quỹ bổ sung khi cần. Do đó làm giảm rủi ro mất khả năng thanh toán của các bên tham gia.

- Được niêm yết:

Được niêm yết và tiêu chuẩn trên Sở giao dịch chứng khoán phái sinh, vì vậy hợp đồng tương lai được chuẩn hóa về điều khoản, giá trị, khối lượng của tài sản cơ sở,..

- Đòn bẩy tài chính:

Khi tham gia thị trường hợp đồng tương lai nhà đầu tư có khả năng thu được những khoản lợi nhuận ấn tượng chỉ với một số tiền đầu tư ban đầu không lớn.

Một nhà đầu tư muốn mua hay bán hợp đồng tương lai chỉ cần đáp ứng yêu cầu ký quỹ với tính chất là khoản cam kết tài chính đảm bảo thực hiện hợp đồng.

- Tính cam kết về việc thực hiện nghĩa vụ trong tương lai:

Khi giao dịch hợp đồng tương lai, cả hai bên giữ vị thế mua và bán của hợp đồng đều bị ràng buộc bởi những quyền và nghĩa vụ nhất định. Cụ thể, khi đáo hạn hợp đồng tương lai, bên bán có nghĩa vụ giao một khối lượng tài sản cơ sở xác định cho bên mua và có quyền được nhận tiền từ bên mua còn bên mua có nghĩa vụ trả tiền theo thỏa thuận trong hợp đồng tương lai và nhận tài sản chuyển giao từ bên bán.

- Dễ đóng vị thế:

Nhà đầu tư tham gia hợp đồng tương lai có thể thực hiện đóng vị thế bất cứ lúc nào bằng cách tham gia vị thế ngược đối với hợp đồng tương lai tương tự. Từ đó, giúp người sử dụng hợp đồng tương lai linh hoạt trong việc sử dụng vốn.

- Tính thanh khoản:

Căn cứ vào các điều khoản trong hợp đồng, nhà đầu tư tham gia vào thị trường mua bán hợp đồng tương lai đều biết được trước một cách rõ ràng họ có thể (hoặc sẽ) mua – bán cái gì, cách thức giao dịch vào thời điểm nào trong tương lai. Các NĐT có thể mở và đóng vị thế khi cần một cách dễ dàng. Từ đó làm cho thị trường hợp đồng tương lai có tính thanh khoản rất cao, và biến hợp đồng tương lai thành công cụ thuận lợi cho các nhà đầu tư sử dụng vào những mục đích khác nhau.

2. Ưu điểm và nhược điểm của hợp đồng tương lai:

Hợp đồng tương lai được chọn là sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên trên thị trường Việt Nam bởi những ưu và nhược điểm sau đây:

- Ưu điểm:

+ Cho phép giao dịch

Không giống như những sản phẩm chứng khoán khác người mua phải mất 3 ngày chứng khoán mới về tài khoản. Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu cho phép giao dịch T0, có nghĩa là sau khi nhà đầu tư đã mua hoặc bán cổ phiếu thì ngay trong ngày giao dịch, có thể bán hoặc mua một lượng tương đương.

+ Cơ hội sinh lời

Hợp đồng tương lai cổ phiếu cho phép các nhà đầu tư quản lý rủi ro biến động giá một cách hiệu quả. Bằng cách bán sản phẩm này, nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu trên thị trường cơ sở có thể hạn chế thua lỗ khi thị trường này có dấu hiệu đi xuống.

Không những thế nhà giao dịch còn có thể sử dụng công cụ tài chính này để đầu cơ kiếm lời từ giá mua/bán trên thị trường. Khi giá của hợp đồng tương và giá của tài sản cơ sở của hợp đồng có sự chênh lệch, nhà đầu tư có thể dễ dàng nhận được một khoản tiền lời do chênh lệch giá mà không cần phải bỏ ra bất kỳ một chi phí nào.

+ Không mất phí vay Margin

Để được mở vị thế giao dịch hợp đồng tương lai nhà đầu tư chỉ phải mất một khoản tiền nhỏ ban đầu, số tiền này được xem như một khoản đặt cọc để đảm bảo cho những khoản lỗ phát sinh có thể xảy ra đối với vị thế hợp đồng đang nắm giữ trong ngày giao dịch. Ngoài ra, nhà đầu tư không phải chịu thêm bất cứ một khoản lãi vay nào phát sinh từ số dư ký quỹ trong tài khoản.

+ Đòn bẩy cao

Khi tham gia giao dịch hợp đồng tương lai nhà đầu tư có khả năng thu được những khoản lợi nhuận hấp dẫn chỉ với một số tiền ký quỹ rất nhỏ ban đầu. Lợi thế đòn bẩy của hợp đồng tương lai đem đến lợi nhuận hết sức ấn tượng. Đó chính là một trong những điểm thu hút nhà đầu tư của hợp đồng tương lai.

+ Tính thanh khoản cao

Hợp đồng tương lai được niêm yết, chuẩn hóa và giao dịch tập trung trên sở giao dịch chứng khoán. Vì cả người mua và người bán đều tập trung cho nên tạo ra khả năng thanh khoản cao nhất. Bên cạnh đó, khi căn cứ vào các điều khoản của hợp đồng nhà đầu tư biết trước một cách rõ ràng họ có thể mua/bán cổ phiếu gì, vào thời điểm nào và giao dịch đó được thực hiện ra sao, điều này giúp thị trường minh bạch và tăng thanh khoản cao hơn.

- Nhược điểm:

+ Phù hợp cho những nhà đầu tư lướt sóng, những người có nhiều thời gian để nghiên cứu thị trường, xem bảng điện và biểu đồ.

+Đòn bẩy tài chính là ưu điểm nổi bật tạo nên sức hấp dẫn cho hợp đồng tương lai nói riêng và chứng khoán phái sinh nói chung. Tuy nhiên, hiệu ứng đòn bẩy sẽ chỉ sinh lời trong thực tế nếu dự báo (hay kỳ vọng) của nhà đầu tư hợp đồng tương lai đúng với chiều hướng biến động giá tài sản cơ sở. Trong trường hợp biến động về giá tài sản cơ sở trên thị trường không đúng với dự đoán, thua lỗ sẽ xuất hiện và do tác động đòn bẩy, mức độ thua lỗ tính theo tỷ lệ phần trăm số tiền ký quỹ ban đầu sẽ lớn hơn rất nhiều.

3. Sự khác nhau giữa hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai:

Tiêu chí

Hợp đồng kỳ hạn

Hợp đồng tương lai

Khái niệm

Là một hợp đồng giữa bên mua và bên bán về việc giao dịch một loại tài sản cơ sở tại một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá được xác định trước.

Là một hợp đồng chuẩn hóa giữa bên bán và bên mua về việc giao dịch một tài sản cơ sở tại một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá xác định trước.

Tiêu chuẩn hóa hợp đồng

- Không cần chuẩn hóa điều khoản, giá trị, khối lượng của tài sản cơ sở.

- Tài sản cơ sở của HĐKH có thể là bất kỳ loại tài sản nào.

- Được niêm yết và tiêu chuẩn trên Sở giao dịch chứng khoán phái sinh.

- HĐTL được chuẩn hóa về điều khoản, giá trị, khối lượng của tài sản cơ sở,..

Được giao dịch, niêm yết

- Giao dịch trên thị trường OTC.

- Không niêm yết và giao dịch trên thị trường tập trung do tính thanh khoản của HĐKH thấp hơn HĐTL.

Được niêm yết trên thị trường tập trung.

Thời điểm thanh toán hợp đồng

Hai bên sẽ thanh toán vào thời điểm giao hàng.

Thanh toán lỗ lãi hàng ngày.

Rủi ro

Rủi ro của hợp đồng kỳ hạn cao hơn hợp đồng tương lai do tính thanh khoản thấp hơn.

Sở giao dịch tạo ra tính thanh khoản cao cho thị trường hợp đồng tương lai, giúp cho các đối tác tham gia vào hợp đồng tương lai thực hiện các nghĩa vụ của họ có hiệu quả hơn so với khi tham gia vào hợp đồng kỳ hạn.

Tài sản thế chấp

Có thể là bất kỳ loại tài sản nào.

Được chuẩn hóa về điều khoản, giá trị, khối lượng của tài sản cơ sở,..

Tính thanh khoản hợp đồng

Thanh khoản thấp hơn HĐTL

Sự tồn tại của công ty thanh toán bù trừ và sự thuận lợi của việc giao dịch qua sở khiến cho tính thanh khoản của các hợp đồng tương lai cao hơn nhiều so với các hợp đồng kỳ hạn.

Đóng vị thế

Nhà đầu tư tham gia hợp đồng kỳ hạn có thể thực hiện đóng vị thế bằng cách tham gia vị thế ngược đối với hợp đồng kỳ hạn tương tự.

- Dễ dàng đóng vị thế: nhà đầu tư có thể đóng vị thế bất cứ lúc nào bằng cách tham gia vị thế ngược đối với HĐTL tượng tự.

- Từ đó giúp người sở hữu HĐTL linh hoạt trong việc sử dụng nguồn vốn.

Bù trừ và ký quỹ

Không cần thực hiện ký quỹ.

- Yêu cầu các bên tham gia thực hiện ký quỹ để đảm bảo việc thanh toán mang tính bắt buộc.

- HĐTL được thanh toán và bù trừ theo giá thực tế hằng ngày và sẽ thông báo lỗ lãi vào tài khoản ký quỹ của nhà đầu tư theo giá thực tế và gọi ký quỹ khi cần bổ sung.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )