Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam là gì? Nhiệm vụ và quyền hạn

Hiện nay với sự phát triển của ngành thông tin và truyền thông ngày càng đóng vai trò lớn, theo đó cần có các giải pháp để phát triển An toàn thông tin Việt Nam và quản lý dữ liệu thông tin một cách hiệu quả nhất. Trong đó chúng ta phải kể tới sự đóng góp của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam.

1. Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam là gì?

Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện phi lợi nhuận của:

” Những cá nhân, tổ chức làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, ứng dụng và phát triển an toàn thông tin (ATTT); Những người có quan tâm, có đóng góp, tạo điều kiện cho sự nghiệp khoa học công nghệ và phát triển các ứng dụng trong lĩnh vực ATTT theo nhu cầu cuộc sống và định hướng chiến lược về ATTT của nhà nước Việt Nam”.

Trong kỷ nguyên 4.0, chuyển đối số là điều tất yếu mà mọi quốc gia trên thế giới đều đang hướng tới. Tại Việt Nam, năm 2021 được coi là năm Chuyển đổi số quốc gia với việc triển khai mạnh mẽ các công nghệ như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật…. Trong quá trình phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số… của đất nước, việc thiết lập ra môi trường mạng an toàn để Chính phủ, doanh nghiệp và người dân sử dụng có vai trò hết sức quan trọng. Đây là điều kiện cơ bản, là yếu tố sống còn để thực hiện thành công chuyển đổi số Quốc gia.

Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam trong tiếng Anh được gọi là: Vietnam Information Security Association – VNISA.

2. Nhiệm vụ chính của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam:

Căn cứ theo quy định tại Điều 6: Nhiệm vụ chính của Hiệp hội tại Điều lệ VNISA có quy định như sau:

“1. Khuyến khích và giúp đỡ hội viên nâng cao trình độ nghiệp vụ và ứng dụng kĩ thuật, công nghệ ATTT bằng nhiều hình thức khác nhau như mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên đề, các câu lạc bộ an toàn thông tin từng lĩnh vực, tặng các giải thưởng ATTT.

2. Động viên hội viên luôn giữ gìn lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp, phục vụ lợi ích của xã hội, phát huy tinh thần tích cực và khả năng sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển ứng dụng an toàn thông tin, đem những thành tựu của công nghệ ATTT phục vụ công cuộc xây dựng đất nước;

Đồng thời giúp đỡ, bảo vệ mọi quyền lợi chính đáng của các hội viên trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.

3. Tổ chức và giúp đỡ các hoạt động liên kết kinh tế – khoa học và các ứng dụng ATTT góp phần giải quyết việc làm cho các hội viên.

4. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học về ATTT trong hội viên và nhân dân. Khuyến khích động viên, khen thưởng kịp thời các thành tích hoạt động sáng tạo của hội viên.

5. Thực hiện chức năng tư vấn phản biện và giám định về ATTT theo yêu cầu, đóng góp ý kiến với các cơ quan nhà nước về những chủ trương, cơ chế chính sách, các dự án liên quan đến ATTT. Tư vấn, đánh giá công cụ, giải pháp ATTT.

6. Hợp tác với các hội hoạt động trong lĩnh vực ATTT ở nước ngoài về ATTT theo qui định của pháp luật.

Khuyến khích và tạo điều kiện cho hội viên gặp gỡ, trao đổi và hợp tác với các tổ chức ATTT quốc tế. Tập hợp và động viên các chuyên gia ATTT Việt Nam ở nước ngoài tham gia nghiên cứu, ứng dụng và kinh doanh dịch vụ về ATTT tại Việt Nam.

7. Liên hệ mật thiết với các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội khác để đề đạt ý kiến về chính sách xây dựng và phát triển lĩnh vực ATTT trong từng giai đoạn.

Tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, các dự án ứng dụng ATTT. Tham gia các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực ATTT khi được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

8. Phối hợp với cơ quan quản lí nhà nước trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và chính sách quốc gia về ATTT khi có yêu cầu.

Động viên tiềm lực tình nguyện của hiệp hội tham gia các hoạt động đảm bảo ATTT của quốc gia, hỗ trợ các cơ quan chức năng của Nhà nước khi có yêu cầu, đặc biết trong các trường hợp khẩn cấp liên quan đến ATTT mà có ảnh hưởng lớn về kinh tế – xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước”.

Như vậy căn cứ theo quy định này ta thấy pháp luật đẫ đề ra rất cụ thể về Nhiệm vụ chính của Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam. Theo đó gồm có 08 nhiệm vụ cần được thực hiện theo đúng quy định. Trên thực tế có thể thấy  một số hoạt động chưa được triển khai đúng dự kiến do tình hình dịch bệnh Covid-19; nguồn lực cho các hoạt động phục vụ cộng đồng như các cuộc thi sinh viên với ATTT, ASEAN vẫn còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ; chưa phát huy được hết sức mạnh của Ban Chấp hành và hội viên Hiệp hội trong góp ý xây dựng chính sách nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin; cần đảm bảo và duy trì hoạt động của Hiệp hội, tạo môi trường gắn kết hội viên phong phú và hiệu quả.

Để tiếp tục phát huy vai trò và khắc phục những hạn chế kể trên, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên trong tương lai chúng tôi cho rằng Hiệp hội sẽ tiếp tục triển khai hoạt động theo tôn chỉ, mục đích và Nghị quyết Đại hội III của VNISA đề ra; đẩy mạnh các giải pháp nhằm phát triển hội viên và phát huy quyền lợi của hội viên.

3. Quyền hạn của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam:

Căn cứ theo quy định tại Điều 7: Quyền hạn và trách nhiệm của hiệp hội tại Điều lệ VNISA có quy định như sau:

1. Đại diện cho thành viên của hiệp hội trong các hoạt động có liên quan đến tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam.

2. Xuất bản ấn phẩm các loại về ATTT theo quy định của pháp luật. Tổ chức thông tin khoa học kỹ thuật về ATTT.

3. Hoạt động kinh tế theo quy định của pháp luật thông qua việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong lĩnh vực ATTT. Được gây quỹ  của hiệp hội trên cơ sở hội phí của hội viên và các nguồn thu từ hoạt động dịch vụ triển khai theo quy định của pháp luật để tự trang trải kinh phí hoạt động.

4. Được gia nhập làm thành viên của các hội quốc tế, khu vực trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động của hiệp hội theo quy định của pháp luật. Thực hiện việc hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật.

5. Được thành lập các tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc hội theo quy định của pháp luật.

6. Chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc tuân thủ pháp luật và điều lệ hiệp hội. 

Như vậy căn cứ dựa trên quy định này ta thấy về quyền hạn của hội đã được quy định một cách rất cụ thể và chi tiết, theo đó hội Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam có những quyền hạn cụ thể được quy định được phép và có quyền thực hiện theo quy định.

Trên thực tế với ta thây hiện nay với sự bùng nổ của ngành công nghệ thông tin thì vấn đề bảo mật và an toàn thông tin đã trở thành yếu tố hết sức quan trọng và cấp thiết. Theo tình hình thực tế căn cứ dựa vào đó mà Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (viết tắt là VNISA) đã ra đời và là tổ chức xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực bảo mật thông tin được nhà nước Việt Nam công nhận.

Ngoài ra chúng ta cũng biết tới VNISA hoạt động tập hợp các cá nhân, tổ chức làm công tác nghiên cứu giảng dạy, ứng dụng và phát triển an toàn thông tin hướng tới mục tiêu là nhằm hướng dẫn thực hiện các chủ trương đường lối của nhà nước trong việc ứng dụng và phát triển kỹ thuật, công nghệ, an toàn thông tin, đưa ra đề xuất, khuyến nghị với cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ chế chính sách phát triển ngành. Cu thể Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực:

+ Chuyên tổ chức tư vấn và đào tạo chuyên sâu cho các tổ chức, cá nhân về giải pháp và ứng dụng trong lĩnh vực an toàn thông tin.

+ Tổ chức các cuộc thi, trình diễn quốc gia về an toàn thông tin.

+ Dịch vụ tư vấn và phản biện về an toàn thông tin.

+ Dịch vụ đánh giá về an ninh và bảo mật thông tin.

+ Tổ chức các sự kiện, hội thảo, tọa đàm, báo cáo các chuyên đề về lĩnh vực an toàn thông tin.

+ Tiến hành điều tra về an toàn thông tin toàn quốc.

+ Chủ trì hợp tác với các hội, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có liên quan để trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, cùng giúp đỡ nhau không ngừng đẩy mạnh ứng dụng và phát triển lĩnh vực an toàn thông tin.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )