Giá trị sản xuất thương mại là gì? Khác biệt giữa doanh nghiệp thương mại và sản xuất

Giá trị sản xuất thương mại là một trong các chỉ tiêu tính bằng giá trị thuộc hệ thống các chỉ tiêu thống kê kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Khác biệt giữa doanh nghiệp thương mại và sản xuất?

Giá trị sản xuất là một trong những nội dung được các doanh nghiệp hay các nhà quản lý cực kỳ chú trọng, nó biểu thị sự phát triển hay thụt lùi của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các phương án giải quyết. Giá trị sản xuất được chia thành nhiều loại căn cứ vào các ngành cụ thể và một trong những loại đó có "giá trị sản xuất thương mại".

1. Giá trị sản xuất thương mại là gì?

Giá trị sản xuất là biểu hiện bằng tiền toàn bộ giá trị của các kết quả hoạt động lao động hữu ích do lao động của doanh nghiệp làm ra trong một thời kỳ nhất định, thường là một năm. Do mỗi ngành sản xuất đều có những đặc điểm riêng nên nội dung cụ thể tính giá trị sản xuất trong từng ngành cũng có điểm khác nhau.

Định nghĩa về giá trị sản xuất thương mại không thực sự phổ biến trong các tài liệu, theo Thống kê kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Trường Đại học Xây dựng miền Trung: "Giá trị sản xuất thương mại là hoạt động thương mại làm tăng giá trị của hàng hoá trong quá trình lưu chuyển từ nơi sản xuất đến nơi sử dụng cuối cùng." Như vậy, giá trị sản xuất thương mại là "hoạt động nhằm mục đích sinh lời" và được biểu hiện thông qua một con số cụ thể.

Giá trị sản xuất thương mại là một trong các chỉ tiêu tính bằng giá trị thuộc hệ thống các chỉ tiêu thống kê kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Phương pháp tính giá trị sản xuất thương mại:

- Phương pháp 1:

Công thức: Giá trị sản xuất thương mại = chi phí lưu thông + Lãi + thuế

- Phương pháp 2:

Công thức: Giá trị SX thương mại = Doanh số bán ra trong kỳ - trị giá vốn hàng hoá bán ra

2. Khác biệt giữa doanh nghiệp thương mại và sản xuất:

Hoạt động kinh tế chủ yếu của doanh nghiệp thương mại là mua và bán hàng hoá nhằm thu lợi nhuận và thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội khác của doanh nghiệp. Hoạt động của doanh nghiệp thương mại có những đặc điểm khác với các doanh nghiệp sản xuất, những điểm khác biệt đó là:

* Mua bán hàng hoá: Là hình thức trao đổi tiền - hàng giữa người mua với người bán, qua đó quyền sở hữu thay đổi, hàng hoá chuyển từ người bán sang người mua và tiền chuyển từ người mua sang người bán, nói cách khác người mua nhận hàng, người bán nhận tiền. Thống kê quy định các trường hợp cụ thể sau đây được coi là mua bán hàng hoá.

-  Bên bán đã trao hàng, bên mua đã nhận hàng nhưng vì lý do nào đó bên mua chưa thanh toán tiền cho bên bán.

- Hàng gởi bán được coi là hàng bán khi thực tế đã bán.

- Doanh thu về gia công sửa chữa vật phẩm tiêu dùng, cũng được coi là hoạt động bán hàng hoá

Các trường hợp sau đây không được coi là mua bán hàng hoá:

- Bên mua đã thanh toán tiền cho bên bán, bên bán đã nhận tiền nhưng hai bên chưa giao nhận hàng.

- Tổn thất, mất mát, hao hụt và dôi thừa hàng hoá trong quá trình kinh doanh.

- Trả lại hàng hoá nhận bán hộ cho chủ hàng hoặc giao số hàng hoá đó cho đơn vị khác theo yêu cầu của chủ hàng.

* Bán lẻ:Lưu chuyển hàng hoá bán lẻ là việc bán hàng hoá trực tiếp cho người tiêu dùng để tiêu dùng vào nhu cầu cá nhân, hoặc các nhu cầu khác không có tính chất sản xuất; lưu chuyển hàng hoá bán lẻ là khâu cuối cùng của quá trình lưu chuyển hàng hoá. Tuy nhiên trong điều kiện thực tế hiện nay, việc phân biệt bán lẻ hay bán buôn theo mục đích sử dụng là khó khăn. Do vậy, qui ước toàn bộ hàng hoá bán tại các quày hàng được coi như là hàng hoá bán lẻ.

* Bán buôn(sỉ):Lưu chuyển hàng hoá bán buôn là việc giao dịch hàng hoá nhằm mục đích tiếp tục chuyển bán hoặc tiêu dùng cho sản xuất. Những trường hợp sau đây được hạch toán là bán buôn:

- Bán hàng cho các đơn vị sản xuất để sử dụng cho sản xuất

- Bán hàng cho các đơn vị thương mại khác để tiếp tục chuyển bán.

- Bán hàng cho các ngành ngoại thương để xuất khẩu.

Những trường hợp sau đây không được hạch toán vào bán buôn

- Tổn thất, hao hụt trong quá trình sản xuất kinh doanh.

- Bán các loại bao bì, phế liệu thu nhặt.

- Bán hàng cho các đơn vị sản xuất dùng cho nhu cầu tập thể.

- Điều động hàng hoá trong nội bộ doanh nghiệp.

* Hàng hoá tồn kho:Hàng hoá tồn kho là một bộ phận sản phẩm xã hội; nhưng đã tách khỏi quá trình sản xuất đi vào lĩnh vực tiêu dùng, còn nằm lại ở khâu lưu thông dưới dạng dự trữ nhằm bảo đảm cho việc luân chuyển hàng hoá được tiến hành một cách liên tục. Hàng hoá tồn kho của doanh nghiệp thương mại bao gồm:

- Hàng hoá tồn kho tại khâu lưu thông, bao gồm hàng hoá tại kho cửa hàng, quầy hàng, trạm thu mua, hàng hoá bị trả lại còn nhờ bên mua giữ hộ, hàng gởi bán hộ.

- Hàng hoá tồn kho trong gia công, bao gồm hàng hoá nguyên liệu (kể cả sản phẩm dở dang) của đơn vị hiện còn nằm tại các cơ sở sản xuất, gia công chế biến chưa thu hồi.

- Hàng hoá đang trên đường vận chuyển bao gồm hàng hoá của đơn vị đang trên đường vận chuyển.

Phân tích kỹ hơn về doanh nghiệp sản xuất để thấy rõ được sự khác biệt:

Sản xuất ra của cải vật chất là điều kiện tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Sản xuất là quá trình làm ra sản phẩm để sử dụng, hay để trao đổi trong thương mại. Quyết định sản xuất dựa vào các vấn đề chính sau: Sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào? Sản xuất cho ai? Giá thành sản xuất và làm thế nào để tối ưu hóa việc sử dụng và khai thác các nguồn lực cần thiết làm ra sản xuất.

Bất kỳ một doanh nghiệp sản xuất nào muốn sản xuất cũng cần phải có 3 yếu tố đó là: tư liệu lao động, đối tượng lao động và lao động: “Doanh nghiệp là một tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng kí thành lập theo quy định của Pháp luật nhằm mục đích kinh doanh” [35].

Doanh nghiệp sản xuất là doanh nghiệp sử dụng các nguồn lực kinh tế kết hợp với công nghệ hợp lý để sản xuất ra sản phẩm cung cấp trên thị trường. Mục tiêu của doanh nghiệp là tìm kiếm lợi nhuận, cung cấp sản phẩm, hàng hóa dịch vụ, tiếp tục phát triển, ngoài ra còn có trách nhiệm với xã hội. Với mục tiêu là lợi nhuận doanh nghiệp sẽ bù đắp chi phí, những rủi ro gặp phải để tiếp tục phát triển. Nếu không có lợi nhuận doanh nghiệp không thể trả công cho người lao động, duy trì việc làm lâu dài cho người lao động cũng như không thể cung cấp lâu dài hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng và cộng đồng.

Hoạt động của doanh nghiệp sản xuất gồm các đặc điểm sau:

- Các công việc được thực hiện theo thứ tự để tạo ra các sản phẩm trên cơ sở kết hợp: nguyên vật liệu, nhân công, máy móc thiết bị, năng lượng và các yếu tố khác.

- Các chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất sản phẩm bao gồm: Chi phí nguyên vật liệu, nhiên liệu, chi phí nhân công, chi phí khấu hao máy móc thiết bị, chi phí quản lý và điều hành sản xuất.

Vấn đề đặt ra với các doanh nghiệp sản xuất là tiết kiệm tối ưu các nguồn lực, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm. Muốn vậy thì các doanh nghiệp phải quản lý tốt các vấn đề trên, kế toán một công cụ quản lý kinh tế hữu hiệu cần phải được chú trọng.

Quản lý doanh nghiệp sản xuất là một hoạt động tác động đến hành vi có ý thức của người lao động và tập thể người lao động, qua đó tác động đến yếu tố vật chất, kỹ thuật của sản xuất kinh doanh nhằm đạt được mục tiêu đề ra của doanh nghiệp. Thực chất của quản lý doanh nghiệp là quản lý con người, bởi vì con người là một trong ba yếu tố của quá trình sản xuất. Trong mọi hệ thống sản xuất, con người luôn giữ vị trí trung tâm và có ý nghĩa quyết định. Quản lý con người gồm nhiều chức năng phức tạp. Bởi vì, con người chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: sinh lý, tâm lý, xã hội... Các yếu tố này luôn có sự hỗ trợ qua lại, tác động nhau hình thành nhân cách mỗi con người. Trong các doanh nghiệp sản xuất, quản lí kinh tế là một chức năng quan trọng trong hoạt động quản lí và điều hành chung của doanh nghiệp cũng như quản lí sản xuất, quản lí chi phí, quản lí việc sử dụng vốn, quản lí nhân sự, quản lí công nghệ, dây truyền sản xuất, quản lí lợi nhuận và phân phối lợi nhuận.

Trên cơ sở phân tích doanh nghiệp thương mại và doanh nghiệp sản xuất, cũng như sự khác biết giữa chúng, tác giả nhận thấy rằng, các doanh nghiệp cần phù thuộc vào các đặc trưng của mình để đưa ra phương án thích hợp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, mang lại nguồn lợi nhuận cho chính mình. Việc phân biệt giữa doanh nghiệp thương mại và doanh nghiệp sản xuất thực tế không có quá nhiều ý nghĩa dưới góc độ pháp lý, nhưng là cách để người đọc dễ hình dung hơn và tin rằng, giữa chúng có những nét tương đồng và khác biệt.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )