Ép buộc trong kinh doanh là gì? Nội dung và chủ thể của hành vi

Ép buộc trong kinh doanh là gì? Nội dung của hành vi? Chủ thể thực hiện hành vi ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác? Trách nhiệm của các chủ thể thực hiện hành vi ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác?

Cạnh tranh là khái niệm rất rộng, xuất hiện trong hầu hết các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Hành vi ép buộc trong kinh doanh là một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh phổ biến, nó đẩu những cạnh tranh lên quá nức, vượt khỏi giới hạn của thị trường và xã hội. Để tìm hiểu hơn về hành vi ép buộc trong kinh doanh, dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin về vấn đề này.

1. Ép buộc trong kinh doanh là gì? Nội dung của hành vi:

Ép buộc trong kinh doanh được đề cập đến trong phạm vi pháp luật cạnh tranh đó chính là hành vi ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác.

Khoản 2 Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018 quy định cấm hành vi cạnh tranh không lành mạnh dưới hình thức ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó. Đây là một trong những hành vi thường xuyên diễn ra mang bản chất cạnh tranh không lành mạnh thể hiện rõ nét nhất giữa các đối thủ cạnh tranh. Đây cũng là quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh được giữ nguyên, không có sự thay đổi về nội dung được quy định tại Điều 42, Luật Cạnh tranh năm 2004.

Với quy định pháp luật "Ép buộc khách hàng đối, tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó"

Dấu hiệu đặc trưng của hành vi này được thể hiện qua các nội dung chính sau đây :

Thứ nhất, đặc trưng về hành vi ép buộc đó là hành vi buộc người tiêu dùng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác có biểu hiện khách quan là gây áp lực bằng việc đe dọa hoặc cưỡng ép khiến chủ thể bị gây áp lực phải hành động theo ý chí của chủ thể vi phạm. Đây là hành vi dù không tác động trực tiếp đến đối thủ cạnh tranh, thể hiện rõ tinh chất trái chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh nhưng hệ quả của hành vi này lại tác động trực tiếp đến đối thủ cạnh tranh.

Thứ hai, đặc trưng về hậu quả của hành vi gây ra: Việc ép buộc bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép dẫn đến hậu quả là đối tượng bị đe dọa, cưỡng ép bị mất tự do ý chí, tự do hành động, không được thực hiện quyền tự do lựa chọn nhà sản xuất, nhà cung cấp, dẫn đến không thiết lập được giao dịch với nhà sản xuất, nhà cung cấp mà mình mong muốn, hoặc không tiếp tục giao dịch với nhà sản xuất, nhà cung cấp mà minh đang hợp tác. Hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến đối tượng trực tiếp bị đe dọa, cưỡng ép mà còn khiến đối thủ cạnh tranh bí mật khách hàng hoặc cơ hội kinh doanh, dẫn đến các hệ quả về tài chính, về hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, việc ngăn chặn mối quan hệ này có thể khiến khách hàng sẽ phải chuyển sang giao dịch với chính bên thực hiện hành vi vi phạm. Như vậy, hành vi ép buộc mang bản chất côn đồ trong kinh doanh, có thể gây ra những xáo trộn trong xã hội, gây ảnh hưởng lớn đến trật tự an ninh của cộng đồng, là những dấu hiệu không lành mạnh trong đời sống kinh doanh đòi hỏi pháp luật và công quyền phải thẳng tay trừng trị. Hành vi này giống như một sự “cấm vận kinh tế" đối với đối tác kinh doanh, gây cho doanh nghiệp những khó khăn trong quá trình kinh doanh hợp pháp.

Đối với hành vi ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác cần lưu ý một điều đó là sự ép buộc như vậy cần phải được phân biệt với sự thuyết phục từ phía doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh họ sẽ trao đổi và đưa ra được những lý do trung thực với khách hàng nên sử dụng và lựa chọn sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp mình, thay vì họ lại dùng các thủ đoạn cố gắng buộc khách hàng phải tiêu dùng sản phẩm mà không phải xuất phát từ ý thức tự nguyện, buộc khách hàng mất đi quyền tự do lựa chọn.

Ví dụ của hành vi có thể thấy như:

- Khi đưa sản phẩm mới ra thị trường, doanh nghiệp A yêu cầu các nhân viên của mình ngừng sử dụng sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp khác để “ủng hộ” sản phẩm của doanh nghiệp và coi đây là tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng, bổ nhiệm cán bộ trong doanh nghiệp.

- Nhân viên của một doanh nghiệp hoàn toàn có quyền là khách hàng, sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp khác theo nhu cầu riêng của họ. Do đó, hành vi của doanh nghiệp A nói trên bị coi là ép buộc trong kinh doanh, vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh.

2. Chủ thể thực hiện hành vi ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác:

Về chủ thể thực hiện hành vi ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác thì chủ thể thực hiện hành vi ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác là doanh nghiệp. Doanh nghiệp ở đây được hiểu theo nghĩa bao quát nhất, gồm mọi tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động kinh doanh trên thị trường. Các chủ thể này bao gồm cả nhân kinh doanh (bao gồm cả cá nhân kinh doanh không có đăng ký kinh doanh), các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Luật Cạnh tranh năm 2018 đã quy định về doanh nghiệp có hướng "mở" hơn rất nhiều, không thu hẹp giới hạn áp dụng cho bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực hoặc hoạt động kinh doanh của nền kinh tế quốc dân. Mở rộng thêm đối tượng áp dụng đơn vị sự nghiệp công lập (Điều 2. Đối tượng áp dụng).

Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước có liên quan cung là đối tượng điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh. Tuy nhiên, về chủ thể thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói chung và chủ thể thực hiện hành vi ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác còn thiếu sót khi chưa đề cập đến chủ thể là các doanh nghiệp nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam nhưng có hành vi cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong nước và trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, cần phải xem xét và bổ sung điều chỉnh trong luật liên quan đến các hành vi cạnh tranh không lành mạnh có yếu tố nước ngoài đối với doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở các nước có liên quan. Với những giao dịch ngoài lãnh thổ Việt Nam, nếu có bất kỳ hành vi, một thỏa thuận hay một giao dịch mua bán sáp nhập giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước được thực hiện bên trong lãnh thổ Việt Nam, hay xảy ra ở bất kỳ đâu, hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có sự tác động đáng kể đến thi trường Việt Nam thi đều bị xử lý theo quy định pháp luật của Luật Cạnh tranh năm 2018.

3. Trách nhiệm của các chủ thể thực hiện hành vi ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác:

Các chủ thể thực hiện hành vi ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác nói riêng và các chủ thể thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói chung đều phải chịu những trách nhiệm pháp lý nhất định.

Theo đó, tại Khoản 1 Điều 110, Luật Cạnh tranh năm 2018, chủ thể thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh phải có trách nhiệm bị xử phạt vi phạm hành chính và khắc phục hậu quả đối với hành vi của mình tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.  Các biện pháp trách nhiệm hành chính áp dụng đối với doanh nghiệp vi phạm hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bao gồm các biện pháp xử phạt và các biện pháp khôi phục các quyền và lợi ích đã bị xâm hại. Đối với biện pháp xử phạt, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phạt hành chính bao gồm phạt cảnh cáo và phạt tiền. Biện pháp phạt tiền được coi là biện pháp phạt chính, chủ yếu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng và là trách nhiệm chính của doanh nghiệp vi phạm.

Ngoài các biện pháp trách nhiệm hành chính mang tính chất xử phạt nói trên, còn có những biện pháp trách nhiệm hành chính mang tính chất khôi phục những quyền và lợi ích bị vi phạm hành chính xâm phạm, những biện pháp đó đồng thời nhằm ngăn chặn hậu quả mà hành vi ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác đã gây ra.

Trách nhiệm dân sự được hiểu là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác gây ra và cũng được hiểu là hình thức trách nhiệm dân sự mang tính tài sản áp dụng đối với chủ thể có hành vi vi phạm gây thiệt hại nhằm bù đắp những tổn thất về vật chất và tinh thần chi bên bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có các yếu tố thiệt hại, hành vi vi phạm gây thiệt hại, lỗi và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và sự thiệt hại mới phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Thiệt hại do hành vi ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác có thể là thiệt hại về vật chất hoặc thiệt hại về tinh thần. Những thiệt hại đó phải được chứng minh là có thật, đã xảy ra trên thực tế. Bồi thường thiệt hại là một chế định quan trọng trong việc truy cứu trách nhiệm dân sự đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói chung và hành vi ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác nói riêng.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )