Điều kiện tự nhiên của Nhật Bản? Địa hình Nhật Bản chủ yếu là?

Nhật Bản là một đất nước nổi tiếng với văn hóa, con người và nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới, mặc dù có thể nói điều kiện tự nhiên Nhật Bản không mấy thuận lợi. Vậy điều kiện tự nhiên của Nhật Bản như thế nào? Địa hình Nhật Bản chủ yếu là gì?

1. Tổng quan về đất nước Nhật Bản:

Nhật Bản (Japan – gọi tắt là Nhật – tên chính thức là Nhật Bản Quốc) là một hòn đảo ở vùng Đông Á, nằm bên sườn phía Đông của Lục Địa Châu Á. Đất nước này nằm bên rìa phía Đông của Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc và trải từ biển Okhotsk ở phía Bắc xuống biển Hoa Đông và đảo Đài Loan ở phía Nam.

Nhật Bản được gọi là đất nước phù tang hay đất nước mặt trời mọc. Theo truyền thuyết cổ phương Đông, cây dâu rỗng lòng gọi là phù tang hoặc khổng tang, là nơi thần mặt trời nghỉ ngơi trước khi tiếp tục du hành qua bầu trời từ Đông sang Tây, vì vậy phù tang có hàm ý văn chương chỉ nơi mặt trời mọc.

Bên cạnh đó, nước Nhật còn được biết đến là quần đảo núi lửa với khoảng 6.852 đảo và 186 núi lửa còn hoạt động.

2. Điều kiện tự nhiên của Nhật Bản:

2.1. Vị trí địa lý của Nhật Bản:

Vị trí địa lý Nhật Bản nằm ở phía Đông của Châu Á, phía Tây ở Thái Bình Dương. Đất nước Nhật Bản có cấu tạo chủ yếu từ bốn đảo lớn là Hokkaido, Honshu, Shikoku và Kyushu.

– Nhật Bản có tổng diện tích 377.972,75 km2, đứng thứ 61 trên toàn thế giới.

– Diện tích vùng lãnh hải: 3.091 km2.

– Tổng chiều dài của Nhật Bản là 33.889 km2.

Vị trí địa lý Nhật Bản được xác định trên bản đồ vệ tinh như sau:

– Điểm cực Đông: 24°16′59″B 153°59′11″Đ.

– Điểm cực Tây: 24°26′58″B 122°56′1″Đ.

– Điểm cực Bắc: 45°33′21″B 148°45′14″Đ.

– Điểm cực Nam: 20°25′31″B 136°04′11″Đ.

Nhìn vào bản đồ, từ vị trí của Nhật Bản ta có thế thấy được đất nước này không hề tiếp giáp với quốc gia lãnh thổ nào trên đất liền. Tuy vậy, bán đảo của Triều Tiên và bán đào SaKhalin (ở Nhật gọi là Karafuto) chỉ cách đảo Nhật Bản vài chục km.

Nhật Bản được bao bọc xung quanh bởi các vùng biển thông nhau:

– Phía Nam và phía Đông Nhật Bản tiếp giáp với biển Thái Bình Dương.

– Phía Tây Bắc giáp với Biển Nhật Bản.

– Phía Tây giáp với Biển Đông Hải.

– Phía Đông Bắc giáp với Biển Okhotsk.

– Các hòn đảo Izu, Ogasawara, Nansei được bao quanh bởi vùng biển: biển Philippines (theo cách gọi của thế giới). Nhưng ở trong các văn kiện của chính phủ Nhật Bản vẫn chỉ gọi đó là biển Thái Bình Dương.

– Còn vùng biển nằm ở giữa Honshu và Shikoku gọi là biển Seito Naikai.

2.2. Địa hình của Nhật Bản:

Địa hình núi chiếm 73% diện tích tự nhiên của Nhật Bản. Giữa các núi có những bồn địa nhỏ, các cao nguyên và cụm cao nguyên. Số lượng sông suối nhiều, nhưng độ dài của sông không lớn. Ven biển có những bình nguyên nhỏ hẹp là nơi tập trung dân cư và các cơ sở kinh tế nhất là phía bờ Thái Bình Dương.

Điểm có độ cao nhất ở Nhật Bản là đỉnh núi Phú Sĩ, cao tuyệt đối 3776m. Điểm thấp nhất ở Nhật Bản là một hầm khai thác than đá ở Hachinohe, -135m.

2.3. Khí hậu của Nhật Bản:

Nhật Bản cũng có 4 mùa rõ rệt là Xuân, Hạ, Thu, Đông như Việt Nam. Do địa hình trải dài trên nhiều vĩ tuyến từ Bắc xuống Nam nên khí hậu các vùng phân hóa khá rõ rệt, cụ thể các vùng phía Bắc có nhiệt độ trung bình thấp hơn hẳn các vùng phía Nam. Mùa xuân ở Nhật kéo dài từ tháng 3 tới tháng 5, mùa hạ từ tháng 6 tới tháng 8, mùa thu từ tháng 9 tới tháng 11, và mùa đông từ tháng 12 tới hết tháng 2.

Ở Nhật Bản, nhiệt độ mùa đông và mùa hạ chênh nhau lên đến 30 độ. Vào mùa hạ, nhiệt độ và độ ẩm tương đối cao, những người không quen với khí hậu ở đây có thể cảm thấy khó chịu. Vào mùa xuân và mùa thu khí hậu rất thoải mái dễ chịu nhưng thời tiết cũng thường xuyên thay đổi.

Vào đầu mùa hạ, ngoại trừ Hokkaido ra thì các vùng khác thường có mưa nhiều từ tháng Sáu đến giữa tháng Bảy. Mùa thu ở Nhật Bản cũng tương đối có nhiều mưa. Có một điều đáng chú ý là từ giữa mùa hạ đến đầu mùa thu, ở vùng phía tây của Bắc Thái Bình Dương có nhiều cơn bão phát sinh đổ bộ vào Nhật Bản, đôi khi gây ra nhiều thiệt hại lớn. Ngoài ra các dãy núi chạy dọc chiều dài Nhật Bản phân chia đất nước thành hai phần, bao gồm: phần biển Nhật Bản và phần Bắc Thái Bình Dương. Khí hậu Nhật Bản vào mùa đông sẽ có nhiều tuyết rơi, đây cũng chính là điểm vô cùng đặc trưng của đất nước Nhật Bản.

Nhật Bản có hơn 300 đảo trải dài từ Bắc tới Nam, hình thành nhiều chuỗi các hòn đảo, địa hình nhiều đồi núi chiếm tới 70-80 % là những địa hình không phù hợp cho việc làm nông nghiệp, cư trú và phát triển công nghiệp.

Sự phân bố địa hình rõ rệt từ Bắc tới Nam khiến cho khí hậu Nhật Bản cũng chia thành từng phần rõ rệt hơn. Ở Nhật Bản có 6 vùng khí hậu phổ biến:

– Hokkaido khí hậu ở miền Bắc phần lớn ôn hòa, mùa đông lạnh, tuyết rơi nhiều. Thời gian du lịch đẹp nhất là vào cuối mùa hè và mùa thu. Nếu như bạn đam mê trượt tuyết, tham dự các lễ hội tuyết thì nên tới Hokkaido vào mùa đông.

– Biển Nhật Bản khu vực đảo Honshu, gió Tây Bắc mùa hè mát mẻ nhưng mùa đông thì tuyết rơi rất dày đặc. Cũng có những thời điểm ở nơi đây gió Phơn rất nóng bức.

– Khu vực trung tâm mang khí hậu lục địa điển hình, có sự khác nhau nhẹ giữa khí hậu mùa hè và mùa đông và ở đây mưa ít.

– Khu vực biển nội địa được các ngọn núi Chugoku và Shikoku chắn khỏi các cơn gió mùa nên khiến cho khí hậu dịu mát cả năm.

– Bờ biển phía Đông thuộc Thái Bình Dương, gió lạnh và ít tuyết, mùa hè thì nóng ẩm.

– Quần đảo Ryukyu có khí hậu cận nhiệt đới, với mùa đông ấm, mùa hè nóng. Lượng mưa nặng, đặc biệt là vào mùa mưa. Bão ở mức bình thường.

2.4. Tài nguyên thiên nhiên của Nhật Bản:

Nhật Bản là quốc gia có rất ít tài nguyên thiên nhiên. Các khoáng sản như quặng sắt, đồng đỏ, kẽm, chì, bạc và các tài nguyên năng lượng quan trọng như dầu mỏ, than đều phải nhập khẩu. Địa hình và khí hậu Nhật Bản khiến cho người nông dân gặp rất nhiều khó khăn, và vì ở Nhật Bản chỉ trồng cấy được một số cây trồng như lúa gạo nên khoảng một nửa số lương thực phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Nhật Bản có tất cả chín vùng sinh thái rừng để phản ánh rõ khí hậu, địa lý của cả đảo. Chúng bao gồm từ rừng ẩm lá rộng cận nhiệt ở Ryūkyū và quần đảo Oqasawara đến các khu rừng hỗn hợp lá rộng ôn đới trong nền khí hậu nhẹ của các đảo chính, và đến với các rừng lá kim ôn đới ở những phần lãnh thổ lạnh lẽo thuộc những hòn đảo ở miền Bắc. Nhật Bản có hơn 90.000 loài động vật hoang dã, trong đó có các loài động vật như gấu nâu, khỉ Nhật Bản, lửng chó Nhật Bản và kỳ giông khổng lồ Nhật Bản.

Nhật Bản đã thành lập một mạng lưới lớn các vườn quốc gia nhằm bảo vệ các quần động vật và thực vật quan trọng cũng như 37 vùng đất ngập nước ngập Ramsar. Trong đó có bốn địa điểm đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vì có giá trị nổi bật về mặt thiên nhiên.

3. Điều kiện tự nhiên đã tạo ra những thuận lợi và khó khăn gì cho Nhật Bản:

3.1. Thuận lợi:

Vị trí địa lí:

Nhật bản nằm ở Đông Á, gần các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên và các nước Đông Nam Á- khu vực có nền kinh tế phát triển năng động giúp cho Nhật Bản có điều kiện giao lưu, buôn bán, mở rộng thị trường và có nguồn lao động dồi dào.

Lãnh thổ Nhật Bản cả 4 mặt đều giáp biển việc này tạo điều kiện thuận lợi cho Nhật Bạn phát triển giao thông vận tải biển, du lịch biển và khai thác khoáng sản biển. Bờ biển khúc khuỷu, bị chia cắt mạnh tạo thành nhiều vũng, vịnh thuận lợi để xây dựng các cảng biển. Tại các vùng biển quanh quần đảo Nhật Bản, nơi các dòng biển nóng và lạnh gặp nhau, tạo nên ngư trường lớn với nhiều loài cá (cá ngừ, cá thu, cá mòi, cá trích, …) giúp phát triển ngành khai thác thủy sản.

Khí hậu: Nằm trong khu vực khí hậu gió mùa, mưa nhiều. Phía Bắc có khí hậu ôn đới, phía nam có khí hậu cận nhiệt đới tạo điều kiện để đa dang hóa cơ cấu cây trồng và vật nuôi.

Sông ngòi: Sông ngòi ở Nhật Bản chủ yếu là sông nhỏ, ngắn, dốc tạo nên tiềm năng thủy điện lớn.

Khoáng sản: Có một số loại khoáng sản để phát triển công nghiệp như than đá, đồng, dầu mỏ và vàng…

3.2. Khó khăn:

Ở Nhật Bản địa hình chủ yếu là núi, đồng bằng nhỏ, hẹp nên thiếu đất nông nghiệp. Trên lãnh thổ có hơn 80 núi lửa đang hoạt động, mỗi năm có hàng nghìn trận động đất lớn, nhỏ gây ra nhiều thiệt hại về người và của.

Nằm ở vị trí địa lý đặc biệt nên ở Nhật Bản thường xuyên xảy ra các thiên tai như: động đất, sóng thần.

Nhật Bản nghèo khoáng sản do đó thiếu nguyên liệu cho phát triển công nghiệp, nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp chủ yếu phải nhập khẩu.

4. Dân cư Nhật Bản:

Nhật Bản là một quốc gia có dân số đông (Dân số hiện tại của Nhật Bản là 125.359.384 người vào ngày 11/12/2022 theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc đứng thứ 11 trên thế giới), tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên thấp và đang có xu hướng giảm dần qua các năm (năm 2021 tốc độ gia tăng dân số xuống đến -0,5%). Mật độ dân số của Nhật Bản cao và sống tập trung ở các thành phố ven biển vì nơi đây có các điều kiện để phát triển kinh tế.

Dân cư của Nhật Bản đang có xu hướng già hóa. Nếu như người già chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu dân số và tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên đang giảm dần sẽ làm cho quốc gia này mất nhiều chi phí trong an sinh xã hội (nhiều vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe cho người già), thiếu hụt nguồn lao động và suy giảm dân số. Nhiều trường học của Nhật Bản phải đóng cửa vì số trẻ em ở đây giảm đi. Một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động là Nhật Bản nhập khẩu lao động từ các quốc gia có dân số đông, có nguồn lao động dồi dào.

Nhật Bản có tuổi thọ trung bình cao trên thế giới và một trong các bí kíp sống thọ của họ là ăn nhiều cá, đặc biệt là cá biển. Người dân Nhật Bản thì có đặc tính rất cần cù, tự giác và trách nhiệm. Ở Nhật Bản nổi tiếng với văn hóa xếp hàng mà nhiều quốc gia trên thế giới phải học hỏi. Chính những đặc điểm này là động lực quan trọng của nền kinh tế, giúp nâng cao năng suât lao động và phát triển kinh tế đất nước.

5. Tình hình phát triển kinh tế Nhật Bản:

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế Nhật Bản bị suy sụp nghiêm trọng. Đến 1952, kinh tế khôi phục ngang mức trước chiến tranh và phát triển với tốc độ cao trong giai đoạn 1955 – 1973.

Nguyên nhân chủ yếu: chú trọng đầu tư hiện đại hoá công nghiệp, tăng vốn, gán liền với áp dụng kĩ thuật mới; tập trung cao độ vào phát triển các ngành then chốt, có trọng điểm theo từng giai đoạn; duy trì cơ cấu kinh tê hai tầng, vừa phát triển các xí nghiệp lớn, vừa duy trì những tổ chức sản xuât nhỏ, thủ công.

Những năm 1973 – 1974 và 1979 – 1980, do khủng hoảng dầu mỏ tốc độ tăng trưởng nền kinh tế giảm xuống. Nhờ điều chỉnh chiến lược phát triển nên đến những năm 1986 – 1990, tốc độ tăng GDP trung bình đạt 5,3%.

Từ năm 1991, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã chậm lại.

Hiện nay, Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới theo GDP danh nghĩa và lớn thứ tư theo sức mua tương đương (PPP), ngoài ra Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai trong số các nước phát triển.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )