Đề tài nghiên cứu khoa học? Ví dụ đề tài nghiên cứu khoa học?

Đề tài nghiên cứu khoa học là gì? Lợi ích và các bước của quá trình nghiên cứu khoa học. Ví dụ về một số đề tài nghiên cứu khoa học.

Nghiên cứu khoa học hiện nay đang được các bạn sinh viên quan tâm rất nhiều. Đó là một trong những hoạt động mang lại ý nghĩa vô cùng lớn cho cộng đồng xã hội, đồng thời là sân chơi để các bạn sinh viên nâng cao khả năng tư duy, thỏa đam mê sáng tạo phát triển bản thân. Và để đạt được thành công nhất định của một công trình nghiên cứu khoa học thì cần phải lựa chọn đề tài viết ra sao, phương pháp nghiên cứu như thế nào thì bài viết dưới đây  sẽ định hướng cơ bản cho các bạn về việc lựa chọn đề tài nghiên cứu khoa học và một số đề tài nghiên cứu tham khảo.

Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568

1. Đề tài nghiên cứu khoa học là gì?

Trước khi tìm hiểu về đề tài nghiên cứu khoa học, chúng ta cần hiểu được “khoa học” là gì? Khoa học dịch sang tiếng Anh là Science. Về cơ bản dễ hình dung, ta hiểu khoa học là quá trình nghiên cứu của con người với mục đích tìm ra những vấn đề mới chưa từng có hoặc tìm ra sự mới mẻ, sáng tạo từ những cái đã có nhằm áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Nghiên cứu khoa học là hành động tìm tòi, phân tích để hiểu, quan sát, thực nghiệm… dựa trên những thông tin, dữ liệu mà mình thu thập được từ cuộc sống, pháp luật để tìm ra bản chất, quy luật chung của một sự vật, sự việc, hiện tượng. Và từ đó phát hiện ra những kiến thức mới mẻ chưa ai tìm tòi để áp dụng vào thực tế cuộc sống.

Tìm và chọn đề tài nghiên cứu khoa học chính là khởi đầu của quá trình nghiên cứu khoa học. Vậy đề tài khoa học là gì?

Có thể thấy, đề tài nghiên cứu khoa học là một hình thức tổ chức nghiên cứu khoa học, do một cá nhân, một nhóm nhiều người đồng nghiên cứu bản chất vấn đề. Và từ đó nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài là tìm ra câu trả lời cho những quan điểm, nhận định còn mơ hồ chưa có lời giải, phân tích tìm ra cái mới mẻ giúp hoàn thiện hơn vấn đề, bởi xét sâu xa bản chất của nghiên cứu là sự sáng tạo.

Nghiên cứu khoa học mang lại những lợi ích gì?

Nghiên cứu khoa học đã và đang mang lại cho chúng ta rất nhiều điều bổ ích có lợi:

– Rèn được tính chủ động trong học tập và công việc

– Nâng cao sự sáng tạo

– Có thể nâng cao khả năng làm việc nhóm (teamwork)

– Tạo lập được khả năng giao tiếp tự tin hơn

– Ngoài ra, nghiên cứu khoa học từ đam mê sẽ giúp chúng ta sống tìm được niềm vui từ chính đam mê của mình, niềm vui từ sự thành công và được mọi người tôn trọng, yêu quý, cái nhìn ngưỡng mộ từ bạn bè đồng trang lứa vì “công trình” dày công nghiên cứu của chính sự cố gắng của mình

Mặt khác, để đạt được những lợi ích trên từ việc nghiên cứu khoa học đem lại, người nghiên cứu cũng phải bỏ ra công sức thật sự rất lớn từ thời gian, trí tuệ, tiền bạc, thậm chí là sức khỏe để có thành quả. Một công trình nghiên cứu khoa học trong cấp trường có thể từ 4-6 tháng, những công trình mang tính khoa học cấp cao hơn thậm chí vài năm hoặc có thể lâu hơn. Tất cả chúng ta bỏ ra là thời gian cho sự tìm tòi, đọc hiểu, phân tích từ sách vở, từ kiến thức lý luận, kiến thức pháp luật, nghiên cứu thực tế cuộc sống, viết báo cáo… Tiền chi phí cho hoạt động đi lại, tiền in ấn văn bản giấy tờ, tiền mua mô hình thực nghiệm với các công trình nghiên cứu về kỹ thuật… Dù sao, mọi thứ bỏ ra cũng sẽ thu về được một thành quả xứng đáng và đáng ngưỡng mộ, “có công mài sắt có ngày nên kim”

Quá trình nghiên cứu khoa học trải qua những bước nào?

Nghiên cứu mang tính chất khoa học, hàn lâm nên chúng ta phải có những bước đi thật chặt chẽ để mang lại hiệu quả cao nhất. Chúng ta thật sự có niềm đam mê với đề tài nghiên cứu của mình thì hãy lưu ý các bước để thực hiện công trình nghiên cứu khoa học của chính mình.

Bước 1: Lên ý tưởng:

Ý tưởng bao giờ cũng là bản phác thảo đầu tiên cho một dự định, một dự án. Đó là những viên gạch đầu tiên cho công trình nghiên cứu khoa học của chúng ta. Bạn có thể tìm được ý tưởng từ đâu? Thật đơn giản vì bởi lẽ nghiên cứu khoa học cũng chính là những vấn đề thường xảy ra xung quanh cuộc sống của con người. Ý tưởng được tìm thấy từ sách báo, mạng xã hội facebook, instagram…, từ đài phát thanh, từ quan sát thực tế cuộc sống hàng ngày của chúng ta…
Khi bạn trăn trở một vấn đề nào đó, thấy điều đó cần phải làm rõ điểm này, điểm kia thì đó là lúc trong suy nghĩ của bạn đã “nảy mầm” của sự sáng tạo, tìm tòi, lúc đó hãy chọn cho mình một hướng nghiên cứu phù hợp nhất.

Bước 2: Xác định hướng đi phù hợp:

Khi bạn nảy sinh ra sự kiện làm bạn trăn trở, hãy gọi tên được vấn đề đó tóm gọn lại và bắt đầu vạch ra hướng nghiên cứu bằng cách tìm hết tất cả tài liệu xung quanh vấn đề đó xem đã có ai nghiên cứu vấn đề đó chưa, điểm tồn đọng lại của vấn đề đó là gì, ý kiến của mọi người xung quanh về vấn đề đó như thế nào? Như vậy sẽ dần vẽ ra được định hướng cho đề tài của bạn tốt hơn

Bước 3: Chọn tên đề tài:

Tên đề tài luôn là điều hấp dẫn người chấm, người đọc đầu tiên. Do vậy, chúng ta phải chọn được tên đề tài mang tiêu chí ngắn gọn, cô đọng được nội dung nghiên cứu của mình bao gồm từ đối tượng, phạm vi, chủ thể, khách thể, thời gian, không gian, địa điểm nghiên cứu, tránh lan man và lạc chủ đề nghiên cứu.

Bước 4: Lập đề cương:

Đề cương là sự vạch ra ý tưởng một cách khoa học và dễ nhớ nhất, đề cương phác họa cơ bản những ý chính của một bài nghiên cứu khoa học thường bao gồm các mục sau:

– Đặt vấn đề (Lý do chọn đề tài)

– Mục đích nghiên cứu

– Phạm vi nghiên cứu

– Phương pháp nghiên cứu

– Bảng hỏi nghiên cứu

– Nguồn số liệu, tài liệu tham khảo…

Lưu ý khi lựa chọn đề tài nghiên cứu khoa học?

Khi nghiên cứu một công trình nghiên cứu khoa học cần lưu ý những vấn đề sau:

Thứ nhất, việc lựa chọn đề tài phải xuất phát từ sự quan tâm, trăn trở của bản thân về những sự vật, sự việc, hiện tượng xung quanh trong cuộc sống. Đó có thể là những vấn đề thường nhật hàng ngày xảy ra xung quanh địa phương, khu vực mình sinh sống; hoặc có thể là các vấn đề mang tính thời sự, đã và đang được cộng đồng quan tâm, có sự thu hút mạnh mẽ sự chú ý của mọi người đánh sâu vào sự nhận thức cũng như vấn đề nóng hổi cần được mổ xẻ để tìm ra nguyên nhân, giải pháp.

Thứ hai, việc lựa chọn đề tài phải dựa trên căn cứ, cơ sở là tiêu chí của cuộc thi. Bởi bất kể cuộc thi hay dự án nào cũng đều có tiêu chí để đánh giá riêng, từ hình thức bài nghiên cứu đến nội dung nghiên cứu và cách chấm điểm. Cá nhân hay nhóm nghiên cứu phải tìm hiểu thật kĩ thể lệ cuộc thi để từ đó có định hướng phát triển bài nghiên cứu của mình một cách phù hợp từ việc áp dụng pháp luật, áp dụng thực tiễn cuộc sống, phương pháp nghiên cứu, phương án giải quyết vấn đề… Đến cuối cùng, kết quả cuộc thi chính là sự đền đáp, công nhận xứng đáng cho nỗ lực, công sức mình bỏ ra.

Thứ ba, việc lựa chọn đề tài nghiên cứu phải phù hợp – phù hợp với năng lực và thời gian. Khi bắt tay vào nghiên cứu khoa học, chúng ta cần phải trả lời các câu hỏi rằng nghiên cứu mang lại lợi ích gì cho mình? Mục đích làm nghiên cứu khoa học là vì đâu? Mình đam mê lĩnh vực gì? Mình có sẵn sàng đánh đổi thời gian cho công cuộc nghiên cứu khoa học?… để từ đó tạo dựng động lực từ nội tại bên trong con người mình, nhìn nhận năng lực của chính mình đến đâu để lựa chọn được đề tài nghiên cứu vừa sức. Đấy chính là bước khởi đầu cho hành trình nghiên cứu.

Thứ tư, chúng ta nên liên hệ và tìm được giáo viên hướng dẫn phù hợp. Bởi giáo viên là những thầy cô có năng lực, chuyên môn có thể dẫn dắt ta đi đúng hướng, hỗ trợ trong việc đưa ra phương pháp ngay từ đầu để tránh bị lạc hướng khi nghiên cứu. Sinh viên nên mạnh dạn và chủ động trao đổi ý kiến với thầy cô, có thể bằng cách trực tiếp hoặc qua mạng xã hội, qua e-mail…

2. Ví dụ đề tài nghiên cứu khoa học:

Trên thực tế, việc chọn lựa đề tài nghiên cứu khoa học rất khó khăn, bởi lẽ cuộc sống muôn hình vạn trạng các vấn đề. Các bạn có thể tham khảo một số đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản, đơn giản dành cho sinh viên như sau:

Đề tài nghiên cứu lĩnh vực về pháp luật:

– Nguyên tắc suy đoán vô tội trong Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam

– Biện pháp ngăn chặn tạm giam và thực tiễn thi hành tại tỉnh A

– Tội đánh bạc trong luật hình sự Việt Nam – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn

– Các tội phạm liên quan đến dịch bệnh Covid-19

– Lý luận và thực tiễn về tình dục đối với người dưới 16 tuổi tại Việt Nam và giải pháp bảo vệ trẻ em

– Lừa đảo qua mạng xã hội – Lý luận và thực tiễn

– Vấn đề từ thiện nhìn từ góc độ xã hội và pháp luật

– Có nên hợp thức hóa tiền ảo?

– Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng điện tử và cơ chế giải quyết…

Đề tài nghiên cứu lĩnh vực giáo dục – xã hội:

– Vấn nạn trầm cảm ở sinh viên hiện nay và giải pháp ngăn chặn

– Ảnh hưởng của khoa học công nghệ 4.0 đến nền giáo dục hiện nay

– Nhận định quan điểm: “Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công”

– Thái độ của sinh viên hiện nay về vấn đề hôn nhân đồng giới

– Thái độ của cha mẹ trong việc giáo dục sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên hiện nay

– Hướng ngoại và hướng nội

– Làm blogger, vlogger có phải là nghề đang thịnh hành không?

– Mạng xã hội có phải là nền tảng tốt để nói về quan điểm bản thân?

– Nghiên cứu tác động của các Influencer/ KOL (người có ảnh hưởng trên Mạng xã hội) đến lối sống của giới trẻ hiện nay.

Đề tài nghiên cứu khoa học về môi trường:

– Yếu tố con người ảnh hưởng đến môi trường như thế nào và phương pháp giải quyết

– Ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn Thành phố Hà Nội

– Tầm quan trọng của các vùng nước nhỏ: ao và hồ

– Thực trạng ngập lụt tại địa bàn Thành phố Hà Nội và phương hướng giải quyết

– Hỏa hoạn và biện pháp ngăn chặn

– Tầm quan trọng của rừng và hậu quả nếu không có rừng

– Vấn nạn sử dụng đồ nhựa một lần và hướng xử lý…

    5 / 5 ( 1 bình chọn )