Công tác dân vận là gì? Nội dung, vị trí vai trò của công tác dân vận?

Suốt quá trình chiến tranh đến khi đất nước hòa bình thì Đảng và nhà nước ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược. Thực hiện tốt công tác dân vận là điều kiện quan trọng hàng đầu bảo đảm sự lãnh đạo thành công của Đảng. Công tác dân vận là gì? Nội dung, vị trí vai trò của công tác dân vận?

1. Công tác dân vận là gì?

Trước kia chủ tịch Hồ Chí Minh của ta có giải thích rằng: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”. Công tác dân vận luôn luôn gắn liền với những chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam và đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Từ việc vận động đó để đóng góp sức dân thành lực lượng nhân dân và từ lực lượng nhân dân thành lực lượng toàn dân, để cùng nhau tiếp sức, thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho.

Dân vận là việc chính quyền, đoàn thể những người có chức trách, nhiệm vụ được nhà nước tin tưởng giao phó thực hiện các nhiệm vụ về: khi dân có vấn đề chưa hiểu phải tìm mọi cách giải thích để dân hiểu rõ, nắm được thông tin và bản chất của vấn đề.

Trước những vấn đề phải có sự bàn bạc, lắng nghe, trao đổi hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân; khi thi hành công việc, nhiệm vụ phải theo dõi, giúp đỡ, khuyến khích; khi thực hiện, thi hành xong cùng dân rút kinh nghiệm, đưa ra bài học để những lần sau cố gắng hoàn thành tốt hơn nữa.

Công tác dân vận trong tiếng Anh là Mobilization work.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra vị trí cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân chính là người cán bộ, đảng viên, bởi chính họ là người đem đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ đến với nhân dân, đồng thời cũng là người lãnh đạo, tổ chức thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nên nhấn mạnh: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công và thất bại của chính sách đó là do cách tổ chức công việc, do nơi lựa chọn cán bộ, do nơi kiểm tra. Nếu ba điểm đó sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”. Vì vậy, muốn tổ chức công việc tốt, người cán bộ, đảng viên phải tuyệt đối trung thành với Đảng, phải có năng lực lãnh đạo, khả năng tổ chức thực hiện và nhất định phải quán triệt những nguyên tắc của công tác dân vận- liên hệ mật thiệt với nhân dân, luôn gần dân, hiểu tâm tư nguyện vọng của dân, v.v….

Để làm dân vận tốt, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Những người phụ trách dân vận cần phải vắt óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”. Đó phải là những người luôn “tự mình phải làm gương mẫu, cần, kiệm, liêm chính, để nhân dân noi theo”, vì quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức, những người luôn lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ.

2. Nội dung của công tác dân vận:

Khẩu hiệu trong công tác dân vận đến tận bây giờ vẫn được nhà nước ta áp dụng theo những đúc kết từ chủ tịch Hồ Chí Minh đó là: óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Đây là phương pháp dân vận rất hiệu quả và bắt buộc những cán bộ dân vận phải nắm được và thực hiện đúng theo phương pháp về:

– Óc nghĩ: Người làm công tác dân vận phải có trí tuệ, phải biết tìm tòi để phân tích chính xác tình hình, cuộc sống của nhân dân và luôn tỉnh táo, biết suy nghĩ biết vận động sáng tạo kết hợp giữa lý luận và thực tiễn để mang lại hiệu quả dân vận.

– Mắt trông: Người thực hiện công tác dân vận điều quan trọng là phải biết quan sát mọi sự việc để từ đó hiểu bản chất, xác định được đúng, sai, để có thể tham mưu, đưa ra các giải pháp đúng đắn kịp thời xử lý, khắc phục tình trạng.

– Tai nghe: Người làm công tác dân vận phải nắm được các nguồn tin từ nhân dân, tức là phải biết nghe dân nói, từ đó hiểu những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân.

– Chân đi: Người làm công tác dân vận phải dành thời gian đi khảo sát tình hình thực tế, để lắng nghe ý kiến của dân và trực tiếp tháo gỡ những khó khăn nẩy sinh trong dân.

 – Miệng nói: Người cán bộ dân vận phải có trách nhiệm tuyên truyền, động viên nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, pháp luật, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng theo đúng chủ trương của nhà nước.

– Tay làm: Người thực hiện công tác dân vận trước hết phải gương mẫu, phải thiết thực, miệng nói thì tay làm để từ đó làm gương cho nhân dân học theo, tránh kiểu chỉ nói hay mà không làm thì chỉ là nói suông, không có giá trị.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên quan tâm thúc đẩy công tác dân vận trong toàn Đảng bộ, đóng góp thiết thực vào công tác dân vận trên cả nước.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, trong thời gian tới, các cấp ủy trong Đảng bộ Khối cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng đảng, tập trung thực hiện tốt một số biện pháp đẩy mạnh công tác dân vận được đề ra tại Nghị quyết đại hội đảng bộ cấp mình và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối lần thứ XII. Trong đó, chú trọng vào 4 vấn đề chính sau:

Một là, thường xuyên nâng cao nhận thức, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban chấp hành các đoàn thể, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người lao động đối với công tác dân vận.

Hai là, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác dân vận. Xác định nội dung và phương thức tiến hành công tác dân vận phù hợp với từng đối tượng cấp ủy và tổ chức đảng, của cơ quan, của đoàn thể quần chúng trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.

Chú trọng làm tốt công tác dân vận trong nội bộ cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của ngành, thiết thực đóng góp vào công tác dân vận trên phạm vi cả nước.

Ba là, nâng cao chất lượng công tác dân vận của cơ quan nhà nước. Tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt trách nhiệm vận động nhân dân.

Đổi mới lề lối làm việc, chú trọng thái độ đúng mực khi phục vụ nhân dân, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai các quy định cụ thể về quy trình thực hiện nhiệm vụ, theo phong cách: “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Bốn là, tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, trong đó, thủ trưởng cơ quan, đoan vị có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Cấp ủy đáng có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan và các tổ chức đoàn thể thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức quán triệt, học tập và tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở có trách nhiệm phối hợp động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện và phát huy quyền làm chủ của công dân, thực hiện tốt Nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, người lao động, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh; tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện Nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, người lao động.

3. Nhiệm vụ của công tác dân vận:

Công tác dân vận ở thời kì nào cũng mang vai trò hết sức quan trọng với sự phát triển của cả một dân tộc, một đất nước. Bởi công tác Dân vận kém thì việc gì cũng kém còn Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. Dân vận tốt thì giữa Đảng nhà nước và nhân dân mới có sự gắn kết, bền chặt, đồng lòng cùng chí hướng, đất nước mới giàu mạnh, phát triển được.

Để công tác dân vận thành công thì người thực hiện công tác dân vận phải luôn chú trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, động viên kịp thời, ban dân vận phải biết lắng nghe, quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đồng thời mỗi người thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận hay trong các hoạt động ứng xử, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân thì tất cả những người có chức trách nhiệm vụ cần thể hiện sự cầu thị, lắng nghe, tôn trọng, hiểu biết, chia sẻ…thì dân vận sẽ ngày càng khéo, sự đồng thuận ủng hộ chính quyền sẽ ngày càng cao.

4. Vai trò của công tác dân vận:

Xác định rõ công tác Dân vận có vai trò quan trọng việc tạo sự đồng thuận, đoàn kết, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nên ngay từ những tháng đầu năm công tác Dân vận trên toàn tỉnh ta đã luôn được đẩy mạnh.

Công tác Dân vận luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao có hiệu quả. Chính quyền các cấp chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế – xã hội; đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ, tăng cường cải cách hành chính, quan tâm giải quyết đơn thư khiếu nạo, tố cáo của công dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân luôn phát huy vai trò là nòng cốt trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. hệ thống dân vận các cấp ngày càng phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, giúp cấp ủy chỉ đạo sát sao trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác vận động quần chúng.

Ban Dân vận Tỉnh ủy đã thường xuyên nắm tình hình tư tưởng đời sống của quần chúng nhân dân, tình hình triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận cụ thể như xuống thăm nắm trực tiếp tại các xã Xuân Lạc (Chợ Đồn), Công Bằng, Nhạn Môn (Pác Nặm), Yên Cư (Chợ Mới). Nắm tình hình nhân dân, hoạt động của MTTQ, các đoàn thể, hội quần chúng, phong trào dân vận khéo, tình hình dân tộc – tôn giáo tại xã Xuân Lạc (Chợ Đồn), thôn Lũng Lịa, thị trấn Nà Phặc (Ngân Sơn)…Ban Dân vận các huyện thị đã tiến hành triển khai, tổng hợp đăng ký các mô hình, điển hình trong phong trào “Dân vận khéo”, phối hợp với các ban, ngành đoàn thể thành lập các đoàn công tác đi cơ sở nắm tình hình tư tưởng, đời sống, sản xuất của nhân dân…

Kết luận: Nhiều địa phương trong cả nước đã có những hoạt động thiết thực, khẳng định công tác dân vận luôn là bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Tiếp tục tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở tạo sự đồng thuận trong nhân dân, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, nhân rộng các mô hình tốt.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )