Cổ phiếu quỹ là gì? Quy định về cổ phiếu quỹ, cách hạch toán cổ phiếu quỹ?

Cổ phiếu quỹ là gì? Quy định về cổ phiếu quỹ? Trường hợp nào công ty được mua cổ phiếu quỹ? Cách hạch toán cổ phiếu quỹ?

Cổ phiếu – một tên gọi đã không còn quá xa lạ với nhiều người, đặc biệt là những người đầu tư kinh doanh. Cổ phiếu chính là thứ không thể tách rời của các công ty cổ phần, đây cũng được xem là phương tiện thu hút các nhà đầu tư và mở rộng quy mô doanh nghiệp. Vậy, cổ phiếu quỹ là gì? Quy định về cổ phiếu quỹ, cách hạch toán cổ phiếu quỹ?

Căn cứ pháp lý:

  • Luật chứng khoán 2019;
  • Nghị định 133/2016/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa.

1. Cổ phiếu quỹ là gì?

Để hiểu được khái niệm về cổ phiếu quỹ là gì, trước tiên tác giả sẽ giới thiệu cho bạn đọc hiểu về khái niệm cổ phiếu là gì?

Hiện nay khi thị trường đang ngày càng mở cửa hội nhập quốc tế thì đa tạo ra nhiều cơ hội cho người dân kiếm thêm thu nhập. Và giao dịch chứng khoán chính là hình thức kiếm tiền nhanh chóng được nhiều người  tham gia đầu tư. Trên thị trường hiện nay các công ty cổ phần thường sẽ phát hành hai loại cổ phiếu là cổ phiếu thường và cổ phiếu ưu đãi. Theo đó, cổ phiếu là loại chứng khoán, được phát hành dưới dạng chứng chỉ, hoặc bút toán ghi sổ, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khi tham gia vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nó được xem là một loại tài sản mà mức độ sinh lời phụ thuộc vào khả năng sinh lời của doanh nghiệp.

Cổ phiếu quỹ được hiểu là cổ phiếu đã được công ty cổ phần đó phát hành ra thị trường thông qua sàn giao dịch chứng khoán và được chính công ty phát hành đó mua lại bằng nguồn vốn hợp pháp của mình.

Mục đích của cổ phiếu quỹ chính là nhằm giảm số lượng cổ phiếu được phát hành và lưu thông trên thị trường. Và có một đặc điểm khác với những loại cổ phiếu khác đó chính là cổ phiểu này không được trả cổ tức, các cổ đông không có quyền biểu quyết đối vì đây được xem là tài sản của công ty

Cổ phiếu quỹ được dịch sang tiếng Anh như sau: Treasury shares

2. Quy định về cổ phiếu quỹ:

Một, điều kiện mua lại cổ phiếu

Khi một công ty đại chúng muốn mua lại cổ phiếu của chính mình để làm cổ phiếu quỹ thì cần đáp ứng các điều kiện sau:

  • Quyết định của Đại hội đông cổ đông đóng vai trò rất quan trọng, bởi mọi công việc liên quan đến vấn đề hoạt động kinh doanh cũng như nội bộ công ty đều phải được các thành viên trong Đại hội đồng cổ đông chấp nhận thông qua. Do đó, trường hợp mua lại cổ phiếu để giảm vốn điều lệ thì cần phải có phương án mua lại.
  • Tuy nhiên, tại phương án này cần phải nêu rõ số lượng mà công ty dự tính mua lại, thời gian thực hiện thủ tục mua lại cổ phiếu và nguyên tác xác định giá mua lại. Có phương án mua lại cổ phiếu được Hội đồng quản trị thông qua, trong đó nêu rõ thời gian thực hiện, nguyên tắc xác định giá. Phương án mua lại cổ phiếu cần được lên phương án trước đảm bảo mang tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế cũng như nhu cầu và số lượng cổ phiếu mà công ty dự định mua lại. Sau đó sẽ được trình lên Hội đồng quản trị thông qua và lên kế hoạch chuẩn bị đưa ra áp dụng theo thời gian dự tính.
  • Về nguồn vốn: Để có thể đáp ứng được yêu cầu về khả năng mua cổ phần đúng như kế hoạch thì công ty cần phải có nguồn vốn để mua lại cổ phiếu từ các nguồn khác nhau như:

+ Thặng dư vốn cổ phần. Đây chính là một khoản chênh lệch về mệnh giá của cổ phiếu so với giá phát hành, thặng dư vốn cổ phần còn gọi là thặng dư vốn trong công ty cổ phần, nó được hình thành từ phát hành thêm cổ phần và thặng dư sẽ chuyển sang cổ phần, sau chuyển vào vốn đầu tư chính chủ sở hữu của tương lai.

Công thức để tính thặng dư vốn cổ phần = (Giá phát hành – Mệnh giá) x Số phát hành.

Ví dụ: Công ty A dự tính phát hành 2.000 cổ phiếu, mỗi cổ phiếu có giá 10.000 đồng, dự kiến huy động 20.000.000 đồng. Tuy nhiên, do nhu cầu của thị trường tăng đã kéo theo công ty A bán được mỗi cổ phiếu với giá 20.000 đồng, khi bán hết số cổ phiếu trên thì họ được 40.000.000 đòng. Do đó, khi công ty A muốn mua lại cổ phiếu do chính mình phát hành ra thì thay vì mua với giá trị ban đầu công ty phải chi trả cho giá trị chênh lệch cho cổ phiếu đang phát hành theo giá trị trường.

+ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối;

+ Quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật. Những quỹ này thường được huy động thông qua hình thức các cổ đông tự góp vốn hoặc thông qua những nguồn quỹ được huy động trong quá trình kinh doanh.

- Có công ty chứng khoán được chỉ định thực hiện giao dịch. Hiện này có một số công ty chứng khoán nổi tiếng tại Việt Nam như: Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT, Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn, Công ty cổ phần chứng khoán MB…

Ngoài ra, nếu công ty chứng khoán là thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam mua lại cổ phiếu của chính mình thì do chính công ty thực hiện.

  • Đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành trong trường hợp công ty đại chúng thuộc lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
  • Không thuộc trường hợp không được mua lại cổ phiếu của chính mình trong các trường hợp dưới đây.

+ Đang có nợ phải trả quá hạn căn cứ vào báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán; trường hợp thời điểm dự kiến mua lại cổ phiếu quá 06 tháng kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính, việc xác định nợ quá hạn được căn cứ vào báo cáo tài chính 06 tháng gần nhất được kiểm toán hoặc soát xét;

Tuy nhiên, đối với những công ty chứng khoán mua lại cổ phiếu của chính mình để sửa lỗi giao dịch hoặc mua lại cổ phiếu lô lẻ.

+ Đang trong quá trình chào bán, phát hành cổ phiếu để huy động thêm vốn, trừ trường hợp mua lại cổ phiếu của người lao động theo quy chế phát hành cổ phiếu cho người lao động của công ty, mua lại cổ phiếu lẻ theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.

+ Cổ phiếu của công ty đang là đối tượng chào mua công khai, trừ các trường hợp thuộc đối tượng được miễn trừ điều kiện.

+ Đã thực hiện việc mua lại cổ phiếu của chính mình trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày báo cáo kết quả mua lại hoặc vừa kết thúc đợt chào bán, phát hành cổ phiếu để tăng vốn không quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, phát hành, trừ các trường hợp được miễn trừ điều kiện mua lại cổ phiếu.

Hai, công ty đại chúng không mua lại cổ phiếu của chính mình trong các trường hợp sau đây:

- Đang có nợ phải trả quá hạn căn cứ vào báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán; trường hợp thời điểm dự kiến mua lại cổ phiếu quá 06 tháng kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính, việc xác định nợ quá hạn được căn cứ vào báo cáo tài chính 06 tháng gần nhất được kiểm toán hoặc soát xét; trừ trường hợp công ty chứng khoán mua lại cổ phiếu của chính mình để sửa lỗi giao dịch hoặc mua lại cổ phiếu lô lẻ.

- Đang trong quá trình chào bán, phát hành cổ phiếu để huy động thêm vốn, trừ trường hợp công ty chứng khoán mua lại cổ phiếu của chính mình để sửa lỗi giao dịch hoặc mua lại cổ phiếu lô lẻ.

- Cổ phiếu của công ty đang là đối tượng chào mua công khai, trừ các trường hợp cđược miễn trừ điều kiện mua lại cổ phiếu.

- Đã thực hiện việc mua lại cổ phiếu của chính mình trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày báo cáo kết quả mua lại hoặc vừa kết thúc đợt chào bán, phát hành cổ phiếu để tăng vốn không quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, phát hành, trừ trường hợp công ty chứng khoán mua lại cổ phiếu của chính mình để sửa lỗi giao dịch hoặc mua lại cổ phiếu lô lẻ.

Ba, các trường hợp được miễn trừ điều kiện mua lại cổ phiếu

- Mua lại cổ phiếu theo yêu cầu của cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

+ Cổ đông đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình.

Theo đó, yêu cầu này phải được lập bằng văn, trong đó nêu rõ những nội dung cần thiết như: tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại.

Sau đó để có thể được chấp nhận thì cần phải gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề trên.

+ Khi chấp thuận việc mua lại cổ phần của các cổ đông thì công ty cần phải mua theo giá thị trường hoặc được tính theo nguyên tắc dựa theo điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu trên.

Lưu ý: Trường hợp các bên không thỏa thuận được về giá thì có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá tin tưởng nhất để giải quyết. Công ty này cần phải đảm bảo tính công khai, minh bạch.

- Mua lại cổ phiếu của người lao động theo quy chế phát hành cổ phiếu cho người lao động của công ty, mua lại cổ phiếu lẻ theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu;

- Công ty chứng khoán mua lại cổ phiếu của chính mình để sửa lỗi giao dịch hoặc mua lại cổ phiếu lô lẻ.

Việc sửa lỗi giao dịch từ lâu đã không còn là vấn đề mới mẻ trên thực tế, bởi có nhiều trường hợp “mượn tạm cổ phiếu” của các công ty chứng khoán để sửa lỗi giao dịch đã xảy ra.

3. Cách hoạt toán cổ phiếu quỹ - Tài khoản 419:

Căn cứ vào nguyên tắc kế toán tài khoản cổ phiếu quỹ – 419 và các tài khoản liên quan. Căn cứ vào kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản cổ phiếu quỹ – 419 và các tài khoản liên quan.

Một, cách hạch toán cổ phiếu quỹ – Tài khoản 419 trong trường hợp mua lại cổ phiếu do chính công ty đã phát hành

– Khi công ty đã hoàn tất các thủ tục mua lại số cổ phiếu do chính công ty phát hành theo đúng với kế hoạch và phương án đề ra thì nhiệm vụ của kế toán viên chính là tiếp tục thực hiện những công việc liên quan đến vấn đề thanh toán tiền cho các cổ đông đã bán lại cổ phần theo giá của thị trường hoặc do các bên thỏa thuận. Sau đó kế toán sẽ tiến hành công việc nhập số cổ phiếu về và ghi trong sổ kế toán như sau:

Nợ TK 419 – Cổ phiếu quỹ (giá mua lại cổ phiếu)

Có các TK 111, 112.

– Trong quá trình mua lại cổ phiếu, khi phát sinh chi phí liên quan trực tiếp đến việc mua lại cổ phiếu, ghi:

Nợ TK 419 – Cổ phiếu quỹ

Có các TK 111, 112.

Hai, cách hạch toán cổ phiếu quỹ – Tài khoản 419 trong trường hợp tái phát hành cổ phiếu quỹ.

– Khi tái phát hành cổ phiếu quỹ với giá cao hơn giá thực tế mua lại, ví dụ như bán cổ phiếu với giá 100.000 đồng/01 cổ phiếu nhưng giá mua cổ phiếu trước đó là 80.000 đồng/01 cổ phiếu. Khi đó kế toán viên sẽ ghi:

Nợ các TK 111,112 (tổng giá thanh toán tái phát hành cổ phiếu).

Có TK 419 – Cổ phiếu quỹ (giá thực tế mua lại cổ phiếu).

Có TK 411 – Vốn đầu tư của chủ sở hữu (4112) (số chênh lệch giữa giá tái phát hành cao hơn giá thực tế mua lại cổ phiếu).

– Khi tái phát hành cổ phiếu quỹ ra thị trường với giá thấp hơn giá thực tế mua vào cổ phiếu, tức là lúc này công ty đã chịu khoản chênh lệch giữa giá cổ phần lúc mua vào và lúc bán lại ghi:

Nợ các TK 111,112 (tổng giá thanh toán tái phát hành cổ phiếu)

Nợ TK 4112- Thặng dư vốn cổ phần (số chênh lệch giữa giá tái phát hành thấp hơn giá thực tế mua lại cổ phiếu)

Có TK 419 – Cổ phiếu quỹ (giá thực tế mua lại cổ phiếu).

Ba, cách hạch toán cổ phiếu quỹ – Tài khoản 419 trong trường hợp huỷ bỏ số cổ phiếu quỹ.

Trường hợp công ty cổ phần có nhu  huỷ bỏ số cổ phiếu quỹ đã mua lại theo nhu cầu của công ty, kế toán ghi:

Nợ TK 4111 – Vốn góp của chủ sở hữu (mệnh giá của số cổ phiếu huỷ bỏ);

Nợ TK 4112 – Thặng dư vốn cổ phần (giá mua lại cao hơn mệnh giá)

Có TK 419 – Cổ phiếu quỹ (giá thực tế mua lại cổ phiếu)

Có TK 4112 – Thặng dư vốn cổ phần (giá mua lại thấp hơn mệnh giá).

Bốn, cách hạch toán cổ phiếu quỹ – Tài khoản 419 theo Thông tư 133 khi chia cổ tức bằng cổ phiếu quỹ.

 Khi có quyết định của Hội đồng quản trị (đã thông qua Đại hội cổ đông) quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu quỹ cho các cổ đông thì tùy theo từng trường hợp và nhu cầu của công ty, bộ phận kế toán sẽ thực hiện ghi chép như sau:

– Trường hợp giá phát hành cổ phiếu quỹ tại ngày trả cổ tức bằng cổ phiếu cao hơn giá thực tế mua vào của cổ phiếu quỹ, ghi:

Nợ TK 421- Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (giá phát hành cổ phiếu)

Có TK 419 – Cổ phiếu quỹ (theo giá thực tế mua lại cổ phiếu quỹ)

Có TK 4112 – Thặng dư vốn cổ phần (số chênh lệch giữa giá mua lại cổ phiếu quỹ thấp hơn giá phát hành tại ngày trả cổ tức).

– Trường hợp giá phát hành cổ phiếu quỹ tại ngày trả cổ tức bằng cổ phiếu thấp hơn giá thực tế mua vào của cổ phiếu quỹ, ghi:

Nợ TK 421- Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (giá phát hành cổ phiếu)

Nợ TK 4112 – Thặng dư vốn cổ phần  (số chênh lệch giữa giá mua lại cổ phiếu quỹ cao hơn giá phát hành tại ngày trả cổ tức).

Có TK 419 – Cổ phiếu quỹ (theo giá thực tế mua cổ phiếu quỹ).

Như vậy, việc hạch toán kế toán đối với cổ phiếu quỹ sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp và nhu cầu thực tế của công ty mà bộ phận kế toán sẽ phải thực hiện công việc. Vì khá phức tạp đối với quá trình hạch toán nên kế toán phải là những người có năng lực, tỉ mỉ.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )