Có phải bồi hoàn chi phí đào tạo khi không cam kết thời gian làm việc? Bồi thường chi phí đào tạo khi vi phạm cam kết.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, Tôi tên L, trú tại 1 huyện miền núi tỉnh tây nguyên. Năm 2009, tôi học bác sĩ tại 1 trường y theo diện cử tuyển do tỉnh tài trợ chi phí đào tạo. Năm 2015, tôi tốt nghiệp và được phân công về công tác tập sự tại trung tâm y tế huyện nơi tôi cư ngụ lúc đó. Sau khi ra trường, tôi đã kết hôn với vợ tôi và nhà vợ ở tận miền nam. Cả tôi và vợ đều mong muốn về nam sinh sống. Vợ của tôi đang mang thai sắp sinh nên tôi muốn nghỉ việc tại đây và chấp nhận bồi hoàn chi phí đào tạo cho tỉnh để được lấy lại bằng đại học của mình (sau khi tốt nghiệp sở y tế đã giữ bằng của tôi) và xin một công việc mới. Tính đến thời điểm hiện tại tôi đã làm việc được 10 tháng và đang trong quá trình xin nghỉ việc . Tháng trước tôi đã nhập hộ khẩu của mình vào nhà vợ. Vừa rồi tôi đã trình bày với cơ quan đang công tác là muốn nghỉ việc và lên sở bồi hoàn chi phí đào tạo. Nhưng cơ quan của tôi không muốn tôi nghỉ việc và nói rằng nếu nghỉ việc tôi phải bồi hoàn chi phí lên đến 400 triệu. Tôi muốn nhờ luật sư tư vấn cho tôi một số vấn đề sau: 1. Việc sở y tế tỉnh giữ bằng tốt nghiệp của tôi như thế có đúng không? Bởi theo tôi được biết theo luật không có quy định nào như vậy 2. Khi tôi gọi lên sở xin bồi hoàn chi phí đào tạo còn lại để lấy bằng thì đại diện sở trả lời là phải sang năm mới cho lấy bằng. Điều đó có đúng ko thưa luật sư? 3. Từ khi tôi đi học đến nay, giữa tôi và Sở y tế không hề có kí bất kì 1 cam kết nào cho thời gian làm việc, chi phí đào tạo và cả việc giữ bằng của tôi. Như vậy việc cơ quan tôi đang công tác không muốn chấp nhận tôi thôi việc và sở y tế gây khó dễ trong vấn đề lấy bằng và bồi hoàn chi phí của tôi là đúng hay sai trong trường hợp này? 4. Tôi đã làm theo phân công được 10 tháng, cơ quan nói tôi phải bồi hoàn chi phí đào tạo lên đến 400 triệu. Chi phí như vậy là quá cao và trong thời gian tôi học cũng không đến mức này. Họ nói như vậy có đúng không? 5. Bây giờ tôi phải làm sao mới có thể nhận lấy bằng đại học để trở về đoàn tụ với gia đình, chăm sóc vợ lúc sinh đẻ và còn có thể tìm cho mình 1 công việc nào đó nuôi sống gia đình mình? Rất mong được luật sư sớm giải đáp thắc mắc, xin chân thành cảm ơn!
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật lao động – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Nghị định 134/2006/NĐ – CP ngày 14 tháng 11 năm 2006.
Nghị định 49/2015/NĐ – CP ngày 15 tháng 05 năm 2015
Thông tư liên tịch 13/2008/TTLT – BGDĐT- BLĐTBXH – BTC – BNV – UBDT
2. Nội dung tư vấn:
Dựa trên những thông tin bạn cung cấp thì bạn là công dân thuộc một huyện miền núi thuộc khu vực Tây Nguyên, được đi học tại một trường y theo diện cử tuyển do tỉnh tài trợ chi phí đào tạo. Năm 2015, sau khi tốt nghiệp bạn được cử về công tác tập sự tại trung tâm y tế cấp huyện nơi bạn cư trú. Tuy nhiên sau một thời gian công tác bạn muốn đơn phương nghỉ việc nhưng đang băn khoăn về việc bồi thường chi phí đào tạo, và tạm giữ giấy tờ cá nhân. Để giải quyết về vấn đề này, cần xem xét về các phương diện sau:
Thứ nhất, về việc Sở Y tế giữ bằng tốt nghiệp của bạn khi bạn được bố trí công tác tại trung tâm y tế huyện sau thời gian đi học theo diện cử tuyển của Tỉnh.
Trước hết, cử tuyển theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 134/2006/NĐ – CP được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 49/2015/NĐ – CP được xác định là việc tuyển sinh không qua thi tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp để đào tạo cán bộ, công chức theo yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế; đào tạo viên chức theo nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập cho các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp.
Khi bạn được đi học tại một trường y theo diện cử tuyển, sau đó được phân công về công tác tập sự tại một trung tâm y tế thì mặc dù chưa được xác định là một viên chức, hay cán bộ công chức chính thức, nhưng trong thời gian tập sự giữa bạn và Trung tâm y tế huyện này vẫn tồn tại quan hệ việc làm, quan hệ lao động.
Về việc tạm giữ bản chính giấy tờ, văn bằng chứng chỉ của công chức, viên chức thì hiện nay trong Luật cán bộ, công chức năm 2008 hay Luật viên chức năm 2010 không có quy định rõ. Tuy nhiên, trong Bộ luật lao động năm 2012 lại có quy định:
“Điều 20. Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động
1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.”
Đồng thời, theo thông tin bạn cung cấp, giữa Sở y tế và bạn không hề có văn bản, hay cam kết nào thể hiện việc Sở y tế được quyền giữ bằng tốt nghiệp đại học của bạn. Do vậy, từ những căn cứ nêu trên, việc họ giữ bản chính bằng tốt nghiệp đại học được xác định là hành vi không hợp pháp vì bằng tốt nghiệp đại học cũng là một trong những giấy tờ nhân thân của bạn, và việc cơ quan giữ giấy tờ này có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bạn. Do vậy, trong trường hợp này, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan này trả lại bản chính, văn bằng chứng chỉ cho bạn. Nếu cơ quan này cố tình không trả lại cho bạn thì bạn hoàn toàn có quyền thực hiện việc khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền để được can thiệp giải quyết.
Thứ hai, về việc bồi hoàn chi phí đào tạo khi nghỉ việc trước thời hạn cam kết.
Như đã phân tích, bạn được đi học trường Y theo diện tỉnh cử đi học. Trong trường hợp này, khi bạn là người học theo chế độ cử tuyển thì căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 134/2006/NĐ – CP, bạn sẽ được hưởng quyền lợi về học bổng, học miễn phí và được hưởng các chế độ ưu tiên trong thời gian đào tạo, và được tiếp nhận và phân công công tác sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, sau khi công tác được một thời gian bạn muốn nghỉ việc, cơ quan đã yêu cầu bạn bồi hoàn chi phí đào tạo.
Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Nghị định 134/2006/NĐ- CP, được sửa đổi bởi Khoản 5, Khoản 8 Điều 1 Nghị định 49/2015/NĐ – CP thì bạn sẽ phải bồi hoàn chi phí đào tạo bao gồm:
“Điều 12. Trường hợp phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo
Người học theo chế độ cử tuyển thuộc một trong các trường hợp sau đây thì phải bồi hoàn học bổng chi phí đào tạo:
1. Người bị kỷ luật buộc thôi học hoặc tự thôi học nhưng không có lý do chính đáng được cơ quan cử đi học chấp thuận.
2. Người không chấp hành sự xét tuyển vào vị trí việc làm theo quy định tại Nghị định này sau khi tốt nghiệp.
3. Người có thời gian làm việc sau tốt nghiệp theo vị trí việc làm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định ít hơn hai lần thời gian được hưởng học bổng và chi phí đào tạo.
4. Người bị kỷ luật không được xét tuyển vào vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp hoặc bị thôi việc trong thời gian đang chấp hành sự phân công công tác.”
Trong thông tin, bạn đã công tác ở một trung tâm y tế cấp huyện theo sự phân công của Sở Y tế tỉnh được hơn 10 tháng. Tuy nhiên, trong thông tin, bạn không nói rõ, thời gian bạn được hưởng học bổng vào chi phí đào tạo là bao nhiêu. Đồng thời, giữa bạn và Sở y tế không có bất kỳ văn bản nào quy định về thời gian làm việc. Do vậy, trong trường hợp của bạn, bạn cần căn cứ theo quy định tại Điều 12 Nghị định 134/2006/NĐ – CP, được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 49/2015/NĐ – CP để xác định mình có thuộc trường hợp phải bồi hoàn chi phí đào tạo.
Trường hợp bạn có thời gian làm việc sau khi tốt nghiệp tại trung tâm y tế huyện theo sự phân công công tác của Sở y tế ít hơn 2 lần thời gian bạn được hưởng học bổng và chi phí đào tạo thì bạn sẽ phải bồi hoàn chi phí đào tạo.
Về mức bồi hoàn chi phí đào tạo:
Theo thông tin bạn cung cấp, từ khi bạn đi học theo diện cử tuyển thì giữa bạn và Sở y tế không có văn bản nào thể hiện sự cam kết về thời gian làm việc, chi phí đào tạo. Tuy nhiên, khi bạn nghỉ việc thì Sở y tế lại yêu cầu bạn phải bồi hoàn chi phí đào tạo lên đến 400 triệu. Để xác định số tiền chi phí đào tạo mà bạn cần phải bồi hoàn có chính xác hay không, thì trường hợp này, bạn cần căn cứ vào quy định tại Điều 13 Nghị định 134/2006/NĐ – CP, được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 49/2015/NĐ – CP, và được hướng dẫn cụ thể tại điểm 2 Mục III Thông tư liên tịch 13/2008/TTLT – BGDĐT – BLĐTBXH – BTC – BNV – UBDT, cụ thể:
“Điều 13. Mức bồi hoàn, cách tính bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo
1. Mức tiền bồi hoàn bao gồm học bổng chính sách cho người học và các khoản chi phí đào tạo đã được ngân sách nhà nước đài thọ. Tiền bồi hoàn được nộp vào ngân sách nhà nước.
2. Cách tính tiền bồi hoàn
a) Đối với trường hợp quy định tại khoản 1 và 2 Điều 12 Nghị định này, cách tính tiền bồi hoàn được xác định như sau:
TS = (HB+CF) x n
Trong đó TS là tổng số tiền phải bồi hoàn; HB là học bổng chính sách người học được hưởng trong một năm; CF là chi phí đào tạo người học trong một năm; n là số năm mà người học đã học theo chế độ cử tuyển.
b) Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 12 Nghị định này, cách tính tiền bồi hoàn được xác định như sau:
T-t
TS = _________ x (HB+CF) x n
T
Trong đó T là thời gian người được cử tuyển phải chấp hành sự xét tuyển vào vị trí việc làm; t là thời gian làm việc người được cử tuyển đã chấp hành theo sự xét tuyển vào vị trí việc làm; các ký hiệu: TS, HB, CF và n xác định theo quy định tại mục a khoản này.”
Trong trường hợp của bạn, do bạn đã công tác theo vị trí việc làm được Sở Y tế bố trí được một thời gian (10 tháng), nên trong trường hợp bạn phải bồi hoàn chi phí đào tạo thì cách tính tiền bồi hoàn được xác định theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 13 Nghị định 134/2006/NĐ – CP. Theo đó:
Tổng số tiền bạn phải bồi hoàn = (thời gian bạn phải chấp hành sự xét tuyển vào vị trí việc làm – thời gian bạn đã chấp hành theo sự xét tuyển vào vị trí việc làm) / thời gian bạn phải chấp hành sự xét tuyển vào vị trí việc làm x (học bổng chính sách bạn được hưởng trong vòng 1 năm + chi phí đào tạo người học trong vòng 01 năm) x số năm bạn đã học theo chế độ cử tuyển.
Do trong thông tin bạn không nói rõ thời gian bạn phải chấp hành sự xét tuyển vào vị trí việc làm trong thời gian là bao lâu, học bổng, chính sách mà bạn được hưởng trong một năm, chi phí đào tạo bạn trong một năm và số năm bạn được học theo chế độ cử tuyển là bao lâu, nên bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế để có sự xác định cụ thể. Trường hợp, không có cam kết về thời gian làm việc, cũng không có văn bản nào quy định về thời gian làm việc đối với người được đào tạo theo diện cử tuyển thì sẽ không có căn cứ để yêu cầu bồi hoàn chi phí đào tạo.
Như vậy, từ những phân tích ở trên, việc bạn có phải bồi hoàn chi phí đào tạo, và mức bồi hoàn chi phí đào tạo như thế nào, bạn có thể căn cứ vào tình hình thực tế và quy định tại Điều 12, Điều 13 Nghị định 134/2006/NĐ – CP; được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 49/2015/NĐ – CP, hướng dẫn tại điểm 2 Mục II Thông tư liên tịch 13/2008/TTLT – BGDĐT- BLĐTBXH – BTC – BNV – UBDT để có sự xác định cụ thể. Việc Sở y tế giữ bản chính văn bằng chứng chỉ của bạn trong khi không có sự thỏa thuận được xác định là không hợp pháp, bạn có quyền đề nghị cơ quan này trả lại cho bạn, nếu không trả, bạn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền can thiệp để giải quyết.
Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được trích dẫn trong tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Để được tư vấn, lắng nghe ý kiến tư vấn chính xác nhất và mới nhất từ các Luật sư vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.6568. Các Luật sư chuyên môn, nhiều năm kinh nghiệm của chúng tôi sẽ tư vấn – hỗ trợ bạn ngay lập tức!
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật lao động của chúng tôi:
– Tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
– Dịch vụ tư vấn pháp luật trực tuyến qua email trả phí
Trân trọng cám ơn!