Cô Đôi Thượng Ngàn là ai? Sự tích về Cô Đôi Thượng Ngàn?

Nhiều gia chủ khi đi lễ chùa, đền chắc hẳn đều có biết đến Cô Đôi Thượng Ngàn. Bài viết này tổng hợp các kiến ​​thức về vị Thánh Cô này và giúp giải đáp thắc mắc khác khi đi lễ Đền thờ Cô.

1. Cô Đôi Thượng Ngàn là ai?

Cô Đôi Thượng Ngàn là một trong 12 vị Thánh cô hàng Tứ phủ trong Tín ngưỡng thờ Mẫu tam, tứ phủ của người Việt, hầu cận các chầu và Mẫu. Hiện nay, Cô Đôi Thượng Ngàn được thờ ở nhiều di tích đền và phủ ở phía Bắc Việt Nam và được ca ngợi trong những ca khúc hát văn nổi tiếng mang tên "Cô Đôi Thượng Ngàn".

Cô hay về ngự đồng và thường về đầu tiên, là vị thánh nữ mở khăn hàng cô để chứng lễ. Người ta thường thấy cô hầu trong trang phục áo cánh xanh, quầy đen, đầu vấn khăn vành dây kết hoa, hoặc khăn vấn, hai bên dắt hoa. Khi hành lễ cô thường khai quang, rồi múa mồi, múa song đăng, tay tiên hái lộc cho thanh đồng.Trong đại lễ khai đàn mở phủ người ta thường mang vàng thoi dâng cô, ngoài ra còn dâng Cô Bơ, Cô Chín và Cô Bé

2. Sự tích về Cô Đôi Thượng Ngàn?

Truyện kể rằng ngày xưa có một vị quan lang họ Hà người Mường, ở vùng Nho Quan, Ninh Bình, vốn nổi tiếng khắp vùng vì đức độ, luôn phát tâm thiện nguyện, cứu giúp dân nghèo. Vì mãi vẫn chưa có con, nên ông bà lập đàn tế trời cầu tự. Lời cầu xin vọng đến Ngọc Hoàng, ngài động lòng mới sai Sơn Tinh Công Chúa, vốn là con Vua Đế Thích trên Thiên Cung, giáng sinh đầu thai làm con ông bà. Không lâu sau, bà có thai và sinh hạ cô. Lúc cô ra đời có đôi chim khách đậu trước cửa hót không ngừng, mừng tiên cô giáng trần. Năm Cô lên bốn tuổi, gia định vị quan lang chuyển tới làm quan ở Huyện Cao Phong, châu Mai Đà, tỉnh Hưng Hóa- nơi vùng cao, thiếu thốn nước sinh hoạt. Người dân quanh đây thường ra gánh nước từ con suối trong mát dưới chân núi Đầu Rồng về giúp đỡ ông bà. Năm lên mười hai tuổi Cô xinh đẹp tuyệt trần mặt tròn, da trắng, tóc dài mượt, thướt tha y tiên nữ. 

Thánh Mẫu Thượng Ngàn muốn thử lòng người trần gian, độ cho người có tâm, bèn hóa thành một bà lão đói khát, bệnh tật nằm lả kêu rên từng tiếng khó nhọc, ở gốc cây đa dưới chân núi Rồng cầu mong sự giúp đỡ của mọi người qua lại. Thế nhưng chẳng ai chịu ra tay cứu giúp, chỉ duy nhất cô ra suối gánh nước thương xót bà lão, vực bà ngồi dậy, cho bà uống nước. Bỗng trời đất tối xầm, mây đen gió bụi cuốn lên mù mịt, Bà lão hiện thành Tiên Chúa Thượng Ngàn và xác nhận bà chính là đức Diệu Tín Thiền Sư Lê Mại Đại Vương (tức Mẫu Thượng Ngàn). Vì thấy cô là người ngoan ngoãn, hiền lành, đức độ, giàu tình thương; kiếp trước là tiên nữ trên trời, nghe lệnh Ngọc Hoàng mà hạ phàm báo ân cha mẹ; nên Mẫu độ cho cô thành tiên, trở về bên hầu cận bên cạnh Mẫu, cứu giúp nhân gian. Cô nhận cây gậy khắc đầu rồng của Mẫu rồi trở về nhà, bốn ngày sau thì hóa.

Về thiên giới, cô học Mẫu Thượng Ngàn đạo phép, được Mẫu giao dạy người rừng biết thống nhất về ngôn ngữ, đồng thời cai quản kho lộc Sơn Lâm Sơn Trang. Lúc thanh nhàn cô về ngự cảnh sơn lâm núi rừng ở đất Ninh Bình quê nhà lúc cùng các bạn tiên nữ ca hát vui thú trên dốc Sườn Bò (nay thuộc xã Văn Phương, Nho Quan), lúc luận đàm văn thơ cùng các bậc danh sĩ. Tương truyền người trần gian ai nhất tâm thì thường được Cô Đôi ban thưởng, nhược bằng có nợ mà không mau trả lễ cô lại bắt đền nặng hơn. 

3. Đền thờ Cô đôi Thượng Ngàn:

Hai đền thờ chính của Cô Đôi Thượng Ngàn là đền Bồng Lai (còn gọi là đền Bồng Lai Hạ) ở Nho Quan, Ninh Bình- nơi Cô sinh và Đền Bồng Lai Thượng (còn gọi là Bồng Lai Linh Từ) nằm trong khu du lịch tâm linh núi đầu Rồng, ở Cao Phong, Hòa Bình là nơi Cô hóa.

3.1. Đền Bồng Lai- Ninh Bình:

Được xây dựng từ thời Trần dù chỉ là một ngôi đền nhỏ, nhưng rất khang trang. Sau nhiều biến cố, đặc biệt chịu tác động bởi phong trào chống mê tín dị đoan và bị  chính quyền cho đốt, đền còn giữ lại được một lư hương và một sắc phong của Vua Khải Định. Các đồ tế tự và các sắc phong khác đều bị đốt, thất lạc. Cho đến tận 2006, khi nhà nước cởi mở về tôn giáo, Hội người cao tuổi của làng đã họp cùng sự góp sức của bà con trong làng và thập phương cùng thầy chủ trì trùng tu, xây dựng lại chùa. Đến năm 2010, ngôi đền được hình thành và còn đến ngày nay.
Đây là một ngôi đền thiêng với nhiều câu chuyện kỳ bí, nhiều người kể lại: Trong phong trào chống tín dị đoan vào những năm 60 của thế kỷ XX, sau khi ngôi đền bị phá, cậu con trai út của một gia đình 11 người con, vô tình chặt một cây duối to lâu đời ở phía sau ngôi đền để làm củi đun. Khi chặt xong chưa kịp kéo về, cậu con trai khi đó mới bốn tuổi đã tự nhiên trúng gió, dù được đưa đi cứu chữa ngay nhưng không qua khỏi. Ông bà cùng 10 người con còn lại thường xuyên đến lễ Cô một sự hối hận, nay hai cụ vẫn khỏe mạnh, các con đều trưởng thành ăn gia làm nên. Người ta bảo sự trùng hợp ấy là báo ứng của Cô, có lỗi thì Cô trách, có tâm cô lại chứng.

Đền Cô hiện nay có kiến trúc theo kiểu chữ Nhất gồm 3 gian mái phẳng lợp ngói vảy: Phía trước tiền bái là ban thờ Quan Giám Sát, trong thờ Hội đồng Tứ Phủ, hai bên thờ Đức Thánh Trần Triều, Chúa Sơn Trang. Gian thượng bái thờ Cô Bản Đền và Chúa Thượng Ngàn. Trong cung cấm thờ tượng Cô Đôi Thượng Ngàn và thờ hai hầu cận của Cô là Nàng Ân, Nàng Ái. Phía sau cô là Tam Tòa Thánh Mẫu và các hầu cận Chầu Quỳnh, Chầu Quế .

Ngôi đền nhỏ, phía sau là một dãy núi trùng điệp của rừng quốc gia Cúc Phương, cạnh là cánh đồng bát ngát, Nơi đây, thời xưa cụ Tả Oai – Một nhà phong thủy lỗi lạc đã đánh giá là một nơi địa linh, cùng với 3 đền, chùa, miếu quanh vùng tạo thành một tứ trấn cho vùng đất linh thiêng này.

3.2. Đền Bồng Lai Thượng- Hòa Bình:

Ngôi đền này được xây dựng vào năm 1890 và đã được trùng tu lại khang trang vào cuối năm 2013 với tổng diện tích hơn 5000m2  thờ phụng Cô Đôi Thượng Ngàn cùng với các chư vị tiên thánh Tứ Phủ, thu hút đông đảo du khách tín ngưỡng thập phương.

Cổng Tam Quan nối liên hai dãy nhà dải vũ song song: Dãy bên trái thờ các Cô (Tứ Phủ Thánh Cô) và dãy bên phải thì thờ các Cậu (Tứ Phủ Thánh Cậu). Tòa đại bái của đền gồm có 3 gian trồng diện 12 mái, phụng thờ tam tòa thánh mẫu: Gian bên ngoài cùng thờ Công đồng, Quan Điều Thất (Quan Lớn Điều Thất) và Quan Hoàng Triệu (Quan Hoàng Đôi); Gian thứ hai thờ phụng Ngọc Hoàng, Tứ Phủ Thánh Hoàng và Trần Triều; Gian thứ ba thờ phụng Tứ Phủ Thánh Bà, Sơn Trang Thượng, Sơn Trang Thoải. 

Đền Thượng Bồng Lai có 4 ngày lễ chính trong năm gồm lễ khai xuân (vào 14/1 âm lịch), lễ tiệc Cô Đôi thủ đền (vào 2/2 âm lịch), lễ vào hè (vào 14/4 âm lịch) và lễ tất niên (vào 14/12 âm lịch). Đền Bồng Lai  nằm giữa 5 ngọn núi Ngũ Hành: Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ và các đền, động Thánh Mẫu Thượng Ngàn, Hoa Sơn Động, Phong Sơn Động, Động Dược Sư, Hang không đáy...tạo nên một chốn "Bông Lai Tiên Cảnh" mà ai đến đây không thể nào quên. Chính vì thế, Ngôi đền đã được công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 2012

Cô Đôi Thượng Ngàn còn được thờ tại Đền Cô cạnh đền Mẫu Đông Cuông, Đền Cô Đôi Thượng Ngàn trong Khu du lịch Hàn Sơn – Thanh Hóa và chủ yếu được phối thờ tại các cung Tứ Phủ Thánh Cô hoặc một ban riêng ở các đền phủ.

4. Đi lễ Cô Đôi Thượng Ngàn nên cầu gì?

Cô Đôi Thượng Ngàn là người có nhiều quyền phép lại có tấm lòng bao dung, yêu mến những người thành tâm. Nên vào những ngày Tết Dương lịch, lễ hội Đền Cô Đôi, hay ngày tiệc của cô vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch, không chỉ những người lập đàn mở phủ đến cúng lễ cô mà cả những con hương thành tâm hướng thiện cũng đến để dâng lễ lên Cô, cầu mong việc học hành thành đạt, sự nghiệp phát triển, gia đình hòa thuận, cầu phúc lành, bình an.

Lễ dâng Cô Đôi Thượng Ngàn: Thông thường, những người đến lễ hay sắm một mâm cỗ đầy đủ gồm một đĩa hoa, một đĩa quả gồm nhiều loại quả, trầu cau, rượu trắng, xôi thịt, một tập giấy tiền, thẻ hương cùng một cánh sớ trình Cô. Đối với oản dâng Cô Đôi và các lễ vật thì nên là oản có màu xanh giống với màu áo xanh khi cô về ngự đồng. Lễ vật dâng tiên cô nên đẹp và sang trọng, trang trí với nhiều hoa tươi, quạt lông công phượng xinh đẹp.

Sau khi dâng những thức lễ này trên ban thờ thánh, bạn chờ hết một tuần hương rồi sau đó hạ lễ, riêng sớ và tiền giấy thì đem đi hóa tại nơi hóa sớ của đền.

 

    5 / 5 ( 1 bình chọn )