Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên đoạn trích Cảnh ngày xuân

Với bút pháp miêu tả giàu chất tạo hình của Nguyễn Du, đoan trích Cảnh ngày xuân đã vẽ ra một bức tranh thiên nhiên, lễ hội mùa xuân tuyệt đẹp trước mắt người đọc. Bài viết dưới đây sẽ miêu tả chi tiết giúp bạn đọc cảm nhận được bức tranh thiên nhiên trong đoạn trích Cảnh ngày xuân.

1. Dàn ý cảm nhận về bức tranh thiên nhiên trong đoạn trích Cảnh ngày xuân:

Mở bài:

– Giới thiệu đôi nét về Nguyễn Du và tác phẩm “Truyện Kiều” cùng bút pháp nghệ thuật của Nguyễn Du:

+ Nguyễn Du là tác giả lớn của nền văn học Việt Nam.

+  Truyện Kiều được viết bằng chữ Nôm, kể về cuộc đời của nhân vật Thúy Kiều. Truyện Kiều được coi là tác phẩm xuất sắc và thành công nhất của Nguyễn Du.

– Giới thiệu đoạn trích “Cảnh ngày xuân” cùng với bức tranh thiên nhiên:

+ Đoạn trích miêu tả cảnh ngày xuân trong tiết Thanh minh và cảnh du xuân của hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân.

+ Đoạn trích nằm ở phần đầu, được viết sau đoạn tả tài sắc của chị em Thúy Kiều.

Thân bài:

– Khung cảnh mùa xuân:

+ Không gian diễn tả buổi sáng cảnh ngày xuân: trong trẻo, tinh khôi, tràn đầy sức sống, tươi đẹp.

+ Với những hình ảnh: Chim én đưa thoi, thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi, màu cỏ non xanh rợn đến chân trời, cành lê trắng,.. đã gợi lên những hình ảnh cảnh ngày xuân hiện ra tinh khôi, không gian khoáng đạt, thanh khiết, trong trẻo làm cho đoạn trích trở nên độc đáo và nhiều màu sắc hơn.

– Cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh:

+ Khung cảnh tết Thanh minh diễn ra với hai phần: lễ Tảo mộ và hội Đạp thanh.

+ Sử dụng những từ ngữ gợi tả: Gần xa, nô nức, yến anh, tài từ, giai nhân, sắm sửa, dập dìu.

=> Gợi lên không khí cảnh lễ hội nhộn nhịp, đông vui, náo nhiệt cùng với tâm trạng náo nức. Lễ Tảo mộ thực hiện những nghi thức trang nghiêm khi viếng mộ.

– Cảnh chị em Thúy Kiều ra về:

+ Thời gian: “Tà tà bóng ngả về tây” là thời điểm kết thúc của một ngày.

+ Hình ảnh chị em Thúy Kiều dan tay nhau ra về nói lên khung cảnh lễ hội đã kết thúc một ngày, cảnh vật và người trở nên thưa vắng.

+ Hai câu cuối: khắc họa cảnh vật trên đường trở về, qua đó bộc lộ tâm trạng nuối tiếc của con người. Tâm trạng bâng khuâng, xao xuyến, đượm buồn và dự cảm một điều sắp xảy ra.

Kết bài:

Nêu cảm nhận của bản thân về đoạn trích “Cảnh ngày xuân”. Tổng hợp lại nghệ thuật và nội dung của đoạn trích.

2. Cảm nhận về đoạn trích Cảnh ngày xuân hay nhất:

Nguyễn Du là một trong những tác giả lớn của nền văn học Việt Nam với tác phẩm Truyện Kiều đã làm nên danh tiếng của ông. Trong tác phẩm Truyện Kiều miêu tả rất nhiều cảnh đẹp, tiêu biểu như đoạn trích “Cảnh ngày xuân” được coi là bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, đặc sắc và có hồn nhất trong tác phẩm.

Đoạn trích nằm ở phần đầu của tác phẩm, sau đoạn miêu tả vẻ đẹp tuyệt sắc gia nhân của Thúy Kiều và Thúy Vân. Vào ngày tiết Thanh minh, hai chị em đã đi du xuân sau đó đi tảo mộ. Cảnh thiên nhiên và con người hiện ra trước mắt một bức tranh tuyệt đẹp và có nhiều màu sắc. Bốn câu thơ đầu gợi lên khung cảnh mùa xuân trong trẻo, tươi đẹp, trong sáng:

“ Ngày xuân con én đưa thoi,

Thiều quan chín chục đã ngoài sáu mươi.

Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.

Hai câu thơ đầu gợi tả cảnh mùa xuân với thời gian và không gian riêng. Hình ảnh con én chính là biểu tượng cho mùa xuân, một mùa xuân tươi đẹp và rực rỡ, kết hợp với nghệ thuật ẩn dụ “én đưa thoi” đã gợi ra thời gian trôi qua thật nhanh. “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi” nghĩa là những ngày xuân tươi đẹp đã qua đi được sáu chục ngày, như vậy bây giờ đang là thời điểm tháng ba, đây là hình ảnh hoán dụ chỉ cảnh ngày xuân tươi đẹp đã trôi qua, tháng cuối cùng của mùa xuân.

Nền cảnh của bức tranh thiên nhiên được hoạ nên bởi màu xanh non, tươi mát của thảm cỏ trải ra bao la: “Cỏ non xanh tận chân trời”, sắc cỏ tháng ba là sắc xanh non, tơ nõn mềm mượt êm ái. Màu xanh của cỏ tiếp nối với màu xanh của trời trải dài tít tắp đến tận chân trời, có lẽ chính hình ảnh gợi cảm ấy đã gợi ý cho Hàn Mặc Tử hơn một thế kỉ sau viết nên câu thơ tuyệt bút này: “Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời”. Trên nền xanh của cỏ, của bầu trời có điểm xuyết “một vài bông hoa” trắng tinh khiết. Chính sự điểm xuyết này khiến cho cả bài thơ như bừng lên một sức sống mãnh liệt, khó có thể dập tắt. Màu trắng của hoa lê trên cành giữa sắc xanh của lá, cỏ cây gợi sự nhẹ nhàng, tinh khiết khiến bức tranh mùa xuân trở nên đẹp mắt, bình yên đến lạ. Cảnh xuân lúc này vừa tràn đầy sức sống vừa nhẹ nhàng, gợi cảm.  Nhà thơ sử dụng đảo ngữ “trắng điểm” khiến cho màu trắng càng được nhấn mạnh. Với biện pháp đảo ngữ giúp người đọc cảm nhận màu trắng của hoa lê chủ động tô điểm cho bức tranh xuân thêm tuyệt diệu. Chữ điểm có tác dụng gợi vẻ sinh động, hài hoà. Ở đây, tác giả sử dụng bút pháp hội hoạ phương Đông, đó là bút pháp chấm phá. Bốn câu thơ tả cảnh mùa xuân quả là tuyệt bút, ngôn ngữ giàu chất tạo hình chất gợi và biểu cảm. Qua bức tranh thơ này người đọc cảm nhận được tâm hồn nhạy cảm tha thiết trước cảnh sắc thiên nhiên trong trẻo, tươi tắm, ấm áp của mùa xuân.

  Tám câu thơ tiếp của bài thơ tái hiện phong tục tảo mộ (viếng mộ, sửa sang phần mộ của người thân) và du xuân (hội đạp thanh) trong tiết Thanh minh:

“Thanh minh trong tiết tháng ba,

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

Gần xa nô nức yến anh

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

Dập dìu tài tử giai nhân

Ngựa xe như nước, áo quần như nêm

Ngổn ngang gò đống kéo lên

Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay”.

Không khí rộn ràng của mùa xuân được gợi lên bởi những động từ, danh từ, tính từ thể hiện hành động nhộn nhịp, náo nức, tươi vui của những người đi hội. Lễ viếng thăm những người thân đã mất và sửa sang mộ thể hiện sự tôn nghiêm, đúng với phong tục tập quán của người Việt Nam ta từ xa xưa trong ngày tiết Thanh minh.

Con người cũng hiện lên như tô điểm thêm bức tranh ngày xuân tươi đẹp đó. Hình ảnh các chị em sắm sửa quần áo, váy vóc để chơi xuân, các tài tử giai nhân cùng nhau vui chơi, giãi bày tâm sự làm cho mùa xuân trở nên sinh động, rộn ràng, vui tươi và náo nhiệt, đậm nét đặc trưng trong những ngày này. Hình ảnh ngựa xe, áo quần gợi lên sự tấp nập, nhộn nhịp, huyên náo. Đó không chỉ là không khí lễ hội mà còn mang đậm màu sắc tươi tắn, trẻ trung của tuổi trẻ.

Hai câu thơ “Ngổn ngang gò đống kéo lên, thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay” thể hiện những chất mộc mạc, gợi nhớ và gợi thương. Đây chính là tấm lòng thành kính, biết ơn đối với những người đã mất. Hai câu thơ này đã khiến người đọc xúc động khi nhớ về người đã khuất, những người đã cho chúng ta có cuộc sống của ngày hôm nay.

Cảnh ngày xuân chưa vui được bao lâu, khi kết thúc lễ hội cũng chính là lúc kết thúc một ngày, cảnh vật và con người trở nên buồn bã và đìu hiu, cô quạnh hơn:

“Tà tà bóng ngả về tây

Chị em thơ thẩn dan tay ra về

Bước dần theo ngọn tiểu khê

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh

Nao nao dòng nước uốn quanh,

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”.

Các từ láy “tà tà, thơ thẩn, thanh thanh, nao nao, nho nhỏ” vừa gợi tả sắc thái cảnh vật vừa gợi lên tâm trạng của con người. Khi buổi chiều tối đang đến dần, hai chị em thẩn thơ dắt tay nhau ra về. Dường như Thúy Kiều vẫn chưa tin được thời gian trôi nhanh đến vậy, cuộc vui chưa được bao lâu, nàng bâng khuâng bước dần theo dòng suối nhỏ. “Thanh thanh” vừa có nghĩa là xanh nhẹ vừa cí nghĩa là thanh thoát, thanh mảnh, “nao nao”  vừa diễn tả thế chảy của dòng nước vừa diễn tả tâm trạng của con người. Tâm sự của con người như nhuốm vào cảnh sắc thiên nhiên, khiến cho nó trở nên tiêu điều và xơ xác hơn. Cảnh và người như có sự tương liên để giao hòa trong bầu không khí bâng khuâng, lưu luyến, khe khẽ sầu lay. Có thể mơ hồ cảm nhận được cảnh vật đang tạo ra dự cảm về những sự việc sắp xảy ra.

Bằng bút pháp nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc tài hoa của mình, Nguyễn Du đã vẽ lên một bức tranh khung cảnh mùa xuân vô cùng đẹp tuyệt vời, người và cảnh như hòa quyện lại với nhau tạo nên sắc thái của mùa xuân tràn trề đầy sức sống, tươi đẹp. Bức họa thiên tài gồm hai mảng màu vừa tương phản vừa hài hòa. Sáng xuân tinh khôi , náo nức và chiều tà mang nét đượm buồn gợi những liên tưởng xa xôi về số phận cuộc đời nhân vật chính – Thúy Kiều.

3. Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên trong Cảnh ngày xuân:

Nguyễn Du là một đại thi hào của dân tộc, là một danh nhân văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Ông có đóng góp to lớn với một khối lượng thơ văn đồ sộ cho dân tộc. Trong những tác phẩm ấy, nổi bật nhất là bài thơ “Truyện Kiều’’. Truyện Kiều là bài thơ được viết bằng thể lục bát nói về số phận của những người phụ nữ có số phận bất hạnh, họ phải chịu nhiều tủi nhục và đau đớn. Đồng thời cũng lên án những kẻ ích kỉ hèn mọn chỉ quan tâm đến lợi ích của mình. Đoạn trích “Cảnh ngày xuân’’ có lẽ là đoạn tiêu biểu nhất về tả cảnh thiên nhiên. Đoạn trích nằm ở phần đầu của Truyện Kiều. Vào ngày tết thanh minh chị em thúy kiều đi tảo mộ và hiện ra trước mắt người đọc là một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp và tâm trạng của người du xuân khi trở về.

Mở đầu bài thơ hiện ra một bức tranh xuân trong sáng, nhẹ nhàng và tinh khôi:

Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Hai câu thơ đầu gợi tả cho ta về không gian và thời gian. Câu thơ “Ngày xuân con én đưa thoi’’ là câu thơ gợi tả về không gian. Trên nền trời cao rộng, đàn én lượn qua lượn lại, chao liệng như thoi đưa vào những tháng cuối của mùa xuân. Cũng như chỉ thời gian trôi nhanh giống như những chú én đang vụt bay trên trời xanh. Mùa xuân có chín mươi ngày vậy mà bây đã qua sáu mươi ngày, đã bước sang tháng ba rồi. Làm cho con người ta thấy vấn vương, tiếc nuối khi sắp kết thúc một mùa xuân. “Thiều quang’’ là chỉ ánh sáng của mùa xuân, nó không chói chang như mùa hạ hay yếu ớt của mùa đông mà nó là ánh sáng ấm áp, mang đến sức sống cho muôn loài.

Hai câu thơ sau được tác giả khắc họa tuyệt đẹp với hai màu xanh và trắng. Chữ “tận” mở ra một không gian bao la bát ngát không có điểm dừng. Thảm cỏ non trải rộng đến chân trời là để làm màu nền cho bức tranh mùa xuân. Trên bầu trời xanh ngát ấy xuất hiện màu trắng của vài bông hoa lê. Từ “điểm” tĩnh như không tĩnh, làm cho ta liên tưởng thiên nhiên có tâm hồn, biết làm đẹp giống như một con người. Chỉ một vài màu trắng của hoa lê mà làm câu văn trở nên sống động và nổi bật trong sắc trời mùa xuân. Bằng một vài nét chấm phá, tác giả đã vẽ lên một bức tranh sinh động, hấp dẫn, khiến cho người đọc cảm giác mình đang đứng trước khung cảnh của mùa xuân.

Nếu bốn câu thơ đầu là một bức tranh của mùa xuân thì tám câu tiếp là bức tranh của lễ hội trong tiết thanh minh:

“Thanh minh trong tiết tháng ba

Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh

Gần xa nô nức yến anh

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

Dập dìu tài tử giai nhân

Ngựa xe như nước áo quần như nêm

Ngổn ngang gò đống kéo lên

Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay”.

Từ xa xưa dân tộc ta đã có phong tục là đi tảo mộ người thân đầu năm để thăm viếng sửa sang lau chùi cho sạch sẽ và du xuân ở chốn đồng quê trong khí tiết thanh minh. Các danh từ, động từ, tính từ “yến anh, chị em, tài tử, giai nhân, ngựa xe, áo quần, sắm sửa, dập dìu, gần xa, nô nức” là chỉ một không gian có rất nhiều người đặc biệt là các chàng trai và cô gái đi du xuân đầu năm tạo không khí đông vui, nhộn nhịp và náo nhiệt của buổi hội gắn với một tâm trạng của mỗi người đi hội. Ai cũng háo hức sắm sửa trang phục, trang sức để chuẩn bị tham gia lễ hội. Đó không những là buổi hội mà còn là nơi se duyên cho các cặp nam thanh nữ tú chưa tìm được định mệnh của mình.

Bên cạnh hình ảnh người đi du xuân là hình ảnh những đống tro bên cạnh nấm mồ, những đống tro ấy chính là người ta đốt tiền giấy để tưởng nhớ những người thân đã khuất:

“Ngổn ngang gò đống kéo lên

Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay”.

Dù là người đang sống hay người đã khuất đều cầu nguyện mong được hạnh phúc. Người đã mất thì khi họ chết đi cũng mong con cháu mình luôn được mạnh khỏe, bình an và hạnh phúc. Người đang sống họ ước mong được một tương lai tốt đẹp, hạnh phúc và cầu nguyện cho những người đang nằm dưới nấm mồ kia được yên nghỉ.

Người ta thường nói cuộc chơi nào rồi cũng sẽ đến lúc phải kết thúc. Không có cái gì là trường tồn mãi mãi cả. Khi lễ hội kết thúc chị em Kiều ra về trong cảnh chiều tà và mang một tâm trạng sầu mặc:

“Tà tà bóng ngả về tây

Chị em thơ thẩn dan tay ra về

Bước dần theo ngọn tiểu khê

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh

Nao nao dòng nước uốn quanh

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”.

Không khí vui tươi, náo nhiệt không còn nữa mà nó đang mờ nhạt dần theo ánh nắng. Trời đã về chiều, mặt trời đã lặn sau chân núi, chỉ còn những ánh sáng yếu ớt của những tia nắng còn sót lại. Các từ láy thanh thanh, nao nao, tà tà, thơ thẩn gợi tả sắc thái của cảnh vật và cũng chính là tâm trạng của con người. Dường như cảnh vật cũng thấu hiểu lòng người, cũng khoác lên mình một màu u buồn. Nguyễn Du sử dụng thủ pháp nghệ thuật tả cảnh ngụ tình mượn cảnh vật để nói lên tâm trạng của con người. Một tâm trạng bâng khuâng, thơ thẩn như đang suy nghĩ về một vấn đề nào đó và dự cảm có điều gì đó sẽ xảy ra trong tương lai sắp tới.

Có thể nói đây là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp có cảnh có tình. Được coi là một trong những bức tranh thiên nhiên đẹp nhất trong “Truyện Kiều’’ của Nguyễn Du. Sử dụng ngôn từ giàu hình ảnh mang tính chọn lọc, bút pháp tả cảnh thiên nhiên đặc sắc tả cảnh điểm xuyết, tả cảnh ngụ tình,… cho ta thấy được tài năng của tác giả.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )