Vội vàng là một trong những sáng tác tiêu biểu nhất và nổi tiếng của Xuân Diệu, bài thơ là tiếng nói con tim của một kẻ đang say đắm trong tình yêu với các cung bậc cảm xúc khác nhau. Dưới đây là hướng dẫn làm bài văn cảm nhận bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu ngắn gọn, điểm cao, mời bạn đọc tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Hướng dẫn viết cảm nhận về bài thơ Vội vàng:
1.1. Mở bài:
– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và hoàn cảnh sáng tác của bài thơ.
– Xuân Diệu là nhà thơ của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ, một trong những nhà thơ đầu tiên của Việt Nam nổi tiếng từ phong trào Thơ mới.
“Vội vàng” là một trong những tập thơ hay nhất về tình yêu cuộc sống thiết tha và quan niệm nhân sinh mới mẻ của Xuân Diệu.
– Khái quát nội dung chính của bài thơ.
1.2. Thân bài:
Khát vọng lạ lùng, mãnh liệt lưu giữ vẻ đẹp của thiên nhiên.
– “nắng” mùa xuân: ánh sáng rực rỡ, ấm áp và tương phản
– “hương” mùa xuân: nơi tinh hoa của trời đất, của con người hội tụ, hoà quyện.
– việc “tắt nắng” và “buộc gió” là những hành động không tưởng, đi ngược lại với các quy luật vốn có của thiên nhiên.
– “cho màu đừng phai. .. “: níu giữ những vẻ đẹp, cái tinh khiết, màu sắc tự nhiên của thời gian
– “cho hương đừng phai. .. “: níu lại hương thơm của hoa cỏ mùa xuân.
=> Xuân Diệu muốn ngăn chặn bước tiến của thời gian để gìn giữ cho cuộc đời những điều tinh tuý nhất, nhận thức được cái quý giá và vẻ đẹp của nắng xuân của hương hoa cỏ.
=> Cái tôi hiếu thắng, muốn giành quyền tạo hoá, thách thức cả trời đất, lòng tham sống ngông cuồng đến mạnh mẽ và quan niệm về thời gian của Xuân Diệu.
Bức tranh thiên nhiên mùa xuân
– Thiên nhiên mùa xuân đang trải dài trong khoảng không gian mênh mông, rộng lớn của trời đất vũ trụ:
– “Ong, bướm” mang “mật” ngọt kết hợp với gam màu “xanh rì” tươi mới của lá cỏ
– Cái nhẹ nhàng, lãng mạn của “cành tơ phơ phất”, thiên nhiên mùa xuân non tơ, tràn trề sinh lực
– Sự lãng mạn, ngọt ngào trong “khúc tình si” của cặp “yến anh”.
– “Ánh sáng chớp hàng mi” – một thứ ánh sáng tuyệt diệu, rực rỡ bao trùm cả vũ trụ.
– “Thần vui” gõ cửa -> mỗi ngày được thở, được ngắm ánh sáng dương và được cảm nhận mùi hương của thiên nhiên là một ngày hân hoan vui sướng.
=> Bức tranh xuân rực rỡ trên thiên đường hạ giới không chỉ có cảnh sắc đẹp tuyệt mà còn ngập tràn ánh sáng và niềm vui.
– Ẩn dụ thay đổi vị giác:
“Tết ngon bằng một cặp môi gần”
– “ngon “: khen, ca ngợi tháng giêng – tháng đầu tiên của mùa xuân
– “cặp môi gần “: giúp liên tưởng mùa xuân tựa như một người thiếu nữ đẹp, quyến rũ, lôi cuốn làm người ta say mê.
=> Con người trở thành chuẩn mực cho cái đẹp và là thước đo vẻ đẹp của cuộc sống. Thiên đường không phải là bất cứ chốn thiên thai xa hoa hay tráng lệ nào cả, đó mới là mặt đất thật sự – thiên đường của hạnh phúc, của vẻ đẹp và của tình yêu
Tâm trạng của nhà thơ.
– Sung sướng trước vẻ đẹp của thiên nhiên, của cuộc sống
– “vội vàng một nửa”: vội vàng, lo lắng, bởi có lẽ hơn ai hết, Xuân Diệu cảm nhận thấy sự chảy trôi của thời gian, sự mỏng manh, ngắn ngủi của kiếp người.
=> Không chờ thời gian trôi qua, không chờ đến mùa hạ mới nhớ đến mùa xuân. Không chờ tuổi trẻ trôi qua mới biết tiếc nuối tuổi thanh xuân của mình. Dự cảm mơ hồ về sự mong manh, ngắn ngủi của kiếp người đã khiến cho thi nhân sống vội vàng tận hưởng.
Đặc sắc nghệ thuật của đoạn này
– Sự phối hợp hài hoà giữa cảm xúc mơ hồ và một mạch logic
– Sử dụng thủ pháp nhân hoá, điệp ngữ, so sánh, ẩn dụ chuyển đổi cảm xúc. ..
– Giọng điệu say mê, độc đáo
– Ngôn ngữ và hình ảnh thơ sáng tạo, độc đáo.
1.3. Kết bài:
– Khái quát lại vấn đề, nêu suy nghĩ cảm nhận của người viết
2. Cảm nhận bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu ngắn gọn:
Thời đại thơ mới là một nhánh rẽ đầy ấn tượng, sáng tạo của thơ ca Việt Nam. Thời điểm thơ văn khoát lên cho mình một chiếc áo được cách tân mới mẻ chính là mảnh đất vàng ươm những thi nhân tài hoa như: Tản Đà, Thế Lữ, Xuân Diệu, . .. Bài thơ Vội vàng được trích từ tập thơ đó đã mở đầu cho một phong cách thơ được sáng tạo hết sức mới mẻ trong nội dung và hình thức của Xuân Diệu. “Một hồn thơ rạo rực mơ hồ trong những câu thơ lời ít ý nhiều nhưng đọng lại bao tinh hoa”.
Giữa lúc ta lên tiên cùng Tản Đà, sống trong mơ mộng bên Hàn Mặc Tử, . . thì Xuân Diệu là người đã “đốt cảnh thiên đường rồi đuổi ai nấy về hạ giới”. Lòng yêu đời yêu cuộc sống mãnh liệt đã khiến tâm hồn của thi nhân ôm chặt lấy cuộc sống ấy, không thoát ly hoàn toàn như những con người khác. Với cuộc sống, ông có một khát khao cháy bỏng:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Tắt nắng, buộc gió là những việc con người không thể thực hiện được, đó là sự khát khao cháy bỏng. Nhưng cái điều ấy cũng có lí với trái tim của nhà thơ, bởi đó là trái tim đầy khát khao cháy bỏng, muốn sống đến tận cùng chữ “sống”, muốn lưu giữ lại cho mình những hương, những màu của của cuộc đời. Mà cuộc đời trong nhận thức của nhà thơ thì đẹp đẽ biết chừng nào, vô giá biết bao nhiêu. Nhà thơ thấy rằng trong cuộc sống này mọi thứ luôn kỳ diệu, mỗi sự vật dù bé nhỏ đến mấy cũng đều cống hiến cho đời những nét đẹp tinh tuý nhất của mình:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật,
Này đây hoa của đồng nội xanh rì,
Này đây lá của cành tơ phơ phất,
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.”
Nhận thức ra quy luật của thời gian, khát khao sống đến mãnh liệt. Xuân Diệu đã ôm ghì lấy cuộc sống, tận hưởng cuộc sống để không phí hoài đi thời gian, tuổi trẻ. Tình yêu cuộc sống lại bùng lên cuồng nhiệt hối hả.
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn biết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi.”
Lòng thơ tràn lên như một cao trào tình cảm. Hình ảnh thơ tươi mới, sinh động. Và dường như tình yêu cuộc sống của nhà thơ tăng dần theo từng chữ muốn ôm đến riết là đã xiết lại rồi. Và đã say – sự cuồng nhiệt đến độ vẫn chưa thể thoả dạ – còn muốn thâu nghĩa là muốn thu lại hết để có sự hoà hợp một. Và cuối cùng là tiếng gọi của những cảm xúc không hề có trong thơ ca: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi.”
Có mơ ước nào mãnh liệt, cháy bỏng và táo bạo như Xuân Diệu, nhà thơ coi mùa xuân là nàng xuân đang đem những hương vị của hạnh phúc và sự sống đến muôn nơi. Từ “cắn” dường như đã lột tả rất chuẩn xác tính cách và cái tôi trong thơ Xuân Diệu, thơ ông bao giờ cũng là hiện thân của những xúc cảm mãnh liệt, của những lời yêu thương gọi mời trong gió. Nó là khao khát, mà cũng là một lời mời gọi đầy thiết tha của cái tôi Xuân Diệu.
Như vậy thông qua đó ta đã thấy những quan niệm sống mới rất đáng để nghiên cứu và học hỏi. Qua đó tác giả đã cho em cũng như bạn đọc nhiều giá trị nhân văn cao đẹp. Học xong bài thơ em cảm nhận được giá trị của thời gian và vẻ đẹp của thiên nhiên không phải ở chốn thần tiên xa xôi mà hiển hiện ngay giữa đời thường. Xuân Diệu cho em biết thế nào là sống tử tế, có trách nhiệm, biết nỗ lực hết mình với tuổi trẻ tươi đẹp, biết đóng góp sức mình cho đất nước và được hưởng thụ cuộc sống hạnh phúc.
3. Cảm nhận bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu hay nhất:
Xuân Diệu là một trong những cây đại thụ lớn của nền thi ca Việt Nam, ông cũng được coi là “ông hoàng” của các áng thơ tình say đắm, lãng mạn. Ngay trong lời thơ ngoài đời thật thì Xuân Diệu bao giờ cũng thể hiện được sự khao khát cháy bỏng với tình yêu, với cuộc sống. Không giống với các thi sĩ mới cùng lứa, Xuân Diệu đã sớm khẳng định được cái tôi cá nhân trong chất thơ mãnh liệt, cuồng say của mình. Vội vàng là một sáng tác rất hay, cất lên tiếng nói của một trái tim đang khao khát, thiết tha với sự sống cuộc đời. Bài cũng chứa đựng những nỗi niềm ưu tư, trăn trở, âu lo của Xuân Diệu về sự trôi qua vội vàng của cuộc đời.
Mở đầu bài thơ tác giả đưa người đọc vào những xúc cảm tươi vui, yêu đời trước vẻ đẹp của sắc xuân phơi phới. Vẻ đẹp đất trời hiện lên như một bức tranh nhiều màu sắc với những hình ảnh thiên nhiên nên thơ và đẹp đẽ đến nao lòng. Trước mắt nhà thơ, cuộc sống đang diễn ra rất sôi nổi và tràn đầy năng lượng:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
Khung cảnh non nước rực rỡ sắc màu được Xuân Diệu miêu tả qua những câu thơ đẹp và rất sống động. Khung cảnh non nước hiện lên trong thơ ca đẹp lộng lẫy như một “thiên đường trên mặt đất”. Hình ảnh “ong bướm”, “hoa của đồng nội”, “lá của cành tơ”, “yến anh”, . .. dưới con mắt của người thi sĩ ấy đã hiện lên rất đáng yêu, làm mê đắm lòng người. Cuộc sống như bữa tiệc đang đón chào với những dư vị nồng nàn, lãng mạng của “tuần tháng mật”, mùi thơm dịu dàng của “đồng nội xanh rì”, sự cuốn hút ngọt ngào từ “khúc tình si”. Tình yêu lứa đôi hiện hữu làm cho cuộc sống này thêm ấm áp, ngọt ngào và hạnh phúc lan toả khắp mọi nơi.
Điệp đề “này đây” của Xuân Diệu được vận dụng một cách thông minh và đầy sáng tạo như lời mời gọi, phô diễn tất cả những tinh tuý, tuyệt tác của cuộc sống. Những khi sáng sớm, “thần Vui hằng gõ cửa” ta sẽ chào đón một ngày mới tràn đầy sự hạnh phúc, viên mãn. Hình ảnh so sánh vô cùng thú vị và rất gợi cảm “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, tháng giêng tháng của mùa xuân tràn trề sức sống được ví von như “một cặp môi gần”, đó là đôi môi căng mọng tuyệt đẹp của người con gái đang độ xuân thì. Có thể nói cái nhìn của Xuân Diệu vô cùng mới mẻ và hiện đại, ông đã lấy chuẩn mực vẻ đẹp của con người khi miêu tả cảnh sắc của thiên nhiên. Đây quả thật là một câu thơ đặc sắc và có ý nghĩa nghệ thuật vô cùng lớn lao. Quá sung sướng với sự khao khát của mình, tác giả đã vội vã lao theo nhịp đời gấp gáp, ông không thể chờ đợi “nắng hạ” bởi vì tâm hồn ông lúc nào cũng như đang là sắc xuân rực sáng.
Yêu cuộc sống thiết tha nhưng Xuân Diệu đã tận hưởng một cách vội vã và bám riết, ông không dấu nổi cảm xúc lo lắng, day dứt trong lòng. Cuộc đời là vô hạn nhưng đời người thì quá ngắn ngủi, những suy nghĩ day dứt cứ hiện lên trong đầu ông: Làm sao để níu kéo được thanh xuân? Làm sao để tận hưởng trọn vẹn cuộc đời?
Lời thúc giục vội vàng “Mau đi thôi!”, với đại từ nhân xưng “ta” được điệp lại nhiều lần thể hiện cái tôi mãnh liệt của tác giả. Hàng loạt những hình ảnh lãng mạn, như “sự sống mơn mởn”, “mây bay và gió thổi”, “cánh bướm với tình yêu”, . .. kết hợp với các động từ mạnh mẽ “ôm”, “riết”, “thâu” tạo thành tiếng cười sảng khoái, thưởng thức hương vị tình yêu nồng nàn. Câu thơ “Khi xuân hồng, ta muốn cắn vào mắt” khá độc đáo, mới mẻ, động từ “cắn” khiến ta thấy mùa xuân đầy thi vị, tạo cho ta cảm giác muốn chiếm hữu lấy vẻ đẹp, cái tinh tuý ấy của đất trời. Xuân Diệu nhận thấy không thể thay đổi quy luật tạo hoá, những câu thơ cuối bài như lời nhắn nhủ của ông với bạn đọc: Mỗi người chỉ có một lần được sống vậy nên hãy sống cuộc đời ý nghĩa, cháy hết mình với đam mê và khát vọng của bản thân mà không phải hối tiếc về sau này.
Theo như Hoài Thanh nhìn nhận Tản Đà là người “đã kéo những cung đàn khởi đầu cho một cuộc dạo chơi lãng mạn đương tiến hành” còn có lẽ Xuân Diệu là người đã đẩy những khúc nhạc ấy đến một vị trí xứng tầm trong lòng bạn đọc khi cho ra đời tập: Thơ thơ được đánh giá là đỉnh cao trong trào lưu thơ mới. Như vậy thông qua bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu, ta thấy được tình yêu quê hương da diết, nhựa sống mạnh mẽ mãnh liệt và khát khao cống hiến, cháy hết mình vì tuổi trẻ của nhà thơ Xuân Diệu. Nhà thơ cùng với những tác phẩm của mình sẽ sống mãi trong lòng độc giả gần xa.
4. Nhận xét chung:
Vội vàng là một trong số những bài thơ hay nhất và thể hiện phong cách thơ của nhà thơ Xuân Diệu. Một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp và tràn đầy sức sống hiện ra dưới ngòi bút của nhà thơ. Qua đó cho ta thấy tình yêu quê hương đất nước, niềm say mê và nhiệt huyết của tuổi trẻ, một bài thơ lãng mạn, hừng hực khí thế của tuổi trẻ, thật sự rất thơ thơ.
Trên đây là hướng dẫn phân tích bài thơ Vội vàng của nhà thơ Xuân Diệu, hy vọng mang lại những thông tin hữu ích cho bạn đọc và các bạn có thể vận dụng tham khảo để bài làm của mình thêm hay và sinh động hơn.